Tuy nhiên, kể từ khi thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà Tehran ký với Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Pháp, Anh, Trung Quốc và Đức) chính thức có hiệu lực giữa tháng 1/2016 đến nay, các chuyên gia và nhà đầu tư quốc tế muốn làm ăn với Iran đều nhận thấy Mỹ vẫn đang cản trở con đường phục hồi và phát triển của kinh tế Iran.
Rào cản lớn đối với giới đầu tư
Những hạn chế mà Mỹ tiếp tục duy trì nhằm chống lại Iran đang khiến cho các ngân hàng quốc tế không thể thực hiện giao dịch tài chính liên quan đến những thỏa thuận kinh tế - thương mại của Tehran. Ngày 16/1, Mỹ chính thức bãi bỏ các lệnh trừng phạt liên quan đến hồ sơ hạt nhân, song các lệnh trừng phạt khác - trong đó có hạn chế về tài chính - vẫn được duy trì dựa trên những cáo buộc Tehran tài trợ cho các nhóm khủng bố và vi phạm nhân quyền.
Các ngân hàng quốc tế lớn không dám mạo hiểm tiếp cận thị trường Iran do lo ngại phải đối mặt với các khoản phạt khổng lồ theo các quy định của Mỹ. Một nhà quản lý giấu tên thuộc một ngân hàng lớn ở vùng Vịnh, nhận định: "Đồng USD là đồng tiền giao dịch chủ chốt trong hệ thống ngân hàng, do đó các ngân hàng quốc tế khó có thể thực hiện các giao dịch với Iran bằng đồng tiền này, dù thông qua bất cứ hình thức nào". Theo chuyên gia này, vấn đề cung cấp tài chính cho các thỏa thuận kinh tế - thương mại của Iran đã trở thành rào cản đối với giới đầu tư muốn tìm kiếm cơ hội làm ăn ở nước này.
Ông Nasser Saidi, nhà sáng lập đồng thời là Chủ tịch hãng tư vấn Nasser Saidi & Associates, đánh giá: "Những kỳ vọng hậu thỏa thuận hạt nhân là rất lớn nhưng thực tế lại khiến giới đầu tư nản lòng. Việc bãi bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế đã không được thực thi một cách sâu rộng như người dân Iran hy vọng".
Các ngân hàng quốc tế không dám tiếp cận thị trường do lo ngại sự trừng phạt của Mỹ. (Nguồn: Politiscope) |
Thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà Iran ký với Nhóm P5+1 hồi tháng 7/2015 từng được kỳ vọng mở ra thời kỳ mới để Tehran thúc đẩy các mối quan hệ ngoại giao và thương mại. Tuy vậy, việc Mỹ tiếp tục áp đặt các lệnh trừng phạt không liên quan đến chương trình hạt nhân, cũng như một loạt vấn đề khác như giá dầu thấp, tình hình địa chính trị ở Trung Đông và cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới ở Mỹ cho thấy những hạn chế liên quan đến lĩnh vực ngân hàng sẽ không thể được giải quyết nhanh chóng như mong đợi.
Về phần mình, Iran đã cáo buộc Mỹ cản trở các quốc gia và doanh nghiệp nước ngoài hợp tác làm ăn với Tehran. Tháng 2/2016, lãnh đạo tinh thần tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei chỉ trích rằng, Mỹ chỉ bãi bỏ các lệnh trừng phạt "trên giấy". Phó Giáo sư Roham Alvandi thuộc Đại học Chính trị và Kinh tế London (Anh) cho rằng, người dân Iran đang thất vọng vì điều họ cần là vốn đầu tư nước ngoài để tạo việc làm và thúc đẩy tăng trưởng bền vững đã không trở thành hiện thực.
Iran cần phải cải cách
Mỹ đã bác bỏ những cáo buộc trên, đồng thời cố gắng giải thích về những điều mà các chính phủ có thể và không thể làm sau khi dỡ bỏ cấm vận Iran. Ngày 10/5, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã tuyên bố các ngân hàng ở châu Âu sẽ được phép mở tài khoản cho Iran, cũng như có thể cho vay hay cung cấp tài chính cho các chương trình của nước này. Dù vậy, cho tới nay, chỉ một vài ngân hàng nhỏ của châu Âu và châu Á tham gia thị trường Iran, trong khi những ngân hàng lớn đều bị kiểm soát.
Các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ đã công du tới châu Á, châu Âu và khu vực Trung Đông để giải thích về lập trường của Washington liên quan đến vấn đề Iran. Nhiều chuyên gia từng tin rằng, Iran sẽ có thể tiếp cận thị trường USD sau khi các lệnh trừng phạt quốc tế được dỡ bỏ, song điều này đã không diễn ra, do những hạn chế mà Mỹ vẫn theo đuổi.
Mới đây, ít nhất một tập đoàn công nghiệp của Ấn Độ đã tiếp cận thị trường Iran nhưng rất ít ngân hàng Ấn Độ sẵn sàng thực hiện các giao dịch giữa các doanh nghiệp hai nước. Trong khi công ty Ấn Độ này chỉ có thể giao dịch bằng đồng Rupee, các đối tác Iran lại muốn đồng USD. Do đó, các cuộc đàm phán làm ăn giữa hai bên đã phải đình lại.
Việc giao dịch thương mại quốc tế bằng đồng USD đang gây khó khăn cho kinh tế Iran. (Nguồn: The National) |
Đồng USD rất cần thiết cho các các thỏa thuận mà Iran đã ký kết với các đối tác nước ngoài kể từ tháng 1 tới nay. Các hợp đồng của Iran với tập đoàn chế tạo máy bay Airbus của châu Âu và Boeing của Mỹ có trị giá lần lượt là 27 tỷ USD và 25 tỷ USD. Tuy nhiên, khó khăn trong việc cung cấp tài chính, cũng như các vấn đề chính trị, đã cản trở các đơn hàng này.
Theo đánh giá của giới phân tích ở Trung Đông, nếu các giao dịch lớn như thỏa thuận mua bán máy bay với Airbus và Boeing được thúc đẩy, niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với thị trường Iran có thể sẽ tăng mạnh. Nếu Iran có thể hoàn tất những thỏa thuận như vậy với một công ty của Mỹ, Tehran sẽ dễ dàng thực hiện các thương vụ tương tự với các đối tác nước ngoài khác. Ngay cả khi Mỹ vẫn áp đặt một số lệnh trừng phạt, Iran vẫn mong muốn thu hút 8 tỷ USD đầu tư nước ngoài trong năm lịch Iran (kết thúc vào ngày 20/3/2017).
Theo truyền thông Iran, quốc gia Hồi giáo này đã thu hút 3,41 tỷ USD đầu tư nước ngoài trong vòng 4 tháng kể từ sau khi thỏa thuận hạt nhân có hiệu lực. Các lĩnh vực như sản xuất ôtô, năng lượng và dược phẩm được kỳ vọng sẽ mang lại nguồn vốn đầu tư khổng lồ. Iran hy vọng có thể thu hút đầu tư nước ngoài tới 50 tỷ USD/năm nhờ mô hình thỏa thuận dầu khí mới mà Tehran thông qua ngày 3/8.
Hiện nay, bên cạnh việc Mỹ duy trì những lệnh cấm gây quan ngại cho giới đầu tư nước ngoài, môi trường kinh doanh của Iran cũng được xem là lạc hậu và chưa hoàn thiện so với các tiêu chuẩn quốc tế. Iran chưa có khuôn khổ đối tác công - tư (PPP), mô hình mà nhiều nhà đầu tư quốc tế cho là quan trọng và cần thiết tại thị trường Iran. Đặc biệt, Iran cũng cần phải cải cách các quy định ngân hàng cho phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.