Kinh tế Nga đang ‘biến hóa’, Tổng thống Putin đã hóa giải nước cờ của phương Tây bằng cách này. (Nguồn: FT) |
Phương Tây đã đi nhầm một nước cờ, hay Tổng thống Putin đã hóa giải được nước cờ đó, để nền kinh tế Nga mới đang được quân sự hóa - củng cố thêm các nguồn lực vững chắc tiếp tục hỗ trợ chiến dịch quân sự mà nước này đang tiến hành tại Ukraine.
Nền kinh tế mới của Nga dưới sự dẫn dắt của Tổng thống Putin vẫn đang tiếp tục cung cấp nguồn lực lớn cho quân đội, trái ngược với kỳ vọng của phương Tây rằng, những hạn chế về kinh tế sẽ cản trở khả năng duy trì mục tiêu quân sự của Nga tại Ukraine.
Nền kinh tế Nga đã tăng trưởng 3,6% vào năm 2023 và dự kiến sẽ tăng hơn 3% vào năm 2024.
Bất chấp 13 vòng lệnh trừng phạt đánh thẳng vào nền kinh tế Nga và kiểm soát xuất khẩu đang diễn ra – mà phương Tây kỳ vọng sẽ cản trở đầu tư và tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế này trong dài hạn, Moscow vẫn cho biết, họ vẫn đang thành công trong việc tránh được một cuộc suy thoái sâu vào năm 2022 và đạt được mức tăng trưởng mạnh mẽ sau đó.
Phần lớn thành công này phụ thuộc vào việc mở rộng tổ hợp công nghiệp-quân sự. Việc áp dụng trần giá dầu do phương Tây buộc phải áp đặt một cách chậm chạp và không hoàn toàn để bảo vệ các lợi ích của mình đã cho phép Nga tận dụng “lỗ hổng”, tăng cường doanh thu tài chính và sử dụng chúng để kích thích nền kinh tế trong nước.
Mặc dù các biện pháp kiểm soát xuất khẩu cản trở hoạt động sản xuất quân sự của Nga và khiến nó trở nên đắt đỏ hơn bao giờ, nhưng chúng chưa đến nỗi bị tắc nghẽn, hay xuất hiện những điểm gián đoạn nguy hiểm, có thể khiến chuỗi cung ứng bị ngắt giữa chừng.
Chi tiêu tài chính của nước Nga đang tập trung vào việc hỗ trợ sản xuất phục vụ chiến dịch quân sự. Chi tiêu quân sự trực tiếp cũng tăng hơn gấp 3 lần, lên hơn 100 tỷ USD (6% GDP) so với chính cuộc xung đột với Ukraine trong giai đoạn trước năm 2022.
Nga hiện tự hào có 6.000 doanh nghiệp công nghiệp quân sự, tăng đáng kể so với con số dưới 2.000 trước xung đột Nga-Ukraine. Các cơ sở này tuyển dụng tổng cộng hơn 3,5 triệu lao động hoạt động suốt ngày đêm, với 3 ca và 6 ngày làm việc một tuần - đã trở thành tiêu chuẩn việc mới trong giai đoạn căng thẳng này.
Kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine, lực lượng lao động trong lĩnh vực này đã mở rộng đáng kể, với ít nhất nửa triệu nhân viên mới. Ngoài ra, mức lương đã tăng từ 20% đến 60% kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra và nhiều công ty đang đưa ra các ưu đãi miễn trừ khỏi nghĩa vụ quân sự.
Nhu cầu ngày càng tăng từ lĩnh vực quân sự, cùng với những thiệt hại về người do cuộc xung đột với Ukraine, đã đưa tỷ lệ thất nghiệp của Nga xuống mức thấp nhất mọi thời đại là 2,8%.
Sản lượng công nghiệp của nền kinh tế Nga cũng đang tăng lên đáng kể, do được thúc đẩy bởi các lĩnh vực như sản phẩm kim loại, chế tạo máy và sản xuất hóa chất. Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ từ nhiệm vụ phát triển tổ hợp công nghiệp-quân sự. Việc làm, thu nhập và thu thuế của nền kinh tế cũng đều được hưởng lợi từ sự bùng nổ phát triển các lĩnh vực phục vụ cho mục tiêu quân sự.
Báo cáo của các chính quyền địa phương cho thấy, sự gia tăng sản lượng công nghiệp nói trên do việc triển khai “thành lập các cơ sở sản xuất mới, bao gồm việc thành lập các khu công nghiệp, phát triển doanh nghiệp và tạo ra một số lượng đáng kể việc làm mới”.
Nhiều khu vực từng phải vật lộn hàng năm để “đủ sống”, hiện đang trải qua một thời kỳ khởi sắc đáng kể, do sự định hướng lại sản xuất theo mục tiêu phục vụ quân sự.
Đối với người dân Nga, quyết định ủng hộ quân đội không còn đơn thuần bị ảnh hưởng bởi sự tuyên truyền chính trị, mà còn được thúc đẩy bởi lợi ích thực dụng.
Đồng thời, việc chuyển hướng hoạt động sản xuất kinh doanh sang các hoạt động liên quan quân sự, không còn đơn thuần là một biện pháp chính sách ngắn hạn, mang tính chu kỳ - mà đã trở thành một đặc thù mang tính cấu trúc trong nền kinh tế.
Ngân hàng Trung ương Nga cũng đang thực hiện một số nỗ lực nhằm xoa dịu nền kinh tế bằng cách duy trì lãi suất ở mức 16%, cao hơn đáng kể so với tỷ lệ lạm phát hiện tại là 7,7%.
Tuy nhiên, việc đảo ngược một xu hướng đầu tư mang tính cơ cấu được thực hiện trong thời kỳ xung đột quân sự với Ukraine cũng không phải vấn đề dễ dàng. Trong nhiều thập kỷ, Nga đã phải vật lộn với tình trạng thiếu đầu tư và sự mất cân bằng giữa các khu vực kinh tế, nên chỉ có một số lĩnh vực sản xuất hàng hóa thiết yếu thường là những người đóng góp ròng cho ngân sách.
Các dự án quốc gia trước đây, kể cả các sắc lệnh của chính phủ cũng không thể thay đổi được nhiều. Tuy nhiên, hiện tại, khi nền kinh tế bị đặt trong bối cảnh xung đột quân sự, chính tình hình cấp bách đã tạo nên những thay đổi cần thiết đó.
Nếu chính quyền cố gắng ngăn chặn quân sự hóa nền kinh tế - một cuộc “hạ cánh cứng” rất có thể lại gây thêm áp lực cho chính phủ. Thậm chí, xung đột nội bộ để sở hữu các nguồn lực hạn chế cũng có thể xảy ra.
Xét đến những thách thức này, việc chính phủ Nga tiếp tục quân sự hóa nền kinh tế có thể là lựa chọn thực tế hơn. Thay vì trở thành một nguồn lực hạn chế cản trở chính mục tiêu của chính phủ, nền kinh tế Nga lại có thể trở thành động lực hỗ trợ mạnh mẽ cho chiến dịch quân sự mà Điện Kremlin đang triển khai tại Ukraine.