Chịu ảnh hưởng bởi một số khó khăn do bất ổn xã hội và tình hình dịch bệnh, nền kinh tế Hong Kong (Trung Quốc) suy giảm mạnh trong các năm 2019, 2020 sau nhiều thập kỷ tăng trưởng liên tục. Tuy nhiên, nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh và xã hội dần ổn định, năm 2021 kinh tế Hong Kong đã từng bước phục hồi.
Quang cảnh cảng container quốc tế Hong Kong, một trong những cảng biển quốc tế lớn. Trong điều kiện dịch bệnh, cảng vẫn đảm bảo trung chuyển hàng hóa thông suốt. (Nguồn: hongkongmaritimehub.com) |
Chỉ số kinh tế vĩ mô khả quan
Theo các số liệu kinh tế vĩ mô mới công bố gần đây, tăng trưởng GDP của Hong Kong trong 3 quý vừa qua ở mức 7% so với cùng kỳ, và dự kiến cả năm 2021 sẽ tăng trưởng ở mức 6,4%. Các số liệu này rõ ràng khả quan hơn rất nhiều so với các chỉ số hai năm liền kề trước đó.
Trong hai năm liên tiếp 2019 và 2020, tăng trưởng của nền kinh tế Hong Kong lần lượt ở mức -1,2% và -6,1%, có những quý như quý 1, quý 2 năm 2020 suy giảm ở mức tới -9%, đều là những mức suy giảm thấp chưa từng có.
Các khó khăn trên chủ yếu do tình hình bất ổn xã hội vì các cuộc biểu tình nửa cuối năm 2019 và tình hình dịch bệnh từ đầu năm 2020 diễn ra tại Hong Kong đã tác động mạnh đến các ngành kinh tế chủ chốt như du lịch, dịch vụ…
Một số chỉ số vĩ mô khác của nền kinh tế Hong Kong cũng khá khả quan, như tỷ lệ thất nghiệp hiện đang giảm. Tỷ lệ thất nghiệp theo mùa tính từ tháng 9 đến tháng 11 vừa qua giảm 0,2% so với kỳ thống kê trước đó, hiện chỉ ở mức 4,1%.
Với dân số khoảng 7,5 triệu người hiện nay, có 3,67 triệu người hiện có việc làm, 158 nghìn người thất nghiệp. Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Hong Kong cũng tăng trong quý 3 vừa qua, với mức tăng trưởng lần lượt là 14,2% và 4,2% so với cùng kỳ.
Tổng kim ngạch thương mại hàng hóa trong 9 tháng đầu năm đạt tới 1 nghìn tỷ USD, vượt mức cao kỷ lục của năm 2018 tới 13,2%. Điều đó cho thấy Hong Kong vẫn đóng vai trò quan trọng, là trung tâm thương mại, trao đổi hàng hóa lớn của khu vực.
Nhờ việc kiểm soát dịch tốt và tình hình xã hội ổn định trở lại, trong năm 2021 các hội chợ, triển lãm vốn là thế mạnh của Hong Kong được khôi phục.
Tháng 7 vừa qua, hội chợ sách, một trong những hội chợ lớn nhất trong năm tổ chức tại Hong Kong với nhiều nhà xuất bản lớn trên thế giới tham gia triển lãm, đã diễn ra sau một năm trì hoãn, thu hút gần 1 triệu lượt khách tham quan mua sắm.
Dịp cuối năm 2021, hội chợ hàng hóa, sản phẩm gia dụng, thực phẩm cũng đang được tổ chức tại địa điểm quen thuộc là Công viên Victoria, với quy mô 830 gian hàng trưng bày, bán sản phẩm.
Để tổ chức được các sự kiện như trên, Hong Kong hiện vẫn duy trì quy định cách ly với người nhập cảnh chặt chẽ nhằm kịp thời phát hiện các ca nhiễm để cách ly ngay.
Đồng thời người tham dự các sự kiện phải đeo khẩu trang liên tục, khi vào hội chợ phải sử dụng chương trình ứng dụng để ghi nhận tình trạng sức khỏe và theo dõi lịch trình di chuyển, không ăn uống trong phạm vi không gian hội chợ và chỉ giới hạn số lượng người nhất định được vào trong một thời điểm để đảm bảo khoảng cách, tránh tụ tập đông người.
Tiếp tục phát huy lợi thế
Có được những kết quả kinh tế khả quan trên là do Hong Kong đã tận dụng một số lợi thế vốn có và kịp thời đề ra các biện pháp phù hợp với tình hình.
Hong Kong hiện vẫn được xem là nền kinh tế có mức độ tự do, tạo thuận lợi cho kinh doanh hàng đầu trên thế giới, với hàng nghìn các công ty, tập đoàn lớn của Trung Quốc đại lục và quốc tế duy trì văn phòng đại diện tại thị trường này nhằm vươn ra khu vực và toàn cầu, cùng hàng nghìn công ty mới khởi nghiệp.
Hong Kong cũng có lượng dự trữ ngoại hối tương đối lớn. Theo công bố của HKMA (cơ quan tiền tệ Hong Kong), tính đến cuối năm 2020 lượng dự trữ ngoại hối của Hong Kong lên tới 491 tỷ USD.
Khách tham quan, mua sách tại Hội chợ sách Hong Kong tháng 7/2021, được tổ chức lại sau một năm trì hoãn. (Nguồn: SCMP) |
Nhờ đó, Hong Kong có điều kiện triển khai một số chương trình kích cầu, hỗ trợ người dân trong điều kiện dịch bệnh, như hỗ trợ mỗi người dân đủ điều kiện đăng ký một phiếu mua hàng điện tử trị giá 5.000 HKD (khoảng 700 USD), giúp tăng sức mua của người dân, kích thích đáng kể nhu cầu của thị trường.
Đồng thời, trong điều kiện phòng chống dịch bệnh, các lĩnh vực dịch vụ công vẫn được duy trì và hoạt động tốt, nhờ đó các hoạt động xã hội vẫn diễn ra bình thường, không bị gián đoạn, góp phần đảm bảo cho nền kinh tế được vận hành liên tục, thông suốt.
Hong Kong hiện vẫn được xem là nền kinh tế có mức độ tự do, tạo thuận lợi cho kinh doanh hàng đầu trên thế giới, với hàng nghìn các công ty, tập đoàn lớn của Trung Quốc đại lục và quốc tế duy trì văn phòng đại diện tại thị trường này nhằm vươn ra khu vực và toàn cầu, cùng hàng nghìn công ty mới khởi nghiệp. |
Về trung và dài hạn, để tiếp tục phục hồi và duy trì, phát huy các lợi thế, nhất là vị trí cầu nối giữa thị trường Trung Quốc đại lục với thị trường thế giới, đại diện chính quyền Hong Kong mới đây cho biết, Hong Kong sẽ tranh thủ sự ủng hộ của chính quyền trung ương, thúc đẩy kết nối mạnh mẽ hơn nữa với đại lục thông qua việc thực hiện các chương trình, kế hoạch lớn như kế hoạch 5 năm lần thứ 14, sáng kiến Khu vực Vịnh Lớn (GBA), phát huy thế mạnh trong lĩnh vực tài chính, vận tải, thương mại quốc tế, logistics, đổi mới công nghệ sáng tạo, dịch vụ pháp lý…
Bên cạnh đó, Hong Kong cũng sẽ tích cực hợp tác với các đối tác, trước hết là ASEAN, đối tác thương mại lớn thứ hai của Hong Kong trong suốt 10 năm qua, thúc đẩy thực thi các hiệp định thương mại tự do và hiệp định đầu tư Hong Kong - ASEAN thực chất, hiệu quả; sớm đàm phán gia nhập Hiệp định RCEP (Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực), giúp phát huy lợi thế và gắn nền kinh tế Hong Kong vào sự phát triển kinh tế chung của khu vực.
Theo một số dự báo của các tổ chức kinh tế, kinh tế Hong Kong năm 2022 sẽ duy trì được đà phục hồi và tăng trưởng, nhất là khi tình hình dịch bệnh tại đây cũng như trên thế giới được kiểm soát tốt hơn.
Đây là tiền đề để Hong Kong thúc đẩy kế hoạch mở cửa trở lại với các đối tác kinh tế, góp phần vào sự phục hồi chung của kinh tế khu vực và thế giới sau đại dịch.
| Thủ tướng Phạm Minh Chính: Kiểm soát thật tốt dịch bệnh để thúc đẩy các hoạt động kinh tế-xã hội Sáng 10/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (Ban Chỉ đạo) chủ trì họp ... |
| Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nắm chắc, dự báo tốt tình hình, đặc biệt là về dịch Covid-19 Ngày 2/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2021 ... |