📞

Kiều bào - nguồn lực của thời đại công nghiệp 4.0

09:00 | 21/01/2018
Phát huy hiệu quả nguồn lực trí thức kiều bào để phát triển đất nước là vấn đề luôn được Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Vấn đề này lại vừa được làm “nóng” nhân cuộc hội thảo được Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức tại Hà Nội.

Tại Hội thảo với chủ đề “Phát huy vai trò của tri thức khoa học và công nghệ người Việt Nam ở nước ngoài trong thời đại công nghiệp 4.0” có sự tham gia của lãnh đạo các Bộ, ban, ngành cùng nhiều chuyên gia và doanh nhân làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, các đại biểu đều khẳng định, lực lượng trí thức ở nước ngoài chính là một trong những nguồn lực quan trọng của Việt Nam trong thời đại công nghiệp 4.0.

Động lực của quốc gia khởi nghiệp

Theo bà Đặng Thị Thu Hà - Phụ trách Vụ Quan hệ Kinh tế, Khoa học và Công nghệ, Ủy ban Nhà nước về người Việt nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), hiện có khoảng 400.000 trí thức kiều bào là những nhà khoa học, chuyên gia làm việc tại các trung tâm nghiên cứu khoa học, quản lý kinh tế, tài chính ngân hàng, các công ty xuyên quốc gia và nhiều tổ chức quốc tế. Nhiều người trong số họ là các du học sinh đạt thành tích xuất sắc trong học tập, nghiên cứu, được chính quyền sở tại và các viện nghiên cứu vinh danh trên lĩnh vực khoa học.

Tri thức kiều bào về dự Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài tại TP. Hồ Chí Minh năm 2016.

Đáng chú ý, rất nhiều trí thức kiều bào đang làm việc trong nhiều lĩnh vực khoa học chuyên ngành và kinh tế mũi nhọn của nước sở tại như công nghệ điện tử, thông tin-viễn thông, chế tạo máy, điều khiển học, công nghệ sinh học, khoa học vũ trụ, vật liệu mới, công nghệ nanô, năng lượng... Ngoài có năng lực được xã hội công nhận, họ còn mang trong mình lòng yêu nước và khát khao đóng góp cho sự phát triển của quê hương.

TSKH Nghiêm Vũ Khải - Chủ tịch VUSTA cho biết, hiện lượng kiều hối gửi về hàng năm khoảng 12 - 13 tỷ đôla/năm, nhiều doanh nhân kiều bào có vốn đầu tư kinh doanh thành công trên nhiều lĩnh vực. Lĩnh vực khoa học công nghệ, nghệ thuật cũng có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ tri thức kiều bào. Hàng năm có khoảng 500.000 người về thăm quê hương, nhất là trong dịp Tết Nguyên Đán... Tuy nhiên, tất cả những đóng góp đó vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, chất xám của đội ngũ trí thức kiều bào Việt Nam.

Để khơi thông nguồn lực này, PGS.TS. Bùi Thị An - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội (HUSTA), Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội cho rằng, vận động trí thức không chỉ dừng ở kêu gọi chung chung mà phải đi vào thực chất và có chiều sâu. Theo bà, bên cạnh sự cải cách về mặt chính sách, quá trình tiến hành vận động phải lấy hiệu quả là tiêu chí xuyên suốt cùng với đãi ngộ tương xứng.

Đặc biệt, tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, hiện tại, Nhà nước nên dành sự ưu tiên cho việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, khích lệ sự hình thành và phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp của người Việt ở nước ngoài tại Việt Nam. Việc này sẽ thu hút lực lượng cố vấn cao cấp với kiến thức, trí tuệ góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Doanh nhân Thạch Lê Anh - sáng lập viên và Chủ nhiệm Dự án Vietnam Silicon Valley (VSV) cho biết, trong 5 năm hoạt động của VSV, các trí thức kiều bào đã có nhiều đóng góp quan trọng vào xây dựng mô hình khởi nghiệp về khoa học công nghệ ở Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất với hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam chính là vấn đề nguồn vốn cũng như các khuôn khổ pháp lý. Điều này có thể khiến cho trí thức kiều bào nản lòng khi muốn hỗ trợ cho khởi nghiệp ở Việt Nam.

Miền đất của cơ hội

Trăn trở về câu chuyện thu hút trí thức kiều bào tại Việt Nam, Giáo sư Lê Văn Cường (Đại học Paris I và Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp) thấy còn khá nhiều rào cản để họ có thể về nước đóng góp. Theo ông, đang có sự phát triển chưa thực sự đồng bộ về kiến thức giữa người Việt trong nước và người Việt sống ở nước ngoài khiến cho việc nghiên cứu chung đôi khi rất khó khăn. Với lĩnh vực kinh tế, ông cảm thấy việc thành lập một Đại học kinh tế dựa trên tiêu chuẩn quốc tế ở Việt Nam gặp rất nhiều trở ngại. Vì vậy, Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm từ các nước như Trung Quốc đã xây dựng được một số Đại học kinh tế chất lượng cao ở Vũ Hán, Thượng Hải, Bắc Kinh…

Trả lời câu hỏi của TG&VN về vấn đề này, Giáo sư Kiều Linh Valverde tại trường Đại học California Davis (Mỹ) cũng nhận thấy, trí thức kiều bào là tài nguyên lớn của Việt Nam đang nằm ở bên ngoài đất nước. Vì vậy, đối với các nhà khoa học trẻ, Việt Nam cần khuyến khích và cho họ cơ hội quay trở lại, sống và làm việc tại Việt Nam bằng cách đầu tư nhiều hơn ở tất cả các lĩnh vực để giúp họ có thể làm việc trong môi trường quốc tế.

Anh Lưu Trần Trung - Nghiên cứu sau Tiến sĩ tại Đại học Kỹ thuật Thụy Sỹ, khẳng định, nếu Việt Nam tạo được chính sách đãi ngộ tốt và môi trường làm việc lành mạnh, bình đẳng, trí thức Việt Nam ở nước ngoài sẽ quay trở lại rất nhiều. Tạo được một cơ chế như vậy sẽ là một bước đầu tư cực kỳ hiệu quả, bởi Việt Nam gần như không phải đào tạo, mà lại có nhân lực chất lượng cao làm việc lâu dài.

“Với điều kiện ở trong nước hiện nay, Việt Nam nên có các ưu tiên và chính sách riêng cho phù hợp. Vì thế, nên kêu gọi kiều bào quay về tham gia vào các ngành khoa học ứng dụng có khả năng ở Việt Nam. Tôi tin rằng, quê nhà đang là miền đất nhiều cơ hội và nếu được hỗ trợ của nhà nước, rất nhiều người sẽ quay về đóng góp bằng cách này hay cách khác”, anh Trung nói.