📞

Kinh tế thế giới nổi bật (12-18/4): Ngân hàng Trung Quốc lo Mỹ trừng phạt nếu làm điều này với Nga, Ukraine muốn dùng hệ thống phòng không EU

Hải An 13:36 | 18/04/2024
Tổng thống Mỹ kêu gọi tăng gấp 3 lần thuế đối với thép và nhôm Trung Quốc, Nhật Bản muốn duy trì cổ phần trong các dự án phát triển dầu khí tại Nga, Ukraine đề xuất dùng hệ thống phòng không của EU để bảo vệ cơ sở điện lưới… là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.

Các ngân hàng Trung Quốc chỉ chấp nhận một phần nhỏ giao dịch bằng đồng Nhân dân tệ từ Nga do lo ngại bị Mỹ trừng phạt. (Nguồn: Reuters)

Kinh tế thế giới

Vì sao giá dầu thế giới đứng vững sau cuộc tấn công của Iran tại Israel?

Giá dầu không tăng mạnh sau khi nước sản xuất lớn là Iran tấn công Israel gây rủi ro xung đột lan rộng ở khu vực Trung Đông giàu dầu mỏ.

Trong phiên 16/4, các hợp đồng dầu mỏ được giao dịch nhiều nhất tăng nhẹ. Giá dầu Brent tăng 0,1%, lên 90,17 USD/thùng. Giá dầu ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 0,3%, lên 85,66 USD/thùng. Trước đó, giá giảm trong phiên 15/4 giảm sau cuộc tấn công vào cuối tuần.

Tác động từ các hành động của Iran đã được các thị trường tính đến, khi những cảnh báo đã được đưa ra trước cuộc tấn công, dù mức độ đáp trả vẫn chưa rõ.

Nhà phân tích Ole Hvalbye tại ngân hàng SEB cho rằng, cuộc tấn công đã được báo trước, gây ra ít thiệt hại.

Nhà phân tích Tamas Varga tại PVM Energy nhận định, thị trường hạ thấp khả năng leo thang xung đột giữa Iran và Israel. Theo ông, phản ứng của Israel sẽ thận trọng và có kiểm soát, trong khi Iran cũng sẽ không làm tình hình căng thẳng thêm, do muốn tiếp tục xuất khẩu dầu thô.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cảnh báo có thể áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran.

Các biện pháp trừng phạt của Mỹđã làm giảm nguồn thu từ dầu mỏ của Iran và hạn chế hoạt động thương mại của nước này.

Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế, Iran vẫn tiếp tục sản xuất gần 3,2 triệu thùng dầu mỗi ngày, trong khi nước này được xếp thứ 9 về sản lượng dầu thô trên toàn cầu trong năm ngoái.

Ông Hvalbye cho rằng, Israel có thể gây sức ép lên nước đồng minh là Mỹ trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh hơn lên Iran. Việc thực thi các biện pháp trừng phạt như vậy, đặc biệt là với hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran, có thể làm giảm nguồn cung dầu 0,5-1 triệu thùng/ngày.

Dù vậy, sản lượng dầu của Iran vẫn trên mức 1,9 triệu thùng/ngày đạt được vào giữa năm 2020.

Ông Varga dự báo công suất sản xuất dự phòng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) sẽ đủ để giảm thiểu tác động nếu có bất kỳ sự gián đoạn nguồn cung nào từ phía Iran, với điều kiện nước sản xuất lớn là Saudi Arabia không bị cuốn vào xung đột và eo biển Hormuz, tuyến vận tải dầu trọng yếu, vẫn thông suốt.

Kinh tế Mỹ

* Giới chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết, cơ quan này nhiều khả năng sẽ phải trì hoãn cắt giảm lãi suất do lạm phát kéo dài cùng với diễn biến không thuận từ thị trường việc làm.

Phát biểu tại diễn đàn chính sách tại Trung tâm Wilson ở Washington D.C ngày 16/4, Chủ tịch Fed Jerome Powell để ngỏ kịch bản Fed phải trì hoãn thời điểm cắt lãi suất. Theo ông, những dữ liệu gần đây không tạo cho ngân hàng trung ương Mỹ sự tin tưởng đủ lớn để cắt giảm lãi suất, mà trái lại nó cho thấy phải mất nhiều thời gian để đạt được niềm tin này.

Cùng ngày, tại Diễn đàn Nghiên cứu chính sách tiền tệ quốc tế (IRFMP) ở Washington, D.C, Phó Chủ tịch Fed Philip Jefferson cũng phát đi thông điệp tương tự.

* Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Jared Bernstein ngày 17/4 cho biết, mức thuế cao hơn đối với các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu của Trung Quốc đang được chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden xem xét sẽ không ảnh hưởng đến lạm phát của Mỹ, đồng thời nhấn mạnh rằng đây là điều cần thiết cho an ninh quốc gia Mỹ.

Ông Bernstein nói: “Nếu không hành động, chúng tôi sẽ đặt một trong những lĩnh vực quan trọng nhất của mình vào nguy hiểm. Lĩnh vực sản xuất thép là lĩnh vực được Tổng thống Biden gọi là ‘xương sống’ của nền kinh tế Mỹ, nền tảng của an ninh quốc gia”.

Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi tăng gấp 3 lần thuế đối với thép và nhôm Trung Quốc, với lý do "cạnh tranh không công bằng".

Kinh tế Trung Quốc

* Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố số liệu cho thấy, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý I/2024 tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2023, cao hơn dự báo tăng 4,6% của các nhà phân tích trước đó và cũng cao hơn mức tăng trưởng 5,2% trong ba tháng trước.

Số liệu trên được coi là tin vui cho Trung Quốc khi nước này nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau những khó khăn trong lĩnh vực bất động sản và sự gia tăng nợ chính quyền địa phương. Chính phủ Trung Quốc đã công bố các biện pháp chính sách tài chính và tiền tệ nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 5% trong năm 2024.

* Các chuyên gia cho biết, công suất lọc dầu của Trung Quốc đang bước vào giai đoạn mở rộng mới, với dự kiến 85 triệu tấn sẽ được bổ sung từ năm 2024 đến năm 2027.

Dự báo này được đưa ra trong lễ ra mắt Sách Xanh về Phát triển Công nghiệp Phân phối Dầu khí Trung Quốc, do nhà cung cấp dịch vụ thông tin hàng hóa JLC Network Technology Co Ltd và China Petroleum Circulation Association (CPCA) phối hợp tổ chức.

Tổng thư ký Ủy ban chuyên gia của CPCA, Sun Renjin cho biết: “Việc công suất lọc dầu không ngừng mở rộng khiến sản lượng dầu thành phẩm cũng sẽ tiếp tục tăng". Nhận xét này được đưa ra dựa trên sản lượng dầu thành phẩm tăng nhanh chóng trong năm 2023, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước đó lên 428,358 triệu tấn.

Kinh tế châu Âu

* Trong khuôn khổ hội nghị không chính thức các Bộ trưởng Năng lượng Liên minh châu Âu (EU) diễn ra hôm 15-16/4 ở Brussels, dưới sự chủ tọa của Bỉ, quốc gia hiện đang giữ chức Chủ tịch Hội đồng EU, 23 quốc gia thành viên EU, Ủy ban châu Âu (EC) và ngành công nghiệp điện mặt trời châu Âu đã ký một bản hiến chương nhằm bảo vệ và khuyến khích ngành công nghiệp điện mặt trời châu Âu.

Để đạt được mục tiêu của châu Âu về ít nhất 42,5% năng lượng tái tạo vào năm 2030 và tham vọng đạt 45%, cần đẩy nhanh việc triển khai năng lượng tái tạo, trong đó có năng lượng mặt trời. Hơn nữa, điều này cũng sẽ góp phần thực hiện các mục tiêu của REPOWEREU (chương trình của EC nhằm chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga trước năm 2030), vì việc tăng cường hơn nữa công suất quang điện được lên kế hoạch để thay thế 9 tỷ m3 khí đốt nhập khẩu mỗi năm từ Nga vào năm 2027.

* Các nhà hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 16/4 tiếp tục thể hiện sự ủng hộ với kế hoạch hạ lãi suất vào tháng 6, giữa lúc lạm phát vẫn đang trên đà giảm về mức 2%, dù quá trình này vẫn có những trồi sụt.

Thống đốc Ngân hàng trung ương Pháp Francois Villeroy de Galhau cho rằng, ECB nên quyết định hạ lãi suất lần đầu vào đầu tháng 6, và tiếp tục giảm dần sau đó.

Đồng quan điểm, Chủ tịch ECB Christine Lagarde nhận định, lạm phát đang giảm xuống như ECB dự đoán, và sự leo thang căng thẳng gần đây ở Trung Đông cho đến nay chưa có nhiều tác động đến giá cả hàng hóa. Vì thế sắp đến thời điểm thích hợp để nới lỏng chính sách tiền tệ.

* Ngày 16/4, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng đối với nền kinh tế Đức, từ mức 0,5% như dự báo hồi tháng 1 xuống mức ít ỏi 0,2%. Không có nền kinh tế phát triển nào trên thế giới có tốc độ tăng trưởng èo uột như vậy.

IMF đề cập tình trạng tiêu dùng yếu kém kéo dài bên cạnh nhiều lý do khác. Đức bị ảnh hưởng nhiều hơn các nền kinh tế lớn khác bởi cuộc xung đột Nga-Ukraine, khiến chi phí năng lượng ở nước này tăng cao. Năm ngoái, kinh tế Đức suy giảm 0,3%, trong khi nhiều quốc gia khác ở châu Âu và các khu vực khác trên thế giới lại tăng trưởng rõ rệt.

IMF dự báo Đức sẽ đạt mức tăng trưởng 1,3% năm 2025, thấp hơn 0,3 điểm phần trăm so với dự báo trước, nhưng có thể thoát khỏi vị trí cuối bảng vì Italy và Nhật Bản có thể sẽ kém phát triển hơn.

* Theo dữ liệu mới nhất, được Cơ quan Thống kê quốc gia Italy (ISTAT) công bố ngày 16/4, tỷ lệ lạm phát của nước này trong tháng 3/2024 tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước, so với mức tăng 0,8% trong 2 tháng đầu năm.

Giá năng lượng giảm khiến tỷ lệ lạm phát hàng tháng trong tháng 3 không thay đổi so với tháng trước. Các dự báo trước đó đã dự đoán mức tăng lạm phát hàng năm là 1,3% và mức tăng lạm phát hàng tháng là 0,1% trong tháng Ba.

* Báo Izvestia dẫn các nguồn tin ngày 17/4 cho biết, kể từ cuối tháng 3, tình hình thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ (NDT) từ Nga đã trở nên tồi tệ hơn khi 4 định chế tín dụng lớn của Trung Quốc bắt đầu từ chối các giao dịch.

Việc thanh toán hàng hóa công nghiệp trở nên đặc biệt phức tạp song hoạt động thanh toán hàng tiêu dùng vẫn được chấp nhận như bình thường. Các nguồn tin cho hay, Ngân hàng trung ương Trung Quốc cũng đã thắt chặt hạn chế, qua đó chỉ chấp nhận một phần nhỏ giao dịch từ Nga.

Giới phân tích giải thích, lý do các ngân hàng Trung Quốc hành động như vậy là do Mỹ gây áp lực lên các định chế tài chính nước này và các ngân hàng lo ngại bị trừng phạt do hợp tác với các pháp nhân của Nga.

* Bộ trưởng Năng lượng Ukraine German Galushchenko ngày 15/4 cho biết đã thảo luận với đồng nghiệp từ các nước thành viên EU về việc sử dụng hệ thống phòng không đặt trên lãnh thổ các nước châu Âu để bảo vệ các cơ sở lưu trữ khí đốt của Ukraine.

Theo ông Galushchenko, tổn thất phát điện của Kiev trong những tuần gần đây lên tới 7 GW. Theo ước tính của Liên hợp quốc, công suất phát điện của Ukraine trước đây là khoảng 37 GW, nhưng đến mùa Thu năm 2023 đã giảm còn 19 GW.

Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc

* Báo cáo thường niên “Sách xanh ngoại giao” của Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, nước này muốn duy trì cổ phần trong các dự án phát triển dầu khí tại LB Nga. Đồng thời, trong lĩnh vực năng lượng, nước này sẽ từ bỏ nguồn năng lượng từ Nga.

Quá trình từ bỏ này sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, Nhật Bản coi dự án Sakhalin-1 và Sakhalin-2 là không thể thay thế. Chúng có thể là nguồn cung ổn định cho cả trung và dài hạn.

* Bộ Tài chính Nhật Bản ngày 17/4 cho biết, xuất khẩu của nước này đã tăng tháng thứ 4 liên tiếp do đồng Yen yếu và nhu cầu ở Trung Quốc gia tăng tạo ra lực đẩy cần thiết cho nền kinh tế khi tiêu dùng nội địa sụt giảm.

Theo Bộ Tài chính Nhật Bản, kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản trong tháng 3 vừa qua tăng 7,3% lên 9.470 tỷ Yen (61,09 tỷ USD), trong khi kim ngạch nhập khẩu giảm 4,9%, xuống còn 9.100 tỷ Yen (58,70 tỷ USD). Nhờ đó, thâm hụt thương mại của nước này trong tài khóa 2023 giảm khoảng 70% so với tài khóa trước đó, xuống còn 5.890 tỷ Yen (38 tỷ USD).

* Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc và Nhật Bản đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự suy yếu mạnh mẽ của đồng nội tệ hai nước so với đồng USD, đồng thời cam kết thực hiện các bước thích hợp để hạn chế biến động thị trường trong bối cảnh căng thẳng leo thang ở Trung Đông.

Hôm 16/4, đồng Won của Hàn Quốc đã giảm xuống mức là 1.400 Won/USD. Trong khi đó, tỷ giá đồng Yen của Nhật Bản tiếp tục lao dốc không phanh, giảm 0,59% xuống 154,19 Yen/USD, sau khi đạt đỉnh 154,45 Yen/USD.

* IMF ngày 16/4 thông báo vẫn giữ nguyên triển vọng tăng trưởng năm 2024 của Hàn Quốc ở mức 2,3% nhờ khả năng phục hồi mạnh mẽ của các nền kinh tế lớn trên toàn cầu.

Dự báo mới nhất của IMF giống với dự báo được đưa ra vào tháng 1 khi tổ chức này nâng triển vọng tăng trưởng năm nay của Hàn Quốc thêm 0,1% với lý do tình hình kinh tế toàn cầu "có khả năng phục hồi đáng kinh ngạc".

Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

* Cơ quan quản lý đô thị Bangkok (BMA) có kế hoạch mở rộng phạm vi áp dụng các dự án an ninh lương thực của mình để bao phủ nhiều khu vực hơn ở thủ đô.

Theo Giám đốc Văn phòng Phát triển Xã hội của BMA Sanyakorn Ounmeesri, kể từ năm ngoái, BMA đã bắt đầu triển khai tại 10/50 quận ở thủ đô các dự án với tên gọi “Thực phẩm Thặng dư” và “Ngân hàng Thực phẩm BKK” để giúp đảm bảo an ninh lương thực cho người dân thành phố bằng cách cải thiện việc phân phối các nguồn lực một cách công bằng.

* Dữ liệu mới nhất do Cơ quan Thống kê Australia (ABS) vừa mới công bố cho thấy, mức tiêu thụ thực phẩm tính theo bình quân đầu người hằng ngày của người dân nước này trong năm tài chính 2022-2023 đã giảm 3,9% so với năm 2021-2022 trong bối cảnh người dân ít ghé các quầy nông sản tươi hơn, thay vào đó chuyển sang dùng các bữa ăn nhanh và chi phí thấp.

ABS cho biết mức tiêu thụ tổng thể thấp hơn trong năm 2022-2023 có liên quan đến chi phí thực phẩm tăng cao trong bối cảnh người dân Australia phải vật lộn với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt.

* New Zealand và Singapore đã cam kết tăng cường hợp tác trong giai đoạn tiếp theo của mối quan hệ song phương.

Lãnh đạo hai nước đã nhất trí hợp lý hóa các nguồn cung cấp quan trọng giữa Singapore và New Zealand trong thời kỳ khủng hoảng. Hai bên cũng nhất trí tiếp tục hợp tác trong các sáng kiến kinh tế xanh, trong đó có năng lượng và công nghệ giao thông vận tải, tài chính và đầu tư.