📞

Kinh tế Quảng Ninh liên tục tăng trưởng cao, lập kỳ tích trong giai đoạn mới

Gia Thành 14:37 | 07/12/2022
Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy nhận định như vậy, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 12 - kỳ họp thường lệ cuối năm 2022 của HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026, sáng 7/12.
Ông Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, phát biểu tại Kỳ họp. (Ảnh: BQN)

Vượt 13/13 chỉ tiêu, kế hoạch đề ra

Theo ông Cao Tường Huy, kế thừa thành quả giữ vững địa bàn “An toàn - Ổn định - Phát triển”, thực hiện thành công mục tiêu kép 2 năm liên tiếp (2020 - 2021), năm 2022, Đảng bộ, chính quyền, hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang, nhân dân các dân tộc và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh Quảng Ninh luôn bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, chung sức, đồng lòng, vượt qua khó khăn, thử thách, đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.

Ước cả năm, tỉnh đạt và vượt 13/13 chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Quảng Ninh cũng đã giữ vững địa bàn an toàn, linh hoạt, thích ứng, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo phương châm “3 trước”, “4 tại chỗ”, từ xa, từ sớm, từ cơ sở.

Bên cạnh đó, kinh tế Quảng Ninh liên tục tăng trưởng cao và ổn định, tốc độ tăng trưởng ước đạt 10,28%, là năm thứ 7 liên tiếp đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số, lập nên kỳ tích trong giai đoạn mới.

Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh thông tin: "Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 56.500 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu Trung ương giao và dự toán tỉnh giao, thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước.

Phát triển văn hóa, xã hội, con người, chăm lo bảo đảm an sinh xã hội được quan tâm hơn, nhất là ở khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc; 100% địa phương cấp xã, cấp huyện và tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, bước vào giai đoạn xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu hiện đại, văn minh.

Chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, đi vào chiều sâu".

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Cao Tường Huy cho hay, tình hình kinh tế-xã hội trong tỉnh vẫn còn một số hạn chế, thách thức như Ngành công nghiệp-xây dựng là một trụ cột mang tính quyết định, có dư địa rất lớn, song tốc độ tăng trưởng mới đạt 8,7%, thấp hơn 4,7% so với cùng kỳ (trong đó công nghiệp chế biến chế tạo không đạt kỳ vọng, tốc độ tăng 16,5%, thấp hơn 14,1% so với cùng kỳ).

Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư chậm đổi mới; hiệu quả thu hút vốn ngoài ngân sách, nhất là thu hút vốn FDI vào các khu công nghiệp và khu kinh tế không đạt kế hoạch 1,5 tỷ USD. Các dự án trọng điểm về phát triển du lịch, dịch vụ bị ngưng trệ từ khi xuất hiện dịch Covid-19, việc tái khởi động chậm, không có nhiều sản phẩm dịch vụ mới. Phát triển kinh tế biển, dịch vụ cảng biển, nông, lâm, thủy sản chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế.

Song song với đó, công tác quản lý, điều hành ngân sách, chuẩn bị đầu tư một số dự án, giải ngân vốn đầu tư công, quản lý phát triển văn hóa, xã hội có mặt còn hạn chế; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao chưa tạo được chuyển biến rõ nét. Còn có một số cán bộ, công chức vi phạm pháp luật của Nhà nước phải xử lý kỷ luật và truy tố, xét xử. Tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật tuy đã được kiềm chế nhưng chưa vững chắc; thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng lớn.

Ông Cao Tường Huy chỉ rõ, những hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, song chủ yếu là do: Năng lực cụ thể hóa, tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của tỉnh ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương vẫn là khâu yếu, chậm được khắc phục, thiếu quyết tâm, quyết liệt, trong đó có trách nhiệm của người đứng đầu.

Ngoài ra, công tác phối hợp giữa một số cơ quan, địa phương có thời điểm, có việc còn chậm, chưa chặt chẽ, kịp thời; vẫn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Công tác dự báo, tham mưu, đề xuất còn bị động, chưa theo kịp thực tiễn. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga-Ukraine; giá xăng dầu, giá nguyên vật liệu tăng, tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống kinh tế-xã hội.

Quảng Ninh tổ chức thành công 7 môn thi đấu tại SEA Games 31. (Nguồn: BQN)

Giữ vững vị trí là cực tăng trưởng khu vực phía Bắc

Ông Cao Tường Huy cho hay, Quảng Ninh xác định năm 2023 là năm có tính bản lề, có ý nghĩa quan trọng để góp phần hoàn thành mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và cũng là năm kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh, tỉnh đã đặt ra những nhiệm vụ, chỉ tiêu mới cho phát triển kinh tế-xã hội năm 2023.

Năm 2023, tỉnh phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt trên 10%; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn phấn đấu đạt 54.000 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 10%, trọng điểm là thu hút vốn FDI đạt ít nhất 1 tỷ USD vào các khu công nghiệp, khu kinh tế.

Bên cạnh đó, Quảng Ninh quyết tâm giữ vững vị trí nhóm đứng đầu cả nước về các Chỉ số Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) và chỉ số quốc gia đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI); phấn đấu hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, không để tái nghèo, phát sinh hộ nghèo.

Để hoàn thành những mục tiêu trên, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh, toàn tỉnh cần phải tập trung cao độ cho những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong năm 2023. Cụ thể như: Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19.

Đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức cạnh tranh, tính bền vững của nền kinh tế. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành thu, chi ngân sách và đầu tư công.

Tiếp tục huy động mọi nguồn lực, đa dạng hình thức đầu tư; đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng.

Gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển con người; Tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực. Xây dựng chính quyền địa phương các cấp liêm chính, phục vụ, thực sự “của dân, do dân, vì dân”, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh.

Nếu làm tốt những vấn đề nêu trên, "Quảng Ninh sẽ tiếp tục vươn lên, giữ vững vị trí là một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc", như Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Cao Huy Tường khẳng định.

Quảng Ninh tiếp tục vươn lên, giữ vững vị trí là một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc. (Nguồn: BQN)