📞

Kinh tế Ấn Độ: 'Vực thẳm' Covid-19 và những mất mát được báo trước

Minh Anh 13:45 | 13/05/2021
Làn sóng đại dịch Covid-19 thứ 2 ở Ấn Độ không giống như làn sóng đầu tiên. “Những người quanh bạn có thể đổ bệnh quá nhanh và quá nhiều, mà bạn không thể hiểu được chuyện gì đang xảy ra.”
Cảnh tượng tại một khu hỏa táng tập thể các nạn nhân thiệt mạng vì Covid-19 tại New Delhi, Ấn Độ, ngày 6/5. (Nguồn: Getty)

Một phóng viên đã viết như vậy trên tờ The Economist, khi phản ánh về bệnh dịch đang làm điêu đứng nền kinh tế lớn thứ hai châu Á. Dự báo tăng trưởng hai con số của Ấn Độ vì thế cũng “đang gặp nguy hiểm“.

Những con số “ảo ảnh”

Ảnh hưởng khủng khiếp của dịch bệnh Covid-19 đối với nền kinh tế phụ thuộc vào việc lỗ hổng nguồn cung chính được bù đắp hiệu quả như thế nào.

Dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục lan rộng đáng báo động tại Ấn Độ. Tính đến ngày 13/5, Ấn Độ tiếp tục là quốc gia chịu thiệt hại lớn nhất về người, với 258.351 người không qua khỏi, số ca nhiễm bệnh vẫn tăng cao với 23.702.832 ca mắc (chỉ sau Mỹ - 33.585.943 ca. Tình hình vô cùng quan ngại của dịch bệnh đã tạo ra sự không chắc chắn đáng kể trong nội tại nền kinh tế .

Tại một số bang, để đối phó với sự gia tăng các trường hợp nhiễm bệnh, đã buộc phải áp đặt các hạn chế đối với các hoạt động kinh tế. Mặc dù, ở thời điểm hiện tại, các hạn chế đang được áp dụng ít nghiêm trọng hơn so với những hạn chế từng được áp dụng vào thời điểm dịch bệnh năm ngoái, nhưng tác động của chúng đã bắt đầu cảm nhận được trong nền kinh tế rộng lớn hơn của quốc gia.

Chỉ số Thuận lợi Kinh doanh (BRI) của Ấn Độ do Nomura đánh giá đã giảm xuống 83,8 trong tuần kết thúc vào ngày 18/4, giảm so với mức 99,3 của một tháng trước. Như vậy, chỉ số này chỉ thấp hơn chút ít so với thời điểm nền kinh tế nước này vận hành vào cuối tháng 10/2020 (ở mức 83,3). Nhiều nhà phân tích lo ngại, tăng trưởng của nền kinh tế Ấn Độ sẽ bị đe dọa, dù một số định chế tài chính vẫn đưa ra các dự báo với sự sụt giảm không quá lớn.

Care Ratings chỉ hạ kỳ vọng tăng trưởng năm 2021 của nền kinh tế Nam Á này xuống 10,2%, từ dự báo10,7-10,9% trước đó. Trong khi, các nhà kinh tế của SBI cũng chỉ giảm dự báo của họ từ 11% xuống 10,4%.

Tuy nhiên, trên thực tế, dù dữ liệu kinh tế có thể trông vẫn không quá bết bát, nhưng đây có thể đơn giản là một “ảo ảnh”. Các ước tính hàng năm sẽ có vẻ vẫn tốt vì hiệu ứng cơ sở thấp – nhưng sự cải thiện theo từng quý liên tiếp có thể không thành hiện thực như các dự kiến.

Với tốc độ gia tăng khủng khiếp các ca bệnh trên cả nước, chính quyền các bang có thể sẽ cần phải áp đặt các hạn chế thậm chí còn khắt khe hơn và rộng hơn đối với các hoạt động, sự tiếp xúc, nhằm hạn chế sự lây lan của virus. Các biện pháp này sẽ làm suy giảm thêm các hoạt động kinh tế và gây ra gián đoạn trong chuỗi cung ứng, giá hàng hóa sẽ cao hơn, áp lực lạm phát gia tăng, làm phức tạp thêm các nhiệm vụ vốn đang rất khó khăn của cơ quan điều hành chính sách tiền tệ.

Chính phủ, cũng như chính quyền các bang sẽ bị đặt trong một tình huống đầy thách thức. Để giải quyết tình trạng căng thẳng kinh tế - khi báo cáo về người di cư rời các thành phố đã bắt đầu cho thấy mức độ bất ổn và khó khăn tiềm ẩn - các chính phủ có thể phải ứng phó bằng cách, tung ra các hỗ trợ lớn hơn cho nền kinh tế, so với những gì họ có thể thực hiện được cho đến nay.

Tuy nhiên, tăng trưởng chậm hơn dự kiến ​​cũng sẽ làm giảm doanh thu, buộc chính phủ phải đi vay nhiều hơn, gây thêm áp lực lên trái phiếu. Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch gần đây đã khẳng định, mức tín nhiệm “BBB-” của Ấn Độ đáng lo ngại và cảnh báo triển vọng tiêu cực, vì tiếp tục có sự không chắc chắn về quỹ đạo nợ của quốc gia, sau khi tình hình tài chính công xấu đi.

Covid-19 kéo kinh tế Ấn Độ lùi 20 năm

Chỉ vài tuần trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng cấp dự báo tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ lên 12,5% - tốc độ nhanh nhất trong số các nền kinh tế lớn. Nhưng giờ đây, khi các trường hợp Covid-19 tăng nhiều nhất trên toàn cầu, quan điểm lạc quan đó đang ngày càng bị nghi ngờ. Thậm chí giới phân tích lo ngại rằng, con số ca nhiễm mới và tử vọng vẫn chưa sát thực tế, bởi còn rất nhiều người vô gia cư mắc Covid-19 chưa được tính đến.

Tại thủ đô Delhi, hầu hết các đường phố vắng tanh và các khu chợ gần như vắng vẻ với hầu hết các cửa hàng đều đóng cửa để chống lại đại dịch. Khung cảnh không quá khác biệt ở Mumbai, trung tâm tài chính chiếm 6% tổng sản lượng quốc gia.

Tuy nhiên, ‘bài toán’ nói không với một lệnh cấm vận trên toàn quốc và quyết giữ các hoạt động phát triển kinh tế quốc gia lại đang trở thành một trong những rủi ro khiến không ít nhà kinh tế lo ngại. Mỗi ngày trên 300.000 ca mắc mới và hơn 3.000 người chết, sẽ là áp lực vô cùng lớn đối với chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi, để có thể giải bài toán khó này, mà không gây ra "đau đớn" ở một phương diện nào đó.

Và dù có hay không phong tỏa, Covid-19 không chỉ khiến bệnh viện khủng hoảng, nhà hỏa táng quá tải, mà còn đánh mạnh vào lòng tin của người tiêu dùng - vốn được coi là xương sống của nền kinh tế. Tổng mức bán lẻ suy giảm mạnh, trong khi các thông số đo lường hoạt động của doanh nghiệp tại thời điểm này cũng thay đổi theo chiều hướng tiêu cực. Đây được xem là nguy cơ lớn, bởi tiêu dùng chiếm khoảng 60% GDP của quốc gia Nam Á này.

Nếu tình hình không được cải thiện, chính phủ buộc phải đóng cửa toàn bộ nền kinh tế, đây sẽ là “đòn“ mạnh hơn nữa, khi nước này mới chỉ vừa bước vào giai đoạn hồi phục sau suy thoái kỷ lục năm 2020 và nỗ lực mở cửa trở lại. Bi quan hơn, có chuyên gia còn lo ngại, Covid-19 có thể sẽ kéo nền kinh tế Ấn Độ quay trở lại quy mô như 20 năm trước, thậm chí còn ảnh hưởng đến cả sự ổn định của Nam Á.

Những lo ngại về sản xuất, kinh doanh đình trệ, kinh tế lao đốc đã khiến cho chỉ số chứng khoán chuẩn của Ấn Độ hoạt động kém nhất châu Á trong tháng này. Đồng Rupee cho đến nay cũng ở mức kém nhất khu vực trong tháng qua, khi các nhà giao dịch lo ngại tác động của các lệnh hạn chế đối với tăng trưởng.

Sự không chắc chắn về kinh tế này khó có thể biến mất nhanh chóng trừ khi dịch bệnh Covid-19 cho thấy rõ đã bắt đầu thật sự giảm. Do đó, mục tiêu chính của chính quyền Ấn Độ ở tất cả các cấp là phải mở rộng các khoản cứu trợ được cung cấp, đảm bảo sự sẵn có của các nguồn cung cấp y tế cơ bản và hướng tới một chương trình tiêm chủng mạnh mẽ, rộng khắp.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất là chính phủ Ấn Độ đã tận dụng hầu hết các "room" thông thường và còn rất ít dư địa cho các biện pháp tài chính.