Kinh tế thế giới
Liên minh châu Âu (EU) vẫn đang phụ thuộc nhiều vào dầu và khí đốt của Nga và không đơn giản cắt nguồn cung này trong thời gian ngắn. (Ảnh minh họa - Nguồn: Sputnik) |
IMF: Tác động đến hệ thống tài chính toàn cầu nếu Nga vỡ nợ có thể sẽ hạn chế
Phó Tổng giám đốc điều hành thứ nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Gita Gopinath ngày 22/3 nhận định, những tác động đến hệ thống tài chính toàn cầu nếu Nga không thể thanh toán nợ nước ngoài có thể sẽ hạn chế.
Bà Gopinath cho rằng, nếu Nga vỡ nợ, ảnh hưởng trực tiếp đến phần còn lại của thế giới sẽ khá hạn chế, do những con số là tương đối nhỏ. Theo bà, đó không phải là một rủi ro mang tính hệ thống đối với kinh tế toàn cầu, dù một số ngân hàng có sự liên quan lớn.
Mỹ và các nước đồng minh đã áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn về tài chính đối với Nga sau khi nước này mở chiến dịch liên quan tới Ukraine, nhưng Moscow cho đến nay đã thanh toán các khoản nợ.
Các biện pháp trừng phạt đã có tác động lớn đến quan hệ giữa Nga với hệ thống tài chính toàn cầu, khi cấm hầu hết các giao dịch, trừ việc thanh toán nợ hay mua dầu mỏ. Các biện pháp trừng phạt cũng đóng băng khoản dự trữ ngoại tệ 300 tỷ USD của Nga ở nước ngoài.
Trong tuần trước, Nga đã tránh được nguy cơ vỡ nợ sau khi thanh toán 117 triệu USD lợi suất số trái phiếu bằng đồng USD, thông qua JPMorgan và Citigroup, giao dịch mà Bộ Tài chính Mỹ xác nhận là được phép. (AFP)
Dầu mỏ của Nga trên thị trường toàn cầu giúp giảm lo ngại về nguồn cung
Hàng triệu thùng dầu của Nga vẫn đang tìm đường đến tay người mua gần một tháng sau khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine, qua đó làm giảm đi lo ngại rằng một lệnh trừng phạt sẽ gây phản ứng dữ dội thiếu hụt nguồn cung và khiến thị trường hàng hóa trở nên “quá nóng”.
Các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ mua nhiều lô hàng dầu thô Urals của Nga trong tháng này. Trong khi đó, các nhà máy lọc dầu tư nhân của Trung Quốc vẫn được cho là đang nhắm mục tiêu vào các lô hàng ưa thích nhập từ phía Đông nước Nga, với khả năng ở mức giá hạ thấp.
Kể từ khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine vào cuối tháng 2, thị trường luôn xoay quanh hai câu hỏi: Nga sẽ bán bao nhiêu dầu thô và bán ở đâu? Đã có phản ứng ngừng mua dầu mỏ Nga tại nhiều nơi ở châu Âu, nhưng điều không rõ ràng là các khu vực khác, đặc biệt là châu Á, trung tâm tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới - sẽ mua bao nhiêu.
Ông John Driscoll, chiến lược gia trưởng tại tổ chức JTD Energy Services Pte. nhận định, “các thùng dầu của Nga cần phải hấp dẫn” bởi các biện pháp trừng phạt dù sao cũng sẽ hạn chế việc mua dầu của nước này theo thời gian.
“Các nhà kinh doanh tháo vát có thể tìm cách vận chuyển hàng hóa. Trung Quốc sẽ không bị đe dọa bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ, và vẫn sẽ là nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất của Nga. Ấn Độ được xem là nước tiếp theo”, ông John Driscoll nói. (Bloomberg)
Kinh tế Mỹ
* Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell ngày 21/3 đã phát tín hiệu về khả năng tăng lãi suất cao hơn so với mức tăng 0,25 điểm phần trăm như trong lần tăng mới nhất, nhằm kiềm chế lạm phát tăng cao ở nước này.
Fed đánh giá lạm phát của Mỹ đang ở mức quá cao, đe dọa tới sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế, việc tăng lãi suất sẽ tiếp tục cho tới khi lạm phát trong tầm kiểm soát. Thậm chí, Fed có thể thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nếu cần thiết để ổn định giá cả. (AP)
* Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên kế hoạch khôi phục miễn trừ thuế quan từ thời cựu Tổng thống Donald Trump đối với 352/549 sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, vốn đã được miễn trừ trước đây và hầu hết đều hết hạn vào cuối năm 2020.
Các mặt hàng được miễn trừ thuế quan liên quan đến các sản phẩm phải chịu thuế theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại Mỹ 1974, có hiệu lực từ ngày 12/10/2021 đến hết ngày 31/12/2022. (TTXVN)
Kinh tế Trung Quốc
* Trung Quốc ngày 23/3 công bố kế hoạch phát triển năng lượng hydro cho giai đoạn năm 2021-2035 khi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chạy đua để hướng tới mục tiêu đạt đỉnh và trung hòa carbon.
Theo kế hoạch, đến năm 2025, Trung Quốc sẽ áp dụng một hệ thống phát triển ngành năng lượng hydro tương đối hoàn chỉnh, với việc cải thiện đáng kể khả năng đổi mới và các công nghệ cốt lõi và cơ bản làm chủ quy trình sản xuất. (THX)
* Ngày 23/3, giới chức Thượng Hải, thành phố lớn nhất Trung Quốc, kêu gọi người dân bình tĩnh trong bối cảnh nhiều cửa hàng và các nền tảng bán thực phẩm trực tuyến đều nhanh chóng “cháy hàng” vì tâm lý lo ngại chính quyền có thể áp lệnh phong tỏa khi số ca mắc Covid-19 tăng cao.
Trong ngày, thành phố này có 981 ca mới, cao nhất từ trước tới nay, chiếm 20% tổng ca mắc mới của cả nước. (TTXVN)
Kinh tế châu Âu
* Ngày 23/3, Trung tâm lưu ký thanh toán quốc gia (NDS) của Nga cho hay, nhiều khả năng nước này không thể thanh toán đúng kỳ hạn lợi suất trái phiếu Eurobond trong bối cảnh Nga chịu tác động nặng nề do các lệnh trừng phạt.
Trong thông báo, NSD nói rõ, có thể có sự chậm trễ trong việc thanh toán các khoản lợi suất trái phiếu Eurobond thông qua các ngân hàng quốc tế. (TTXVN)
* Vài tuần sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin triển khai chiến dịch quân sự tại Ukraine, các nhà hàng Mỹ cho biết sẽ rút hoạt động khỏi Nga. Tuy nhiên, nhiều nhà hàng trong số đó vẫn mở cửa.
McDonald's, Starbucks, Papa Johns và Restaurant Brands International (RBI), chủ sở hữu chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh Burger King, và các nhà hàng khác cho biết họ sẽ đóng cửa các hoạt động hoặc kêu gọi sự hỗ trợ từ các nhà hàng tại đây. Tuy nhiên, việc thực hiện cam kết đó khá khó khăn.
Trong bối cảnh căng thẳng Nga-Ukraine, các công ty của Mỹ đã quyết định rằng, việc đóng cửa nhà hàng quan trọng hơn việc bán đồ ăn, song các nhà điều hành nhượng quyền có thể không đồng ý.
Mặc dù các nhà điều hành nhượng quyền có thể khó điều hành hoạt động kinh doanh của mình nếu không có sự hỗ trợ tiếp thị hoặc chuỗi cung ứng an toàn do bên nhượng quyền cung cấp, song nếu họ có thể mua nguyên liệu từ các nhà cung cấp địa phương, thì việc hoạt động vẫn diễn ra. (CNN)
McDonald’s có chuỗi 850 cửa hàng tại Nga. (Nguồn: Getty) |
* Phát biểu trước Quốc hội liên bang ngày 23/2, Thủ tướng Olaf Scholz khẳng định, trong ngắn hạn, nước Đức không thể loại bỏ nguồn cung cấp năng lượng từ Nga. Theo ông Scholz, các biện pháp trừng phạt Nga đã và đang gây ảnh hưởng nặng nề đến người dân Đức, không chỉ ở giá nhiên liệu tăng cao.
Thủ tướng Scholz khẳng định, chính phủ Đức hành động theo nguyên tắc các lệnh trừng phạt không được gây tổn hại cho các quốc gia châu Âu nhiều hơn so với Nga. (TTXVN)
* Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte ngày 21/3 cho rằng Liên minh châu Âu (EU) vẫn đang phụ thuộc nhiều vào dầu và khí đốt của Nga và không đơn giản cắt nguồn cung này trong thời gian ngắn.
Thủ tướng Rutte nhấn mạnh: “Quá nhiều nhà máy lọc dầu ở phần phía Đông và phía Tây của châu Âu vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt của Nga, thậm chí còn nghiêm trọng hơn. Chúng ta phải xóa bỏ sự phụ thuộc đó. Chúng ta cần làm điều đó càng nhanh càng tốt, nhưng không thể làm ngay ngày mai”. (TTXVN)
* Các nước thành viên EU sẽ cân nhắc có nên áp đặt lệnh cấm vận dầu thô từ Nga hay không khi nhóm họp với Tổng thống Mỹ Joe Biden trong tuần này. Một quan chức ngoại giao cấp cao của EU cho biết, các nước đang thực hiện vòng trừng phạt thứ năm và nhiều biện pháp trừng phạt mới đang được đề xuất. (Reuters)
* Nhà sản xuất ô tô Pháp Renault đã nối lại hoạt động sản xuất tại các nhà máy của hãng ở Nga.
Renault đã dừng sản xuất tại nhà máy ở Nga vào tháng trước, viện dẫn các vấn đề logistics. Tuy nhiên, theo Reuters, quyết định khởi động lại sản xuất của hãng này có sự ủng hộ của chính phủ Pháp - cổ đông chính. (The Guardian)
* Số liệu mới nhất do Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS) công bố ngày 23/3 cho thấy lạm phát của nước này trong tháng 2/2022 đã lên mức cao nhất trong 30 năm, gia tăng thêm áp lực cho các nhà hoạch định chính sách tiền tệ.
Giá tiêu dùng tại Anh đã tăng 6,2% trong tháng 2, sau khi tăng 5,5% trong tháng 1, là mức lạm phát cao nhất kể từ tháng 3/1992. Khi so sánh theo cơ sở tháng, giá tiêu dùng tại nước Anh đã tăng 0,8% với tháng 1/2022, đánh dấu mức tăng lớn nhất trong các tháng 2 kể từ năm 2009. (TTXVN)
Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc
* Ngày 22/3, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua dự thảo ngân sách cao kỷ lục, lên đến 107.600 tỷ Yen (900 tỷ USD), cho tài khóa 2022 để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 cũng như hỗ trợ an sinh xã hội và tăng chi tiêu quốc phòng.
Theo dự thảo, ngân sách sẽ phân bổ 36.270 tỷ Yen - khoản chi lớn nhất từ trước đến nay cho an sinh xã hội để giải quyết tình trạng già hóa dân số nhanh. Ngân sách dành 5.400 tỷ Yen cho chi tiêu quốc phòng, cũng là một con số cao kỷ lục. (TTXVN)
Người phụ nữ đeo khẩu trang, mặc bộ kimono truyền thống của Nhật Bản khi qua đường tại khu mua sắm Ginza ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 16/3. (Nguồn: AP) |
* Giá đất trung bình ở Nhật Bản đang phục hồi do nhu cầu nhà ở gia tăng sau khi giảm lần đầu tiên trong 6 năm vào năm 2021 vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Cụ thể, giá các loại bất động sản trên cả nước, bao gồm đất ở và đất thương mại, đã tăng 0,6% kể từ đầu năm 2022 tới nay so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, các chuyên gia trong lĩnh vực này chỉ ra rằng, giá đất từ nay sẽ bị ảnh hưởng phần lớn bởi tác động của cuộc khủng hoảng Ukraine đối với nền kinh tế và thị trường tài chính thế giới, bên cạnh tình hình dịch Covid-19. (Kyodo)
* Hãng xếp hạng tín nhiệm toàn cầu Fitch Ratings ngày 21/3 đã hạ triển vọng tăng trưởng năm 2022 của kinh tế Hàn Quốc từ 3% xuống 2,7%, do sự suy giảm kinh tế gây ra bởi cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Tuần trước, Moody's Investors Service đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2022 của nền kinh tế lớn thứ tư châu Á từ 3% xuống 2,7%. Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) vẫn duy trì triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế nước này ở mức 3% cho năm nay, song đã nâng triển vọng lạm phát từ 2% lên 3,1%. (Yonhap)
* Hàn Quốc ngày 18/3 cho biết nước này dự định mở các kênh thanh toán tạm thời giữa các ngân hàng trong nước và các chi nhánh ở Nga, nhằm giúp các công ty Hàn Quốc đang gặp khó khăn về hoạt động thương mại do các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.
Các kênh thanh toán mới sẽ không được sử dụng để tiến hành giao dịch với các ngân hàng của Nga hoặc giao dịch các mặt hàng nằm trong danh sách trừng phạt Nga. (TTXVN)
Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
* Báo cáo kinh tế hằng tuần do Ngân hàng ANZ thực hiện, công bố ngày 22/3, cho biết niềm tin của người tiêu dùng Australia đã giảm gần 5% trong vòng 7 ngày qua, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9/2020, thời điểm dịch Covid-19 tái bùng phát trên diện rộng ở “xứ chuột túi”.
Người đứng đầu bộ phận kinh tế Australia của ANZ, chuyên gia David Plank, cho biết giá xăng tăng cao đang gây áp lực cho người tiêu dùng, khiến họ phải “vật lộn” để đối phó với mức tăng lương thấp và lạm phát tương đối cao. (TTXVN)
* Ngày 22/3, chính phủ Brazil thông báo cắt giảm thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng nhằm tăng nguồn cung và giảm bớt áp lực lạm phát trên thị trường nội địa.
Biện pháp này sẽ được áp dụng từ nay cho đến cuối năm 2022 đối với hàng hóa từ tất cả các quốc gia ngoài khối Thị trường chung Nam Mỹ (Mercosur – gồm Brazil, Argentina, Paraguay, Uruguay).
Cụ thể, Brazil sẽ giảm thuế nhập khẩu xuống còn 0% đối với sản phẩm ethanol và 6 mặt hàng thực phẩm cơ bản, bao gồm cà phê rang xay, bơ thực vật, pho mát, mì ống, đường và dầu đậu nành. Trong khi đó, thuế nhập khẩu điện thoại di động, máy tính và tư liệu sản xuất dành cho ngành công nghệ thông tin sẽ được cắt giảm 10%. (TTXVN)
* Chủ tịch danh dự Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) Chookiat Ophaswongse cho biết, xuất khẩu gạo của nước này dự kiến sẽ vượt 8 triệu tấn trong năm nay, nhờ đồng Baht yếu và nhu cầu tăng cao trên thị trường toàn cầu.
Giá trị xuất khẩu gạo ước tính đạt 130 tỷ Baht (khoảng 3,88 tỷ USD), tăng so với mức 110 tỷ Baht năm ngoái. (TTXVN)
* Tại hội thảo trực tuyến về Triển vọng kinh tế 2022 ngày 22/3, Bộ trưởng Bộ Doanh nghiệp nhà nước Indonesia Erick Thohir đã đề ra bốn chương trình nghị sự chính để thực hiện mục tiêu trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045.
Bốn chương trình nghị sự tập trung vào việc khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên theo từng giai đoạn phù hợp; nâng cao tầm nhìn và sự hiểu biết về nền kinh tế số hóa; tạo hệ thống tài chính cạnh tranh và thân thiện với các nhà đầu tư cả trong nước và nước ngoài; và phát triển lao động lành nghề để đối mặt với sự thiếu hụt kiến thức kỹ thuật số. (TTXVN)