📞

Khủng hoảng năng lượng: Tiết kiệm là không đủ trước 'cơn khát' khí đốt, châu Âu phải chọn biện pháp cuối cùng

Linh Chi 15:53 | 05/10/2022
Cuộc khủng hoảng năng lượng đang buộc các chính phủ châu Âu phải đưa ra một số lựa chọn khó khăn. Việc yêu cầu người tiêu dùng và doanh nghiệp sử dụng ít năng lượng hơn có thể là không đủ trước "cơn khát" khí đốt của châu lục này.
Khủng hoảng năng lượng khiến Đức có thể phải cắt giảm xuất khẩu điện sang các quốc gia láng giềng. (Nguồn: Shutterstock)

Có những lo ngại thực sự rằng, một số nước châu Âu sẽ phải sử dụng đến việc phân bổ năng lượng trong mùa Đông này, khi châu lục nỗ lực đối phó với việc giảm nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ Nga.

Nhưng đối với các quốc gia đặc biệt phụ thuộc vào nhập khẩu khí đốt Moscow, việc yêu cầu người tiêu dùng và doanh nghiệp sử dụng ít năng lượng hơn có thể là không đủ.

Biện pháp cuối cùng

Ngày 4/10, tờ Financial Times đưa tin, Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu có thể phải cắt giảm xuất khẩu điện sang các quốc gia láng giềng để tránh sự cố lưới điện trong mùa Đông tới.

Đức có kế hoạch đóng cửa 3 lò phản ứng hạt nhân vào cuối năm nay. Tuy nhiên, quyết định này bị trì hoãn bởi nước này muốn tăng cường nguồn cung cấp năng lượng vào mùa Đông này.

Hendrik Neumann, Giám đốc kỹ thuật của công ty vận hành lưới điện lớn nhất của Đức - Amprion nói rằng, công ty này đang lên kế hoạch tạm dừng xuất khẩu năng lượng, biện pháp cuối cùng để tránh tình trạng tắc nghẽn và thiếu hụt nguồn cung cấp điện trong thời gian tới.

Năm ngoái, Nga cung cấp 55% lượng khí đốt nhập khẩu của Berlin và nền kinh tế lớn nhất châu Âu trở thành một trong những quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào Nga khi chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine bùng nổ.

Các nước Đông Âu cũng bị ảnh hưởng khi Điện Kremlin "khóa van" khí đốt.

Pháp là một trong những nhà sản xuất năng lượng ổn định nhất châu Âu do tập trung vào năng lượng hạt nhân. Tuy nhiên, công suất sản xuất đã giảm mạnh trong năm nay.

Những tháng gần đây, khoảng một nửa số nhà máy điện hạt nhân của Pháp đã ngừng hoạt động để bảo trì, nhân viên đình công và điều kiện thời tiết mùa Hè khắc nghiệt.

Bên cạnh đó, giá điện tại quốc gia này đã tăng lên cao nhất mọi thời đại, đạt đỉnh ở mức khoảng 1.100 Euro (tương đương 1.073 USD) mỗi Megawatt giờ vào cuối tháng 8.

Các nhà phân tích lo ngại, nước này có thể gặp khó khăn trong việc sản xuất đủ năng lượng hạt nhân để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu sang các nước láng giềng trong những tháng tới.

Theo Financial Times, Pháp sẽ nằm trong số các quốc gia bị ảnh hưởng nếu Đức cắt giảm xuất khẩu điện sang các nước láng giềng. Và trong bối cảnh nguồn cung năng lượng trên toàn châu lục đang thiếu hụt, quyết định của Berlin có thể gặp trở ngại.

Căng thẳng gia tăng

Khủng hoảng năng lượng cũng khiến các quốc gia châu Âu xích mích.

Tuần trước, Slovakia cảnh báo sẽ bắt đầu cắt giảm xuất khẩu điện sang các nước láng giềng nếu nước này không nhận thêm hỗ trợ tài chính từ Liên minh châu Âu (EU) để trang trải cho các hóa đơn năng lượng tăng vọt.

Trong tháng 8, Na Uy đã thay thế Nga trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn nhất châu Âu. Nhưng quốc gia này tuyên bố rằng, sẽ cắt giảm xuất khẩu điện sang các nước khác để bảo vệ kho dự trữ khí đốt cho mùa Đông.

Na Uy sở hữu tài nguyên thuỷ điện dồi dào, song, mùa Hè cực kỳ nóng và khô hạn đã khiến công suất sản xuất điện của nước này giảm đáng kể .

Quyết định của Na Uy không được lòng các nước láng giềng và các nhà khai thác lưới điện ở Đan Mạch, Thụy Điển và Phần Lan kêu gọi chống lại quyết định này .

Jukka Ruusunen, Giám đốc điều hành của Fingrid - nhà điều hành lưới điện truyền tải quốc gia Phần Lan khẳng định: “Đây sẽ là quốc gia đầu tiên ở châu Âu cắt giảm xuất khẩu điện. Đó sẽ là một bước đi rất nguy hiểm".

(theo Fortune, CNBC)