Châu Âu khẳng định đã có sự chuẩn bị cho trường hợp Nga tạm dừng nguồn cung khí đốt cho các nước trong châu lục. (Nguồn: Getty Images) |
Kinh tế thế giới
Giá năng lượng có khả năng duy trì ở mức cao lịch sử cho đến năm 2024
Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 26/4 cảnh báo giá năng lượng và các mặt hàng khác có khả năng sẽ duy trì ở các mức cao lịch sử cho đến năm 2024 và đè nặng lên tăng trưởng kinh tế.
Indermit Gill, Phó Chủ tịch WB phụ trách tài chính và tăng trưởng công bằng nhận định, đà tăng của giá hàng hóa hiện nay là cú sốc lớn nhất kể từ những năm 1970.
Với giá năng lượng dự kiến tăng 50% trong năm nay, tình hình đang trở nên trầm trọng hơn do các chính sách hạn chế thương mại và đà tăng của giá thực phẩm, nhiên liệu và phân bón.
Theo báo cáo Triển vọng thị trường hàng hóa của WB, những diễn biến trên bắt đầu làm dấy lên nguy cơ về lạm phát đình trệ. Trước tình hình này, ông Gill kêu gọi các chính phủ tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nước và tránh những hành động gây tổn hại cho nền kinh tế toàn cầu. (AFP, Reuters)
Biến đổi khí hậu khiến 4% GDP toàn cầu gặp rủi ro
Nghiên cứu mới được thực hiện trên 135 quốc gia ước tính, biến đổi khí hậu có thể khiến 4% tổng sản lượng kinh tế toàn cầu (GDP) mỗi năm gặp rủi ro đến năm 2050 và ảnh hưởng nặng nề đến nhiều vùng nghèo hơn trên thế giới.
Công ty xếp hạng S&P Globalngày 26/4 đã công bố một báo cáo về tác động có thể xảy ra của mực nước biển dâng cao và các đợt nắng nóng, hạn hán và bão thường xuyên hơn.
Trong một kịch bản mà các chính phủ hầu hết đều né tránh các chính sách lớn liên quan đến biến đổi khí hậu, các nước thu nhập trung bình và thấp hơn có khả năng bị thiệt hại GDP nhiều hơn trung bình 3,6 lần so với các nước giàu có.
Chẳng hạn như khi cháy rừng, lũ lụt, bão lớn và thiếu nước xảy ra ở các Bangladesh, Ấn Độ, Pakistan và Sri Lanka, tình trạng rủi ro đối với GDP của khu vực Nam Á ở mức 10-18%, cao gần gấp ba so với khu vực Bắc Mỹ và gấp 10 lần so với khu vực ít bị ảnh hưởng nhất châu Âu.
Các khu vực Trung Á, Trung Đông, Bắc Phi và khu vực châu Phi ở phía Nam sa mạc Sahara đều phải đối mặt với những thiệt hại đáng kể. Các nước Đông Á và Thái Bình Dương phải đối mặt với mức độ “hứng chịu” thiệt hại tương tự như châu Phi phía Nam Sahara, nhưng chủ yếu là do bão và lũ lụt hơn là các đợt nắng nóng và hạn hán.
Theo hãng bảo hiểm Swiss Re, đối với hầu hết các quốc gia, mức độ thiệt hại và chi phí từ biến đổi khí hậu đã và đang tăng lên. Trong 10 năm qua, chỉ riêng các cơn bão, cháy rừng và lũ lụt đã gây ra thiệt hại khoảng 0,3% GDP mỗi năm trên toàn cầu. (Reuters)
Kinh tế Mỹ
* Nhà sản xuất máy bay của Mỹ Boeing ngày 27/4 cho biết sẽ ngừng sản xuất máy bay 777x đến hết năm 2023 do các vấn đề về chứng chỉ, cũng như nhu cầu yếu đối với dòng máy bay thân rộng này, với chi phí phát sinh từ quyết định này lên đến 1,5 tỷ USD.
Boeing cũng xác nhận các thông tin về việc hoãn giao chiếc máy bay 777X đầu tiên đến năm 2025. Trong quý I/2022, Boeing ghi nhận mức lỗ 2,75 USD/cổ phiếu, cao hơn mức 1,53 USD/cổ phiếu cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu của hãng giảm từ 15,22 tỷ USD xuống còn 13,99 tỷ USD trong cùng kỳ. (Reuters)
* Với 52 phiếu thuận và 43 phiếu chống, Thượng viện Mỹ ngày 26/4 đã bỏ phiếu thông qua đề cử bà Lael Brainard giữ chức Phó Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed).
Bà Lael Brainard đã từng công tác trong Hội đồng quản trị Fed từ năm 2014. Tuy nhiên, Thượng viện Mỹ đã không tổ chức được cuộc bỏ phiếu thông qua đề cử bà Lisa Cook là phụ nữ da màu đầu tiên tham gia ban lãnh đạo Fed do không nhận được sự ủng hộ của các nghị sĩ đảng Cộng hòa, trong bối cảnh một số nghị sĩ đảng Dân chủ vắng mặt vì mắc Covid-19.
Kinh tế Trung Quốc
* Ngày 27/4, Hiệp hội Vàng Trung Quốc (CGA) thông báo tiêu thụ vàng ở nước này trong quý I/2022 giảm 9,69% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 260,26 tấn.
Theo đó, tiêu thụ vàng trang sức ở Trung Quốc trong giai đoạn tháng 1-3/2022 giảm 0,19% so với cùng kỳ năm trước xuống còn 168,86 tấn, trong khi vàng miếng và vàng thỏi giảm 27,71% xuống 69,62 tấn. Nhu cầu tiêu dùng vàng cho mục đích công nghiệp và các mục đích khác tại nước này giảm 4,1% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 21,78 tấn.
Sản lượng vàng của Trung Quốc trong quý I/2022 tăng 8,96 tấn (tương ứng 12,04%) so với cùng kỳ năm trước, đạt 83,4 tấn. (THX)
* Hãng tin Bloomberg mới đây đã đánh giá, nền kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc nhanh chóng trong tháng 4/2022, do ảnh hưởng của đợt bùng phát đại dịch Covid-19 nghiêm trọng nhất từ trước đến nay tại nước này và các biện pháp hạn chế để phòng dịch.
Đánh giá được dựa trên chỉ số tổng hợp của 8 chỉ số cảnh báo sớm về kinh tế Trung Quốc. Theo đó, chỉ số tổng hợp đã rơi xuống ngưỡng suy giảm và cũng là mức thấp nhất kể từ tháng 4/2020, cho thấy làn sóng dịch hiện nay gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế thứ hai thế giới.
Chỉ số tổng thể của tháng 3 cũng được điều chỉnh giảm từ mức 5 xuống mức 4, chủ yếu do các chỉ số quản lý mua hàng (PMI) giảm trong tháng trước.
Bloomberg đánh giá triển vọng kinh tế Trung Quốc trong thời gian tới là ảm đạm, nhiều khả năng sẽ không đạt chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế 5,5% trong năm 2022. (AP)
Kinh tế châu Âu
* Trên mạng Twitter, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ngày 27/4 khẳng định đã có sự chuẩn bị cho trường hợp Nga tạm dừng nguồn cung khí đốt cho các nước thành viên trong khối và đang lên kế hoạch cho một phản ứng “phối hợp” sau khi tập đoàn Gazprom của Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria.
Theo đó, Liên minh châu Âu (EU) đang tìm cách đảm bảo các cách vận chuyển thay thế và mức dự trữ tốt nhất có thể trên khắp khối này.
Bình luận về động thái nói trên của Nga, bà von der Leyen chỉ trích đây là một hành động “vô lý và không thể chấp nhận được”.
* Ngày 27/4, tập đoàn năng lượng Gazprom đã tuyên bố ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria với lý do Nga đã không nhận được khoản thanh toán bằng đồng Ruble từ hai quốc gia này cho các hợp đồng mua khí đốt.
Trong tuyên bố ngày 27/4, Gazprom cho hay, đã thông báo tới hai cơ quan năng lượng Bulgargaz của Bulgaria và PGNiG của Ba Lan về quyết định ngừng cung cấp khí đốt. Quyết định sẽ có hiệu lực cho đến khi các khoản thanh toán được trả bằng đồng Ruble theo đúng chủ trương của Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố tháng trước.
Gazprom khẳng định vẫn tiếp tục vận chuyển khí đốt sang châu Âu qua Ukraine theo yêu cầu của khách hàng. (AFP)
* Ngày 28/4, trả lời phỏng vấn đài phát thanh Polsat News, Bộ trưởng Môi trường Ba Lan Anna Moskwa nêu rõ, công ty khí đốt PGNiG của nước này sẽ thực hiện mọi biện pháp pháp lý có thể, liên quan quyết định của Moscow về việc ngừng cung cấp khí đốt cho Warsaw. (Reuters)
* Việc Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria hiện không ảnh hưởng đến an ninh nguồn cung khí đốt của Đức, song nước này vẫn đang theo dõi chặt chẽ tình hình. Đây là tuyên bố của giới chức Đức ngày 27/4 trong bối cảnh có những lo ngại xung quanh việc Nga cắt nguồn cung khí đốt cho Bulgaria và Ba Lan.
Tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rằng Nga sẽ chỉ chấp nhận thanh toán khí đốt bằng đồng tiền của mình. Tuy nhiên, Đức cho tới nay vẫn từ chối yêu cầu này.
Theo giới chức Đức, nước này đã thành công trong việc giảm bớt sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Cơ quan Mạng lưới liên bang Đức cho biết, an ninh nguồn cung của Đức "hiện được đảm bảo" và việc Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria không gây ảnh hưởng gì đối với Đức. (TTXVN)
* Hãng tin Bloomberg ngày 27/4 cho biết, ít nhất 10 doanh nghiệp châu Âu mua khí đốt tự nhiên của Nga đã mở tài khoản ở ngân hàng Gazprombank để thanh toán bằng đồng Ruble. Theo một nguồn tin cơ quan thân cận với tập đoàn Gazprom, 4 công ty đã thanh toán tiền mua khí đốt Nga bằng đồng Ruble của nước này.
Ngày 22/4, Ủy ban châu Âu cho biết, kế hoạch mới thanh toán bằng đồng ruble cho khí đốt của Nga, đã được Nga phê duyệt, có khả năng xung đột với các lệnh trừng phạt. Một trong những lựa chọn Liên minh châu Âu đề xuất là coi việc chuyển tiền cho Gazprombank là việc hoàn thành nghĩa vụ thanh toán. (Bloomberg)
* Ngày 25/4, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố nền kinh tế Nga đã ổn định sau khi bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt chưa từng có tiền lệ liên quan đến chiến dịch đặc biệt ở Ukraine.
Ông Putin nói: “Lạm phát đã chậm lại, tốc độ tăng giá hằng tuần đã tiệm cận mức bình thường và giá một số mặt hàng đã bắt đầu giảm". Điều này do hai yếu tố: giá trị đồng Ruble "mạnh lên theo hướng tích cực" và "mức cầu tiêu dùng".
Mặc dù vậy, các nhà kinh tế cho rằng tác động tồi tệ nhất đối với nền kinh tế Nga vẫn sẽ xảy ra. (TTXVN)
Kể từ đầu tháng 3 tới nay, đồng Yen của Nhật Bản đã liên tục giảm giá so với USD. (Nguồn: CNBC) |
Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Tokyo vào chiều tối 26/4, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho rằng, các biến động nhanh gần đây của đồng Yen là kết quả của các chính sách kinh tế và tiền tệ, và “không có lợi” cho nhiều bên liên quan.
Tuy nhiên, ông kêu gọi Ngân hàng trung ương Nhật Bản tiếp tục định hướng chính sách của mình hướng tới đạt mục tiêu lạm phát ổn định ở mức 2%.
Kể từ đầu tháng 3 tới nay, đồng Yen đã liên tục giảm giá so với USD. (TTXVN)
* Kết quả thăm dò thực hiện vào giữa tháng 4 này của công ty Teikoku Databank cho thấy thêm nhiều công ty Nhật Bản đã đình chỉ hoạt động ở Nga trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Theo đó, tới ngày 11/4, có 60 trong tổng số 168 công ty niêm yết của Nhật Bản đang làm ăn tại Nga đã quyết định rút khỏi hoặc tạm ngừng hoạt động tại nước láng giềng này, tăng 37 công ty so với cuộc thăm dò tháng trước. (TTXVN)
* Hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor's (S&P) của Mỹ ngày 27/4 công bố duy trì xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Hàn Quốc là AA và triển vọng tín nhiệm "ổn định", đồng thời giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia trong ngắn hạn là “A-1+”.
Xếp hạng tín nhiệm lần này cũng ghi nhận những thành quả xuất sắc về chính sách và cơ chế của chính phủ Hàn Quốc trong xây dựng và vận hành tài chính công bền vững, ứng phó tốt với dịch Covid-19, tăng trưởng kinh tế cân bằng. (TTXVN)
* Ngày 28/4, Phó Thủ tướng Hàn Quốc kiêm Bộ trưởng Tài chính Hong Nam-ki tuyên bố chính phủ nước này sẽ đa dạng hóa nguồn nhập khẩu than bitum, một nguyên liệu chính sản xuất xi măng và khuyến khích sản xuất xi măng trong nước. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh Hàn Quốc đang đối mặt với nguy cơ bất ổn mới liên quan đến nguyên liệu đầu vào quan trọng cho ngành xây dựng.
Giá than bitum hiện đã tăng gấp đôi so với đầu năm do cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine. Chính phủ sẽ thực hiện các biện pháp nghiêm nhằm chống lại việc tích trữ và thông đồng nâng giá. (TTXVN)
Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
* Ngày 27/4, Bộ trưởng Kinh tế Argentina Martin Guzmán cho biết, chính phủ nước này đang tìm cách thu hút 10 tỷ USD vốn đầu tư nhằm hiện thực hóa mục tiêu xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) kể từ năm 2027.
Ông Guzmán nhấn mạnh, quốc gia Nam Mỹ này sở hữu vùng mỏ Vaca Muerta – một trong những khu vực có trữ lượng dầu khí phi truyền thống lớn nhất thế giới. Điều này tạo tiền đề thuận lợi cho Argentina trong việc hoàn thành mục tiêu xuất khẩu lượng LNG với giá trị hơn 15 tỷ USD kể từ năm 2027. (TTXVN)
* Australia vừa ghi nhận mức tăng lạm phát hằng quý và hằng năm cao nhất trong vòng 21 năm qua, sau khi Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) "nhảy" lên ngưỡng 2,1% trong quý I/2022, đẩy lạm phát hằng năm lên con số 5,1%.
Báo cáo do Cơ quan Thống kê Australia (ABS) công bố ngày 27/4 cho biết, sự kết hợp của giá xăng dầu, xây dựng nhà ở và giáo dục đại học tăng cao đã làm tăng lạm phát của “xứ chuột túi” lên mức chưa từng thấy kể từ năm 2000. Trong đó, giá nhà ở mới xây dựng hiện tăng 5,7% so với quý trước, nhiên liệu tăng 11% và giáo dục đại học tăng 6,3%. (TTXVN)
* Ngân hàng Đầu tư Kenanga Malaysia đã duy trì dự báo mức lạm phát năm 2022 của quốc gia này ở mức 2,9%, đồng thời lưu ý rằng đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành ở Trung Quốc và nhiều khả năng các thành phố lớn buộc phải phong tỏa, đe dọa làm gián đoạn chuỗi cung ứng. (TTXVN)
* Lãnh đạo ngành công nghiệp dầu cọ Indonesia cho biết, lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ của nước này khó có thể kéo dài hơn một tháng do hạn chế về cơ sở hạ tầng lưu trữ và áp lực ngày càng lớn từ người mua nhằm nối lại các lô hàng.
Ngày 22/4, nhà xuất khẩu dầu cọ lớn nhất thế giới đã công bố kế hoạch cấm xuất khẩu sản phẩm này trong một động thái gây sốc khiến giá tất cả các loại dầu ăn tăng vọt, gây hoang mang và lo lắng cho các công ty xuất khẩu cũng như người tiêu dùng. (TTXVN)