Sri Lanka đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ khi cuộc nội chiến tại nước này kết thúc năm 2009. Cuộc biểu tình bạo loạn ngày 9/7 là đỉnh điểm phẫn nộ của người dân đối với tình trạng khủng hoảng kinh tế, gây ra sự thiếu hụt các mặt hàng thiết yếu, bao gồm thực phẩm, nhiên liệu và thuốc men suốt nhiều tháng qua.
Những người tham gia biểu tình đòi Tổng thống Gotabaya Rajapaksa phải từ chức cũng là những người từng ủng hộ những người trong gia tộc Rajapaksa lên cầm quyền. (Nguồn: CNN) |
Những người tham gia biểu tình đòi Tổng thống Gotabaya Rajapaksa phải từ chức cũng chính là những người đã từng ủng hộ những người trong gia tộc Rajapaksa lên cầm quyền do họ có công lớn trong việc tiêu diệt lực lượng Hổ Tamil đem lại hòa bình cho Sri Lanka.
Bản thân ông Gotabaya là Bộ trưởng Quốc phòng trong cuộc nội chiến, đã được người dân Sri Lanka đưa lên làm Tổng thống sau khi xảy ra vụ khủng bố hàng loạt tại Sri Lanka năm 2019, với hy vọng ông này một lần nữa mang lại an toàn cho đất nước.
Nhưng giờ đây, người dân Sri Lanka đã quyết định Tổng thống Gotabaya Rajapaksa phải ra đi. Tất nhiên, tìm ra được một người lãnh đạo mới, một chính phủ mới được nhân dân Sri Lanka chấp nhận vào lúc này là điều thực sự khó, bởi người dân Sri Lanka đã mất lòng tin vào cả hệ thống chính quyền cho dù chính quyền đó thuộc đảng nào.
Cuộc khủng khoảng kinh tế đã trở thành một cuộc khủng hoảng chính trị tại Sri Lanka. |
Nguồn cơn sâu xa và trực tiếp
Điều gì đã khiến một quốc gia giàu tiềm năng phát triển như Sri Lanka lại lâm vào tình cảnh như hiện nay? Không có một nguyên nhân riêng rẽ nào có thể trả lời được câu hỏi này, mà đó là hệ quả của nhiều nguyên nhân bên trong và bên ngoài, khách quan và chủ quan, có những nguyên nhân tồn tại từ lâu và những nhân tố mới nảy sinh.
Nguyên nhân sâu xa phải kể đến trước hết là nền kinh tế Sri Lanka quá phụ thuộc vào bên ngoài, chủ yếu dựa vào xuất khẩu một số mặt hàng như chè, cao su, dệt may, và đặc biệt dựa vào du lịch và dịch vụ đường biển, nên rất dễ tổn thương trước những biến động kinh tế trên thế giới.
Nguyên nhân sâu xa thứ hai là sau khi nội chiến kết thúc, Sri Lanka bước vào khôi phục kinh tế, với một chính sách vay nợ nước ngoài tràn lan để xây dựng các dự án cơ sở hạ tầng bất kể khả năng sinh lời của nó.
Tích tụ lại cho đến nay, nợ nước ngoài của Sri Lanka đã lên tới 51 tỷ USD, và mỗi năm nợ đáo hạn phải trả là 7 tỷ USD/năm, quá lớn so với khả năng của Sri Lanka. Vay nợ để phát triển cơ sở hạ tầng là bình thường và cần thiết, nhưng nếu các dự án cơ sở hạ tầng đó không sinh lời, do vậy không trả được nợ, thì sẽ bị rơi vào bẫy nợ.
Sri Lanka là trường hợp điển hình, vay tiền Trung Quốc để xây dựng cảng Hambantota, nhưng không có tàu cập cảng, không thu được phí dịch vụ, không sinh lời, nên không trả được nợ đáo hạn cho Trung Quốc và cuối cùng buộc phải bán cho Trung Quốc theo thời hạn 99 năm.
Để trả nợ, Sri Lanka buộc phải lấy từ nguồn ngân sách eo hẹp. Trong khi đó, Sri Lanka thường xuyên nhập siêu khoảng 10 tỷ USD năm, do vậy nguồn dự trữ ngoại tệ cũng bị hạn chế, không đủ để nhập khẩu hàng hóa thiết yếu phục vụ cho cuộc sống của người dân.
Trong bối cảnh như vậy, Sri Lanka lại gặp phải 2 cú sốc liên tiếp làm giảm nguồn thu cho ngân sách và dự trữ ngoại tệ. Đầu tiên là vụ khủng bố hàng loạt tại Sri Lanka năm 2019 nhằm vào các nhà thờ và khách sạn lớn làm hơn 300 người chết, gây ra tác động mạnh, làm giảm nguồn từ ngành du lịch.
Cú sốc thứ hai là đại dịch Covid-19 từ 2020 với những biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt đã chặn đứng ngành du lịch. Ngành này mỗi năm đem lại nguồn thu 5 tỷ USD đóng góp 25% ngân sách cho Sri Lanka, nhưng giờ đây toàn bộ nguồn thu từ du lịch đã hoàn toàn biến mất. Đại dịch cũng làm mất đi nguồn thu từ xuất khẩu lao động của Sri Lanka.
Đại dịch Covid-19 và xung đột Nga-Ukraine tác động làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa và dịch vụ không chỉ Sri Lanka mà nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, những nước có nền tảng kinh tế yếu, quá phụ thuộc vào bên ngoài và thiếu những biện pháp ứng phó linh hoạt và kịp thời như Sri Lanka sẽ phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Những cú sốc liên tiếp và chính sách sai lầm của chính phủ khiến cho đời sống người dân lâm vào khổ cực. (Nguồn: Deccan Herald) |
Trong khi đó, nền kinh tế Sri Lanka lại bị giáng những đòn liên tiếp bởi những sai lầm về chính sách của chính quyền Tổng thống Gotabaya. Vào thời điểm mới lên cầm quyền, Tổng thống Gotabaya thực hiện chính sách giảm thuế hàng loạt nhằm kích thích kinh tế, nhưng gây ra tác động ngược lại là làm giảm thu ngân sách từ thuế.
Khi nguồn ngoại tệ bị cạn kiệt, chính phủ lại ra lệnh cấm nhập phân bón, ép nông dân chuyển sang dùng phân hữu cơ. Biện pháp này cũng gây phản tác dụng, khiến sản lượng nông nghiệp, cụ thể là chè, cao su và gạo bị suy giảm, dẫn đến tình trạng thiếu lương thực.
Trong bối cảnh tình trạng khan hiếm hàng hóa, lạm phát xảy ra do thiếu ngoại tệ để nhập khẩu thì lẽ ra Colombo cần phải khẩn trương đàm phán với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và các nhà tài trợ để cứu vãn nền kinh tế. Tuy nhiên, chính phủ đã tỏ ra rất chậm trễ, ngập ngừng trong đàm phán, khiến nạn thiếu đói kéo dài quá sức chịu đựng của người dân, dẫn đến biểu tình bạo loạn và khủng hoảng chính trị như hiện nay.
Tác động sâu rộng và toan tính của các bên
Khủng hoảng tại Sri Lanka đang gây ra những tác động sâu rộng cả về đối nội cũng như đối ngoại. Về đối nội, khủng hoảng chính trị đang ra một khoảng trống quyền lực ở Sri Lanka, nếu không sớm thành lập được chính phủ mới, thì có khả năng dẫn đến sự nổi lên của các lực lượng cực đoan, đưa đất nước này lún sâu hơn nữa vào tình trạng hỗn loạn.
Về đối ngoại, Sri Lanka với vị trí địa lý của mình luôn đóng vai trò quan trọng trong chiến lược của các nước lớn. Cuộc khủng hoảng làm cho đất nước Sri Lanka suy yếu và trở thành cơ hội cho các cường quốc tranh giành ảnh hưởng tại đây.
Kết quả cuộc cạnh tranh này sẽ phụ thuộc chủ yếu vào khả năng nước nào tham gia vào việc giải quyết cuộc khủng hoảng tại quốc gia Nam Á này hiện nay.
Đối với Trung Quốc, Sri Lanka là một mắt xích quan trọng trong kế hoạch Vành đai con đường và Chuỗi ngọc trai ở Ấn Độ Dương. Tuy nhiên, Bắc Kinh hiện chưa đáp ứng đề nghị của Colombo về việc giúp đỡ tài chính. Nguyên nhân có thể là nước này đang gặp khó khăn về kinh tế và không muốn bị chỉ trích thêm do đã thực hiện ngoại giao bẫy nợ đối với Sri Lanka.
Trung Quốc cũng có thể đang chờ đợi một chính phủ mới được thành lập ở Sri Lanka, sau đó mới quyết định dùng viện trợ để tranh thủ, lôi kéo "hòn ngọc Ấn Độ Dương" vào quỹ đạo của mình.
Cảng Hambantota ở Sri Lanka. (Nguồn: HIP) |
Với Ấn Độ, một nước Sri Lanka bị khủng hoảng và rơi vào quỹ đạo của Trung Quốc sẽ là một thách thức an ninh lớn đối với sườn phía Đông Nam của mình và đối với việc triển khai chính sách Láng giềng trên hết, nhằm duy trì ảnh hưởng nổi trội của Ấn Độ ở Nam Á và Ấn Độ Dương.
Do vậy, từ khi cuộc khủng hoảng nổ ra, New Delhi đã rất tích cực can dự, đến nay đã cho Colombo 4 tỷ USD để tái cơ cấu nợ và có ngoại tệ để nhập hàng thiết yếu. Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh hôm 15/7 cho biết nước này đang cố gắng trợ giúp quốc gia láng giềng Sri Lanka trong thời kỳ khủng hoảng càng nhiều càng tốt.
Với Mỹ, Sri Lanka đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Mỹ đang tích cực thông qua IMF để giúp Sri Lanka vượt qua khủng hoảng, tuy nhiên giúp đỡ của IMF luôn kèm theo các điều kiện chặt chẽ, khiến cho đàm phán bị kéo dài.
Nhìn chung, Ấn Độ và Mỹ đang có lợi thế vào thời điểm hiện nay để gia tăng ảnh hưởng tại Sri Lanka, nhưng chắc chắn Trung Quốc sẽ không ngồi yên để mất "dấu chân" của mình tại quốc gia quan trọng này.