📞

Kinh tế Nga ‘tốt hơn dự kiến', lệnh trừng phạt phản tác dụng, triển vọng có 'mờ mịt' như dự đoán?

Hải An 20:01 | 09/04/2023
Khả năng phục hồi của nền kinh tế Nga khiến nhiều nhà quan sát ngạc nhiên trong năm qua. Moscow đã đối phó hiệu quả với các biện pháp trừng phạt chưa từng có của phương Tây liên quan tới chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Hơn một năm sau chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine (tháng 2/2022), nền kinh tế Nga ngày càng phụ thuộc vào xuất khẩu năng lượng sang châu Á. Trong ảnh: Người phụ nữ đi ngang qua màn hình hiển thị tỷ giá hối đoái giữa đồng USD với Ruble ở St. Petersburg, Nga. (Nguồn: AP)

Tuy nhiên, vào cuối tháng trước, trong một lần phát biểu công khai, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo về những rắc rối kinh tế có thể xảy ra và kêu gọi chính phủ hành động nhanh chóng.

Ông Putin nói trong một cuộc họp trên truyền hình: "Các biện pháp trừng phạt đối với nền kinh tế Nga trong trung hạn thực sự có thể có tác động tiêu cực".

Đó là một sự thay đổi đáng kể của nhà lãnh đạo Nga sau khi trước đó ông nói rằng điều tồi tệ nhất đã qua. Ông ca ngợi lợi ích của "chủ quyền kinh tế" và nhấn mạnh rằng chiến lược trừng phạt của phương Tây đã phản tác dụng.

Thông điệp của ông Putin là gì?

Ông Arnaud Dubien, Giám đốc tổ chức tư vấn của Đài quan sát Pháp-Nga ở Moscow, cho biết: “Nhận xét của ông Putin phản ánh thực tế”.

Vị chuyên gia kỳ cựu về Nga này nhận định, ông Putin đang tìm cách huy động các công ty và quan chức chính phủ khi Nga cắt đứt quan hệ với phương Tây.

Theo ông Dubien, logic của người đứng đầu Điện Kremlin có nghĩa là: "Tình hình tốt hơn dự kiến nhưng không được chủ quan, hãy tiếp tục tìm giải pháp thay thế”.

Trong khi đó, bà Alexandra Prokopenko, cựu quan chức Ngân hàng Trung ương Nga (từ 2017-2022), cho rằng, thông điệp của Tổng thống Putin chủ yếu nhắm vào các công ty bị ảnh hưởng nặng nề bởi lệnh trừng phạt, và các công ty này sẽ được an toàn khi hoạt động tại Nga.

Hoàn cảnh khó khăn

Hơn một năm sau chiến dịch quân sự ở Ukraine (từ tháng 2/2022), nền kinh tế Nga ngày càng phụ thuộc vào xuất khẩu năng lượng sang châu Á, tụt hậu xa hơn trong nhiều lĩnh vực có giá trị công nghệ cao. Ngoài ra, cuộc “di cư” của hàng trăm nghìn người Nga và nỗ lực huy động của Điện Kremlin đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động.

Ông Dubien đã chỉ ra những vấn đề cụ thể trong ngành công nghiệp xe hơi, vốn đã phát triển mạnh khi các nhà sản xuất ô tô hàng đầu thành lập cửa hàng ở Nga vào đầu những năm 2000.

Chuyên gia này nói: "Các lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi các lệnh trừng phạt, chẳng hạn như sản xuất ô tô, là những lĩnh vực cởi mở nhất với đầu tư và hợp tác quốc tế”.

Vào cuối tháng 3, nhà sản xuất ô tô hàng đầu của Nga AvtoVAZ cho biết, một số nhà cung cấp phụ tùng đang tạm dừng giao hàng, khiến công ty gặp khó khăn, phải ngừng hoạt động trong một thời gian.

Trong khi đó, bà Prokopenko, người hiện đang nghiên cứu hoạch định chính sách của chính phủ Nga tại Hội đồng quan hệ đối ngoại Đức có trụ sở tại Berlin, cho biết, các lĩnh vực liên quan đến tổ hợp công nghiệp-quân sự, quang học, dược phẩm và sản xuất kim loại là "nơi nền kinh tế đang hoạt động tốt nhất".

Ông Sergei Tsyplakov, giáo sư tại Trường Kinh tế cao cấp ở Moscow, cảnh báo rằng, chính sách xoay trục sang Trung Quốc và Ấn Độ mà Điện Kremlin hay ca ngợi không thể giải quyết được tất cả các vấn đề.

"Mặc dù nền kinh tế Nga không sụp đổ ngay sau khi áp đặt các biện pháp trừng phạt, nhưng tình hình vẫn còn khó khăn", ông nói.

Kinh tế thụt lùi

Nhiều nhà kinh tế cho rằng, triển vọng kinh tế sẽ xấu đi trong những tháng tới.

Nhà nghiên cứu Prokopenko nhận định, vận may từ giá năng lượng cao đã giúp Nga vượt qua cú sốc ban đầu từ các lệnh trừng phạt chưa từng có.

"Điều này sẽ không xảy ra trong năm nay, không có dấu hiệu nào cho thấy Moscow sẽ có được khoản thu nhập tăng thêm này", bà nói.

Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế, trong tháng 2, doanh thu từ xuất khẩu dầu mỏ của Moscow đã giảm mạnh 42% so với năm ngoái.

Việc tái định hướng của Nga, từng là nhà cung cấp khí đốt hàng đầu của châu Âu, hướng tới các thị trường châu Á được cho là sẽ mất nhiều thời gian.

Nhà nghiên cứu Prokopenko cho biết bà nhìn thấy "rất nhiều vấn đề" phía trước.

Bà nói: "Trong ngắn hạn, nền kinh tế Nga không tệ, nó vẫn đang hoạt động”, đồng thời nhấn mạnh rằng, việc tìm kiếm các đối tác mới sẽ mất thời gian.

Tương lai “mờ mịt”?

Ông Dubien ước tính, Tổng thống Putin có đủ khả năng duy trì chiến dịch quân sự tại Ukraine trong "ba đến bốn năm" nữa nhưng cảnh báo rằng nền kinh tế phải đối mặt với nhiều năm trượt dốc hơn.

Theo ông, “kinh tế Nga đã mất đi một thập niên phát triển tương đương kể từ năm 2014” khi đề cập thời điểm phương Tây trừng phạt Moscow liên quan vụ sáp nhập Crimea.

Nhà nghiên cứu này nhận định, hiện nay, nền kinh tế Nga cũng có thể mất thêm 1 thập niên phát triển thứ hai.

Cũng với nhận định không được khả quan về kinh tế Nga, tháng trước, tờ WSJ cho rằng, bước sang năm thứ hai của cuộc xung đột với Ukraine, nền kinh tế Nga bắt đầu “ngấm” những đòn trừng phạt của phương Tây, thu ngân sách của nước này giảm sút trong khi tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) dịch chuyển sang xu hướng yếu hơn, rất có thể sẽ kéo dài.

Dầu thô và khí đốt, những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Nga, đã mất đi những khách hàng quan trọng. Ngân sách quốc gia trở nên căng thẳng.

Đồng Ruble đã giảm hơn 20% so với đồng USD kể từ tháng 11/2022 tới nay. Lực lượng lao động suy giảm vì người trẻ bị huy động ra chiến trường hoặc di cư ra nước ngoài vì không muốn nhập ngũ. Tình trạng bấp bênh khiến doanh nghiệp hạn chế mọi kế hoạch đầu tư.

Ngày 6/4, Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Nga năm 2024 từ mức 1,6% xuống 1,2%; và ở mức 0,8% vào năm 2025.

Cũng theo WB, kinh tế Nga dự kiến tăng 0,8% vào năm 2025. Đối với năm 2023, ngân hàng này dự báo GDP của Nga tăng 3,1% - thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra hồi tháng 1.

Tuy nhiên, ngày 14/3, phát biểu trong chuyến thăm công ty hàng không Ulan-Ude tại Buryatia, vùng Viễn Đông, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, thu hoạch của nước này đã đạt được mức kỷ lục, 153-155 triệu tấn.

Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp ở Nga cũng đạt mức thấp kỷ lục, 3,6% so với 4,7% trong giai đoạn trước đại dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, người đứng đầu Điện Kremlin còn bày tỏ niềm tin rằng các doanh nghiệp nước này có thể thay thế dễ dàng các doanh nghiệp nước ngoài, vốn rời đi sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Ông nói: "Khi các doanh nghiệp phương Tây rời đi, họ tưởng rằng mọi thứ sẽ sụp đổ ngay sau đó. Nhưng chẳng có gì xảy ra cả. Nền kinh tế Nga vẫn phát triển, mạnh mẽ hơn. Các công ty của Nga có mạng lưới trên toàn cầu và có thể thay thế dễ dàng những công ty rời đi".

(theo AFP, The Moscow Times)