TIN LIÊN QUAN | |
Đức: Nền kinh tế vẫn nhiều bi quan | |
Eurozone quyết đưa lạm phát trở lại 2% |
Ảnh minh họa. (Nguồn: PSNews.ro) |
Trước thông tin trên, tờ Le Monde (Pháp) dẫn lời nhà kinh tế Howard Archer (hãng phân tích thị trường IHS Global Insight) nhận định: "Đây là điều bất ngờ lớn và đáng khích lệ". Trong khi đó, ông Johannes Gareis - nhà kinh tế phụ trách về châu Âu của Ngân hàng Natixis (Pháp), cho rằng số liệu “cao hơn dự báo này” là đáng mừng nhưng “cũng cần thận trọng vì đây mới chỉ là những đánh giá ban đầu và có thể chưa chính xác”.
Mặc dù tỷ lệ nói trên được coi là thấp nhưng vẫn có một thực tế chắc chắn là Eurozone đã lấy lại được quy mô kinh tế như trước khủng hoảng. Pháp và Tây Ban Nha đã làm tốt hơn sự trông đợi của các nhà phân tích khi GDP tăng tương ứng 0,5% và 0,8% trong quý I/2016. Theo ước tính của Ngân hàng Pictet (Thụy Sỹ), GDP của Đức (dự kiến công bố vào ngày 13/5 tới) sẽ tăng khoảng 0,6%, và của Italy là 0,3%.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, tất cả các chỉ số đó cho thấy "đầu tàu chủ chốt" của tăng trưởng châu Âu trong quý I/2016 là nhu cầu nội địa. Tại Pháp - nước duy nhất công bố chi tiết tỷ trọng của các thành phần kinh tế, chi tiêu của các hộ gia đình đã phục hồi mạnh mẽ, tăng 1,2% sau khi chứng kiến sự sụt giảm 0,1% trong quý IV/2015. Tương tự, đầu tư của các doanh nghiệp Pháp đã tăng 1,6% - mức cao nhất kể từ đầu năm 2011.
Trong toàn Eurozone, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm từ 8,9% còn 8,8%. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn cao ở một số nước như Hy Lạp (24,4%) và Tây Ban Nha (20,4%). Trong khi đó, một số nước khác như Đức hay Cộng hòa Czech đã tiệm cận tình trạng đầy đủ việc làm khi tỷ lệ thất nghiệp chỉ còn 4,2% và 4,1%.
Tiêu dùng trong Eurozone cũng được hỗ trợ mạnh bởi giá dầu thấp. Tháng Tư vừa qua, lạm phát đã giảm 0,2%, chủ yếu bắt nguồn từ giá năng lượng giảm mạnh (8,7%). Nếu như sự sụt giảm này gây quan ngại về nguy cơ "giảm phát kiểu Nhật Bản", thì trong ngắn hạn lại có tác dụng hỗ trợ sức mua của các hộ gia đình. Đặc biệt, nó khẳng định sự cần thiết phải tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang tiến hành. Nhờ đó, doanh nghiệp cũng như hộ gia đình trong Eurozone có thể tranh thủ được lãi suất vay cực thấp.
Tuy nhiên, trong những tháng tới sẽ xuất hiện nhiều sự kiện mang tầm ảnh hưởng lớn, có khả năng gây bất ổn cho Eurozone. Ngoài cuộc khủng hoảng người di cư hay sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy, các con mắt đều đổ dồn vào cuộc trưng cầu dân ý về việc đi hay ở lại Liên minh châu Âu (EU) của nước Anh vào ngày 23/6 tới. Cùng với việc gieo rắc bầu không khí lo ngại đè nặng lên tương lai EU, vấn đề này có thể sẽ bẻ gẫy sức năng động của tiến trình phục hồi kinh tế.
Vì vậy, các chuyên gia kinh tế thận trọng nhận định GDP của cả khu vực Eurozone sẽ tăng khoảng 1,4-1,8% trong năm 2016 và sẽ thấp hơn Mỹ. Bất chấp những thất vọng trong quý I/2016, kinh tế Mỹ sẽ đạt mức tăng trưởng 2,5% trong năm nay, theo dự đoán của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Brexit – Anh đằng nào cũng thiệt |