📞

Kinh tế Nga kiên cường đáng ngạc nhiên, bản đồ năng lượng toàn cầu đang được vẽ lại, Moscow, Mỹ-phương Tây mạo hiểm ‘đánh cược’

Hải An 08:15 | 29/06/2023
Chính sự phân chia “phương Tây và phần còn lại của thế giới” đã mang lại cho Nga thị trường xuất khẩu năng lượng vô cùng tiềm năng ở châu Á, thay thế các nhà mua hàng truyền thống từ châu Âu.
Trước những trừng phạt từ EU, Nga đã định hình lại đáng kể các kết nối năng lượng của mình. (Nguồn: Getty)

Cùng với việc Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine (tháng 2/2022), các cuộc phản công của Kiev, diễn biến tình hình trên thực địa và gần nhất cuộc nổi loạn của lực lượng Wagner, bản đồ năng lượng toàn cầu cũng đang được vẽ lại.

Mỹ, phương Tây trừng phạt Moscow

Xung đột không chỉ làm giảm đáng kể dòng chảy dầu mỏ và khí đốt tự nhiên giữa Nga và châu Âu, mà còn định hình lại các kết nối năng lượng trên toàn thế giới. Sự thay đổi đang diễn ra trong kết nối năng lượng này có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình triển vọng của cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây, cũng như tương lai của chính Kiev.

Ngành năng lượng của quốc gia Đông Âu đã bị ảnh hưởng không nhẹ bởi xung đột. Hơn một nửa số nhà máy phát điện của nước này bị phá hủy hoặc hư hỏng do các cuộc pháo kích.

Người dân thường xuyên phải đối mặt với việc bị cắt điện và nước sinh hoạt, thiệt hại kinh tế đã được các tổ chức ước tính lên hơn 10 tỷ USD. Việc đập Kakhovka bị phá hủy gần đây sẽ càng gây thêm áp lực lên ngành năng lượng và toàn bộ nền kinh tế Ukraine.

Phương Tây cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua các biện pháp trừng phạt mạnh chưa từng có đối với ngành năng lượng của Nga trong khi thực hiện các kế hoạch đầy tham vọng nhằm đa dạng hóa nguồn cung cấp dầu mỏ và khí đốt tự nhiên.

Mỹ cắt giảm nhập khẩu từ Nga gần như ngay lập tức, trong khi EU - thị trường xuất khẩu năng lượng lớn nhất của Moscow theo truyền thống - đã ngừng tất cả hoạt động nhập khẩu dầu mỏ của Nga bằng đường biển vào cuối năm 2022 và giảm tỷ trọng của nước này trong tổng nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ khoảng 40% trước đó xuống dưới 10% vào đầu năm 2023.

Các biện pháp EU thực hiện nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga bao gồm tăng cường tiết kiệm, tiếp tục chuyển đổi sang các nguồn năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, biện pháp chủ yếu là chuyển nhập khẩu năng lượng sang các đối tác khác. Năm 2022, khối này đã tăng nhập khẩu 28 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên từ Na Uy, Azerbaijan và Qatar, trong khi chỉ riêng Mỹ đã cung cấp cho liên minh 27 quốc gia thành viên 37 tỷ mét khối khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).

LNG đã mang lại cho ngành năng lượng của EU tính linh hoạt hơn nhiều so với việc trước đây phụ thuộc vào Nga thông qua khí đốt tự nhiên qua đường ống, bao gồm cả các đường ống Nord Stream hiện đã ngừng hoạt động. EU có khả năng mở rộng cơ sở hạ tầng để tiếp nhận tàu chở dầu từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm cả từ Mỹ và các đồng minh khác mà họ có chung lợi ích chiến lược trong cuộc xung đột tại Ukraine.

Hành động ứng phó từ Nga

Đáp lại, Nga cũng đã định hình lại đáng kể các kết nối năng lượng của mình kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu, hướng tới tái tổ chức địa chính trị rộng lớn hơn. Moscow đã tăng cường xuất khẩu năng lượng sang nhiều quốc gia trong “thế giới ngoài phương Tây”, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, một số quốc gia vùng Vịnh và thậm chí cả thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Thổ Nhĩ Kỳ.

Mặc dù không quốc gia nào trong số này trực tiếp ủng hộ Nga trong xung đột tại Ukraine, nhưng cũng không nước nào nào tham gia cùng phương Tây trong việc trừng phạt Moscow. Thay vào đó, các nước chọn mở rộng quan hệ năng lượng với Moscow vì lợi ích kinh tế cũng như mong muốn thúc đẩy một trật tự thế giới đa cực hơn.

Nga thậm chí đã tìm thấy các thị trường năng lượng mới ở những nơi như Pakistan và châu Phi, những quốc gia cũng ủng hộ chiến lược của phương Tây nhằm gây sức ép với Điện Kremlin.

Chính sự phân đôi “phương Tây và phần còn lại” đã khiến nền kinh tế Nga trở nên kiên cường một cách đáng ngạc nhiên. Mặc dù các biện pháp trừng phạt của phương Tây là một nguồn gây áp lực đáng kể đối với Điện Kremlin, nhưng chúng đã không dẫn đến sự sụp đổ kinh tế như một số nhà quan sát đã dự đoán.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga chỉ giảm tương đối khiêm tốn 2,1% vào năm 2022 và dự kiến sẽ tăng trưởng trở lại vào năm 2023, theo một số ước tính. Trong khi đó, năm 2022, doanh thu từ dầu khí của nước này tăng 28%, tương đương gần 37 tỷ USD, so với năm trước.

Việc bán năng lượng đã giúp nền kinh tế Nga duy trì phát triển, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho khả năng và sự sẵn sàng của Điện Kremlin trong việc tiếp tục tiến hành chiến dịch ở Ukraine.

Ngược lại, điều này đã gây khó khăn hơn cho Ukraine trong xung đột mặc dù mức độ hỗ trợ về kinh tế và quân sự từ Mỹ và NATO đã tăng lên. Một phần trong tính toán của phương Tây là nhằm cắt nguồn thu nhập của Moscow, từ đó tác động tới các hoạt động quân sự ở Ukraine.

Tuy nhiên, Điện Kremlin cho đến nay đã có thể bù đắp phần lớn sự thiếu hụt doanh thu này bằng cách xây dựng các mối quan hệ kinh tế và ngoại giao “bên ngoài thế giới phương Tây”.

Nga đặt cược vào châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, để thay thế châu Âu trở thành thị trường năng lượng chính của mình. (Nguồn: RIA)

Sự thay đổi trong vị thế địa chính trị

Mặc dù vậy, như lĩnh vực năng lượng đã chứng minh trong năm qua, mọi thứ có thể thay đổi nhanh chóng. Những thay đổi liên quan tới dòng chảy năng lượng trong tương lai có thể chứng tỏ vai trò then chốt không chỉ trong vị thế kinh tế mà cả vị thế địa chính trị của Nga và phương Tây đối với xung đột tại Ukraine.

Đối với Nga, nước này rõ ràng đã đặt cược vào châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, để thay thế châu Âu trở thành thị trường năng lượng chính của mình. Nhập khẩu dầu của Trung Quốc từ Nga đạt mức cao kỷ lục 9,7 triệu tấn trong tháng 5/2023, cao hơn gấp đôi so với mức trước tháng 2/2022 (thời điểm bắt đầu xung đột).

Hoàn toàn trái ngược với việc châu Âu tập trung vào nhập khẩu LNG, Moscow và Bắc Kinh đã ký các thỏa thuận dài hạn để mở rộng đường ống dẫn khí đốt giữa hai nước. Nhìn chung, năng lượng của Nga chảy vào Trung Quốc sẽ tăng hơn 40% trong năm nay.

Tuy nhiên, đây có thể là một vụ cá cược mạo hiểm đối với Điện Kremlin. Mức giá dầu mỏ và khí đốt mà Nga bán sang các nước châu Á được cho là thấp hơn so với mức giá bán cho châu Âu. Trong khi đó, các công nghệ xanh tiên tiến cũng như kế hoạch khử cacbon trên toàn thế giới sẽ khiến các nền kinh tế phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga gặp rủi ro trong trung và dài hạn. Thực tế cho thấy, xung đột ở Ukraine đã thúc đẩy đầu tư toàn cầu vào năng lượng sạch ở mức cao chưa từng có trong năm nay.

Đối với phương Tây, triển vọng năng lượng có vẻ tươi sáng hơn. EU đã đa dạng hóa cơ cấu năng lượng của mình và khối này có kế hoạch mở rộng thương mại khí đốt tự nhiên với Mỹ lên tới 50 tỷ mét khối vào năm 2030.

Điều này sẽ giúp mang lại sự cân bằng giữa nguồn cung năng lượng ổn định và an toàn với việc chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo để giải quyết các thách thức từ biến đổi khí hậu, đồng thời tăng cường sự gắn kết của các nước NATO nhằm tiếp tục hỗ trợ Ukraine.

Tuy nhiên, châu Âu vẫn có thể đối mặt với rủi ro năng lượng trong ngắn hạn, bao gồm cả mùa Đông sắp tới này, nếu thời tiết và mức độ lưu trữ không thuận lợi trong việc ngăn chặn tình trạng thiếu hụt, như mùa Đông ấm áp trong năm ngoái. Đổi lại, điều này có thể định hình cam kết của châu Âu trong việc tiếp tục hỗ trợ Ukraine, cũng như chu kỳ bầu cử ở Mỹ và hiệu quả của cuộc phản công mà Kiev đang tiến hành trên thực địa.

Và đối với bản thân Ukraine, nước này phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là xây dựng lại phần lớn cơ sở hạ tầng năng lượng. Đồng thời, Kiev sẽ nhận được sự hỗ trợ của phương Tây để tái thiết một ngành năng lượng hiện đại hơn và xanh hơn, có khả năng tích hợp nhiều hơn với hệ thống châu Âu.

Rõ ràng, tương lai địa chính trị và vị thế của Nga, Mỹ và phương Tây hay chính Ukraine sẽ được xác định không chỉ bằng kết quả từ thực địa xung đột mà bằng cả dòng chảy năng lượng toàn cầu.

(theo foreignpolicy.com)