Afghanistan đối mặt với tương lai kinh tế u ám dưới sự cai trị của Taliban. (Nguồn: Reuters). |
Theo giới quan sát, dù được Phương Tây bảo trợ song Afghanistan vẫn là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Và những biến động hiện tại sau khi Kabul "thất thủ" có thể sẽ khiến triển vọng kinh tế của quốc gia này càng thêm ảm đạm khi cơ hội tiếp cận các nguồn tài chính từ bên ngoài, vốn là "phao cứu sinh" trong gần 2 thập niên qua, ngày càng trở nên xa vời.
Phụ thuộc nguồn tài chính bên ngoài
Nền kinh tế Afghanistan phụ thuộc nhiều vào dòng kiều hối và viện trợ quốc tế. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), khoảng 75% chi tiêu công của Afghanistan là từ viện trợ quốc tế. Nhưng vấn đề đáng lo ngại hiện nay là các nguồn viện trợ này đang đối diện với triển vọng không chắc chắn.
Ngày 18/8 vừa qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thông báo, sẽ giữ lại các khoản tài chính mà tổ chức này dành cho Afghanistan trong bối cảnh chưa có thông tin chắc chắn về bộ máy lãnh đạo mới ở Kabul. Bên cạnh đó, nguồn viện trợ quốc tế hàng đầu của Afghanistan là Mỹ cũng có thể không được đảm bảo sau khi quân đội Mỹ rút khỏi nước này.
Mặc dù là một trong những nước có mức nợ trên GDP thấp nhất thế giới, nhưng Afghanistan vẫn bị đánh giá là có nguy cơ vỡ nợ cao, do phụ thuộc nhiều vào các khoản viện trợ không hoàn lại và các khoản vay ưu đãi. Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 càng làm gia tăng nguy cơ đổ vỡ của hệ thống tài chính.
Theo tính toán của IMF hồi tháng 6/2021, nợ nước ngoài của Afghanistan dự kiến ở mức 1,7 tỷ USD trong năm 2021, tương đương khoảng 8,6% GDP. Đáng lo ngại hơn, sự tiếp quản của Taliban có khả năng phá vỡ kế hoạch khởi động thị trường nợ của Afghanistan và khai thác các khoản tiết kiệm trong nước.
Ngoài ra, đồng nội tệ của Afghanistan (đồng Afghani) đã giảm xuống mức thấp kỷ lục gần 100 Afghani/USD sau khi lực lượng Taliban giành quyền kiểm soát và tình trạng thiếu USD gây ra sự hoảng loạn. Đồng tiền Afghanistan rớt giá cho thấy, mối lo ngại về tương lai của quốc gia này sau khi thủ đô Kabul rơi vào tay lực lượng Taliban.
Việc đồng Afghani mất giá cũng gây thêm sức ép lạm phát. Giá cả tăng, đặc biệt là giá thực phẩm và hàng hóa thiết yếu sẽ gây khó khăn lớn nhất cho bộ phận những người nghèo nhất.
IMF dự báo, mức tăng lạm phát trong năm 2021 là 5,8%, song sự suy yếu của đồng afghani và khả năng gián đoạn thương mại do tình trạng bất ổn có thể đẩy tỷ lệ lạm phát vượt giới hạn 8% mà Ngân hàng Trung ương Afghanistan (DAB) đề ra.
Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch cảnh báo, đồng nội tệ có thể giảm sâu hơn nữa và không thể loại trừ khả năng xảy ra vòng xoáy siêu lạm phát.
Sau khi kinh tế Afghanistan suy giảm 2% trong năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, IMF hồi tháng 6/2021 cũng dự báo, GDP của nước này sẽ phục hồi và tăng 2,7% trong năm nay khi hoạt động thương mại được nối lại.
Song, diễn biến chính trị mới đây tại quốc gia này đã khiến triển vọng kinh tế trở nên bấp bênh. Fitch mới đây dự đoán, kinh tế Afghanistan sẽ giảm mạnh, có thể tới 20%.
Đồng nội tệ của Afghanistan (đồng Afghani) đã giảm xuống mức thấp kỷ lục gần 100 Afghani/USD. (Nguồn: thefrontierpost.com) |
Nguy cơ mất "phao cứu sinh"
Nhà phân tích về ngoại hối tại In Touch Capital Markets Piotr Matys nhận định, thách thức chính đối với lực lượng Taliban là làm sao tiếp cận được với các đồng tiền mạnh để phục vụ nhập khẩu hàng hóa và ngăn chặn một cuộc khủng hoảng cán cân thanh toán toàn diện.
Lực lượng Taliban có thể sẽ không dễ dàng tiếp cận được gần 10 tỷ USD tài sản của DAB. Theo một quan chức Afghanistan, các tài sản của DAB được cho là bao gồm ngoại tệ, vàng và các tài sản giá trị khác. Tuy nhiên, các quan chức Afghanistan, trong đó có quyền Thống đốc DAB Ajmal Ahmady tiết lộ, hầu hết các tài sản trên đều ở nước ngoài, khiến Taliban khó tiếp cận.
Theo IMF, DAB có 9,4 tỷ USD tài sản dự trữ tính đến tháng 4/2021, tương đương với khoảng 1/3 GDP hàng năm của quốc gia này. Tuy nhiên, phần lớn số dự trữ đó không được lưu giữ ở Afghanistan, trong đó hàng tỷ USD được giữ ở Mỹ.
Theo ông Ahmady, do Taliban vẫn nằm trong danh sách trừng phạt quốc tế, các tài sản nói trên sẽ bị đóng băng và Taliban sẽ không thể tiếp cận. Ông nói thêm rằng, số tài sản mà lực lượng này có thể tiếp cận chỉ vào khoảng 0,1-0,2% tổng dự trữ ngoại tệ của Afghanistan.
Các ngân hàng trung ương, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, thường gửi các tài sản ở nước ngoài, tại các ngân hàng như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại New York (FRBNY) hay Ngân hàng Trung ương Anh. Theo thông báo của DAB, FRBNY giữ số vàng thỏi trị giá hơn 1,32 tỷ USD nhân danh DAB vào cuối năm 2020.
Bên cạnh đó, thông báo của DAB hồi tháng Sáu cũng cho biết, ngân hàng này có các khoản đầu tư trị giá 6,1 tỷ USD. Một báo cáo cuối năm ngoái cho thấy phần lớn các khoản đầu tư là vào trái phiếu và tín phiếu của Mỹ.
Trong khi đó, chính phủ của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đóng băng các khoản dự trữ của Chính phủ Afghanistan được giữ trong các tài khoản ngân hàng của Mỹ vào ngày 15/8, sau khi Taliban tiến vào thủ đô Kabul.
Động thái này nhằm ngăn Taliban tiếp cận hàng tỷ USD đang được gửi trong các tổ chức của Mỹ. Một quan chức chính phủ cho biết, bất kỳ tài sản nào của ngân hàng trung ương mà Chính phủ Afghanistan có ở Mỹ sẽ không được cung cấp cho Taliban.
Bên cạnh đó, IMF cũng thông báo Afghanistan sẽ không thể tiếp cận các nguồn tài chính của IMF, bao gồm một quyết định phân bổ mới dành cho Quyền rút vốn đặc biệt (SDR).
Trước đó, The New York Times dẫn lời một quan chức của Bộ Tài chính Mỹ cho hay, Chính phủ Mỹ đang tìm cách hạn chế tối đa khả năng Taliban có thể tiếp cận hơn 400 triệu USD trong khoản tiền dự trữ khẩn cấp mà sắp tới IMF dự kiến sẽ giải ngân cho Afghanistan.
| 'Số phận' kinh tế Afghanistan sẽ thế nào dưới sự cai trị của Taliban? Cựu Giám đốc ngân hàng trung ương Afghanistan Ajmal Ahmady nhận định, tương lai kinh tế của đất nước dưới sự cai trị của Taliban ... |
| Afghanistan: Nhận 'quà lớn', Taliban tự tin hẳn về khả năng điều hành kinh tế Sau khi trở thành “chủ mới” của Kabul, Taliban đã cố gắng truyền đi một cảm giác an toàn ở đất nước mà lâu nay ... |