📞

Kinh tế thế giới nổi bật (11-17/2): Nga 8 lần tăng lãi suất, lo sợ lạm phát; Moscow sẵn sàng bán khí đốt cho châu Âu qua Ukraine, tin vui ở Trung Quốc

Hải An 14:03 | 17/02/2022
Căng thẳng Nga-Ukraine tác động mạnh tới giá xăng dầu, Moscow sẵn sàng bán khí đốt cho châu Âu, Trung Quốc giảm đà tăng lạm phát, Nga liên tục tăng lãi suất… là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.

Kinh tế thế giới

Sự leo thang hơn nữa căng thẳng Nga-Ukraine có thể khiến giá xăng dầu thậm chí lên cao hơn nữa trong ngắn hạn. Trong ảnh: Các bể chứa dầu tại California, Mỹ. (Nguồn: AFP)

Căng thẳng Nga-Ukraine gia tăng nguy cơ đối với giá xăng dầu

Theo giới quan sát, căng thẳng Nga-Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt bất chấp một loạt động thái ngoại giao của các bên liên quan. Một hành động quân sự của Nga dù có xảy ra hay không cũng đã và sẽ tác động rất lớn tới đời sống chính trị thế giới, kéo theo những tác động không nhỏ tới đà phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Trong tổng thể bức tranh trên, giá cả dầu mỏ tại Mỹ và thế giới cũng chịu nhiều áp lực trước những xu hướng này.

Với cán cân cung - cầu trên thị trường dầu toàn cầu đã được điều chỉnh và thắt chặt trong suốt những năm qua, rủi ro địa chính trị gia tăng - như tình trạng bất ổn chính trị liên quan tới nhiên liệu ở Kazakhstan, việc ngừng nguồn cung dầu ở Libya và tác động của biến thể Omicron lên nhu cầu - là yếu tố thúc đẩy đợt tăng giá gần đây của dầu thô.

Do đó, sự leo thang hơn nữa căng thẳng Nga-Ukraine có thể khiến giá xăng dầu thậm chí lên cao hơn nữa trong ngắn hạn. Và bất kỳ sự tăng giá nào cũng đều có lợi cho các nhà sản xuất dầu phương Tây, bao gồm các tập đoàn hàng đầu như Exxon, Shell và BP.

Giới quan sát lưu ý rằng giá dầu tăng cao có thể khiến các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây trở nên kém hiệu quả hơn. Bởi Nga hiện đang xuất khẩu khoảng 5 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, do đó, các biện pháp trừng phạt tương tự như với Iran dù sẽ tác động tiêu cực tới thị trường dầu song rất khó xảy ra.

Xuất khẩu năng lượng chiếm 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của Nga và 30% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia này, trong khi giá dầu và khí đốt tự nhiên đã quá cao ở Mỹ và châu Âu.

Căng thẳng Ukraine là một trong những nguyên nhân lớn nhất thúc đẩy đà tăng mạnh của giá dầu trong vài tháng qua, khiến thị trường toàn cầu đang phải điều chỉnh phần bù rủi ro trước các lo ngại về sự gián đoạn của nguồn cung và nguy cơ tăng giá.

Dù bằng cách nào, phần bù rủi ro này có thể sẽ tăng hơn nữa nếu tình hình khủng hoảng tại Ukraine tiếp tục leo thang. Tuy nhiên, mức tăng giá như vậy sẽ không được duy trì trừ khi khối lượng bị ảnh hưởng đáng kể. (TTXVN)

IEA nâng dự báo nhu cầu dầu mỏ thế giới trong năm 2022

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ngày 11/2 đã nâng dự báo nhu cầu dầu mỏ của thế giới trong năm nay, đồng thời cảnh báo nguy cơ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và những quốc gia sản xuất dầu liên minh, còn gọi là OPEC+, không đáp ứng các mục tiêu về sản lượng.

Trong bối cảnh chính phủ các nước đang tiếp tục nới lỏng các biện pháp hạn chế liên quan đến đại dịch Covid-19, IEA đã nâng dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ của thế giới trong năm nay lên 100,6 triệu thùng dầu/ngày, tăng 3,2 triệu thùng/ngày so với dự báo trước đó.

Theo báo cáo hàng tháng về thị trường dầu mỏ của IEA, việc OPEC+ không đáp ứng mục tiêu sản lượng trong thời gian dài và tình trạng leo thang căng thẳng địa chính trị đã khiến giá dầu gia tăng. Giá các hợp đồng mua dầu tiêu chuẩn của Mỹ và quốc tế trong tháng 1/2022 đã lên mức cao nhất trong 7 năm và dao động quanh mức 90 USD/thùng.

IEA cảnh báo, nếu tình trạng chênh lệch giữa sản lượng dầu của OPEC+ và mục tiêu do nhóm này đề ra kéo dài, căng thẳng về nguồn cung sẽ leo thang, làm tăng nguy cơ bất ổn, tạo thêm áp lực giá cả và ảnh hưởng lớn đến kinh tế.

Dù vậy, những rủi ro trên sẽ giảm bớt nếu các nhà sản xuất Trung Đông đang dư thừa công suất có thể bù đắp cho những nước không có khả năng tăng sản lượng.

Theo báo cáo hàng tháng công bố ngày 10/2, OPEC cho biết sản lượng của 13 nước thành viên đã tăng 64.000 thùng/ngày trong giai đoạn từ tháng 12/2021 đến tháng 1/2022, chỉ cung cấp tổng cộng gần 28 triệu thùng dầu/ngày. (AP)

Kinh tế Mỹ

* Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tại San Francisco Mary Daly cho rằng, việc tăng lãi suất quá đột ngột và quá nhanh có thể cản trở việc đạt được các mục tiêu của Fed.

Theo bà Daly, các số liệu cho thấy Fed cần rút lại các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, việc tăng lãi suất đột ngột và mạnh có thể gây mất ổn định tăng trưởng và giá cả, những mục tiêu mà Fed đang nỗ lực đạt được.

Phát biểu của bà Daly được đưa ra một tuần sau khi có những tranh cãi liên quan đến quyết định của Fed trong cuộc họp tháng tới, khi Fed được cho là sẽ bắt đầu tăng lãi suất từ mức gần 0% đã được duy trì từ khi dịch bùng phát, một động thái mà bà Daly ủng hộ. (Reuters)

Kinh tế Trung Quốc

Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) ngày 16/2 công bố số liệu chính thức cho thấy lạm phát tháng 1/2022 tại nước này đã tăng chậm lại trong bối cảnh chính phủ cam kết giữ biến động giá cả trong tầm kiểm soát.

Theo NBS, chỉ số giá sản xuất (PPI) đã tăng 9,1% so với cùng kỳ tháng 1/2021, nhờ giá than đá và thép giảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI), thước đo chính đánh giá lạm phát bán lẻ, tăng 0,9% so với tháng 1/2021, thấp hơn so với dự báo của các nhà phân tích. (AFP)

* Ngày 16/2, Bộ Thương mại Trung Quốc (MOC) cho biết, Nghị định thư về nâng cấp Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Trung Quốc và New Zealand sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 7/4.

Theo đó, năm 2022, Trung Quốc và New Zealand sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và hai nước nhất trí coi đây là cơ hội để thúc đẩy việc nâng cấp FTA.

Các nỗ lực chung sẽ được thực hiện để tạo thuận lợi hơn nữa cho thương mại và đầu tư giữa hai bên và thúc đẩy sự phát triển quan hệ kinh tế và thương mại song phương, mang lại lợi ích cho quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc-New Zealand. (TTXVN)

Kinh tế châu Âu

* Theo sàn giao dịch ICE London, giá khí đốt tại châu Âu trong phiên giao dịch ngày 15/2 đã giảm xuống gần 800 USD/1.000 m3 trong bối cảnh các tuyên bố về kết quả cuộc hội đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Olaf Scholz.

Giá khí đốt kỳ hạn tháng 3 tại Trung tâm TTF Hà Lan đã giảm xuống còn 809 USD/1.000 m3 hoặc tương đương 69 Euro/MWh. Mức giảm tổng thể của giá khí đốt từ đầu ngày 15/2 là khoảng 14,5%.

Đáng chú ý, Tổng thống Nga cho biết Moscow sẵn sàng đàm phán với các đối tác phương Tây về đảm bảo an ninh thông qua các kênh ngoại giao, và Nga cũng sẵn sàng tiếp tục cung cấp khí đốt cho châu Âu thông qua Ukraine sau năm 2024, nếu có nhu cầu. (AFP)

Sau cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Đức Scholz, giá khí đốt châu Âu giảm 14,5%.

* Ngày 15/2, trong bối cảnh giá dầu mỏ lên mức cao nhất trong vòng 7 năm qua, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cảnh báo, cú sốc từ sự gián đoạn nguồn cung khí đốt sẽ ảnh hưởng đến giá trị hàng hóa và dịch vụ của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), qua đó làm trầm trọng thêm tác động của giá năng lượng tăng cao đối với tăng trưởng của khu vực.

ECB dự báo giá năng lượng tăng cao sẽ khiến sản lượng kinh tế của Eurozone giảm khoảng 0,2% trong năm 2022 so với mức cơ bản của GDP, với tác động mạnh nhất trong quý I năm nay.

Tác động trực tiếp và gián tiếp của việc phân bổ 10% khí đốt giả định đối với khu vực doanh nghiệp ước tính sẽ làm giảm tổng giá trị gia tăng của Eurozone khoảng 0,7%. (TTXVN)

* Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Anh đã tăng lên mức cao nhất trong 30 năm, ảnh hưởng đến mức sống của người dân và gây áp lực đối với Ngân hàng trung ương Anh (BoE) trong việc phải tiếp tục tăng lãi suất.

Theo đó, CPI tháng 1/2022 đã tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 5,4% vào tháng 12/2021 và cao hơn rất nhiều so với mức tăng 0,7% của tháng 1/2021. Đây cũng là mức tăng cao nhất kể từ tháng 3/1992, khi chỉ số này đạt mức 7,1%.

BoE dự báo lạm phát sẽ đạt đỉnh khoảng 7% vào tháng 4, khi cơ quan quản lý năng lượng Ofgem tăng giá trần năng lượng. (TTXVN)

* Viện Chính sách Kinh tế Vĩ mô (IMK) mới đây cho rằng, Đức nên áp dụng mức trần tạm thời đối với giá khí đốt hộ gia đình, trước tình trạng giá năng lượng tăng cao.

Theo IMK, chính phủ Đức nên nhanh chóng áp dụng chính sách kinh tế để ngăn chặn những tác động tiêu cực về cả kinh tế lẫn xã hội. Cuộc khảo sát do Liên đoàn các tổ chức tiêu dùng Đức công bố vào tuần trước cho thấy đa số người tiêu dùng Đức (62%) lo ngại rằng cuộc khủng hoảng giá năng lượng sẽ tạo gánh nặng tài chính cho họ.

IMK cho rằng có rất ít dấu hiệu cho thấy giá khí đốt sẽ giảm trong những tháng tới, sau khi tăng mạnh kể từ tháng 12/2021. (THX)

* Ngân hàng trung ương Nga ngày 12/2 đã tăng lãi suất chủ chốt thêm 1%, lên mức 9,5%/năm, là mức tăng lần thứ 2 liên tiếp từ cuối năm 2021.

Kể từ tháng 3/2021, Ngân hàng trung ương Nga đã tăng lãi suất chủ chốt lần thứ 8 liên tiếp.

Ngân hàng trung ương Nga cũng nâng dự báo lạm phát năm 2022 từ mức 4-4,5% lên 5-6%, đồng thời để ngỏ khả năng tăng lãi suất chủ chốt trong các cuộc họp tiếp theo. (TTXVN)

Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc

* Ngày 15/2, Văn phòng nội các Nhật Bản thông báo trong quý IV/2021, GDP thực tế của nước này ước tăng 1,3% so với quý trước đó và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, GDP danh nghĩa chỉ tăng 0,5% so với quý trước đó và 2% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong quý này, chi tiêu dùng cá nhân, vốn chiếm hơn 50% GDP của Nhật Bản, tăng tới 2,7% so với quý trước đó. Kim ngạch xuất khẩu tăng 1% cũng đóng góp không nhỏ vào sự phục hồi này của nền kinh tế.

Tính chung cả năm 2021, Nhật Bản đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 1,7%. Đây là lần đầu tiên nền kinh tế lớn thứ ba thế giới tăng trưởng dương trong vòng 3 năm qua sau khi tăng trưởng âm 4,5% trong năm 2020. (TTXVN)

* Tập đoàn hàng không của Nhật Bản ANA Holdings Inc. ngày 15/2 cho biết sẽ hợp tác với công ty khởi nghiệp (startup) của Mỹ Joby Aviation Inc. để đưa dịch vụ taxi bay về Nhật Bản.

Theo đó, hai bên sẽ hợp tác về hoạt động vận hành chuyến bay, quản lý lưu lượng, phát triển cơ sở hạ tầng, và đào tạo phi công lái taxi bay.

Joby Aviation đặt mục tiêu khởi động dịch vụ taxi bay vào năm 2024. Trước ANA, Toyota cũng đã hợp tác với nhà sản xuất máy bay điện của Mỹ nói trên. (Kyodo)

* Trong tháng 1/2022, số lao động có việc làm tại Hàn Quốc tăng 1.135.000 người so với cùng kỳ một năm trước, mức tăng cao nhất trong vòng 22 năm kể từ tháng 3/2000. Nếu so với tháng 12/2021, số lao động có việc làm tăng 68.000 người.

Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế kiêm Bộ trưởng Kế hoạch và Tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki đánh giá, dù cân nhắc tới hiệu ứng cơ sở, do số lao động có việc làm đã giảm mạnh dưới tác động của dịch Covid-19, thì mức tăng trên 1 triệu người vẫn là một thành quả vượt bậc, cho thấy tình hình tuyển dụng đã được cải thiện rõ nét về cả số lượng và chất lượng. (TTXVN)

* Ngày 15/2, Chánh Văn phòng đàm phán thương mại thuộc Bộ Công nghiệp, Thương mại và Tài nguyên Hàn Quốc Yeo Han-koo đã có buổi hội đàm trực tuyến với Bộ trưởng Thương mại New Zealand Damien O'Connor.

Phát biểu với báo giới sau cuộc họp, ông Yeo Han-koo cho biết Hàn Quốc đang thảo luận về việc trình hồ sơ gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào tháng 4/2022, đồng thời đề nghị New Zealand ủng hộ.

Về phần mình, Bộ trưởng Thương mại New Zealand bày tỏ hoan nghênh việc Hàn Quốc xem xét gia nhập Hiệp định này, kỳ vọng hai bên sẽ tiếp tục hợp tác trong quá trình xúc tiến gia nhập của Seoul. (TTXVN)

Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

* Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI - ngân hàng trung ương) nhận định nền kinh tế nước này đang đạt được đà phát triển khi thoát ra khỏi làn sóng Covid-19 thứ ba ít tai hại hơn, theo một xu hướng khác với kịch bản kinh tế toàn cầu.

Cuối năm ngoái, RBI dự báo kinh tế Ấn Độ sẽ tăng trưởng 9,5% trong tài khóa hiện tại (kết thúc ngày 31/3/2022). (TTXVN)

* Nội các Thái Lan ngày 15/2 thông qua một gói ưu đãi bao gồm cắt giảm thuế và trợ cấp để thúc đẩy tiêu thụ và sản xuất xe điện (EV) trong giai đoạn 2022-2023.

Các khoản trợ cấp dao động từ 70.000 đến 150.000 Baht (khoảng 2.160 - 4.630 USD) tùy thuộc vào loại và kiểu xe, trong khi thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế nhập khẩu sẽ thấp hơn đối với các xe lắp ráp trong nước, với 100% linh kiện được nhập khẩu và xe nhập khẩu nguyên chiếc.

Thái Lan đặt kế hoạch xe điện chiếm ít nhất 30% tổng sản lượng xe sản xuất trong nước vào năm 2030, tương đương 725.000 chiếc xe điện mỗi năm. (TTXVN)

* Trong khuôn khổ một loạt các cuộc họp Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra vào 16/2, Bộ trưởng Bộ Tài chính Sri Mulyani Indrawati cho biết, kinh tế Indonesia đã phục hồi nhanh hơn sau đại dịch Covid-19, thậm chí vượt so với mức ghi nhận hồi cuộc khủng hoảng tiền tệ xảy ra 23 năm trước. (TTXVN)

* Trong thông cáo đưa ra ngày 14/2, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng năm 2022, nhu cầu trong nước ở Malaysia sẽ được giải phóng sau 2 năm bị kìm hãm bởi các biện pháp phong tỏa phòng chống đại dịch Covid-19.

Cộng thêm sự gia tăng của xuất khẩu, dự kiến, tăng trưởng GDP của Malaysia năm 2022 sẽ đạt 5,75%. (TTXVN)