Dù thiếu Nga, châu Âu có thể 'dễ thở' hơn trong mùa Đông này và ở vị thế tốt hơn nhiều vào năm tới. (Nguồn: BTI) |
Khối 27 thành viên đã tăng cường nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) qua đường ống từ nơi khác, đẩy nhanh quá trình phê duyệt và xây dựng cơ sở hạ tầng LNG, đồng thời kêu gọi người dân cắt giảm mức tiêu thụ năng lượng. Tất cả những nỗ lực này đã diễn ra trong 20 tháng kể từ khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Kiev.
EU đã vượt qua ít nhất một bài kiểm tra với kết quả xuất sắc, đó là các cơ cở dự trữ khí đốt được lấp đầy 99% vào tuần trước - cao hơn mức 90% mà cơ quan điều hành EU đặt mục tiêu.
Châu Âu chưa hết lo
Về dài hạn, CNN nhận định, nhu cầu khí đốt của châu Âu đang giảm dần. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết, dự kiến nhu cầu nhiên liệu ở “các thị trường trưởng thành”, bao gồm châu Âu, Bắc Mỹ và một số khu vực ở châu Á, sẽ giảm 1% mỗi năm cho đến cuối năm 2026, khi các nước này phát triển năng lượng tái tạo.
Mặc dù tình trạng thiếu khí đốt ở châu Âu trong mùa Đông này khó có thể xảy ra, giá nhiên liệu vẫn là một mối lo ngại lớn.
Giá nhiên liệu trên các thị trường hàng hóa trong khu vực đã tăng 28% trong tháng qua. Ngay cả trước đợt tăng vọt đó, giá nhiên liệu vẫn gần như gấp đôi mức trung bình lịch sử.
Hồi tháng 10, IEA nhận định: "Nguồn cung LNG tăng không đủ để bù đắp sự sụt giảm mạnh của khí đốt Nga. Như vậy, châu Âu vẫn phải đối mặt với nguy cơ biến động giá cả, đặc biệt trong trường hợp mùa Đông quá lạnh giá.
Sự biến động đó có thể đồng nghĩa với việc giá ở châu Âu sẽ tăng nhiều hơn và phản ánh thực tế là khu vực hiện có ít lựa chọn hơn để mua thêm khí đốt nếu cần".
Theo Tập đoàn Moody's, EU có thể cần nhiều nhiên liệu hơn nếu mùa Đông sắp tới lạnh hơn so với dự kiến hoặc nếu Nga - quốc gia vẫn cung cấp khí đốt qua đường ống cho một số nước châu Âu, bao gồm Hungary và Áo - cắt đứt hoàn toàn hoạt động xuất khẩu.
Tập đoàn đánh giá rằng, giá khí đốt cao gây ra trở ngại kinh tế cho một số nước châu Âu - đặc biệt là Đức, nền kinh tế lớn nhất khu vực.
Đồng quan điểm, Jack Sharples, nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford cho hay: “Nhu cầu tăng hoặc nguồn cung bị cắt giảm đều khiến giá nhiên liệu tại châu Âu tăng mạnh”.
Giá khí đốt có thể tăng vụt
Giá hợp đồng khí đốt chuẩn của châu Âu tăng từ 36 Euro (tương đương 38 USD) lên 47 Euro (tương đương 50 USD) mỗi megawatt/giờ kể từ ngày 5/10, ngay trước khi xung đột Hamas-Israel làm lung lay niềm tin của các nhà giao dịch.
Theo các chuyên gia, xung đột có thể lan rộng và ảnh hưởng đến eo biển Hormuz - tuyến đường thủy quan trọng được sử dụng để xuất khẩu LNG.
S&P Global thông tin, khoảng 1/5 nguồn cung LNG toàn cầu đi qua kênh ở bờ biển phía Nam Iran.
Cuộc tấn công của Hamas khiến "gã khổng lồ" năng lượng Chevron (Mỹ) phải đóng cửa mỏ khí đốt Tamar ngoài khơi bờ biển phía Nam Israel, nơi xuất khẩu nhiên liệu sang các nước láng giềng Jordan và Ai Cập.
Các nhà phân tích nói rằng, việc giảm dòng khí đốt của Israel đến Cairo, nơi xử lý một số kho khí đốt thành LNG để vận chuyển ra nước ngoài, có thể đồng nghĩa với việc xuất khẩu LNG của Ai Cập ít hơn hoặc không có trong mùa Đông này.
Về phía Phần Lan, nước này cho biết đã tạm thời đóng cửa đường ống nối với Estonia do nghi ngờ bị rò rỉ.
Chính quyền Phần Lan đã mở một cuộc điều tra hình sự về việc liệu đường ống có cố ý làm hư hỏng hay không. Điều này làm dấy lên lo ngại về tính dễ bị tổn thương của cơ sở hạ tầng quan trọng của châu Âu, hơn một năm sau khi một loạt vụ nổ làm rung chuyển đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Steam 1) - từng là huyết mạch đưa khí đốt của Nga tới Phần Lan.
Theo ông Simone Tagliapietra, một thành viên cao cấp tại Bruegel - nhóm chuyên gia cố vấn chuyên nghiên cứu chính sách về các vấn đề kinh tế, châu Âu đang ở thế "an toàn trong mùa Đông”, nhưng việc phụ thuộc vào LNG để có thêm nguồn cung có nghĩa là “nếu có chuyện gì xảy ra”, giá khí đốt, nhiên liệu có thể tăng vọt.
Đồng quan điểm, ông Bill Weatherburn, nhà kinh tế hàng hóa tại Capital Economics nhấn mạnh: "Sự phụ thuộc của châu Âu vào LNG gần đây đã thúc đẩy một số nước trong khu vực, bao gồm cả Pháp và Italy, ký hợp đồng 27 năm với Qatar để nhập khẩu mặt hàng này. Đây là điều mà khối đã tránh né trong quá khứ".
Nhà ga Wilhelmshaven LNG ở Wilhelmshaven, Đức. (Nguồn: Bloomberg) |
Chờ làn sóng LNG mới
Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng trang CNN cho rằng, châu Âu có thể "dễ thở" hơn trong mùa Đông năm nay và ở vị thế tốt hơn nhiều vào năm tới.
Giá khí đốt ở châu Âu giảm 86% so với mức cao nhất mọi thời đại hồi tháng 8/2022 là 339 Euro (tương đương 357 USD) mỗi megawatt/giờ.
Trong vài năm tới, IEA cho rằng, có thể xuất hiện một làn sóng LNG mới tiến ra thị trường toàn cầu.
Báo cáo Triển vọng năng lượng thế giới của cơ quan trên đưa ra dự báo, sẽ có 250 tỷ m3 công suất hóa lỏng mới sẽ đi vào hoạt động vào năm 2030, tương đương với gần một nửa nguồn cung LNG toàn cầu hiện nay.
Tương tự, nhà kinh tế Weatherburn nhận định rằng, từ đầu năm 2024, một lượng lớn nguồn cung LNG sẽ bắt đầu chảy vào thị trường toàn cầu. Điều này sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến giá khí đốt tự nhiên của châu Âu và giá LNG của châu Á.
Ông dự đoán: "Hai năm tới, thị trường sẽ chứng kiến sự xuất hiện của một số cơ sở xuất khẩu LNG ở Mỹ và giai đoạn đầu tiên của việc mở rộng mỏ khí đốt ngoài khơi quan trọng ở Qatar. Những cột mốc quan trọng này sẽ đưa giá khí đốt ở châu Âu xuống còn 30 Euro (tương đương 32 USD) mỗi megawatt/giờ vào cuối năm tới".