📞

Kiến tạo ‘thực đơn’ hè bổ ích cho con giữa mùa dịch Covid-19

Lưu Đình Long 11:26 | 21/07/2021
Phụ huynh có thể thỏa thuận với con “chơi thả ga” tháng đầu hè, không học kèm văn hóa, tháng sau vừa chơi vừa học, tháng cuối hè thì ngày học, ngày chơi…
ThS Tâm lý Lê Minh Huân cho rằng, để cùng con vượt qua dịch Covid-19, tiếp sức cho các con vững vàng, bản lĩnh, phụ huynh cần cố gắng cân bằng. (Ảnh: NVCC)

Làm thế nào để giảm căng thẳng về chương trình hè cho trẻ trong mùa dịch Covid-19 đang phức tạp? Cần làm gì để giúp nuôi dưỡng tâm hồn của con, vừa chơi vừa học cùng con?...

Trong cuộc trò chuyện với Thế giới & Việt Nam, ThS Tâm lý Lê Minh Huân, giảng viên Trường ĐHSP TP. Hồ Chí Minh phần nào giải đáp những thắc mắc trên.

Ngoài công việc giảng dạy, anh còn làm các dự án dành cho trẻ đặc biệt, tổ chức các tour “về vườn” cho trẻ thành phố, chia sẻ về phòng chống xâm hại trẻ em… Anh có thể chia sẻ về việc học và chơi an toàn của con trẻ trong ngày hè?

Trẻ nhỏ thường hứng thú với việc vận động, trải nghiệm, được chơi trò mình thích, được quan tâm và khích lệ từ người thân, bạn bè. Vì vậy, phụ huynh một mặt cần bố trí những khu vực vui chơi thoáng mát, đáp ứng an toàn mùa dịch, mặt khác tổ chức trò chơi/trang bị đồ chơi phải đủ thú vị, đúng với sở thích, nhu cầu của trẻ.

Đặc biệt, nên dành thời gian tham gia cùng con sau giờ làm việc, làm bạn với con trong việc trải nghiệm các hoạt động, trò chơi. Từ đó, động viên con phát huy những điểm mạnh, học tập và cải thiện những điểm yếu, khéo léo chỉ bảo, hướng dẫn con các kỹ năng sống cần thiết, lồng ghép các kiến thức phù hợp với bậc học vào hoạt động có liên quan.

Phụ huynh nên dành thời gian chất lượng 10, 20 hay 30 phút gần gũi, lắng nghe, giảng giải và đồng hành cùng con. Từ đó, những khó khăn, vướng mắc của con sẽ được người lớn nắm bắt kịp thời, con sẽ cảm thấy vui vẻ, tích cực hơn, dễ dàng chia sẻ, hỏi han.

Quá trình đó giúp trẻ học được điều hay, lẽ phải một cách tự nhiên, không khiên cưỡng, lại gắn với hoàn cảnh, tình huống nên nhớ lâu và ứng dụng tốt hơn…

Phụ huynh cũng cần cân đối việc “dạy chữ” sao cho phù hợp với tâm lý lứa tuổi và điều kiện thời gian. Chẳng hạn, dành 1 - 2 buổi trong tuần, mỗi buổi 15 - 30 phút để cùng con ôn lại kiến thức ở trường thông qua trò chơi, cách dẫn dắt thoải mái, vui vẻ, đồng thời xem qua kiến thức trọng tâm năm học tới.

Hoặc thỏa thuận với con “chơi thả ga” tháng đầu hè, không học kèm văn hóa, tháng sau vừa chơi vừa học, tháng cuối hè thì ngày học, ngày chơi… Việc định hướng hay lên kế hoạch trước cần có sự đồng thuận từ con trẻ sẽ rất tốt cho việc phân bố thời gian của cả người lớn và trẻ.

Đặc biệt, phụ huynh cần tạo điều kiện để con được vận động thể chất kết hợp với “tập thể dục tinh thần” thông qua học và vui chơi, bằng việc cho con được đi bộ, bơi lội (tại nhà càng tốt), tập một môn thể thao nào đó.

Trường hợp có người quen ở quê, và có phương tiện di chuyển đảm bảo an toàn thì có thể cho con trải nghiệm mùa hè ở nông thôn hay vùng ven thành phố để con có mùa hè ý nghĩa hơn, tất nhiên đi kèm với việc phòng chống dịch nghiêm túc.

Cùng con vượt qua dịch bệnh

Nhiều phụ huynh khá lo lắng khi hè đến trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp. Làm sao để phụ huynh thoải mái đối mặt, giải quyết khó khăn này để không ảnh hưởng đến con?

Tôi biết một bộ phận phụ huynh mất phương hướng khi “trở tay không kịp” trước quá nhiều việc phải lo nghĩ, giải quyết đồng thời trong tình huống này. Như con nghỉ hè sớm, không biết gửi con ở đâu cho an toàn vì các dịch vụ cho trẻ (khu vui chơi, trường học hè, chương trình dã ngoại, học tập khám phá) phải tạm ngưng; nhà neo người nên khó phân công người giữ trẻ, công việc vẫn phải diễn ra, trẻ ở nhà không biết làm gì lại ôm ti vi, điện thoại...

Vậy phải ứng phó thế nào? Đối với trẻ mầm non, lớp 1, 2, phụ huynh cần phân công hoặc tìm người hỗ trợ chăm nom trẻ tại nhà hoặc ở nơi phù hợp (nhà nội, ngoại, cô, dì…). Đồng thời, cung cấp các giải pháp từ ăn uống ra sao, đồ chơi là gì, truyện tranh nào lành mạnh, học tập, ôn bài bằng cách nào không chán… để người chăm nom trẻ nắm và cùng phối hợp.

Đối với trẻ từ lớp 3, 4 trở lên, việc thỏa thuận thời gian biểu/kế hoạch ngày, tuần, tháng… là cần thiết. Có thể cùng trẻ xây dựng thời gian biểu cho chính con, khi được hỏi ý kiến, không bị áp đặt, cùng tham gia xây dựng, trẻ sẽ dễ dàng tự nguyện làm theo.

Đề ra các giới hạn, nguyên tắc thực hiện, nếu vi phạm thì con sẽ giải quyết làm sao? Nếu con làm tốt, ba mẹ sẽ thưởng, khen thế nào?

Sự phối hợp ăn ý giữa người thân với nhau, giữa cha mẹ với trẻ, giữa người nhận trách nhiệm chăm nom với trẻ sẽ rất cần thiết để cùng nhau đi qua khó khăn.

Ở thời điểm này, ai cũng có những áp lực cần giải tỏa, do đó bản thân người lớn phải giữ được sự quân bình về cảm xúc, sức khỏe. Tránh mang tâm lý bực bội, rối rắm, lo lắng trút lên con trẻ, gây hoang mang cho người thân…

Phải nhắc nhở bản thân “mọi chuyện rồi sẽ qua”. Có bình tâm, cố gắng cân bằng mới tiếp sức cho mình và người xung quanh, cả cho các con vững vàng, bản lĩnh vượt qua đại dịch.

Việc một phụ huynh có sự vững chãi trong biến cố, hạnh phúc trong đời sống hằng ngày sẽ giúp được con những gì trong hình thành tính cách?

Một phụ huynh bản lĩnh luôn ít cần sự giúp đỡ từ người khác. Một người luôn biết nhìn nhận tích cực, tìm thấy hạnh phúc trong nhiều bối cảnh, tình huống sẽ làm tấm gương cho con trẻ và cả những người xung quanh “soi vào”, học tập.

Trong gia đình, cha mẹ hay ông bà thường là thước đo giá trị, là chuẩn mực mà trẻ nhỏ dựa vào đó làm theo, học theo.

Xu hướng thường thấy trong việc hình thành tính cách của con là: Một ông bố cứng cỏi sẽ dạy con mình can trường đối mặt với thử thách; một bà mẹ khéo léo sẽ dạy con cách ứng xử chừng mực với người xung quanh; một người ông có lập trường, giàu tình thương sẽ giúp trẻ hiểu lúc nào nhu, khi nào cương; một người bà ấm áp, bao dung sẽ chỉ cho con trẻ lý do để biết yêu thương người xung quanh.

Có quan điểm cho rằng, gieo suy nghĩ gặt hành động, gieo hành động gặt thói quen, gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận. Theo đó, có thể nhận định tính cách, hay số phận của một đứa trẻ trong tương lai, phần nhiều có thể tiên liệu từ suy nghĩ, hành động hay thói quen của chúng từ hôm nay, trên cơ sở giáo dục gia đình mà trước hết từ tấm gương của người lớn.

Mùa hè an toàn cho con

Một nỗi lo khác của phụ huynh là làm sao để con mình có một mùa hè an toàn, nhất là trẻ vùng quê, không phải lúc nào bố mẹ các em cũng có thể để mắt đến được?

Nếu tinh tế để ý, chúng ta sẽ thấy, trẻ lớn lên ở quê ít ai trải qua các buổi học: sơ cấp cứu, kỹ năng bơi lội, phòng chống bắt cóc, sinh tồn, bảo vệ bản thân… Nhưng lại thể hiện rất tốt nếu rơi vào tình thế cần đến các kỹ năng này.

Trong khi đó, trẻ em thành thị đa phần được học đi học lại và học nhiều đến mức kể tên các chuyên đề/kỹ năng không xuể nhưng vẫn rất lúng túng nếu rơi vào tình huống có vấn đề. Sự khác biệt ở đây là tiếp cận thực tế, thực hành và việc có hay không có “đất dụng võ”.

Như vậy, trẻ ở nông thôn, muốn hay không muốn cũng va chạm, cũng trải nghiệm và bị đặt phải tình thế, thử thách thực tế… buộc phải mạnh mẽ, chú tâm học hỏi từ người khác vì nếu không tự lực, tự giác nâng cao kỹ năng của mình sẽ khó thích nghi với đời sống nông thôn như bao trẻ khác.

Tuy nhiên, chúng ta cũng đồng ý rằng, một bộ phận trẻ em nông thôn hiện nay, dần dần yếu kém hơn - xét cả về mặt kiến thức, kỹ năng bảo vệ bản thân, sinh tồn nói chung vì hiện tượng “thành thị hóa” nông thôn.

Chẳng hạn, thời gian chơi điện thoại, điện tử, xem ti vi nhiều hơn, ngại tham gia công việc gia đình, ít ra ngoài vận động cùng bạn bè, dễ gặp nguy hiểm hơn khi thiếu vắng người lớn…

Do đó, phụ huynh cũng cần cảnh giác và hướng dẫn con các kỹ năng cơ bản, để hè đến có thể vui chơi toàn hơn. Trong đó, chí ít phải ghi nhớ “đi thưa, về chào” để cha mẹ biết con mình ở đâu, đi đâu, làm gì; tìm kiếm sự giúp đỡ để gặp khó khăn biết kêu cứu, biết nhờ sự hỗ trợ từ người khác.

Bên cạnh đó, phụ huynh cũng nên cùng con trao đổi qua về các tình huống có thể gặp phải khi hè đến như: đuối nước, bắt cóc, bị xâm hại… để con tập quen với cách xử trí, đỡ bỡ ngỡ và ứng phó hiệu quả khi đụng chuyện.

Như vậy, với trẻ ở thành phố, theo anh, phụ huynh cần cho con mình đi đâu, học gì để trẻ có thêm những tiếp xúc với cuộc sống rộng lớn hơn?

Thông thường, nếu hè không rơi vào các đợt dịch, phụ huynh có rất nhiều lựa chọn cho con như học kỹ năng sống tại trung tâm, du lịch trải nghiệm, dã ngoại, cắm trại và tham gia các học kỳ hè ở các nhà văn hóa hay các tổ chức giáo dục, kỹ năng… Đơn giản nhất là vác ba lô lên và cả nhà đến nơi mình thích, đi tới đâu, học tới đó.

Các lựa chọn, nghỉ hè và đi đó đây cùng con vài ngày, về thăm quê, đi leo núi, trèo đèo, lội suối cũng rất đông phụ huynh tán thành.

Trước khi tổ chức cho con đi đâu, làm gì, nhất là ở bối cảnh nhạy cảm do ảnh hưởng dịch Covid-19 này, tôi cho rằng phụ huynh cần làm công tác tư tưởng với tất cả các thành viên: Người lớn làm gì, trẻ nghe lời ai, chú ý việc gì? Nếu có khó khăn phải xử lý thế nào, giữ tâm thế bình tĩnh ra sao?

Cùng với đó, tìm hiểu trước điểm đến thú vị thế nào, có tiềm ẩn nguy hiểm gì không, khoảng cách bao lâu, đặc điểm địa hình, văn hóa, cách dịch vụ hoặc phương tiện phục vụ sinh hoạt thường ngày, ăn ngủ có đảm bảo.

Con đi cùng ai, với cha mẹ hay thầy cô giáo có chuyên môn, với người tổ chức tour chuyên nghiệp hay người chưa có nhiều kinh nghiệm?

Cần hiểu đi để làm gì? Chỉ để vui chơi giải trí, hay để học thêm kỹ năng sống, học thêm văn hóa, ôn lại bài ở trường hay trải nghiệm không giới hạn, không cần kế hoạch…

Ngoài ra, các câu hỏi về tài chính cho phép, thời lượng, thời tiết, sự đồng tình hay phản đối của các thành viên… đều nên được tiếp cận, trả lời để chuyến đi của con và gia đình được trọn vẹn nhất.

Khi nào các thành viên bật “chế độ sẵn sàng” ở mức cao nhất thì an tâm nhất để triển khai. Hoặc ít nhất phải chuẩn bị tâm lý “trải nghiệm” kể cả chuyến đi có không như ý cũng hạn chế phàn nàn, than thở và tìm cái hay, tích cực để nhìn vào, học hỏi.

Cảm ơn anh đã chia sẻ!

Khoảng thời gian mong đợi…

Cô Dương Thu Trang, Phó Hiệu trưởng chuyên môn trường Hội nhập Quốc tế iSchool Quảng Trị.

"Mỗi năm đến hè, tôi lại lên nhưng kế hoạch cho lũ nhỏ nhà mình, quan trọng vẫn hướng đến những không gian xanh mát, yên bình nhưng không kém phần hấp dẫn.

Đó sẽ là bờ suối chốn quê nhà, nơi con thỏa sức vẫy vùng ngụp lặn, rồi chạy theo những triền sông thả diều. Đó là bãi biển với bờ cát dài và rặng phi lao vi vu trong gió, các con thỏa sức nô đùa, chạy nhảy, tiếng cười còn hòa với tiếng sóng vỗ xôn xao.

Vợ chồng tôi còn tranh thủ những ngày hè để dẫn con đi thăm thú một số nơi, dạy cho con hiểu thêm những vùng đất thân thương của tổ quốc mình; đến những khu rừng để các con biết thêm vai trò của màu xanh cây cối với cuộc sống; đến những khu du lịch hay trung tâm mua sắm cũng là cách để các con biết thêm về những sắc màu của cuộc sống hiện đại…;

Các con cùng gia đình về quê thăm ông bà; tham gia các hoạt động thể thao cùng chúng bạn; hay đơn giản là quây quần đọc sách cùng mẹ mỗi buổi tối…

Dù cuộc sống bận rộn, nhưng mùa hè là khoảng thời gian cần thiết để mỗi gia đình có thể đem đến cho các con những trải nghiệm thú vị, góp phần làm giàu những giá trị tinh thần, lưu giữ những ký ức tuổi thơ tươi đẹp cho những đứa con của mình.

Ngoài ra, chế độ dinh dưỡng cho các con để có một mùa hè vui khỏe luôn được đặt lên hàng đầu. Với hai cậu con trai hiếu động và háu ăn, chúng tôi luôn lựa chọn những thực đơn phù hợp và giàu dinh dưỡng để con phát triển thể lực, tầm vóc và trí tuệ, sẵn sàng chinh phục, khám phá một mùa hè sôi động và bổ ích.

Trái cây sạch và sữa là những món không thể thiếu. Đặc biệt là nước uống tinh khiết, trẻ vận động nhiều cần thường xuyên bổ sung nước uống.

Chúng tôi rất ít chiều theo những sở thích của các con như thức ăn vặt, đồ ăn nhanh, trà sữa… Thỉnh thoảng, con ngoan, chúng tôi sẽ thưởng cho các con những que kem mát lạnh và ngắm nhìn vẻ thích thú của con với niềm hạnh phúc vô bờ".

(Cô Dương Thu Trang, Phó Hiệu trưởng chuyên môn trường Hội nhập Quốc tế iSchool Quảng Trị)

(thực hiện)