Khủng hoảng năng lượng đang tác động mạnh đến kinh tế châu Âu. (Nguồn: Getty Images) |
Theo tờ Irish Times, 2 quan chức trên cho biết, khoản vay chung này có thể mô phỏng theo khoản nợ chung từng được khối này áp dụng trong suốt đại dịch Covid-19 để trợ cấp việc làm.
Cùng ngày, Thủ tướng Anh Liz Truss cho rằng, đây là thời điểm thích hợp để nước này vay thêm nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời cho biết Anh có tỷ lệ nợ trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở mức thấp.
Trước đó, ngày 3/10, các bộ trưởng tài chính của Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cam kết đưa ra các biện pháp hỗ trợ tài chính tạm thời ở cấp độ quốc gia, nhằm ứng phó với chi phí năng lượng tăng cao.
Các biện pháp này sẽ được thực hiện phối hợp để ngăn chặn vòng xoáy giá cả và tiền lương nhằm kiểm soát lạm phát vốn đã ở mức cao kỷ lục.
Cam kết trên được các bộ trưởng tài chính của 19 quốc gia Eurozone đưa ra sau khi Đức công bố gói hỗ trợ trị giá 200 tỷ Euro (195 tỷ USD) để giúp các công ty và hộ gia đình đối phó với giá năng lượng tăng vọt.
Mức hỗ trợ của Đức cao hơn hơn nhiều so với mức hỗ trợ 67-68 tỷ Euro của Pháp và Italy, khiến một số nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) quan ngại.
Trong tuyên bố chung, các Bộ trưởng Eurozone cho biết, sẽ phối hợp các biện pháp hỗ trợ của mỗi nước để duy trì một "sân chơi bình đẳng" và tính toàn vẹn của thị trường chung EU.
Tuyên bố nhấn mạnh sự cần thiết phải ngăn chặn những tác động tiếp theo của cú sốc giá năng lượng và lạm phát leo thang.
Lạm phát tại Eurozone trong tháng 9 vừa qua đã ghi nhận mức cao kỷ lục mới, làm tăng sức ép đối với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong việc nâng lãi suất.
Số liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố ngày 30/9 cho thấy giá tiêu dùng tại Eurozone trong tháng 9 tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi ghi nhận mức tăng 9,1% trong tháng 8 - mức tăng cao nhất kể từ khi Eurostat thực hiện thống kê về lạm phát.
Tỷ lệ lạm phát trong tháng 9 tăng mạnh chủ yếu do giá năng lượng tăng tới 40,8%.