Số lượng trẻ sơ sinh giảm nhanh chóng đã ảnh hưởng đáng kể đến hệ thống các trường mầm non trên khắp Trung Quốc. (Nguồn: Getty) |
Chính quyền huyện Subei, nằm ở khu tự trị Nội Mông thuộc tỉnh Cam Túc, Tây Bắc Trung Quốc, nơi trung bình chỉ có 5 trẻ ra đời mỗi tháng, vừa công bố khoản trợ cấp "khủng" lên tới 100.000 NDT (khoảng 13.812 USD) cho các gia đình có nhiều hơn 1 con.
Có diện tích hơn 66.000 km2 nhưng chỉ có 15.000 cư dân thường trú, huyện Subei là một trong số rất nhiều huyện thiểu số của Trung Quốc đang phải vật lộn với bài toán tăng dân số giữa bối cảnh khủng hoảng nhân khẩu học đang diễn ra trên toàn quốc.
Thông báo đăng trên website của địa phương ghi rõ, chính quyền huyện cam kết sẽ chi tiền mặt để khuyến khích người dân sinh thêm con. Theo đó, chính quyền sẽ hỗ trợ tài chính liên tục trong 3 năm cho các cặp vợ chồng có con thứ 2 hoặc thứ 3.
Nếu sinh con thứ hai, các gia đình sẽ nhận được khoản trợ cấp hằng tháng bắt đầu từ 1.000 NDT (138 USD) trong năm đầu tiên, tăng lên 1.400 NDT trong năm thứ hai và 1.700 NDT trong năm thứ ba. Nếu sinh con thứ ba, khoản trợ cấp hằng tháng sẽ bắt đầu từ 2.000 NDT, tăng dần lên 3.000 NDT và 3.300 NDT (456 USD) theo thời gian tương ứng.
Đặc biệt với những cư dân không phải là người gốc địa phương, nếu chấp nhận chuyển hộ khẩu về huyện sinh sống, khi sinh thêm con sẽ nhận khoản trợ cấp lên tới 10.000 NDT và được trao một lần.
Sáng kiến này bắt đầu được huyện Subei triển khai từ cuối tháng 10/2024 và nhận được sự hưởng ứng từ phía người dân địa phương.
Tính đến thời điểm này, đây cũng là khoản hỗ trợ cao nhất được một chính quyền địa phương đề xuất nhằm đối phó với cuộc chiến nhân khẩu học tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Theo một quan chức địa phương, huyện Subei đã ghi nhận tỷ lệ sinh giảm trong những năm gần đây, với mức giảm tổng dân số lần đầu tiên sau nhiều thập niên vào năm ngoái.
Nối gót Subei, thành phố Luliang ở tỉnh Sơn Tây vào đầu tháng 11 cũng đã đưa ra một loạt biện pháp mới để khuyến khích giới trẻ kết hôn và sinh con, bao gồm việc trợ cấp 8.000 NDT cho các gia đình có ba con, 5.000 NDT cho những hộ có hai con và 1.000 NDT cho gia đình có một con.
Tình trạng tiến thoái lưỡng nan về nhân khẩu học mà Subei, huyện lớn nhất tỉnh Cam Túc về diện tích, đang phải đối mặt là điển hình khá phổ biến của nhiều tỉnh vùng sâu, vùng xa của Trung Quốc, nơi đang phải đối mặt với tình trạng di cư cấp tính và tỷ lệ sinh giảm, xu hướng đe dọa trực tiếp đến sự thịnh vượng kinh tế lâu dài của địa phương.
Năm 2023, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Subei ở mức 2,6 tỷ NDT (359 triệu USD), tương đương với GDP bình quân đầu người là hơn 173.000 NDT.
Cũng trong năm ngoái, Trung Quốc chỉ có 9 triệu trẻ sơ sinh, con số thấp nhất kể từ khi dữ liệu này bắt đầu được ghi chép vào năm 1949. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã mất vị thế quốc gia đông dân nhất về tay Ấn Độ.
Theo báo cáo của Viện nghiên cứu Sunglory Education có trụ sở tại Bắc Kinh, số lượng trẻ sơ sinh giảm nhanh chóng đã ảnh hưởng đáng kể đến hệ thống các trường mầm non trên khắp Trung Quốc, khi số lượng giáo viên mầm non giảm hơn 170.000 người vào năm ngoái, đánh dấu mức giảm đầu tiên kể từ năm 2010.
Trong khi đó, theo một báo cáo do Viện nghiên cứu dân số Yuwa có trụ sở tại Bắc Kinh đưa ra mới đây, tỷ lệ sinh thấp sẽ đẩy nhanh tình trạng già hóa dân số của quốc gia Đông Bắc Á này, từ đó làm gia tăng tỷ lệ phụ thuộc xã hội, nợ chính phủ, gây căng thẳng cho hệ thống an sinh xã hội, làm tổn hại tiến trình đổi mới xã hội, tinh thần kinh doanh trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế đang chậm lại.
“Đây là hệ lụy mà Trung Quốc đang phải đối mặt (sau nhiều thập niên thực hiện chính sách kế hoạch hóa gia đình). Vấn đề là ngay cả khi tỷ lệ sinh tăng thì vẫn sẽ có ít trẻ em hơn do số lượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giảm vì ảnh hưởng bởi chính sách một con”, Giáo sư Hu Zhan, chuyên gia hàng đầu về nhân khẩu học tại Đại học Phúc Đán phân tích.
Trước làn sóng các địa phương Trung Quốc đua nhau đưa ra các khoản trợ cấp để khuyến khích sinh con, ông Zhao Xudong, Giáo sư của Khoa Nghiên cứu xã hội thuộc Đại học Nhân dân Bắc Kinh lại đặt câu hỏi về nguồn tài chính cũng như tính bền vững của những chương trình này.
“Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để duy trì động lực đó và liệu người dân có thực sự bị thuyết phục?", chuyên gia Zhao Xudong đặt vấn đề.