Kinh tế Singapore đạt tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 7,2% trong năm 2021. (Nguồn: The Straits Times) |
Tờ The Straits Times của Singapore số ra gần đây có bài nhận định: Với tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) mạnh mẽ, đạt 7,2% cho năm 2021, và phần lớn dân số đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19 đầy đủ, nền kinh tế Singapore đang trên đà chuyển đổi một cách suôn sẻ sang một thế giới mà Covid-19 được coi là căn bệnh đặc hữu. Tuy nhiên, có thể có sự giảm tốc đối với các nhà đầu tư và các hộ gia đình do lãi suất tăng và áp lực lạm phát.
Khi các nền kinh tế trên toàn thế giới thoát khỏi cái bóng của dịch bệnh Covid-19, các nước sẽ tái áp dụng các chính sách tiền tệ mở rộng trước đây. Đặc biệt tại Mỹ, với "bóng ma" lạm phát đang tăng nhanh nhất trong 4 thập niên qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tăng lãi suất sớm vào đầu tháng 3 tới, với dự kiến hơn một lần tăng lãi suất trong năm 2022.
Singapore không đặt ra lộ trình tăng lãi suất như vậy nhưng lãi suất của nước này theo sát với lãi suất của Mỹ và có khả năng cao hơn. Các nhà kinh tế của Ngân hàng UOB dự đoán, lãi suất chuẩn cơ bản Sora (lãi suất trung bình qua đêm của Singapore) sẽ tăng từ 0,25% trong quý I/2022 lên 1,01% vào cuối năm nay.
Lãi suất tăng lên là tin tốt cho những người gửi tiết kiệm. Họ sẽ kiếm được nhiều tiền lãi hơn cho các khoản tiết kiệm của mình.
Tuy nhiên, đối với các nhà đầu tư, điều này mang đến một môi trường đầu tư kém hấp dẫn hơn vì quan điểm truyền thống cho rằng lãi suất tăng sẽ làm giảm lợi nhuận dòng tiền trong tương lai và có thể làm giảm giá trị của các quỹ đầu tư bất động sản hay cổ phiếu.
Mặc dù một lập luận có thể được đưa ra là nếu nền kinh tế đang tăng trưởng thì khi đó lợi nhuận có khả năng tăng nhiều hơn mức tăng của chi phí đi vay.
Đối với những người có thế chấp, lãi suất cao sẽ đồng nghĩa với việc họ phải chi trả cao hơn cho khoản thế chấp của mình.
Redbrick Mortgage Advisory, công ty tư vấn thế chấp làm việc với nhiều ngân hàng ở Singapore, nhận định, lãi suất cố định trong 3 năm đã tăng với dự đoán về khả năng tăng lãi suất, mặc dù các khoản vay lãi suất thả nổi vẫn chưa thay đổi.
Phó Giám đốc Clive Chng của công ty tư vấn Redbrick Mortgage Advisory lưu ý các khách hàng đang đổ xô vào các gói lãi suất cố định để chốt các khoản thanh toán hằng tháng của họ, thậm chí dù số tiền trả góp hằng tháng không tăng đang kể, ít nhất là trong ngắn hạn.
Ví dụ, đối với một khoản vay trị giá 500.000 SGD (370.000 USD) trong 30 năm, lãi suất tăng từ 1,35% lên 1,45% sẽ khiến khoản trả nợ hằng tháng tăng lên khoảng 25 SGD.
Tuy nhiên, khi lãi suất dự kiến sẽ tăng dần, Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS, Ngân hàng trung ương) trong Đánh giá Ổn định Tài chính thường niên của cơ quan này vào tháng 12/2021 đã cảnh báo, các hộ gia đình phải đảm bảo chắc chắn rằng họ có thể thực hiện nghĩa vụ thế chấp dài hạn của mình trước khi thực hiện các cam kết lớn mới.
Với các biện pháp hạ nhiệt thị trường bất động sản gần đây của chính phủ Singapore, nguy cơ các chủ sở hữu bất động sản rơi vào tình trạng nợ nần chồng chất đã giảm đáng kể.
Theo truyền thống, lãi suất được sử dụng như một công cụ để kiềm chế lạm phát ở Mỹ. Nhu cầu hàng hóa và dịch vụ tăng cao cộng với sự thiếu hụt lao động và các vấn đề về chuỗi cung ứng đều khiến lạm phát tăng cao hơn.
Tuy nhiên, lạm phát là một “khách hàng khó tính” và hiện đang có tranh luận về việc liệu lãi suất cao hơn có thể giải quyết được những vấn đề này trong bối cảnh Covid-19 hiện nay hay không.
Tại Singapore, áp lực lạm phát đang tăng lên. Vào tháng 10/2021, MAS đã nâng biên độ chính sách tỷ giá hối đoái lên cao một chút so với biên độ không đổi trước đó. Điều này đồng nghĩa với việc đồng SGD sẽ tăng giá.
Các nhà phân tích cho biết, MAS đang theo dõi chặt chẽ tốc độ tăng giá tiêu dùng, thời gian kéo dài và mức độ mở rộng chỉ số này và không loại trừ sẽ thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ.
Theo nhà kinh tế cấp cao của Ngân hàng DBS Irvin Seah, khi chi phí nhân lực tiếp tục tăng, cùng với giá hàng hóa và vật liệu xây dựng tăng, áp lực lạm phát sẽ gia tăng, đặc biệt là với việc tăng thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) sắp có hiệu lực ở “đảo quốc sư tử”. Ngân hàng này dự kiến lạm phát tổng thể của Singapore sẽ ở mức 2,4% trong năm 2022, tăng từ khoảng 2% của năm 2021.
Với lãi suất đang ở mức thấp và lạm phát tăng từ mức cơ bản thấp, năm 2022, chính phủ Singapore sẽ phải đối mặt với bài toán cân bằng tinh tế để giữ lạm phát trong tầm kiểm soát trong khi không kìm hãm tăng trưởng.
Hy vọng rằng những vấn đề mang tính cơ cấu như thiếu hụt lao động đã góp phần làm tăng giá cả sẽ sớm được giải quyết. Trong khi đó, các nhà đầu tư và các hộ gia đình sẽ cần theo dõi chặt chẽ lãi suất và lạm phát để tránh bị thiệt hại.