Kiên Henri - Họa sĩ có tên "nửa Pháp nửa Việt" bên bức Ngày hội của những bánh răng tại Bảo tàng Cối xay của Pháp. (Ảnh: TGCC) |
Trong sáng mùa Xuân nắng đẹp, tôi gặp họa sỹ Nguyễn Quý Kiên Henri tại một quán cà phê ngay dưới chân Cột cờ Hà Nội. Tôi hỏi, “Sao năm nay không thấy anh tham dự Xuân quê hương vậy?”. Anh cười phân trần: “Ừ! thì nhường những người đóng góp nhiều vật chất, có đầu tư lớn về Việt Nam. Họa sỹ như tôi chỉ có tấm lòng nên còn nhiều e ngại, nhà báo ạ…”.
Nghệ thuật luôn vô giá
Tôi biết tính anh, luôn khiêm tốn và sống tĩnh lặng như vậy. Nhưng, những ai từng biết anh đều hiểu, đóng góp của anh cho nghệ thuật quê hương là không thể đong đếm bằng vật chất.
Bỏ qua sự khách sáo ban đầu, câu chuyện của chúng tôi dần chuyển sang lặng sâu bên những cành cọ, gam màu...
Được ví như trung tâm nghệ thuật của châu Âu - nước Pháp là nơi có nền mỹ thuật đỉnh cao với những tên tuổi lớn trên bản đồ mỹ thuật thế giới. Tác phẩm Ngày hội của những bánh răng (2015) của họa sỹ “Nguyen Quy Kien Henri” – tác phẩm được mua và treo vĩnh viễn ở Bảo tàng Cối xay của Pháp Vùng Vanmondois 95. Đã có không ít người yêu hội họa ở Pháp tò mò về cái tên "nửa Pháp nửa Việt" này và từ đó, họ có thêm nhiều ý niệm về hội họa Việt Nam.
Trong Triển lãm tranh và ảnh mang tên “Văn hóa hạt gạo” tại Valmondois vào năm 2015, những tác phẩm được vẽ bằng sơn dầu trên toan kèm theo những bức ảnh chụp về vùng đồng quê chiêm trũng, vẻ đẹp lạ lẫm trong tranh của Kiên Henri đã gây ấn tượng mạnh đối với khách tham quan. Những tác phẩm ấy đã chạm cả đến những tâm hồn trẻ thơ nước Pháp và tình cảm tốt đẹp dành cho một đất nước xa xôi trong các em dần nảy nở qua những buổi học ngoại khóa của thầy Henri nơi đây.
Chia sẻ về khởi nguồn đẹp đẽ này, ánh mắt Kiên Henri trở nên long lanh lạ. Tôi hiểu, trong anh hay bất kỳ người Việt sống xa quê nào khác, lòng tự hào dân tộc có thể mang lại sức mạnh và động lực lớn hơn bao giờ hết...
Bức tranh Thiếu nữ áo dài tại Triển lãm tranh ở Ấn Độ. (Ảnh: NVCC) |
Những dự án nghệ thuật của Kiên Henri cứ thế phát triển không ngừng – tỷ lệ thuận với đó là sức sáng tạo không ngừng nghỉ của người họa sỹ luôn chất chứa tấm lòng hướng về quê hương. Anh không thể nhớ hết mình đã tham gia bao nhiêu cuộc triển lãm ảnh chung tại Pháp và nhiều nước khác trong mấy năm qua.
Anh nhớ những cuộc triển lãm lớn riêng như triển lãm ở Rue de Seine quận 6 và Rue Quincampoix quận 3 (hai con phố toàn các phòng tranh nổi tiếng ở Paris). "Tại đó, tôi đã giới thiệu các bộ tranh về cầu Long Biên của Hà Nội. Tôi cũng nhớ những lần triển lãm ở Bảo tàng Cối xay vùng Valmondois”.
Cứ thế, những bức họa của anh mang đến cho người yêu tranh của Pháp và các nước phút lắng đọng về Việt Nam...
Vâng! Không phải vô cớ mà nhà báo Kashsh Badar của Ấn Độ đã viết về họa sỹ Nguyễn Quý Kiên cùng 5 người bạn từng thực hiện Triển lãm tranh tại New Delhi: “Trong văn hóa trên toan, những tác phẩm của các họa sỹ đã thật sự đại diện cho văn hóa Việt Nam”. Chính những lao động nghệ thuật không mỏi mệt ấy đã góp phần quảng bá vẻ đẹp của Việt Nam nói chung và mỹ thuật Việt Nam nói riêng ra thế giới. Đó chính là sự vô giá của nghệ thuật.
Chất tranh “hiền như Ma Soeur”
Sinh ra trong thời kỳ Việt Nam còn rên xiết bởi chiến tranh và trải qua thời bao cấp đầy thiếu thốn nhưng tranh của Nguyễn Quý Kiên không “dị”, không “quằn quại” như nhiều họa sỹ cùng lứa. Ngược lại, người ta thấy tranh của anh “hiền như Ma soeur” kể cả trong tranh trừu tượng. Nếu như những chủ đề có thể khiến các họa sỹ khác thả sức “phá phách” như bức Ngày hội của những bánh răng thì tranh của Kiên Henri lại rất mềm mại. Ngay cả những bức họa mang màu “dã thú” - gam màu đối chọi như các bức Rước Lọng, lễ hội đình Chèm hay trong bức Cầu Long Biên thì chất tranh lành hiền của Kiên Henri cũng không bị lung lay.
Có lẽ, nỗi niềm nhung nhớ khi xa quê, nhớ người thân, xóm làng, những con phố nhỏ hay hình bóng rất đỗi thân quen... đã mang đến cho Kiên Henri chất tranh đặc biệt riêng ấy.
Bức tranh Rước Lọng - một tác phẩm tâm đắc của họa sĩ Kiên Henri. |
Nói như vậy không có nghĩa Quý Kiên cho phép mình đơn điệu mà ngược lại, người ta thấy trong tranh họa sỹ sự quan sát tỉ mỉ và vẽ tranh cẩn thận đến từng... milimet. Bố cục trong tranh của Quý Kiên bao giờ cũng như “sắp đặt” mang đầy “nghệ thuật ý niệm” của tác giả, mà dễ thấy nhất trong các bức họa như Con mèo hay Chân dung.
Dù vậy, một số người cho rằng “Tỷ lệ người trong tranh Quý Kiên hơi cao, có lẽ tỷ lệ này hợp với người châu Âu”. Nhưng đa phần người xem thích tỷ lệ này, bởi đó là mong muốn của một họa sỹ Việt Nam và trong con mắt của một người Việt Nam như thế là đẹp.
Cũng có lẽ vì thế mà người ta nhận ra tranh của Quý Kiên dễ “bắt mắt” và nhìn lâu lại thấy “rất tình”. Cộng với đó là sắc màu của hết sức trong trẻo và nhẹ nhàng – điều dễ nhận thấy qua bức Thiếu nữ áo dài trong Triển lãm tranh của anh ở Ấn Độ.
Tấm lòng vì trẻ thơ
Câu chuyện của chúng tôi cứ miên man đi từ Tây sang Đông, trải qua các miền nghệ thuật. Ánh mắt họa sỹ cười xa xăm khi anh tâm sự: “Tôi rất nhớ lũ trẻ Pháp ở Triển lãm tranh và ảnh “Văn hóa hạt gạo” tại Valmondois quá! Càng ngày cuối càng phải “đăng đàn nhiều” với chúng. Mệt nhưng mà vui. Chúng hỏi rất nhiều bởi trẻ con luôn muốn biết tất cả thế giới chỉ trong vòng nháy mắt. Mình chỉ trả lời thôi đã đủ xây xẩm mặt mày nên tôi rất phục giáo viên Pháp - họ giáo dục trẻ em rất bài bản”.
Từ lũ trẻ con ở Pháp, Kiên Henri lại nhớ đến lũ trẻ ở Morocco rồi sang đến Ấn Độ... nhưng cuối câu chuyện của anh lại là “một vé đi về tuổi thơ”. Anh nhìn lên cột cờ Hà Nội, với những rêu phong, trầm mặc: “Mình đã trải qua tuổi thơ trong bom đạn và phân ly nên có rất nhiều ký ức về tuổi thơ, không trọn vẹn và không đầy đủ. Nên với mình, những mầm non tài năng tương lai của quê hương được mình coi trọng hàng đầu”.
Họa sĩ Kiên Henri dạy vẽ cho các em nhỏ năm 2015. (Ảnh: NVCC) |
Chẳng thế mà vừa trở về từ Pháp, họa sỹ Nguyễn Quý Kiên và họa sỹ-nhà báo Thu Thủy đã cùng tổ chức thành công cuộc thi vẽ tranh với chủ đề “Em viết và vẽ về thời đại Vua Hùng”. Kiên Henri miên man kể về những dự định trong các dự án nghệ thuật dành cho trẻ em ở Việt Nam.
Anh tâm sự: “Chúng ta cần khuyến khích các lớp vẽ tư nhân mở ra ở mỗi cụm dân cư để các con có thể bước những bước sơ khai của hội hoạ. Các nhà xuất bản nên chú trọng mảng truyện tranh thật nhiều và phù hợp với mọi lứa tuổi. Với trẻ nhỏ, chúng ta chưa cần chú ý nhiều đến chất liệu vẽ mà chỉ cần dạy các con dùng chì hay bột màu trên giấy – vừa an toàn, vừa tiết kiệm.
Nên nuôi dưỡng niềm đam mê nhưng cũng đừng khiến các con nghĩ mình đã rất thành công khi còn chưa trở thành họa sỹ qua việc vẽ sơn dầu chẳng hạn".
Chia tay Kiên Henri khi trên bàn cà phê của anh vẫn bộn bề các dự án nghệ thuật dành cho trẻ nhỏ. Anh bảo, nghệ thuật cần có thời gian và các dự án nghệ thuật cho trẻ cũng như vậy. Chúng ta chưa thể thấy những kết quả trong ngày một ngày hai, bởi chỉ có thời gian mới có thể mang đến câu trả lời thực tế nhất. Chúng ta chỉ nên cố gắng hết sức có thể và là những điều khiến mình thấy hạnh phúc và có nhiều động lực nhất.
Họa sỹ Nguyễn Quý Kiên Henri * 1994: Thủ khoa đầu vào Đại học Mỹ thuật Hà Nội * 1995: Nhận học bổng của Chính phủ Pháp * 1995 - 2003: Học Mỹ thuật tại Sorbonne 1 và Trường Mỹ thuật Aix-en-Provence, Atelier Beaux-Art Glacière de Paris * 1995-2014: Thực hiện nhiều cuộc triển lãm ở Pháp và trên thế giới *Năm 2012: Trở lại Việt Nam để hoạt động văn hoá nghệ thuật |