Bất chấp những thách thức toàn cầu đáng kể, Ấn Độ vẫn là một trong những nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất trong năm tài chính 2022/2023. Ảnh minh họa. (Nguồn: Business Today) |
Báo cáo cập nhật phát triển Ấn Độ (IDU) nửa năm 2023 của Ngân hàng thế giới (WB) đánh giá, bất chấp những thách thức toàn cầu, Ấn Độ vẫn là một trong những nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất trong năm tài chính 2022/2023 (từ tháng 4/2022 đến hết tháng 3/2023) với mức 7,2%. Tốc độ tăng trưởng của Ấn Độ cao thứ hai trong số các nước G20 và gần gấp đôi mức trung bình của các nền kinh tế thị trường mới nổi.
Động lực tăng trưởng của Ấn Độ?
Khả năng phục hồi “đáng nể” của Ấn Độ được củng cố bởi nhu cầu trong nước mạnh mẽ, đầu tư lớn cho cơ sở hạ tầng công cộng và khu vực tài chính vững mạnh. Tăng trưởng tín dụng ngân hàng của Ấn Độ tăng lên 15,8% trong quý đầu tiên của năm tài chính 2023/2024 so với 13,3% trong quý đầu tiên của năm tài chính 2022/2023.
IDU đưa ra dự đoán, những trở ngại toàn cầu tiếp tục kéo dài và gia tăng do lãi suất cao, căng thẳng địa chính trị và nhu cầu toàn thế giới trì trệ. Kết quả là, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại trong trung hạn do tổng hợp các yếu tố trên gây ra.
Trong bối cảnh này, WB dự báo tăng trưởng GDP của Ấn Độ trong năm tài chính 2023/2024 là 6,3% với sự điều tiết trong nền kinh tế chủ yếu nhằm đáp ứng các điều kiện bên ngoài đầy thách thức và nhu cầu dồn nén đang suy yếu.
Tuy nhiên, hoạt động của ngành dịch vụ được kỳ vọng vẫn mạnh mẽ với mức tăng trưởng 7,4% và tăng trưởng đầu tư được dự báo sẽ duy trì ở mức cao 8,9%.
Giám đốc quốc gia của WB tại Ấn Độ Auguste Tano Kouame phân tích, môi trường toàn cầu bất lợi tiếp tục đặt ra những thách thức trong ngắn hạn. “Tập trung vào chi tiêu công để thu hút nhiều đầu tư tư nhân hơn là hướng đi thuận lợi để Ấn Độ nắm bắt các cơ hội toàn cầu trong tương lai và từ đó đạt được mức tăng trưởng cao hơn”.
Chuyên gia kinh tế cao cấp của WB Dhruv Sharma, đồng thời là tác giả chính của báo cáo, cho biết thêm, các điều kiện chung sẽ vẫn thuận lợi cho đầu tư tư nhân. Ông dự báo, “khối lượng đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng có khả năng tăng lên ở Ấn Độ khi quá trình tái cân bằng chuỗi giá trị toàn cầu tiếp diễn”.
Một trong những động lực tăng trưởng của Ấn Độ nằm ở nền kinh tế số. Lĩnh vực này đã tăng trưởng chóng mặt nhờ sự gia tăng cung và cầu đối với các giải pháp kỹ thuật số. Trong khi đó, nền tảng nền kinh tế số của quốc gia Nam Á này được củng cố mạnh mẽ nhờ kế hoạch thiết lập cơ sở hạ tầng kỹ thuật số có bài bản từ chính phủ.
Những nỗ lực phối hợp của chính phủ Ấn Độ và các bên liên quan đã dẫn đến sự gia tăng đáng kể trong các giao dịch thanh toán kỹ thuật số, góp phần vào sự phát triển của các doanh nghiệp và nền kinh tế nói chung. Trong thập kỷ qua, số lượng giao dịch kỹ thuật số ở Ấn Độ đã tăng từ mức 127 tỷ trong giai đoạn 2013-2014 lên 12.735 tỷ trong năm 2022-2023 (tính đến ngày 23/3), tức tăng hơn 100 lần.
Hành trình trở thành nhà lãnh đạo kỹ thuật số
Nếu đại dịch Covid-19 đã tác động sâu sắc, trực tiếp hoặc gián tiếp đối với khu vực sản xuất, chuỗi cung ứng và thị trường tài chính toàn cầu thì Ấn Độ đã tận dụng chính giai đoạn này để giảm thiểu các tác động tiêu cực cho nền kinh tế và phục hồi nhanh chóng nhờ chiến lược kinh tế số.
Theo Bộ trưởng Đường sắt Ấn Độ Ashwini Vaishnaw, các giao dịch thanh toán kỹ thuật số lên tới 1,5 nghìn tỷ USD/năm (theo số liệu tháng 12/2022). Ngoài ra, với việc nền kinh tế Ấn Độ ngày càng hội nhập với hệ thống toàn cầu, các khoản thanh toán xuyên biên giới càng trở nên quan trọng hơn.
Để đạt được mục tiêu này, cùng với việc mở rộng đối tượng tiếp cận các phương tiện thanh toán kỹ thuật số trong nội địa, với chi phí phải chăng, thuận tiện và an toàn, chính phủ Ấn Độ “nỗ lực phổ biến” các sản phẩm thanh toán nội địa như mạng UPI và RuPay ra toàn thế giới. Các hệ thống thanh toán kỹ thuật số của Ấn Độ hiện đã có mặt ở Singapore, UAE, Oman, Saudi Arabia, Malaysia, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Luxembourg và Thụy Sỹ…
Ấn Độ là một trong những quốc gia có nền công nghệ tài chính phát triển nhanh nhất trên thế giới, chủ yếu do sự phát triển của phân khúc giao dịch kỹ thuật số. Trong lĩnh vực tài chính công nghệ số (FinTech), Ấn Độ là quốc gia được tài trợ nhiều thứ hai sau Mỹ trong quý I/2023 và có mặt trong top 5 quốc gia và khu vực về tổng số hoạt động tài trợ.
Quý I/2023, các công ty khởi nghiệp Fintech ở Ấn Độ đã thu hút khoản đầu tư trị giá 1,2 tỷ USD. Để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho việc hội nhập với nền kinh tế số toàn cầu, tháng 12/2022, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) đã công bố ra mắt thí điểm đồng Rupee kỹ thuật số.
Trong nỗ lực thúc đẩy sự hội nhập nền kinh tế số của Ấn Độ ở cấp địa phương, New Delhi đã giới thiệu bộ ba JAM (tài khoản Jan Dhan - căn cước công dân - điện thoại di động). Trong đại dịch Covid-19, bộ ba JAM đóng vai trò quan trọng, giúp chính phủ nhanh chóng chuyển khoản hỗ trợ tài chính trực tiếp vào tài khoản của người dân, ngay cả trong bối cảnh việc đi lại và nguồn lực đều hạn chế.
Trong bối cảnh giao dịch kỹ thuật số đang tăng trưởng trên toàn cầu, Ấn Độ tiếp tục thống trị giao thức thanh toán theo thời gian thực (RTP), với con số đáng kinh ngạc là 89,5 tỷ giao dịch vào năm 2022, đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm là 76,8%, chiếm 46% tổng số giao dịch theo thời gian thực toàn cầu.
Giá trị của thanh toán kỹ thuật số trên GDP đã tăng từ 660% trong giai đoạn 2014-2015 lên 862% trong giai đoạn 2018-2019, giúp cho việc chuyển đổi sang thanh toán kỹ thuật số ở Ấn Độ có thể nhận thấy rõ ràng. Dự báo RTP giúp GDP của Ấn Độ tăng 45,9 tỷ USD vào năm 2026 do khối lượng RTP dự kiến vượt mức 206 tỷ USD ở thời điểm đó.
Ấn Độ chứng kiến sự gia tăng của các công ty khởi nghiệp thành công trong các lĩnh vực thương mại điện tử, công nghệ tài chính và chăm sóc y tế. Tạo ra một môi trường thuận lợi cho đổi mới, sáng tạo và chấp nhận rủi ro, mở đường cho nhiều nhà lãnh đạo kỹ thuật số xuất hiện.
Quan trọng là, hành trình hướng tới dẫn đầu lĩnh vực kỹ thuật số của Ấn Độ không chỉ dừng lại ở những thành tựu cá nhân, mà bao gồm sự phát triển của một môi trường thuận lợi cho đổi mới và phát triển công nghệ. Ngược lại, sự trỗi dậy của Ấn Độ trong vai trò lãnh đạo kỹ thuật số toàn cầu mang đến cơ hội vàng cho các cá nhân, doanh nghiệp và cả quốc gia.
Với các chiến lược đầu tư và hợp tác đúng đắn, Ấn Độ có thể tiếp tục quỹ đạo đi lên này, củng cố vị thế là một cường quốc kỹ thuật số toàn cầu.