📞

Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương: IMF nâng dự báo tăng trưởng năm 2024, Việt Nam và 3 quốc gia khác 'góp phần lớn'

Bảo Minh 07:33 | 01/05/2024
Ngày 30/4, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố báo cáo Triển vọng kinh tế châu Á-Thái Bình Dương năm 2024, theo đó, tăng trưởng kinh tế của khu vực này đang trong giai đoạn ổn định và tiềm năng phát triển rất đa dạng.
Trụ sở IMF ở thủ đô Washington của Mỹ. (Nguồn: IMF)

Đánh giá của đại diện IMF trong buổi họp báo cùng ngày cho biết, triển vọng tăng trưởng kinh tế của châu Á-Thái Bình Dương trong năm 2024 đã sáng hơn, với kỳ vọng rằng, nền kinh tế khu vực sẽ giảm tốc ít hơn so với dự kiến, khi áp lực lạm phát liên tục hạ nhiệt.

Cụ thể, IMF đã nâng dự báo tăng trưởng khu vực trong năm nay lên 4,5%, tăng 0,3 điểm phần trăm so với 6 tháng trước đó. Năm 2023, kinh tế châu Á-Thái Bình Dương tăng trưởng đáng ngạc nhiên trong nửa cuối năm, đưa mức tăng trưởng cả năm lên 5% - mạnh hơn đáng kể so với năm 2022 (3,9%).

Các nền kinh tế mới nổi ở châu Á đóng góp phần lớn trong mức tăng trưởng tích cực, bao gồm Việt Nam, Malaysia, Philippines và đáng chú ý nhất là Ấn Độ.

Nhìn chung, tăng trưởng năm 2024 dù chậm lại, song tốt hơn dự kiến và châu Á-Thái Bình Dương vẫn là khu vực năng động, đóng góp khoảng 60% tăng trưởng toàn cầu.

IMF nhận định, động lực tăng trưởng cũng không đồng nhất trong khu vực, chủ yếu do mức tiêu dùng nội địa lớn ở hầu hết các nước ASEAN, đầu tư công mạnh mẽ ở Trung Quốc và đáng chú ý nhất là ở Ấn Độ, cùng với sự gia tăng mạnh mẽ tăng trưởng du lịch ở các quốc đảo Thái Bình Dương. Sự phân mảnh địa kinh tế vẫn là một rủi ro đáng kể.

Theo IMF, các ngân hàng trung ương châu Á nên tiếp tục tập trung vào ổn định giá cả trong nước và tránh đưa ra quyết định chính sách phụ thuộc quá nhiều vào các động thái lãi suất dự kiến của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Các nước châu Á đang ở vị thế tốt hơn trước để đối phó với những biến động tỷ giá hối đoái và nên tiếp tục cho phép tỷ giá hối đoái hoạt động như một bộ đệm chống lại các cú sốc.

Ngoài ra, thúc đẩy củng cố tài khóa là một ưu tiên cấp bách vừa để giảm bớt gánh nặng về mức nợ cao lẫn chi phí lãi vay, vừa xây dựng lại không gian tài chính cần thiết để giải quyết các thách thức cơ cấu trong trung hạn.

Các cơ quan giám sát cũng nên tiếp tục theo dõi một cách thận trọng những rủi ro tích tụ liên quan việc chuyển sang chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn đối với bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp và hộ gia đình.

Theo IMF, các chính sách công nghiệp đang gia tăng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên toàn cầu có thể dẫn đến những hậu quả khó lường, chẳng hạn như bóp méo thương mại, có nguy cơ làm gia tăng sự phân mảnh.

Trong bối cảnh đó, các quốc gia cần có chính sách linh hoạt, phù hợp với hoàn cảnh của nền kinh tế nước mình để giải quyết những vấn đề còn tồn tại.