Kinh tế thế giới
Bể chứa tại một cơ sở khai thác dầu ở thành phố Dammam, Saudi Arabia. (Nguồn: AFP) |
IEA xác nhận “bơm” 120 triệu thùng dầu ra thị trường
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ngày 6/4 xác nhận các nước thành viên của cơ quan này đã nhất trí phối hợp "bơm" thêm 120 triệu thùng dầu ra thị trường, trong đó Mỹ đóng góp một nửa, nhằm hạ nhiệt giá “vàng đen” sau khi Nga triển khai chiến dịch đặc biệt tại Ukraine.
Trong thông báo trên Twitter, Giám đốc Điều hành IEA Fatih Birol cho biết: “IEA đã quyết định giải phóng kho dự trữ dầu mỏ của nhóm lên tới 120 triệu thùng, trong đó có 60 triệu thùng của Mỹ được rút từ kho dự trữ chiến lược”. Thông tin đóng góp chi tiết sẽ được công bố sớm.
Động thái của IEA được đưa ra khi các nước tiêu thụ dầu lớn đang tìm cách giảm bớt tác động của giá dầu toàn cầu tăng cao, vốn đã tăng hơn 30% từ đầu năm tới nay. Trong khi đó, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng các nhà sản xuất lớn ngoài khối (nhóm OPEC+) kiên trì giữ nguyên kế hoạch bổ sung nguồn cung khiêm tốn 432.000 thùng/ngày cho tới tháng 5. (Reuters)
Nợ chính phủ toàn cầu sẽ chạm mức kỷ lục 71.600 tỷ USD trong năm 2022
Trong báo cáo Chỉ số nợ nhà nước hằng năm lần thứ hai mới được công bố hôm 6/4, công ty quản lý tài sản Janus Handerson dự báo, nợ chính phủ toàn cầu sẽ tăng 9,5%, lên mức kỷ lục 71.600 tỷ USD trong năm nay, chủ yếu do Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc "đóng góp". Song phần lớn các quốc gia dự kiến cũng sẽ tăng vay nợ.
Báo cáo cho biết nợ chính phủ toàn cầu đã tăng 7,8% vào năm 2021 lên 65.400 tỷ USD khi mọi quốc gia được đánh giá đều ghi nhận việc tăng vay nợ, trong khi chi phí trả nợ giảm xuống mức thấp kỷ lục 1.010 tỷ USD, tương đương lãi suất thực tế chỉ 1,6%.
Sang năm 2022, mức chi trả nợ dự kiến sẽ tăng đáng kể 14,5% (trên cơ sở đồng tiền không đổi) lên 1.160 tỷ USD.
Vương quốc Anh sẽ cảm nhận được tác động mạnh mẽ nhất từ việc tăng lãi suất và lạm phát phi mã đối với số lượng đáng kể các khoản nợ gắn với chỉ số của nước này, bên cạnh các chi phí liên quan đến việc thu hẹp dần chương trình nới lỏng định lượng của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE).
Trong khi đó, một báo cáo về tình hình vay nợ toàn cầu mới nhất từ cơ quan xếp hạng tín dụng S&P Global Ratings công bố hôm 5/4 cho hay, tổng giá trị các khoản vay chính phủ mới dự kiến sẽ đạt 10.400 tỷ USD vào năm 2022, cao hơn gần 30% so với mức trung bình trước đại dịch Covid-19. (CNBC)
Kinh tế Mỹ
* Giá xăng tăng cao đang tiếp tục ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người Mỹ trên khắp đất nước, song tại một số thành phố phải đang chứng kiến chi phí cho mỗi gallon (1 gallon tương đương 3,78 lít) cao hơn nhiều so với mức trung bình trên toàn tiểu bang.
Theo thống kê của AAA, California, Nevada, Alaska, Hawaii và Washington là những bang có giá khí đốt cao nhất trên toàn nước Mỹ và là nơi có những thành phố có chi phí nhiên liệu đắt đỏ nhất. Ngày 6/4, người dân ở thành phố San Luis Obispo nằm bên bờ biển miền Trung tại bang California đang phải trả chi phí cao nhất trong cả nước Mỹ với 5,98 USD/gallon.
* Ngân hàng Deutsche Bank (Đức) mới đây cảnh báo "cuộc chiến" chống lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ châm ngòi cho một cuộc suy thoái nhẹ tại Mỹ vào cuối năm tới.
Dự báo trên phản ánh mối lo ngại ngày càng tăng về viễn cảnh Fed sẽ kìm hãm đà phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Fed khó có thể đạt mục tiêu giúp nền kinh tế "hạ cánh mềm", thay vào đó, chính sách thắt chặt tiền tệ sẽ đẩy nền kinh tế vào suy thoái. (CNN)
Kinh tế Trung Quốc
* PetroChina, Sinopec và CNOOC - ba tập đoàn dầu khí quốc doanh lớn của Trung Quốc - đang tăng ngân sách vốn đầu tư trong năm 2022 lên mức cao nhất kể từ năm 2014 giữa bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nỗ lực thúc đẩy sản xuất trong nước, để đảm bảo an ninh năng lượng.
Tin liên quan |
Kinh tế thế giới nổi bật (25-31/3): Tuyên bố mới nhất của Nga về yêu cầu trả tiền khí đốt bằng đồng Ruble, Moscow đòi đảm bảo lợi ích, Mỹ đón tin vui |
Cụ thể, ba tập đoàn trên dự kiến chi từ 530-540 tỷ NDT (83,33-84,91 tỷ USD) cho các công trình vốn trong năm nay, tăng tới 6,3% so với năm 2021.
Trong một phát biểu, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã coi việc tăng cường khả năng khai thác tài nguyên trong nước, xúc tiến thăm dò và sản xuất dầu khí, khoáng sản là yếu tố chính trong chương trình nghị sự của chính phủ trong năm. (THX)
* Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 6/4 cho biết, thương mại dịch vụ của nước này duy trì đà tăng trong hai tháng đầu năm nay, tăng 33,5% so với cùng kỳ năm ngoái lên gần 953,5 tỷ Nhân dân tệ (khoảng 146,6 tỷ USD).
Trong đó, xuất khẩu dịch vụ đạt khoảng 467,6 tỷ Nhân dân tệ, tăng 39,4% so với cùng kỳ năm ngoái và nhập khẩu dịch vụ đạt 485,9 tỷ Nhân dân tệ, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm ngoái. (THX)
Kinh tế châu Âu
* Ngày 6/4, Mỹ, cùng Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga do liên quan tới xung đột ở Ukraine.
Theo Nhà Trắng, Mỹ đang công bố các biện pháp kinh tế để cấm đầu tư mới vào Nga, đồng thời áp đặt các biện pháp trừng phạt tài chính "nghiêm khắc nhất" đối với ngân hàng lớn nhất, một số doanh nghiệp nhà nước quan trọng nhất.... Động thái này nhằm cắt các khoản tiền đã bị đóng băng của Nga tại Mỹ để thanh toán các khoản nợ.
Mỹ và hơn 30 đồng minh, đối tác đã áp dụng các biện pháp hạn chế kinh tế với phạm vi rộng nhất trong lịch sử. Các chuyên gia dự đoán Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga sẽ giảm tới 15% trong năm nay, ảnh hưởng tới thành quả kinh tế trong 15 năm qua. (TTXVN)
Giới ngoại giao EU đã không thể phê chuẩn các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga? (Nguồn: Reuters) |
* Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 6/4 tuyên bố Washington dự kiến sẽ tăng thêm “cái giá phải trả” về mặt kinh tế đối với người đồng cấp Nga Vladimir Putin do cuộc chiến của Moscow ở Ukraine.
Tuyên bố trên được Tổng thống Mỹ đưa ra khi công bố các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào các ngân hàng và giới tài phiệt Nga. (Reuters)
* Nhiều nguồn tin tiết lộ, giới ngoại giao EU đã không thể phê chuẩn các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga, do Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất, vì những vấn đề kỹ thuật cần được giải quyết - trong đó có câu hỏi về việc liệu một lệnh cấm nhập khẩu than đá từ Nga có ảnh hưởng đến các hợp đồng hiện hành hay không.
EC hôm 5/4 đã đề nghị cấm nhập khẩu tất cả các loại than của Nga. Đề nghị này là một phần trong gói trừng phạt lớn hơn nhằm hạn chế hơn nữa quan hệ thương mại với Moscow.
Các biện pháp trừng phạt cần được chính phủ của các quốc gia thành viên EU thông qua, nhưng 3 nguồn thạo tin cho biết những lo ngại đã được nêu ra trong một cuộc họp của các phái viên EU vào ngày 6/4. (TTXVN)
* Người đứng đầu Cơ quan Mạng lưới Liên bang Đức Klaus Müller ngày 6/4 cảnh báo việc ngừng mua khí đốt của Nga sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho các doanh nghiệp, việc làm, chuỗi cung ứng và nhiều khu vực của Đức.
Trả lời phỏng vấn báo Handelsblatt, ông Muller thừa nhận khả năng Đức phải đưa ra những quyết định gây hậu quả nghiêm trọng cho các doanh nghiệp, việc làm, chuỗi cung ứng và toàn bộ các địa phương. Đây là lý do cơ quan này đang tiến hành thu thập dữ liệu giúp đưa ra các quyết định tối ưu nhất. (TTXVN)
* Chính phủ Áo ngày 5/4 tuyên bố tiếp tục nhập khẩu khí đốt và dầu của Nga, bất chấp áp lực ngày càng tăng về việc áp đặt lệnh cấm vận đối với Moscow liên quan đến vụ việc ở Bucha, Ukraine trong những ngày qua.
Trước đó, ngày 4/4, Bộ trưởng Tài chính Áo Magnus Brunner cho biết, ông bác bỏ việc áp đặt ngay lập tức lệnh cấm vận đối với năng lượng của Nga.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Áo Alexander Schallenberg cũng phản đối việc áp đặt lệnh cấm vận hoàn toàn khí đốt của Nga, cho rằng các lệnh trừng phạt sẽ là “sai lầm” lúc này. (TTXVN)
* Ông Oleg Tishakov, một thành viên Ban giám đốc Hệ thống thanh toán thẻ quốc gia của Nga (NSPK), cho biết, Nga đang đối mặt với tình trạng thiếu vi mạch do các nhà sản xuất châu Á ngừng sản xuất trong bối cảnh dịch Covid-19 và các nhà cung ứng châu Âu dừng hợp tác với nước này do các biện pháp trừng phạt.
Do đó, Nga đang tìm kiếm các nhà cung ứng vi mạch mới và tìm thấy một số tại Trung Quốc. Quá trình cấp giấy chứng nhận đang được tiến hành. (TTXVN)
* Bộ Tài chính Nga ngày 6/4 ra thông báo cho biết đã lần đầu tiên thực hiện nghĩa vụ tài chính bằng đồng Ruble đối với trái phiếu châu Âu (Eurobond) có chủ quyền "Russia-2022" và "Russia-2042" cho các chủ sở hữu nước ngoài với số tiền 649,2 triệu USD, do ngân hàng đại lý nước ngoài từ chối thực hiện lệnh bằng ngoại tệ.
Để thực hiện các khoản thanh toán này, Bộ Tài chính Nga đã chuyển tiền cho Công ty Cổ phần Lưu ký thanh toán quốc gia theo tỷ giá hối đoái chính thức của Ngân hàng Trung ương Nga ngày 4/4. (Reuters)
* Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 6/4 cho biết, về lý thuyết, Nga có thể rơi vào tình trạng vỡ nợ nhưng tình huống này sẽ không xảy ra trên thực tế.
Theo ông Peskov, không có căn cứ nào cho tình huống Nga vỡ nợ thực sự, Nga có đủ nguồn tài chính cần thiết để thực hiện các nghĩa vụ thanh toán nhưng sẽ tiếp tục trả nợ nước ngoài bằng đồng Ruble khi dự trữ ngoại hối của nước này vẫn bị chặn do các lệnh trừng phạt.
Theo các chuyên gia, Nga “có tiền”, chỉ là nước này không thể tiếp cận số tiền đó sau khi bị loại khỏi hệ thống thanh toán tài chính toàn cầu (SWIFT). (TTXVN)
Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc
* Dự thảo chiến lược quốc gia mới về công nghệ lượng tử được Nội các Nhật Bản giới thiệu ngày 6/4 đã xác định mục tiêu cho ra đời máy tính lượng tử đầu tiên do Nhật Bản sản xuất trong tài khóa 2022.
Dự thảo này xác định mục tiêu cho ra đời máy tính lượng tử nội địa đầu tiên trong tài khóa 2022, thiết lập 4 cơ sở nghiên cứu và hỗ trợ công nghệ lượng tử, tăng số lượng người dùng công nghệ lượng tử tại Nhật Bản lên khoảng 10 triệu người vào năm 2030. (Kyodo)
* Sự phục hồi của Nhật Bản hậu Covid-19 đang “khá chênh vênh” trong bối cảnh chi phí nguyên liệu thô tăng cao do căng thẳng Ukraine gây ra và đồng Yen ngày càng suy yếu. Điều này đang bắt đầu ảnh hưởng đến tâm lý của doanh nghiệp.
Theo khảo sát Tankan của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ), công bố ngày 1/4, mặc dù có nhiều dấu hiệu cho thấy các công ty đang chuyển chi phí hàng hóa, năng lượng và ngũ cốc sang cho người tiêu dùng, song họ vẫn thấy khó khăn trong việc tăng giá. (Kyodo)
* Theo bình luận của The Korea Times số ra ngày 6/4, lạm phát của Hàn Quốc đang tăng với tốc độ nhanh nhất trong hơn một thập niên qua, khi chỉ số giá tiêu dùng lần đầu tiên đạt mức tăng cao nhất sau 11 năm là 4,1% vào tháng 3/2022.
Chỉ số giá tiêu dùng ở “xứ Kim chi” trong tháng 3/2022 tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2021. Con số này cao hơn hẳn mức tăng 3,7% của tháng 2 và cao nhất kể từ tháng 12/2011 khi giá tiêu dùng được ghi nhận tăng ở mức 4,2%. (TTXVN)
* Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Suk-yeol ngày 6/4 đã nghe báo cáo của Ủy ban chuyển tiếp về xu hướng lạm phát leo thang thời gian gần đây, nhằm tìm kiếm giải pháp sớm bình ổn đời sống cho người dân.
Tại cuộc họp, Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol chỉ thị Ủy ban chuyển tiếp chính quyền phải coi ổn định dân sinh, bao gồm bình ổn vật giá, là bài toán ưu tiên hàng đầu của chính phủ mới trong bối cảnh các yếu tố trong nước và ngoài nước còn diễn biến phức tạp. (TTXVN)
Sự phục hồi của Nhật Bản hậu Covid-19 đang “khá chênh vênh” trong bối cảnh chi phí nguyên liệu thô tăng cao do căng thẳng Ukraine gây ra và đồng Yen ngày càng suy yếu. (Nguồn: FT) |
Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
* Sau hơn 16 tháng duy trì lãi suất ở mức thấp kỷ lục 0,1%, Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) đã báo hiệu có khả năng sẽ bắt đầu tăng lãi suất kể từ tháng 6/2022.
Thông báo do RBA đưa ra sau cuộc họp ngày 5/4 cho biết, lãi suất cơ bản vẫn được giữ nguyên, cho dù có những lo ngại gia tăng xung quanh việc giá cả hàng hóa tăng cao, dẫn tới lạm phát tăng. Tuy nhiên, cơ quan này cũng phát đi tín hiệu sẽ xem xét nâng lãi suất, sau khi Hội đồng quản trị có thêm các số liệu quan trọng về lạm phát và sự gia tăng chi phí lao động.
Hầu hết các ngân hàng đều tin rằng RBA sẽ có nhiều đợt tăng lãi suất trong năm nay, tiến dần hơn tới mục tiêu nâng lãi suất lên 1,5% vào cuối năm 2023. Dự kiến cuộc họp Hội đồng quản trị RBA tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 7/6. (TTXVN)
* Bộ Thương mại Thái Lan đã nâng dự báo lạm phát toàn phần của nước này lên 4-5% trong năm 2022 từ mức ước tính trước đó là 0,7-2,4% do giá hàng hóa và dịch vụ tăng mạnh sau khi chi phí sản xuất, năng lượng, nguyên liệu nhập khẩu và logistics tăng cao.
Dự báo mới này dựa trên giả định tăng trưởng GDP từ 3,4-4,5% trong năm nay, giá dầu thô Dubai trung bình là 90-110 USD/thùng và tỷ giá hối đoái là 32-34 baht/USD. (TTXVN)
* Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế của Indonesia vào năm 2022 ở mức 5% như dự báo vào tháng 12/2021, nhưng tăng so với dự báo tháng 9/2021 là 4,8%. (TTXVN)
* Ngân hàng trung ương Malaysia (BNM) vừa công bố Báo cáo thường niên 2021, Đánh giá kinh tế và tiền tệ 2021 và Đánh giá ổn định tài chính nửa cuối 2021.
Báo cáo thường niên 2021 đề ra các sáng kiến và hoạt động của BNM trong việc thực hiện các nhiệm vụ nhằm thúc đẩy sự ổn định tiền tệ, tài chính và tăng trưởng bền vững của nền kinh tế Malaysia. Điều này gồm cả các phương tiện mà BNM sử dụng để hỗ trợ đất nước chuyển đổi và thoát khỏi đại dịch Covid-19 cũng như các thách thức khác như lũ lụt, thiên tai. Báo cáo thường niên 2021 cũng đưa ra khoản tài chính liên quan các hoạt động và nguồn lực của BNM để đảm bảo hoạt động hiệu quả.
Năm 2022, nền kinh tế Malaysia dự kiến sẽ tăng trưởng từ 5,3-6,3%. (TTXVN)
| Kinh tế Việt Nam dù khởi sắc nhưng tiềm ẩn rủi ro, cần nỗ lực giữ ổn định vĩ mô Kinh tế Việt Nam 3 tháng đầu năm ghi nhận những tín hiệu tích cực, tạo đà phục hồi mạnh mẽ nhưng sẽ phải đối ... |
| Bất động sản mới nhất: Môi giới với chiêu ‘bình mới rượu cũ’, giá đất tăng vù vù, thanh tra 12 dự án lớn ở Thanh Hóa Hoạt động môi giới góp phần đẩy giá đất lên cao, Thanh Hóa thanh tra tổng thể 12 dự án, giao đất tái định cư ... |