Theo Moody's, dù dự báo ban đầu rằng nền kinh tế Nga suy thoái 7% trong năm 2022 không thành hiện thực, nhưng “suy thoái kinh tế ở Nga sẽ ngày càng sâu sắc”. (Nguồn: Getty) |
Moody's cho rằng, để ổn định nền kinh tế, chính phủ Nga sẽ sử dụng "chính sách tài chính phi chính thống", cụ thể là tiền tệ hóa nợ, khi Ngân hàng Trung ương trực tiếp tài trợ cho thâm hụt ngân sách nhà nước. Theo các nhà phân tích của Moody's, điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến lạm phát và ổn định tài chính vĩ mô.
Báo cáo lưu ý, dù dự báo ban đầu rằng nền kinh tế Nga suy thoái 7% trong năm 2022 không thành hiện thực, nhưng “suy thoái kinh tế ở Nga sẽ ngày càng sâu sắc” dưới tác động tiêu cực của các hạn chế trừng phạt đối với xuất khẩu của nước này.
Theo đó, việc áp giá trần đối với dầu và các sản phẩm dầu của Nga do Nhóm các nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G7), Liên minh châu Âu (EU) và Australia áp đặt sẽ dẫn đến sự suy giảm khả năng tiếp cận ngoại tệ của nền kinh tế Nga trong tương lai. Nếu mức giảm sản lượng dầu vượt quá ngưỡng 5% (500.000 thùng/ngày), GDP của Nga có thể thấp hơn nhiều so với dự báo cơ sở của Moody.
Hãng phân tích kinh tế này dự báo thặng dư tài khoản vãng lai của Nga sẽ giảm từ 10,4% GDP (227 tỷ USD) năm 2022 xuống còn 6% GDP năm 2023, trong khi thâm hụt ngân sách liên bang sẽ là 3,5% GDP. Đồng thời, Moody's ước tính, với giá dầu Urals là 50 USD/thùng, phần thanh khoản của Quỹ tài sản quốc gia sẽ cạn kiệt vào năm 2027 nếu thâm hụt được bù đắp hoàn toàn bằng dự trữ.
Vào tháng 1, Ngân hàng Trung ương Nga công bố kết quả khảo sát các nhà phân tích với dự đoán GDP sẽ giảm 1,5% trong năm 2023, trong khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thậm chí còn cho rằng kinh tế Nga sẽ tăng trưởng 0,3% trong năm nay.