GS. TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trình bày tại Hội nghị. (Ảnh: Quang Hoà) |
Hội nghị vinh dự được đồng chí GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đến dự và chia sẻ với cán bộ, đảng viên ngành Ngoại giao.
Đây là hoạt động quan trọng nằm trong Kế hoạch tăng cường công tác chính trị, tư tưởng, bồi dưỡng cho cán bộ, đảng viên trong ngành Ngoại giao và càng có ý nghĩa hơn khi được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước.
Hội nghị nhằm làm sâu sắc thêm nhận thức của cán bộ, đảng viên trong Ngành đối với lý luận về chủ nghĩa xã hội (CNXH), con đường đi lên CNXH ở Việt Nam qua đó, không ngừng nâng cao ý thức, bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng, kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào tình hình thực tiễn của nước ta; củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý điều hành của Nhà nước, tạo sự thống nhất tư tưởng, ý chí, hành động trong toàn Ngành.
Đồng chí Bùi Thanh, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao phát biểu khai mạc Hội nghị. (Ảnh: Quang Hoà) |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam là một đề tài lý luận và thực tiễn rất cơ bản, quan trọng, có nội dung rất rộng lớn, phong phú và phức tạp. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn trân trọng cảm ơn đồng chí GS.TS. Nguyễn Xuân Thắng dành thời gian chia sẻ với cán bộ, đảng viên ngành Ngoại giao.
Bộ trưởng cho biết những chỉ đạo của Tổng Bí thư trong cuốn sách và các bài viết cũng như tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc (12/2021) đã được Bộ Ngoại giao tổ chức học tập nghiêm túc, trở thành kim chỉ nam để triển khai trên thực tiễn các nhiệm vụ đối ngoại trong bối cảnh thế giới có những biến động rất phức tạp và khó lường thời gian qua.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định, trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta, tư duy và đường lối đối ngoại luôn là một bộ phận cấu thành quan trọng trong tư duy và đường lối lãnh đạo của Đảng, đồng thời cũng là một trong những công cụ quan trọng để Đảng lãnh đạo nhân dân ta thực hiện lý tưởng, mục tiêu xây dựng CNXH.
Kế thừa và phát huy truyền thống, bản sắc ngoại giao của dân tộc, dựa trên nền tảng chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, tiếp thu chọn lọc tinh hoa đối ngoại của thế giới, đường lối đối ngoại và ngoại giao Việt Nam không ngừng phát triển và hoàn thiện cùng với sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN).
Để thực hiện tốt các nhiệm vụ, yêu cầu của đối ngoại trong tình hình mới, Bộ trưởng nhấn mạnh ý nghĩa đặc biệt quan trọng của việc thường xuyên bồi dưỡng, rèn luyện về tư tưởng, bản lĩnh chính trị cho cán bộ ngoại giao. Cán bộ đối ngoại và ngoại giao, theo Bộ trưởng, phải luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, với lợi ích quốc gia-dân tộc, có đủ trình độ, uy tín, phong cách chuyên nghiệp, “có suy nghĩ và hành động vượt tầm quốc gia, đạt tới tầm khu vực và quốc tế”.
Trên tinh thần đó, Bộ trưởng yêu cầu cán bộ, đảng viên ngành Ngoại giao nghiêm túc học tập, quán triệt, nắm vững lý luận và thực tiễn để giữ vững bản lĩnh, niềm tin và kiên định lý tưởng, mục tiêu CNXH, vận dụng đúng đắn, sáng tạo trong thực tiễn đối ngoại nhằm phục vụ tốt nhất sự nghiệp xây dựng CNXH của đất nước.
Các cán bộ, Đảng viên Bộ Ngoại giao tham dự Hội nghị. (Ảnh: Quang Hoà) |
Hội nghị được nghe đồng chí Nguyễn Xuân Thắng chia sẻ toàn diện, phân tích sâu sắc về nội dung, quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đồng chí khẳng định, cuốn sách là kết tinh trí tuệ, kế thừa tư tưởng qua nhiều nhiệm kỳ của Đảng, Ban Chấp hành trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đặc biệt thể hiện tư duy và tầm nhìn chiến lược của người đứng đầu Đảng ta.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng dành thời gian trao đổi sâu về các vấn đề lớn đặt ra về CNXH, bản chất, mục tiêu, quy luật khách quan của con đường đi lên CNXH; vì sao Việt Nam lựa chọn con đường đi lên CNXH và mô hình CNXH của Việt Nam. Làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn trong đời sống xã hội được tổng kết trong cuốn sách và các bài viết của Tổng Bí thư, những thành tựu cũng như bài học kinh nghiệm qua hơn 35 năm đổi mới đất nước, xây dựng CNXH ở nước ta, đồng chí cũng chia sẻ những nhận định về các cơ hội, thách thức đặt ra trong tình hình mới, các nền tảng và cách tiếp cận mới về tầm nhìn, mục tiêu phát triển của đất nước cho giai đoạn tiếp theo.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng yêu cầu cán bộ, đảng viên nắm vững, quán triệt để đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái về các vấn đề về CNXH, con đường đi lên CNXH, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; qua đó, vạch trần âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá cách mạng Việt Nam, chia rẽ, gây mất đoàn kết nội bộ, làm suy giảm lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước…
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh hai nhân tố quyết định sự thành công của cách mạng Việt Nam là sự lãnh đạo của Đảng và việc lấy dân làm gốc, nhân dân là trung tâm, là chủ thể, là cội nguồn sức mạnh của công cuộc Đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng chí cũng chỉ ra ba trụ cột quan trọng trên con đường đi lên CNXH của Việt Nam là: kinh tế thị trường định hướng XHCN, nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và nền dân chủ XHCN Việt Nam.
Đối với công tác đối ngoại và ngành Ngoại giao, đồng chí khẳng định ý nghĩa, vai trò tiên phong của đối ngoại, nhấn mạnh các đặc trưng của trường phái đối ngoại và ngoại giao thời đại Hồ Chí Minh: mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường.
Đồng chí cũng dành thời gian giải đáp các câu hỏi của cán bộ, đảng viên trong ngành Ngoại giao về việc xác định cách tiếp cận phù hợp, hài hòa giữa đảm bảo độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế toàn diện sâu rộng; nỗ lực quảng bá mô hình CNXH của Việt Nam với các đối tác, bạn bè trong cộng đồng quốc tế; kết hợp nhuần nhuyễn giữa mục tiêu duy trì môi trường hòa bình, ổn định và bảo vệ chủ quyền, biên giới quốc gia...
Hơn 300 cán bộ, đảng viên trong Bộ đã tham gia nghiêm túc, tích cực tại Hội nghị. Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, các cán bộ chủ chốt và đảng viên trong Bộ tham dự Hội nghị sẽ tổ chức thu hoạch, phổ biến rộng rãi đến cán bộ, đảng viên trong toàn Ngành về nội dung của hoạt động sinh hoạt chính trị quan trọng này.
| Chỉ thị của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030 Mới đây, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 15-CT/TW, ngày 10/8/2022 về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển ... |
| Các cơ quan đại diện tại một số địa bàn phối hợp triển khai công tác đối ngoại đa phương Việc tăng cường điều phối giữa các cơ quan đại diện cùng tham gia công tác đối ngoại đa phương là hết sức cần thiết, ... |
| Phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại của các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đến năm 2030 Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh ký Quyết định số 837/QĐ-TTg phê duyệt Đề án ‘Nâng cao hiệu quả công tác thông tin ... |
| Tăng cường phối hợp triển khai công tác đối ngoại Chiều ngày 12/7 đã diễn ra Hội nghị về phối hợp triển khai công tác đối ngoại giữa Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ... |
| Báo chí đối ngoại: Cống hiến và phát triển Khởi đầu từ số báo đầu tiên ra đời ngày 21/6/1925, nền báo chí cách mạng Việt Nam do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng ... |