📞

Kinh tế tập thể - Xu hướng hội nhập quốc tế và hợp tác xã thông minh

Hoàng Nam 13:39 | 11/12/2020
TGVN. Sáng 11/12, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Liên minh hợp tác xã Việt Nam tổ chức Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2020 với chủ đề “Liên kết, hợp tác cùng phát triển - Xu hướng hội nhập quốc tế và thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Nguyễn Ngọc Bảo đồng chủ trì điều hành Diễn đàn.

Toàn cảnh Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2020, sáng 11/12, tại Hà Nội. (Ảnh: HN)

Tham dự Diễn đàn có khoảng 500 đại biểu đến từ các bộ, ban, ngành trung ương; các tổ chức chính trị, xã hội; Lãnh đạo UBND, sở, liên minh hợp tác xã các địa phương; một số chuyên gia, viện nghiên cứu, các đối tác quốc tế và đại diện một số hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng,…

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, kinh tế tập thể, mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX) với tư cách là một thành phần kinh tế, có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế, xã hội của nước ta.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và cạnh tranh thị trường ngày càng gay gắt, mặc dù tình hình kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng có nhiều bất ổn, ngân sách hạn hẹp nhưng khu vực HTX vẫn hoạt động khá ổn định.

Theo thống kê, số lượng HTX tăng dần theo từng năm, phát triển khá đồng đều trên khắp các vùng miền, chất lượng hoạt động từng bước được nâng lên. Ước tính đến ngày 31/12/2020, toàn quốc có 26.112 HTX (trong đó có 17.462 HTX nông nghiệp, 8.650 HTX phi nông nghiệp), thu hút gần 6,1 triệu thành viên tham gia. Số lao động làm việc trong HTX khoảng 1,133 triệu người.

Đóng góp của khu vực kinh tế tập thể, HTX thể hiện qua việc đóng góp trực tiếp của khu vực HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác vào tăng trưởng kinh tế và đóng góp gián tiếp thông qua tác động tới kinh tế thành viên, HTX thành viên, thành viên tổ hợp tác - là xu hướng mới phát triển nổi bật của các HTX trong thời gian qua.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, trong giai đoạn tới, cùng với sự phát triển chung của nền kinh tế, khu vực kinh tế tập thể, HTX cũng cần có những chuyển biến quan trọng để thích ứng và phát triển.

Thương mại thế giới có những thay đổi mạnh mẽ, cuộc chiến thương mại giữa các nền kinh tế lớn rất khó đoán định. Xu hướng hội nhập, mở cửa đan xen với bảo hộ mậu dịch, đặc biệt là đại dịch Covid-19 đã, đang và còn tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu, trong đó Việt Nam không phải là ngoại lệ.

“Song, hiện chúng ta đang sống trong thời đại của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư nên cơ hội cũng rất nhiều, nhưng cơ hội chỉ đến khi các thành phần kinh tế năng động, biết chớp thời cơ hành động… Để thách thức trở thành cơ hội thì cần phải có sự liên kết, hợp tác, cùng nhau phát triển. Hội nhập kinh tế quốc tế là cơ hội đồng thời cũng là thách thức, buộc khu vực kinh tế tập thể, HTX phải năng động, sáng tạo, nắm bắt thông tin, tiếp cận khoa học, công nghệ tiên tiến để áp dụng vào sản xuất, phù hợp với thực tế Việt Nam”, lãnh đạo Bộ Kế hoạch & Đầu tư nhấn mạnh.

Phát biểu tham luận, TS. Hoàng Xuân Trường - Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam nhận định, biến đổi khí hậu, toàn cầu hóa và các loại bệnh dịch trên cây trồng vật nuôi và trên người là hiện hữu, các nước đều phải đối diện với các vấn đề này và tìm giải pháp phù hợp để thích ứng, thích nghi và khắc phục hậu quả mà nó mang lại.

Theo TS. Hoàng Xuân Trường, trong thời gian tới, để phát triển được các HTX hiện đại, khắc phục những khó khăn do dịch bệnh, do biến đổi khí hậu, rất cần có các giải pháp trước mắt và lâu dài. Giải pháp trước mắt là giúp các HTX, tiếp cận và được hưởng các gói chính sách hỗ trợ vượt qua dịch bệnh của Chính phủ.

Giải pháp lâu dài là cần có chiến lược phát triển nguồn nhân lực, đào tạo, tự đào đào bổ sung kiến thức. Về chuyên môn thì cần xây dựng chính sách phát triển chuỗi giá trị có đầy đủ các hạng mục từ tổ chức sản xuất, liên kết thị trường, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp, trong đó chú trọng tới HTX tham gia vào chuỗi giá trị.

Đại diện Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam nhấn mạnh, cần có chính sách về tín dụng hỗ trợ riêng HTX khôi phục sản xuất, tái đàn; Xây dựng một đội ngũ cán bộ hỗ trợ hình thành và phát triển các HTX chuyên ngành theo chuỗi giá trị; Ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu theo dõi giám sát cung cầu; giám sát dịch bệnh và nguồn gốc sản phẩm… nhằm mục tiêu phát triển bền vững .

Cùng nhận định về xu hướng phát triển của HTX trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt là biến đổi khí hậu, tại sự kiện, ông Harm Haverkort, Trưởng đại diện Tổ chức hỗ trợ và phát triển Hà Lan (Agriterra) chia sẻ mô hình HTX thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu tại Hà Lan. Theo ông Haverkort, cần kế hoạch tổng thể về tài chính, thị trường, kỹ thuật, công nghệ… để tạo ra những thay đổi căn bản trong phát triển HTX thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo các bên liên quan có kỹ năng và sự thống nhất để thực hiện những kế hoạch đó.

Theo Trưởng đại diện Tổ chức Agriterra, việc phát triển các HTX thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu là một giải pháp quan trọng và bền vững, góp phần nâng cao nhận thức và kỹ năng sản xuất. Việc sử dụng tài nguyên đất, nước, bảo tồn môi trường và chuyển giao công nghệ trong HTX thông minh cũng sẽ được thực hiện với hiệu quả cao.

Ngoài ra, tại sự kiện, các đại biểu cũng được nghe các tham luận về vị trí, vai trò của Liên minh HTX Việt Nam trong thúc đẩy hợp tác, liên kết giữa các HTX với thành viên HTX, giữa HTX với các thành viên khác trong xã hội; Đa dạng hóa mô hình quản trị hoạt động của HTX nông nghiệp tham gia chuỗi giá trị nông sản nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới; Hỗ trợ Liên kết giữa các HTX để gia tăng năng lực cạnh tranh, thích ứng hội nhập và biến đổi khí hậu; Bài học kinh nghiệm từ Canada và áp dụng vào Việt Nam; Kinh nghiệm trong hỗ trợ, liên kết sản xuất với các thành viên là tổ hợp tác, nông dân; Hợp tác, liên kết giữa các thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác để nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện đời sống của thành viên.