Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương phát biểu tại họp báo. (Ảnh: Minh Hòa) |
Chủ trì cuộc họp báo, bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng TCTK cho biết, với mức tăng trưởng tích cực của GDP quý II/2024, GDP 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,42%, chỉ thấp hơn tốc độ tăng 6,58% của 6 tháng đầu năm 2022 trong giai đoạn 2020-2024 và những con số trong xuất nhập khẩu và vốn FDI là những tín hiệu đáng nói.
Đóng góp nhiều nhất cho GDP quý II/2024 là khu vực dịch vụ tăng 7,06%, đóng góp 48,91%. Tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,29%, đóng góp 45,73%. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,34%, đóng góp 5,36%.
Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế 6 tháng đầu năm, khu vực dịch vụ tăng 6,64%, đóng góp 49,76%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,51%, đóng góp 44,28%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,38%, đóng góp 5,96%.
Theo bà Hương, 6 tháng qua, các tổ chức quốc tế Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), (Ngân hàng Thế giới) WB… đều dự báo tích cực về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2024.
“Tình hình thực hiện kinh tế - xã hội quý II/2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động, quyết liệt, sát sao chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế”, bà Hương nhấn mạnh.
Toàn cản buổi họp báo công bố số liệu thống kê Kinh tế- Xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2024. (Ảnh: Minh Hòa) |
Đặc biệt, những nỗ lực đổi mới và mở rộng hoạt động xuất nhập khẩu, kinh tế đối ngoại của Việt Nam đã cho thấy những tín hiệu tích cực. Trong 6 tháng,Việt Nam đã và đang tận dụng tối đa cơ hội và xu hướng phục hồi của các thị trường để thúc đẩy xuất khẩu và mở rộng thị trường đầu ra cho các sản phẩm của mình.
Theo số liệu thống kê của TCTK, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 6/2024 ước đạt mức 33,09 tỷ USD, tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý II/2024, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 97,2 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước và tăng 4,6% so với quý I/2024. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 190,08 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, xuất khẩu hàng hóa trong nước đạt 53,39 tỷ USD, tăng 20,6%, chiếm 28,1% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong khi xuất khẩu có vốn đầu tư nước ngoài đạt 136,69 tỷ USD, tăng 12,3%, chiếm 71,9%.
Cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu cho thấy nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 87,7% trong 6 tháng đầu năm 2024, ước đạt 166,79 tỷ USD. Điều này cho thấy sự phát triển đáng chú ý của ngành công nghiệp chế biến trong đóng góp vào sự thịnh vượng của kinh tế đối ngoại của Việt Nam.
Đối với nhập khẩu hàng hóa, kim ngạch nhập khẩu trong tháng 6/2024 ước đạt 30,15 tỷ USD, giảm 7,9% so với tháng trước và tăng 13,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý II/2024, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 93,4 tỷ USD, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm trước và tăng 9,7% so với quý I/2024.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 178,45 tỷ USD, tăng 17,0% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhập khẩu hàng hóa trong nước đạt 65,74 tỷ USD, tăng 22,3%, trong khi nhập khẩu có vốn đầu tư nước ngoài đạt 112,71 tỷ USD, tăng 14,1%.
Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 94% trong 6 tháng đầu năm 2024, ước đạt 167,73 tỷ USD. Điều này cho thấy nhu cầu của Việt Nam trong việc nhập khẩu nguyên liệu và tài nguyên để phục vụ cho sản xuất và phát triển kinh tế.
Trong lĩnh vực thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa,Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển tích cực trong việc mở rộng và đa dạng hoá thị trường xuất khẩu. Các thị trường chủ chốt vẫn là Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, ASEAN và Nhật Bản.
Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang tìm kiếm cơ hội mới và mở rộng thị trường đối tác, như các nước trong khu vực châu Phi, Trung Đông và châu Âu.
Trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Việt Nam vẫn thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tổng vốn đăng ký mới của FDI đạt khoảng 15,27 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Các ngành thu hút nhiều vốn FDI nhất bao gồm chế biến và sản xuất công nghiệp, bất động sản, và khoa học công nghệ.
Các chỉ số kinh tế đối ngoại tích cực này cho thấy sự đa dạng hóa và bền vững của nền kinh tế Việt Nam. Việt Nam đang nỗ lực mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng cường hợp tác đa phương và tạo ra môi trường thuận lợi cho đầu tư nước ngoài. Điều này giúp đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống của người dân Việt Nam.
| Mỹ: Trung Quốc và Ấn Độ đang thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu nhiên liệu lỏng toàn cầu Ngày 9/4, Cơ quan Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, sản lượng dầu thô của nước này trong năm 2024 và 2025 dự kiến sẽ ... |
| Thăm Indonesia, Ngoại trưởng Trung Quốc tìm cách tăng cường đầu tư sâu hơn vào một số lĩnh vực Theo Ngoại trưởng Indonesia, nước này và Trung Quốc đang tìm cách tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế thông qua đầu tư sâu ... |
| Nhà đầu tư nước ngoài nhận định về thị trường condotel Phú Quốc sau giai đoạn tăng trưởng nóng Nhà đầu tư nước ngoài luôn đánh giá cao tiềm năng thị trường condotel tại Việt Nam, tuy nhiên vẫn còn rào cản. |
| Kinh tế Việt Nam đang chứng kiến sự phục hồi của xuất nhập khẩu và đầu tư nước ngoài Sáng 17/5, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) thuộc Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà ... |
| Giá vàng hôm nay 29/6/2024: Giá vàng thế giới 'chạy' nhanh, có thể đạt mốc 2.400 USD và hơn thế nữa Giá vàng hôm nay 29/6/2024 đi lên vàghi nhận quý tăng thứ ba liên tiếp trên thị trường thế giới. Chuyên gia nhận định, giá ... |