📞

Kiểm toán Nhà nước là cơ quan bảo vệ sự liêm chính trong quản lý tài chính công

19:45 | 02/02/2017
Hôm nay, 2/2 (mùng 6 Tết), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm và làm việc với Kiểm toán Nhà nước (KTNN).

Đánh giá cao thành tích mà KTNN đạt được thời gian qua, Thủ tướng cho rằng KTTNN có bước trưởng thành rất lớn về mọi mặt.

Với đặc điểm nước ta có chế độ công hữu về đất đai, tài chính công, tài sản công rất lớn thì việc quản lý, giám sát rất quan trọng. “Thành tích về vấn đề này chính là các đồng chí đã truy thu một khoản tiền rất lớn cho ngân sách Nhà nước”, Thủ tướng nói. (Theo báo cáo được Tổng KTNN Hồ Đức Phớc trình bày, trong giai đoạn 2012-2016, KTNN đã góp phần tăng thu, giảm chi ngân sách và xử lý tài chính khác 115.203 tỷ đồng, trong đó năm 2016 đã kiến nghị xử lý tài chính 35.931 tỷ đồng, cao nhất trong 22 năm hoạt động của KTNN và tăng gấp 1,8 lần so với năm 2015 (19.863 tỷ đồng).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc với KTNN.

Thủ tướng cũng biểu dương các kiến nghị của KTNN về sửa đổi thể chế, chính sách khi mà qua hoạt động của mình, KTNN đã phát hiện các sơ hở về mặt luật pháp dễ bị lạm dụng, gây lạm quyền, thất thoát tài sản. “Tôi cho rằng khâu này rất quan trọng đối với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Việt Nam”, Thủ tướng bày tỏ và đánh giá cao việc kiểm toán phục vụ nhiệm vụ chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế xã hội đất nước như: Kiểm tra việc thu phí BOT, định giá doanh nghiệp phục vụ cổ phần hóa…

Thủ tướng cho rằng, uy tín của KTNN trước Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân ngày càng được khẳng định và nâng cao.

KTNN phải đi đầu trong xây dựng Chính phủ liêm chính

Nêu rõ quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động phục vụ người dân và doanh nghiệp, Thủ tướng đặt vấn đề KTNN phải gương mẫu, đi đầu trong xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động. “Đây là yêu cầu lớn đối với tất cả cơ quan Nhà nước. Theo luật pháp hiện hành, Chính phủ có nhiệm vụ trước tiên là điều hành đất nước, quản lý kinh tế-xã hội. Nhưng chúng ta đang nói một xu hướng mới của thời đại với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chúng ta không chủ động kiến tạo phát triển và đi liền với liêm chính, hành động nhanh, tốt, uy tín trước nhân dân thì chúng ta thất bại”. “Tôi đồng ý với ý kiến là muốn kiến tạo phát triển tốt thì điều hành và quản lý tốt. Cho nên vai trò của KTNN trong 2 vấn đề này càng lớn”.

Thủ tướng mong muốn, thông qua chức năng, nhiệm vụ của mình, KTNN phải bảo đảm sự liêm chính trong quản lý kinh tế của Nhà nước, đặc biệt là quản lý tài chính công và tài sản công. KTNN trước hết chính mình cũng phải liêm chính.

KTNN không phải chỉ phát hiện sai phạm, căn ke đúng sai mà điều quan trọng hơn là qua công tác kiểm toán, phát hiện những lỗ hổng, chỗ bất hợp lý của pháp luật, công tác quản lý để "vá lại", hoàn thiện thể chế. Dẫn lại báo cáo của KTNN, Thủ tướng đánh giá, thời gian qua, KTNN đã làm được một bước trong lĩnh vực này. Cụ thể, năm 2016, KTNN đã kiến nghị sửa đổi bổ sung, thay thế, hủy bỏ 110 văn bản nhằm bịt chỗ hổng thất thoát, lãng phí từ cơ chế, chính sách (2 nghị định, 2 thông tư, 2 nghị quyết, 19 quyết định, 85 văn bản khác). Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, kết quả này vẫn chưa đủ, cần phát hiện, đề xuất mạnh mẽ hơn nữa.

“Tôi cho rằng đây là khâu thông tin quan trọng để Chính phủ thấy được những thể chế chính sách của mình chưa phù hợp với tình hình đất nước hiện nay, dẫn đến thất thoát, mất mát tài sản Nhà nước”, Thủ tướng nói. “Mình phải sửa nghiêm túc để xây dựng thể chế một cách tốt nhất. Thể chế quyết định sự phát triển, chính các đồng chí phát hiện ra những thể chế, chính sách mà chúng ta thấy rằng phải sửa”. Chất lượng xây dựng pháp luật là vấn đề rất quan trọng, đó chính là hình ảnh của một KTNN kiến tạo phát triển. “Người ta nói không phải là nhà nước pháp quyền là xây dựng được bao nhiêu luật mà cái chính là chất lượng luật pháp đó như thế nào”.

Không làm nửa vời

Nhắc lại quy định trong Hiến pháp: KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, Thủ tướng cho rằng sức mạnh của kiểm toán chính là năng lực cao, trình độ cao, tính độc lập và công khai minh bạch. Khi đã tìm ra chân lý, phát hiện điều đúng đắn thì cần quyết liệt theo dõi, bám sát đến cùng, “chứ không phải làm nửa vời, biết bàn, bí bỏ”. Phải quan tâm công tác hậu kiểm toán, truy thu đến cùng.

“KTNN là công cụ quan trọng để giám sát, kiểm soát quyền lực, ngăn chặn tình trạng lạm quyền trong quản lý tài chính công và tài sản công”, Thủ tướng đề nghị KTNN chú ý vấn đề này trong bối cảnh công tác tài chính công còn nhiều bất cập.

Để có thể làm tốt các công việc trên, Thủ tướng đặt vấn đề về kiện toàn tổ chức bộ máy, hoàn thiện quy trình kiểm toán, nâng cao năng lực, chuyên nghiệp, đạo đức nghề nghiệp, xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm toán vừa có tâm, vừa có tầm, dĩ công vi thượng.

KTNN cần sử dụng hiệu quả nhất, đào tạo đội ngũ cán bộ kiểm toán hiện có, bồi dưỡng năng lực, phẩm chất để thực hiện tốt quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015.

Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng, kế hoạch kiểm toán, tập trung vào những nội dung, chương trình kế hoạch ưu tiên của Quốc hội, Chính phủ và nền kinh tế như tái cơ cấu, bảo đảm an toàn tài chính công quốc gia, nợ xấu, nợ công, nợ thuế, tiết kiệm, nâng cao hiệu quả chi tiêu ngân sách, sử dụng tài sản công…

“Muốn vậy, tôi đề nghị các đồng chí phải lắng nghe, phối hợp tốt với các cơ quan chức năng, đặc biệt là các cơ quan có nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, giám sát và chúng ta cũng cần có cơ chế trao đổi nghiệp vụ với các cơ quan này để nghe nhiều chiều trong xử lý, quyết định cuối cùng. Mình độc lập nhưng lắng nghe, đây là phương pháp tốt nhất để có quyết định cuối cùng xác đáng, chính xác”.

Bên cạnh đó, tập trung nhiều hơn nữa vào công tác kiểm toán hoạt động như xu thế của các nước chứ không phải nhằm vào kiểm toán tuân thủ cũng như các dạng khác. Tức là tập trung nhiều hơn vào tiền kiểm thay vì hậu kiểm là chính, chủ động phát hiện, chứ không phải bị động phát hiện và giải quyết hậu quả phát hiện.

KTNN cần nghiên cứu chính sách, chiến lược phát triển, các chủ trương, dự án lớn để đưa ra các kiến nghị, cảnh báo đối với Chính phủ, các cơ quan chức năng. Qua kiểm toán, những quy định phi lý mà mọi người khó thực hiện cần được nhắc đến chứ không chỉ thực thi một cách đơn thuần.

Cho biết xã hội, các cơ quan Nhà nước mong chờ một kết luận kiểm toán công khai, minh bạch, chính xác, Thủ tướng đề nghị đẩy mạnh việc công khai kết luận kiểm toán và nêu rõ: Tăng cường công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình không làm Nhà nước yếu đi mà trái lại còn làm cho Nhà nước mạnh hơn.

Không có vùng cấm

Về nội bộ KTNN, cần cải cách hành chính mạnh mẽ, đặc biệt là hoàn thiện quy trình thủ tục kiểm toán, nhất là rút ngắn thời gian kiểm toán, “không thể kéo dài để người ta còn phải lo làm ăn, kinh doanh”. Giảm phiền hà, chống nhũng nhiễu là nhiệm vụ rất quan trọng của mỗi kiểm toán viên, mỗi đoàn kiểm toán và KTNN.

“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kỳ vọng KTNN thực sự là "thượng phương bảo kiếm" của Đảng và Nhà nước ta, để KTNN là cơ quan bảo vệ luật pháp và bảo vệ sự liêm chính của toàn hệ thống trong quản lý tài chính công và tài sản công”, Thủ tướng chia sẻ và cảm ơn toàn ngành kiểm toán trong việc xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Nhân dịp này, Thủ tướng đã cho ý kiến đối với các kiến nghị cụ thể của KTNN. Theo đó, với kiến nghị các bộ, ngành, địa phương cung cấp kịp thời các hồ sơ, tài liệu liên quan tới công tác kiểm toán, kể cả dữ liệu điện tử và việc truy cập các phần mềm cho KTNN, Thủ tướng nêu rõ tinh thần: Không có vùng cấm, tất cả các cơ quan sử dụng ngân sách Nhà nước đều phải được kiểm toán rõ ràng, như thế mới chống được tiêu cực, tham nhũng.