📞

Kinh tế Nga: Ngược chiều dự báo, phát triển tốt nhờ ba lý do; lệnh trừng phạt vẫn đang 'cản đường'

Linh Chi 14:40 | 21/02/2024
Đã gần hai năm kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, có một điều mà các nhà kinh tế đều đồng ý là nền kinh tế của Tổng thống Vladimir Putin vẫn chưa sụp đổ.
IMF dự báo, GDP của Nga sẽ tăng 2,6% vào năm 2024. (Nguồn: Reuters)

Tháng 2/2022, sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và các nước khác áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa từng có lên Moscow. Khi đó, các chuyên gia dự đoán, nền kinh tế của Tổng thống Putin sẽ giảm tốc mạnh. Tuy nhiên, hiện tại không như thế.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo, năm nay, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga sẽ tăng 2,6%. Trong khi đó, doanh thu từ dầu mỏ đang tăng trở lại và tỷ lệ thất nghiệp sẽ ở mức thấp lịch sử.

Tuy nhiên, những nghi ngờ vẫn tồn tại. Điện Kremlin đã đặt mục chiêu dành 40% tổng chi tiêu ngân sách năm 2024 cho quốc phòng và an ninh. Không chỉ thế, tình trạng thiếu lao động tại đất nước ngày càng tăng và lạm phát cao dai dẳng.

Các biện pháp trừng phạt cũng tiếp tục gây thiệt hại cho nền kinh tế, đặc biệt khi các nhà lãnh đạo phương Tây vẫn trên hành trình nỗ lực tìm kiếm những cách thức mới để tác động đến "túi tiền" của Moscow.

Cách Nga vượt trừng phạt

Elina Ribakova, nhà kinh tế học của Viện Kinh tế quốc tế Peterson (PIIE) nhận định, có 3 lý do chính khiến nền kinh tế Nga phát triển tốt.

Thứ nhất, hệ thống tài chính của đất nước đã được chuẩn bị đầy đủ để vượt qua làn sóng trừng phạt của phương Tây.

Thứ hai, Nga có thể thu được khoản thu nhập khổng lồ từ xuất khẩu dầu khí vào năm 2022. Theo bà Elina Ribakova, các nước phương Tây quá chậm trong việc nhắm mục tiêu trừng phạt vào các mặt hàng xuất khẩu đó.

Thứ ba, các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của phương Tây chưa phát huy tác dụng đủ để ngăn chặn Nga. Đất nước của Tổng thống Putin đã "cậy nhờ" các nước thứ ba để nhập hàng hóa cần thiết cho tổ hợp công nghiệp quân sự.

Giới chuyên gia đánh giá, thành tích của Nga phụ thuộc rất nhiều vào cách Moscow vượt qua các lệnh trừng phạt. Hai điều đáng chú ý nhất là cách đất nước này vượt qua các biện pháp kiểm soát xuất khẩu để tiếp tục mua hàng hóa phương Tây và cách Nga tiếp tục bán dầu trên khắp thế giới.

Tháng 12/2022, phương Tây đưa ra giới hạn giá dầu, hạn chế các dịch vận chuyển dầu của Nga nếu dầu không được bán dưới mức 60 USD/thùng. Tuy nhiên, trong gần một năm nay, Moscow vẫn ung dung bán dầu ngang với giá thị trường.

Điều đó phần lớn phụ thuộc vào "hạm đội bóng tối", giúp Điện Kremlin tiếp cận thị trường ở các nước như Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan.

Hiện Mỹ ngày càng tăng cường trừng phạt các tàu cá nhân và các tổ chức mà họ tin rằng đang vi phạm giới hạn giá dầu. Ông Benjamin Hilgenstock từ Trường Kinh tế Kyiv đánh giá, điều này rất quan trọng để hạn chế doanh thu xuất khẩu dầu của Nga.

Ông nói: “Những biện pháp này có thể đưa các tàu ra khỏi' hạm đội bóng tối' một cách hiệu quả trong khoảng thời gian đáng kể”.

Ngoài ra, ông Hassan Malik, chiến lược gia vĩ mô toàn cầu và chuyên gia về Nga tại công ty quản lý đầu tư Loomis Sayles có trụ sở tại Boston chia sẻ với Business Insider rằng, Nga là nền kinh tế lớn, một phần nhờ vào vị thế của nước này là nhà sản xuất các mặt hàng như dầu, khí đốt tự nhiên, lúa mì và kim loại. Chính khả năng tự cung tự cấp các mặt hàng thiết yếu này đã giúp Nga vượt qua nhiều năm trừng phạt.

Vị chuyên gia này khẳng định: "Các biện pháp trừng phạt và hạn chế thương mại của phương Tây chắc chắn đã có một số tác động nhỏ lên nền kinh tế Nga, nhưng những tác động này đặc biệt hạn chế đối với ngành công nghiệp quốc phòng Nga phần lớn đang tự cung tự cấp".

Nguy cơ nền kinh tế tăng trưởng quá nóng

Nhưng ông Benjamin Hilgenstock cũng nhận thấy, dù nền kinh tế Nga hoạt động tốt hơn mong đợi nhưng các biện pháp trừng phạt vẫn có tác động lớn.

Ông nói: “Kết luận vẫn là môi trường kinh tế vĩ mô của Moscow đã xấu đi đáng kể và phần lớn nguyên nhân là do các lệnh trừng phạt. Thu nhập từ xuất khẩu dầu khí của Nga năm 2023 đã giảm so với năm 2022 và thực tế, ngày 16/2, Ngân hàng Trung ương Nga đã phải tăng lãi suất lên 16% do lạm phát cao".

Ngân hàng Trung ương Nga cho hay, áp lực lạm phát hiện nay đã giảm bớt so với những tháng mùa Thu nhưng vẫn ở mức cao. Nhu cầu trong nước vẫn vượt xa khả năng mở rộng sản xuất hàng hóa và dịch vụ.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina cảnh báo, chi tiêu hào phóng của chính phủ có nguy cơ khiến nền kinh tế tăng trưởng quá nóng. Kết quả là sẽ không có bất kỳ sự tăng trưởng thực sự nào về tài sản hộ gia đình.

Trong khi đó, các nhà kinh tế nói rằng, kể cả duy trì mức chi tiêu quân sự hiện tại, tốc độ tăng trưởng GDP của Nga sẽ chậm lại khi các lệnh trừng phạt tiếp tục cản trở nền kinh tế.

(theo DW, Financial Times, Moscow Times)