Ngày 19/10, trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg, ông Tillerson cho biết ông "không có nhiều kỳ vọng" rằng cuộc khủng hoảng sẽ được giải quyết sớm bởi vì một số bên "có vẻ như không sẵn lòng tham gia tiến trình hòa giải".
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson phát biểu tại Đại hội Dầu khí Thế giới lần thứ 22, tháng 7/2017 tại Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn: AFP) |
Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh việc hòa giải phụ thuộc vào lãnh đạo các bên liên quan, cụ thể là 4 nước Arab gồm Saudi Arabia, Bahrain, Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) vì Doha đã tuyên bố rõ ràng sẵn sàng tham gia hòa giải. Washington sẽ nỗ lực đảm bảo liên lạc thông suốt giữa các bên.
Chuyến công du của Ngoại trưởng Tillerson kéo dài từ ngày 20 - 27/10 và dừng chân tại 4 nước Saudi Arabia, Qatar, Ấn Độ và Pakistan. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, bên cạnh căng thẳng ngoại giao vùng Vịnh, vấn đề Iran, xung đột Yemen và cuộc chiến chống khủng bố cũng nằm trong chương trình nghị sự của ông Tillerson trong chuyến công du này.
Hồi tháng 7, ông Tillerson cũng từng công du tới vùng Vịnh để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng khu vực song không đạt được kết quả. Chính quyền Mỹ mới đây đã thay đổi quan điểm, kêu gọi hòa giải.
Liên quan đến khủng hoảng vùng Vịnh, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry cùng ngày cho biết, Ai Cập cùng nhiều nước Arab khác cũng đang quan ngại về triển vọng giải quyết căng thẳng ngoại giao. Theo hãng tin nhà nước MENA của Ai Cập, trong cuộc họp báo chung tại thủ đô Cairo với Ngoại trưởng Bồ Đào Nha Augusto Santos Silva, ông Shoukry cho rằng bế tắc là do Doha vẫn chưa có các bước đi "tích cực" cần thiết. Ngoại trưởng Ai Cập cho biết 4 nước Arab vẫn giữ các yêu sách đối với Doha.
Cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Qatar và 4 nước Arab bùng phát từ đầu tháng 6 vừa qua khi các nước Arab đồng loạt cắt đứt quan hệ ngoại giao và các tuyến vận tải với Qatar kèm cáo buộc Doha hỗ trợ khủng bố. Chính phủ Qatar cực lực phủ nhận cáo buộc này. Đây là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua giữa các quốc gia tại vùng Vịnh và cho đến nay vẫn chưa có lối thoát do các bên không chịu thỏa hiệp hay nhượng bộ.
Nhóm 4 nước Arab đưa ra bản yêu sách gồm 13 điểm đối với Qatar, trong đó có việc yêu cầu Doha đóng cửa kênh truyền hình Al Jazeera, hạ cấp quan hệ với Iran, đóng cửa căn cứ quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ Qatar. Doha đã thẳng thừng từ chối, cho rằng những yêu cầu này là "phi thực tế, không hợp lý và không thể chấp nhận được".