Kinh tế châu Âu đang phải đối mặt với nhiều thách thức. (Nguồn: EPA) |
Theo số liệu từ Văn phòng thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat), Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực đồng Euro (Eurozone) tăng 0,7%, trong khi GDP của Liên minh châu Âu (EU) tăng 0,6% trong quý II/2022.
Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định, bất chấp mức tăng trưởng đạt được trong quý II/2022, áp lực từ cuộc khủng hoảng năng lượng, lạm phát cao và các chính sách thắt chặt tiền tệ có thể khiến châu Âu rơi vào suy thoái.
Khủng hoảng năng lượng chưa thể giải quyết
Do EU phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch của Nga nên cuộc khủng hoảng năng lượng được xem là thách thức lớn nhất đối với sự phục hồi kinh tế trong khối.
Tháng 7/2022, xuất khẩu khí tự nhiên của Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga sang châu Âu đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Đường ống dẫn khí quan trọng Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) đang vận hành ở mức 20% công suất.
Thời gian qua, Nga đã "mạnh tay" cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên cho châu Âu. Riêng tại Đức, dòng khí đốt từ Nga qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 quan trọng về mặt chiến lược đã giảm xuống 20% công suất vào ngày 27/7.
Khi nhiều nước châu Âu đang phải đối mặt với mùa Hè nắng nóng gay gắt và cố gắng tích trữ khí đốt cho mùa Đông, Moscow vẫn tiếp tục hạn chế nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên.
Các nhà phân tích đã chỉ ra rằng, điều này sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu khí đốt ở châu Âu. Không chỉ thế, mục tiêu của EU là yêu cầu các nước thành viên lấp đầy ít nhất 80% công suất lưu trữ khí đốt của họ trước mùa Đông sẽ khó đạt được.
Để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng, các nước thành viên EU đã đạt được một thỏa thuận chính trị về việc tự nguyện giảm nhu cầu khí đốt tự nhiên xuống 15% trong mùa Đông này.
Các nhà phân tích thị trường nhấn mạnh, việc châu Âu loại bỏ sự phụ thuộc năng lượng vào Nga trong ngắn hạn là không thực tế và các nước khác cũng khó đáp ứng ngay nhu cầu năng lượng của EU.
Nhiều quốc gia trong khối gần đây đã thông báo rằng, họ sẽ mở cửa trở lại các nhà máy điện than hoặc đưa ra các biện pháp hỗ trợ điện than.
Đơn cử như tại Đức, nhà máy nhiệt điện Bexbach đóng cửa cách đây một thập niên đang "hồi sinh". Quốc gia này cho phép 21 nhà máy than tái khởi động hoặc dời ngày đóng cửa. Pháp, Italy, Áo và Hà Lan cũng công bố kế hoạch tái kích hoạt các nhà máy điện than.
Các nhà phân tích nhận định, sự "hồi sinh" của các nhà máy điện than có thể cản trở quá trình chuyển đổi xanh của nền kinh tế châu Âu và ảnh hưởng tiêu cực đến phản ứng của EU với biến đổi khí hậu.
Không chỉ "sa lầy" lạm phát, nền kinh tế châu Âu đang tăng trưởng chậm lại. (Nguồn: Getty Images) |
Lạm phát nóng đỏ
Kể từ đầu năm nay, tỷ lệ lạm phát trong khu vực Eurozone tiếp tục tăng dưới tác động của các yếu tố tiêu cực như Fed tăng lãi suất mạnh mẽ và cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu.
Theo Eurostat, lạm phát hàng năm trong tháng 7/2022 ở khu vực đồng Euro đã tăng 8,9%, ghi nhận mức kỷ lục mới.
Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu (EC) Valdis Dombrovskis cho biết, tác động của việc giá năng lượng tiếp tục tăng đang lan sang các khu vực khác, khiến lạm phát ngày càng lan rộng.
Theo nhà kinh tế cấp cao Maartje Wijffelaars tại công ty dịch vụ tài chính và ngân hàng đa quốc gia của Hà Lan Rabobank, lạm phát phụ thuộc phần lớn vào sự thay đổi của giá năng lượng.
Trong khi đó, Veronika Roharova, Phó chủ tịch bộ phận kinh tế châu Âu tại Tập đoàn Credit Suisse - chuyên cung cấp các dịch vụ tài chính, trụ sở Thụy Sỹ nhận định: "Chỉ có một sự thúc đẩy tăng trưởng nhỏ đối với ngành du lịch và lưu trú trong mùa Hè này, vì thu nhập thực tế, lạm phát sẽ kìm hãm chi tiêu của người tiêu dùng".
Tin liên quan |
Khủng hoảng năng lượng: Mỹ có thứ châu Âu cần - nhưng chưa đủ |
Ngày 21/7, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định tăng lãi suất với mức là 50 điểm cơ bản. Đây là lần tăng lãi suất đầu tiên của ECB trong 11 năm. Mức lãi suất huy động âm (-0,5%) của ngân hàng này đã được duy trì kể từ năm 2014. Với mức tăng lãi suất mới, lãi suất tiền gửi hiện là 0%.
Khi lạm phát tại Eurozone tiếp tục tăng, các nhà phân tích cho hay, chính sách tiền tệ của ECB chưa theo kịp tình hình lạm phát.
Tuy nhiên, ECB đang đối mặt với tình thế khó xử khi hoạch định chính sách. Việc tăng lãi suất mạnh có thể làm tăng nguy cơ suy thoái kinh tế và nguy cơ khủng hoảng nợ giữa các thành viên của Eurozone.
Spyros Andreopoulos, nhà kinh tế châu Âu cấp cao tại Ngân hàng BNP Paribas nhận thấy, khi nền kinh tế suy yếu, cơ hội để ECB tiếp tục tăng lãi suất đang đóng lại.
Tăng trưởng chậm
Không chỉ "sa lầy" lạm phát, nền kinh tế châu Âu đang tăng trưởng chậm lại.
Đánh giá về số liệu kinh tế Euro và EU, nhà kinh tế Andrew Cunningham tại Capital Economics, doanh nghiệp nghiên cứu kinh tế độc lập có trụ sở tại London (Anh) nói rằng, nền kinh tế châu Âu đang hướng tới một giai đoạn rất khó khăn, với một cuộc suy thoái dự kiến sẽ đến vào cuối năm, khi lạm phát khu vực Eurozone tăng cao.
Ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế ở châu Âu trong năm nay và dự đoán rằng ngay cả khi Nga không cắt hoàn toàn nguồn cung năng lượng, một cuộc suy thoái kỹ thuật kéo dài hai quý liên tiếp với mức tăng trưởng âm có khả năng xảy ra ở Eurozone.
Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của EU Paolo Gentiloni cũng nhận định: "Sự không chắc chắn vẫn ở mức cao trong những quý tới. EU cần duy trì sự thống nhất và sẵn sàng ứng phó với một tình huống phát triển khi cần thiết".
Ngoài ra, các đợt bùng phát Covid-19 gần đây ở châu Âu có thể gây xáo trộn thêm tình hình kinh tế.
Các nhà phân tích cho rằng, đại dịch vẫn là một nguy cơ lớn và có thể gây thiệt hại thêm cho nền kinh tế châu Âu.
| Sát bờ vực suy thoái, hướng đi nào cho châu Âu? Theo một số nhà bình luận, kinh tế Mỹ đã giảm hai quý liên tiếp và có thể đã rơi vào suy thoái. Vậy liệu ... |
| Giảm giá nhiên liệu, kiểm soát giá năng lượng, viện trợ xã hội là loạt biện pháp đã và đang được các quốc gia Liên ... |