📞

Kinh tế thế giới nổi bật (19-25/8): Đường ống dẫn dầu qua Nga tới châu Âu ‘trở bệnh’, đồng Ruble hoạt động tốt nhất thế giới, tín hiệu vui Mỹ-Trung

Hải An 13:50 | 25/08/2022
Toàn cầu đối mặt nguy cơ suy thoái do lạm phát, khai trương dịch vụ vận tải đường không Trung Quốc-Mỹ, hệ thống đường ống dẫn dầu từ Kazakhstan qua Nga sang châu Âu bị hư hỏng… là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.
Theo Reuters, cho đến nay, Ruble là đồng tiền giao dịch tốt nhất trên thế giới nhờ hiệu quả của chính sách kiểm soát vốn mà Nga áp đặt nhằm giảm thiểu những rủi ro về ổn định tài chính. (Nguồn: Tylaz)

Kinh tế thế giới

Kinh tế toàn cầu đối mặt nguy cơ suy thoái

Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy, nền kinh tế toàn cầu đang ngày càng có nguy cơ rơi vào suy thoái, khi người tiêu dùng đối mặt với mức lạm phát cao nhất nhiều thập niên, khiến họ buộc phải kiềm chế chi tiêu, còn các ngân hàng trung ương ngày càng có xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ.

Các chuỗi cung ứng vốn chưa thể phục hồi sau đại dịch Covid-19 lại bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc xung đột Nga-Ukraine và việc phong tỏa xã hội nghiêm ngặt của Trung Quốc, gây tổn hại cho ngành sản xuất toàn cầu.

Các cuộc khảo sát của các nhà quản lý mua hàng được công bố vào ngày 23/8, từ châu Á sang châu Âu cho đến Mỹ, cho thấy hoạt động kinh doanh đang sụt giảm và rất ít khả năng cải thiện sớm.

Chuyên gia Paul Dales tại công ty nghiên cứu kinh tế độc lập Capital có trụ sở tại London (Anh) cho biết: “Nói một cách đơn giản, tỷ lệ lạm phát tăng vọt dẫn đến việc các hộ gia đình phải trả nhiều tiền hơn cho hàng hóa và dịch vụ, đồng nghĩa với việc họ ít chi tiêu hơn cho các mặt hàng khác.

Điều đó làm cho sản lượng kinh tế giảm, nguyên nhân dẫn đến suy thoái kinh tế. Lãi suất cao hơn cũng đóng một vai trò nhỏ nhưng vấn đề cốt lõi vẫn là lạm phát tăng quá cao". (Reuters)

Kinh tế Mỹ

* Theo kết quả một cuộc khảo sát đối với các nhà kinh tế do hãng Reuters tiến hành, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản trong tháng Chín, giữa bối cảnh kỳ vọng lạm phát đã đạt đỉnh và lo ngại suy thoái ngày càng gia tăng.

Hầu hết các nhà kinh tế tham gia cuộc khảo sát từ ngày 16-19/8 đều dự đoán về mức tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong tháng tới, tương tự như trong cuộc khảo sát trước đó, với dự báo lãi suất sẽ tăng lên 2,75-3%. Chỉ 18 trong số 94 nhà kinh tế tham gia khảo sát dự kiến Fed sẽ tăng lãi suất 75 điểm cơ bản. (Reuters)

* Một máy bay Boeing 787-9 chở 41,4 tấn hàng hóa đã cất cánh vào tối 22/8 từ thành phố Cáp Nhĩ Tân, thủ phủ tỉnh Hắc Long Giang, phía Đông Bắc Trung Quốc. Với điểm đến là thành phố Los Angeles (Mỹ), chuyến bay này đánh dấu khai trương dịch vụ vận tải đường không mới giữa Trung Quốc và Mỹ.

Hãng Heilongjiang LongYuLian International Logistics Co., Ltd., nhà điều hành dịch vụ vận chuyển hàng hóa trên, cho biết, hằng tuần sẽ có ba chuyến bay vận tải khởi hành vào các ngày thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu với công suất chuyên chở tối đa là 45 tấn hàng hóa và thời gian bay khoảng 11 giờ. (THX)

Kinh tế Trung Quốc

* Theo số liệu chính thức công bố ngày 21/8, khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt của Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm đạt 2,89 tỷ tấn, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính đến năm 2021, Trung Quốc sở hữu hơn 150.000 km đường sắt và là nước có mạng lưới đường sắt dài thứ hai thế giới. (TTXVN)

* Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trong tháng Bảy, xuất khẩu dầu mỏ của Nga sang Trung Quốc đạt 7,15 triệu tấn, cao hơn 7,6% so với cùng kỳ năm trước, và Nga vẫn là nhà cung cấp dầu mỏ lớn nhất cho Trung Quốc trong tháng thứ ba liên tiếp.

Khối lượng dầu mỏ Nga bán cho Trung Quốc mỗi ngày ở mức khoảng 1,68 triệu thùng, thấp hơn mức cao kỷ lục khoảng 2 triệu thùng/ngày hồi tháng Năm. Vị trí thứ hai về lượng dầu mỏ bán cho Trung Quốc thuộc về Saudi Arabia với 6,56 triệu tấn, tương đương 1,54 triệu thùng/ngày.

Tổng cộng, kể từ đầu năm, nhập khẩu dầu từ Nga sang Trung Quốc đạt mức 48,45 triệu tấn, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong khi đó, nhập khẩu than của Trung Quốc từ Nga trong tháng 7/2022 đạt 7,42 triệu tấn, tăng 14% so với một năm trước đó, lên mức cao nhất trong ít nhất 5 năm, do Trung Quốc mua được than giảm giá trong bối cảnh các nước phương Tây xa lánh hàng hóa của Nga vì cuộc xung đột với Ukraine. (TTXVN)

Kinh tế châu Âu

* Châu Âu phải đối mặt với sự gián đoạn mới về nguồn cung năng lượng do hệ thống đường ống dẫn dầu từ Kazakhstan qua Nga bị hư hỏng, theo thông tin được nhà điều hành đường ống báo cáo hôm 22/8.

CPC, công ty xử lý khoảng 1% lượng dầu toàn cầu và có cổ đông lớn nhất là công ty đường ống Transneft (Nga), cho biết hoạt động xuất khẩu từ hai trong ba điểm neo đậu của họ tại một trung tâm trung chuyển ở Biển Đen đã bị đình chỉ hoạt động do hư hỏng.

Phía công ty đã lên kế hoạch thay thế các bộ phận trên hai điểm neo đó và đang tìm kiếm một tổ chức để thực hiện công việc. Tập đoàn không đưa ra mốc thời gian cụ thể cho việc bảo trì này.

Hai nguồn tin quen thuộc với vấn đề này cho hay một điểm neo chỉ có thể xử lý chưa tới 70% công suất thông thường của một trung tâm, khiến Kazakhstan - quốc gia sử dụng CPC làm tuyến đường chính cho hoạt động xuất khẩu dầu của mình - đối mặt với viễn cảnh phải cắt giảm sản lượng. (Reuters)

* Giá bán buôn khí đốt của Hà Lan và Anh sáng thứ Tư (24/8) tăng chủ yếu do thông tin về việc nhà máy khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) Freeport ở Mỹ bị hoãn tái khởi động và nhu cầu gia tăng.

Hợp đồng Hà Lan giao tháng 9/2022, một hợp đồng tiêu chuẩn châu Âu, tăng 9 Euro lên 269 Euro/1 MWh vào lúc 8h48 GMT trong khi hợp đồng quý I/2023 tăng 6 Euro lên 271 Euro/1 MWh.

Tại Anh, hợp đồng giao ngay không đổi ở mức 450 xu Anh/therm (đơn vị nhiệt Anh tương đương với 100.000Btu), trong khi hợp đồng giao ngày hôm sau tăng 40 xu Anh lên mức 450 xu Anh/therm.

Các nhà phân tích tại Engie EneryScan cho biết, mức giá tăng có thể là do thông báo về việc khởi động lại nhà máy LNG Freeport của Mỹ bị trì hoãn. (Reuters)

* Trong phiên ngày 23/8, đồng Ruble tăng nhẹ so với đồng USD sau khi giảm xuóng mức hơn 60 Ruble đổi 1 USD lúc đầu, trong khi cổ phiếu của công ty internet Yandex hoạt động khá tốt sau khi công ty này thông báo bán một số tài sản cho công ty đối thủ VK.

Khép phiên ngày 23/8, đồng Ruble tăng nhẹ 0,1%, giao dịch ở mức 1 USD đổi 59,80 Ruble sau khi chạm mức 1 USD đổi 60,41 Ruble, rời khỏi mức cao nhất của gần 4 tuần là 1 USD đổi 57,7 Ruble đạt được trong ngày 19/8.

So với đồng Euro, đồng Ruble cũng tăng 0,1% lên 1 Euro đổi 59,40 Ruble trong bối cảnh đồng tiền châu Âu giảm xuống mức thấp nhất của 20 năm so với đồng bạc xanh.

Cho đến nay, Ruble là đồng tiền giao dịch tốt nhất trên thế giới nhờ hiệu quả của chính sách kiểm soát vốn mà Nga đã áp đặt nhằm giảm thiểu những rủi ro về ổn định tài chính. (Reuters)

* Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck ngày 21/8 bác bỏ ý tưởng kéo dài tuổi thọ của ba nhà máy điện hạt nhân còn lại tại nước này để tiết kiệm khí đốt. Ông cho biết, việc đó chỉ giúp tiết kiệm khoảng 2% nhu cầu khí đốt và con số đó không đáng để mở lại cuộc tranh luận về việc ngừng sử dụng hoàn toàn năng lượng hạt nhân.

Các nhà máy điện hạt nhân tại Đức sẽ ngừng hoạt động vào cuối năm nay theo một đạo luật do chính phủ của cựu Thủ tướng Angela Merkel ban hành sau sự cố nhà máy hạt nhân Fukushima ở Nhật Bản năm 2011. Tuy nhiên, ông Habeck cho biết ông sẵn sàng kéo dài tuổi thọ của một nhà máy điện hạt nhân ở Bavaria nếu cần thiết để đảm bảo sự ổn định của nguồn cung điện vào mùa Đông. (TTXVN)

Tàu Razoni chở ngũ cốc Ukraine cập cảng Tartus, Syria sau khi bị từ chối ở Tripoli, Lebanon. (Nguồn: Planet Labs)

* Ngày 20/8, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết, LHQ đang phối hợp với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) nhằm vượt qua các rào cản để đưa các mặt hàng phân bón và lương thực của Nga ra các thị trường thế giới.

Ông Guterres cảnh báo, nếu nguồn cung phân bón không đủ trong năm 2022 thì sẽ dẫn tới sự thiếu hụt nguồn cung lương thực trong năm 2023. Do vậy, việc đưa lương thực và phân bón của Ukraine và Nga ra thị trường là yếu tố rất quan trọng để ổn định thị trường hàng hóa và hạ giá thành cho người tiêu dùng. (TTXVN)

* Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) ngày 24/8 cho biết, nhập khẩu hàng hóa của nước này từ Nga trong tháng 6/2022 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi nước này bắt đầu thống kê số liệu cách đây 25 năm, phần lớn là do các lệnh trừng phạt đối với Nga.

Theo ONS, nhập khẩu hàng hóa từ Nga đạt 33 triệu Bảng Anh (39 triệu USD) trong tháng 6/2022, giảm 96,6% so với mức nhập khẩu trung bình hằng tháng trong giai đoạn 12 tháng trước khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Vào tháng 6/2022, Anh cũng lần đầu tiên không nhập khẩu nhiên liệu từ Nga. (Reuters)

Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc

* Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio ngày 24/8 đã kêu gọi đẩy nhanh việc phục hồi sản xuất điện hạt nhân ở nước này trong nỗ lực giải quyết tình trạng giá năng lượng nhập khẩu tăng cao liên quan đến xung đột tại Ukraine.

Theo ông, Nhật Bản cần cần nhắc việc xây dựng các lò phản ứng hạt nhân thế hệ mới, trong khi chính phủ sẽ thảo luận việc đưa thêm các nhà máy điện hạt nhân vào hoạt động và kéo dài tuổi thọ của các lò phản ứng nếu vấn đề an toàn được đảm bảo.

Ông Kishida kêu gọi việc đưa ra các kết luận cụ thể về vấn đề này vào cuối năm, dù đây vẫn là điều nhạy cảm sau thảm họa hạt nhân Fukushima vào tháng 3/2011, được coi là nghiêm trọng nhất kể từ sau thảm họa Chernobyl. (AFP)

* Ngày 19/8, Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản (MIC) cho biết, trong tháng 7/2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cơ bản của nước này tăng 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 0,2 điểm so với tháng trước và cao nhất kể từ tháng 12/2014. Đây là tháng thứ 4 liên tiếp chỉ số này ở trên mức mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ). (TTXVN)

* Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc ngày 24/8 cho hay, chính phủ nước này có kế hoạch công bố trong tháng 8 các biện pháp tăng cường khả năng cạnh tranh trong hoạt động xuất khẩu, giữa bối cảnh kinh tế toàn cầu đối mặt khả năng xảy ra suy thoái.

Được biết, xuất khẩu chất bán dẫn, một mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Hàn Quốc, đã tăng trưởng chậm lại trong thời gian gần đây. (Yonhap)

Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

* Vừa qua, chính phủ Australia thông báo cho phép ngành công nghiệp dầu khí nội địa được mở rộng diện tích thăm dò dầu khí trong một khu vực rộng 46.758 km2 ở ngoài khơi bang Tây Australia, Victoria và các quần đảo Ashmore và Cartier.

Việc cho phép mở rộng các khu vực thăm dò dầu khí ngoài khơi là giải pháp hỗ trợ mà Canberra duy trì hằng năm, dành cho lĩnh vực dầu khí quốc gia, để đảm bảo tính đầu tư liên tục cho ngành này.

Australia cũng công bố hai “giấy phép lưu trữ carbon” mới dành cho các nhà khai thác dầu khí lớn nhất của Australia, bao gồm Tập đoàn Woodside Energy và Liên doanh Inpex. (TTXVN)

* Hạ viện Thái Lan ngày 23/8 đã thông qua dự thảo ngân sách trị giá 3.190 tỷ Baht (khoảng 88 tỷ USD) cho tài khóa 2023.

Sau 5 ngày thảo luận, với 258 phiếu thuận và 180 phiếu chống, Hạ viện gồm 500 ghế của Thái Lan đã thông kế hoạch chi tiêu - bao gồm cả khoản thâm hụt 695 tỷ Baht - cho tài khoá bắt đầu từ ngày 1/10/2022. Dự thảo ngân sách này sẽ được trình Thượng viện thông qua trong 20 ngày tới. (TTXVN)

* Indonesia có thể dành thêm khoản trợ cấp năng lượng trị giá 200.000 tỷ Rupiah (13,43 tỷ USD) nếu không tăng giá nhiên liệu được nhà nước trợ cấp, trong bối cảnh tiêu thụ dự kiến vượt hạn ngạch của cả năm nay.

Phát biểu với báo giới ngày 23/8, Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani Indrawati cho biết, khoản kinh phí nói trên sẽ khiến ngân sách trợ cấp và bù lỗ năng lượng năm 2022 tăng thêm 40% lên mức 700.000 tỷ Rupiah. (TTXVN)

* Bộ Công Thương Singapore (MTI) ngày 24/8 cho biết, nước này và Brunei cam kết sẽ tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng, kinh tế xanh và khả năng phục hồi nguồn cung cấp thực phẩm và y tế.

Hai nước đã ký 2 Bản ghi nhớ (MOU) cùng ngày, bên lề chuyến thăm cấp nhà nước hai ngày của Quốc vương Brunei tới Singapore. Hai bên cũng nhất trí thành lập Ủy ban chung do MTI và Bộ Tài chính-Kinh tế Brunei dẫn dắt để giám sát các nội dung được cam kết trong 2 MOU. (TTXVN)