Ngoại trưởng Vương Nghị đã gọi Nga là “Đối tác chiến lược quan trọng nhất” của Trung Quốc, chỉ một tháng kể từ khi ông Tập Cận Bình và ông Putin tuyên bố một kỷ nguyên mới trong quan hệ hai nước. (Nguồn: Reuters) |
Đối tác chiến lược quan trọng nhất
Các nhà ngoại giao của Trung Quốc đã phát biểu rằng, quan hệ với Nga là “tảng đá vững chắc” và mối liên hệ giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin là “không có giới hạn”.
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây sẽ “thử lửa” các phát biểu đó.
Nga cần một huyết mạch kinh tế và tài chính. Nước này có thể cần Trung Quốc như một đường dẫn để tiếp tục giao thương với phần còn lại của thế giới.
Tuy nhiên, Trung Quốc phải đạt được sự cân bằng mong manh giữa việc giúp Nga đứng vững trước đối thủ chung là Mỹ và duy trì quyền tiếp cận với hệ thống tài chính toàn cầu.
Mặc dù Trung Quốc bỏ phiếu trắng tại Liên hợp quốc về cuộc xung đột Ukraine, nhưng sự ủng hộ của nước này ngày càng rõ ràng hơn.
Vào ngày 7/3, Ngoại trưởng Vương Nghị đã gọi Nga là “Đối tác chiến lược quan trọng nhất” của Trung Quốc, chỉ một tháng kể từ khi ông Tập Cận Bình và ông Putin tuyên bố một kỷ nguyên mới trong quan hệ hai nước.
Ngoài việc duy trì quan hệ, Trung Quốc có lẽ muốn làm suy yếu tính hợp pháp của các lệnh trừng phạt như một công cụ chính sách của phương Tây. Các công ty Trung Quốc có thể nhận thấy cơ hội mở cửa ở Nga khi các công ty phương Tây, chẳng hạn như McDonald's và Shell, đóng cửa.
Hãng tin Bloomberg tiết lộ rằng, một số công ty Trung Quốc đang để mắt đến các tài sản năng lượng giá rẻ.
Thế khó của Bắc Kinh
Tuy nhiên, Nga và Trung Quốc phải đối mặt với một số vấn đề. Khả năng kỹ thuật của Trung Quốc không thể thay thế cho phương Tây.
CIPS, mạng lưới thanh toán của Trung Quốc, vốn chỉ chiếm một phần nhỏ trong giao dịch toàn cầu và vẫn phụ thuộc vào việc gửi tin nhắn giao dịch thông qua hệ thống Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT) mà một số ngân hàng Nga hiện đang bị cấm.
Một khó khăn khác là các công ty đa quốc gia của Trung Quốc có sự hiện diện hợp pháp ở các nước đồng minh phương Tây có thể vi phạm chế độ trừng phạt hiện có. Các ngân hàng quốc tế của Trung Quốc cũng đang cảnh giác.
Tập đoàn Volvo (có trụ sở tại Thụy Điển nhưng thuộc sở hữu của một công ty Trung Quốc) và TikTok (trụ sở tại Singapore nhưng thuộc sở hữu của Trung Quốc) đã tạm ngừng một số hoạt động tại Nga.
Ngay cả khi các công ty Trung Quốc không có sự hiện diện hợp pháp ở phương Tây cũng có thể bị ảnh hưởng bởi "các biện pháp trừng phạt thứ cấp", nhằm vào các nước thứ ba giúp đỡ các nước đang bị trừng phạt.
Mỹ vẫn chưa sử dụng vũ khí này đối với Nga, nhưng có thể sau này. Các ngân hàng Trung Quốc giao dịch với Iran và Triều Tiên đã bị Mỹ trừng phạt.
Với tất cả những điều này, sự giúp đỡ của Trung Quốc đối với Nga có thể chỉ là nửa vời.
Các công ty Trung Quốc có thể tuân theo các thỏa thuận thương mại hiện có của Nga, hy vọng rằng Mỹ sẽ không can thiệp. Đứng đầu trong số này là các công ty năng lượng.
Trung Quốc chiếm 32% tổng kim ngạch xuất khẩu dầu thô của Nga vào năm 2020 và 17% kim ngạch xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng.
Trung Quốc sẽ dùng cách gì?
Để lách các đòn trừng phạt, Trung Quốc cũng có thể tiến hành các giao dịch thương mại và tài chính thông qua các ngân hàng nhỏ hơn không có sự hiện diện hợp pháp ở phương Tây, sử dụng đồng Ruble và Nhân dân tệ (NDT) thay cho đồng USD.
Trung Quốc cũng có thể cấp cho ngân hàng trung ương của Nga quyền truy cập vào các khoản nắm giữ bằng đồng NDT.
Trung Quốc có thể cố gắng hạn chế quy mô tổng thể của khối lượng thương mại và luồng thanh toán để tránh kích động đối đầu trực tiếp với Mỹ.
Các quan chức Trung Quốc cũng sẽ cần xếp một số thứ tự ưu tiên trong chính sách sắp tới. Trung Quốc muốn thấy Nga đứng vững sau các lệnh trừng phạt, để Mỹ và các đồng minh thấy rằng các đòn trừng phạt không phải là vũ khí toàn thắng, nhưng Trung Quốc cũng sẽ tìm cách để hạn chế thiệt hại tài sản đảm bảo cho các lợi ích của Trung Quốc.
Trong quá trình này, Trung Quốc có kế hoạch học hỏi từ sự kiện này. Nếu xảy ra xung đột kinh tế với Mỹ, Trung Quốc muốn hệ thống tài chính của mình được che chắn.
Các mục tiêu của Trung Quốc sẽ bao gồm cải thiện hệ thống thanh toán và đa dạng hóa khoản dự trữ trị giá 3.200 tỷ USD từ tiền tệ và tài khoản phương Tây, chẳng hạn như đầu tư vào hàng hóa.
Trung Quốc có thể tạo điều kiện cho các công ty và chính phủ nước ngoài phát hành thêm chứng khoán trên thị trường vốn của Trung Quốc, tạo ra một lượng tài sản mới cho Trung Quốc mua vào.