Kim ngạch thương mại giữa Nga và Iran tăng 20% trong năm 2022. (Nguồn: Press TV) |
Kinh tế thế giới
WTO: Thương mại toàn cầu ‘ổn định tốt’
Ngày 23/2, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho hay, thương mại toàn cầu đã tăng trưởng hơn dự kiến được đưa ra hồi năm ngoái, bất chấp những biến động do cuộc xung đột Ukraine gây ra. Các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề đã tìm cách chuyển đổi nhà cung cấp hoặc hàng hoá.
Cơ quan giám sát thương mại toàn cầu đã dự báo mức tăng trưởng chỉ 3% trong năm 2022 do xung đột gây ra sự gián đoạn lớn đối với xuất khẩu, bao gồm lúa mì và nhiên liệu. Tuy nhiên, nhà kinh tế trưởng của WTO Ralph Ossa, khi trình bày phân tích mới nhất về tác động của cuộc xung đột đối với thương mại, nhận định thương mại toàn cầu đã “ổn định tốt”.
Theo ông Ossa, thương mại toàn cầu có khả năng phục hồi vì các thành viên WTO đã thể hiện sự kiềm chế trong việc sử dụng các biện pháp hạn chế xuất khẩu.
Báo cáo của WTO cho biết, một số quốc gia trước đây phụ thuộc vào hàng nhập khẩu từ Ukraine đã đổi sản phẩm lương thực này lấy sản phẩm lương thực khác, chẳng hạn như chuyển từ lúa mì sang gạo. Những nước khác tìm thấy các nhà cung cấp thay thế, chẳng hạn như Ai Cập đã thay thế lúa mì từ Ukraine bằng hàng nhập khẩu từ Liên minh châu Âu, Mỹ cũng như Nga. (TTXVN)
Kinh tế Mỹ
* Ngày 26/2, bên lề cuộc họp các Bộ trưởng tài chính G20 tại Ấn Độ, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nói, lạm phát là vấn đề đối với kinh tế Mỹ, nhưng vẫn cho rằng kinh tế Mỹ sẽ "hạ cánh mềm". Theo bà Yellen, các số liệu kinh tế Mỹ cho thấy lạm phát vẫn chưa được kiểm soát cho dù có giảm.
Kinh tế Mỹ có thể "hạ cánh mềm" do sức mạnh của thị trường lao động, không có áp lực đối với lĩnh vực nhà ở và tài chính như những lần suy thoái trước đó. Bà cho rằng, cho đến nay vẫn chưa nhìn thấy các dấu hiệu rõ ràng rằng triển vọng “hạ cánh mềm” sẽ không xảy ra. (TTXVN)
Kinh tế Trung Quốc
* Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Trung Quốc đã tăng ấn tượng trong tháng Hai, sau khi cuối năm ngoái nước này dỡ bỏ các biện pháp hạn chế được áp dụng để phòng dịch Covid-19.
Theo số liệu được Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố ngày 1/3, PMI lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc trong tháng Hai ở mức 52,6 điểm, so với 50,1 điểm ghi nhận trong tháng Một. Con số này vượt mức dự báo 50,5 mà giới chuyên gia đưa ra trước đó, đồng thời là mức cao nhất kể từ tháng 4/2012.
PMI lĩnh vực phi sản xuất của Trung Quốc trong tháng Hai cũng đạt 56,3, tăng từ mức 54,4 của tháng Một. (THX)
* Chi tiêu bình quân đầu người ở Trung Quốc đã giảm 0,2% theo giá trị thực vào năm 2022, đánh dấu mức giảm lần thứ ba kể từ khi báo cáo về dữ liệu này được tổng hợp từ năm 1980.
Số liệu từ NBS cho thấy, sự sụt giảm trên diễn ra sau khi tăng 12,6% vào năm 2021. Trước đó vào năm 2020, giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19, chi tiêu bình quân đầu người giảm 4%.
Nền kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 3% vào năm 2022, thu nhập bình quân đầu người chỉ tăng 2,9% theo giá trị thực, mức tăng thấp thứ hai kể từ năm 1989 và doanh số bán lẻ giảm 0,2%, mức tồi tệ thứ hai kể từ năm 1968. (Reuters)
Kinh tế châu Âu
* Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của châu Âu đã tăng vọt trong năm 2022 do các quốc gia trong khu vực này tìm cách bù đắp cho sự sụt giảm nguồn cung từ Nga.
IEA nhận định, nhu cầu tăng vọt đã khiến giá LNG tăng mạnh, với doanh thu LNG toàn cầu tăng gấp đôi lên 450 tỷ USD mặc dù khối lượng chỉ tăng 5,5%. IEA dự kiến khối lượng LNG tăng 4,3% trong năm 2023.
Năm 2023, cơ quan này dự kiến nhu cầu khí đốt của châu Âu sẽ giảm 3% sau khi giảm 13% vào năm 2022. (AFP)
* Ngày 28/2, đồng Bảng Anh vẫn vững sau khi nước này đạt được thỏa thuận thương mại mới với Liên minh châu Âu (EU).
Trước đó, ngày 27/2, Anh và EU đã tuyên bố mở ra một "chương mới" trong quan hệ song phương hậu Brexit sau khi đạt được một thỏa thuận mang tính đột phá nhằm điều chỉnh thương mại ở Bắc Ireland.
Sau thông tin trên, đồng Bảng đã tăng lên mức cao 1,20 USD/Bảng. Đồng Euro cũng tăng 0,05% lên 1,0614 USD/Euro. (Reuters)
* Phát biểu trên kênh truyền hình TVR, Thủ tướng Dorin Recean ngày 1/3 tuyên bố, Moldova hiện không còn phụ thuộc vào các nguồn năng lượng của Nga.
Ông Rechan nhấn mạnh: “Chúng ta có thể tồn tại mà không cần khí đốt hay điện từ Nga”. Theo ông, để đạt được mục tiêu độc lập, nền kinh tế Moldova phải trải qua một dạng “cú sốc năng lượng”. Trong bối cảnh lạm phát, Chisinau có kế hoạch hỗ trợ những khu vực dễ bị tổn thương trong xã hội, giúp sức cho các doanh nhân bị ảnh hưởng bởi các công ty và dự án của họ đã mất khả năng cạnh tranh.
Cũng theo Thủ tướng Rechan, chính phủ Moldova có một “kế hoạch đầy tham vọng” để đưa đất nước dần chuyển đổi sang năng lượng xanh. (TTXVN)
* Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Liên bang Nga Sergei Katyrin ngày 1/3 cho hay, kim ngạch thương mại giữa Nga và Iran đã tăng 20% trong năm 2022, đạt 4,9 tỷ USD, đồng thời nhấn mạnh khả năng tăng lên 40 tỷ USD trong những năm tới.
Ông cũng cho biết, các doanh nghiệp Nga đang rất quan tâm đến hướng hợp tác với Iran bởi vì đây là cầu nối hậu cần quan trọng trong thương mại với Trung Đông, Nam Á và Đông Nam Á. Ngoài ra, Tehran còn có kinh nghiệm quý báu sau nhiều năm hoạt động trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt của phương Tây. (TTXVN)
* Khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát cách đây một năm, các kệ hàng trong chuỗi siêu thị Novus tại Kiev nhanh chóng trống rỗng khi chuỗi cung ứng đổ vỡ. Các sản phẩm tươi sống trở nên khan hiếm và tình trạng hoảng loạn lan rộng. Tuy nhiên, hiện nay, lĩnh vực bán lẻ và nền kinh tế nói chung đã hồi phục.
Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu của Ukraine, bao gồm hơn 1.000 doanh nghiệp trong và ngoài nước, cho biết vào cuối tháng Năm, 47% thành viên của hiệp hội này đã khôi phục hoàn toàn hoạt động và 50% khác đang hoạt động với một số hạn chế.
Kinh tế Ukraine suy giảm một 33% trong năm ngoái, mức giảm mạnh nhất kể từ khi năm 1991. Trước khi xảy ra xung đột, GDP hằng năm của Ukraine lên tới 200 tỷ USD.
Bảy nhà kinh tế tham dự khảo sát của Reuters dự báo tình hình kinh tế Ukraine năm 2023 sẽ diễn biến bớt nghiêm trọng hơn. Ngân hàng Trung ương Ukraine dự đoán kinh tế nước này sẽ tăng 0,3% trong năm nay, trong khi Bộ Kinh tế dự báo GDP tăng trưởng 3,2%. (Reuters)
Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc
* Hạ viện Nhật Bản ngày 28/2 thông qua ngân sách kỷ lục 114,38 nghìn tỷ Yen (840 tỷ USD) cho tài khóa 2023, đảm bảo việc chắc chắn ban hành ngân sách này trước khi năm tài chính mới bắt đầu vào tháng 4/2023.
Ngân sách tài khóa 2023 bao gồm 6,82 nghìn tỷ Yen cho chi tiêu quốc phòng để tăng cường khả năng phòng thủ trước các mối đe dọa từ Trung Quốc, Triều Tiên cũng như Nga và 36,89 nghìn tỷ Yen cho an sinh xã hội - mức lớn nhất từ trước đến nay, trong bối cảnh dân số Nhật Bản đang già đi nhanh chóng.
Sau khi Hạ viện thông qua, Thượng Viện nước này sẽ bắt đầu quá trình thảo luận, tuy nhiên, sự chấp thuận của Thượng viện là không bắt buộc. Ngân sách tự động có hiệu lực sau 30 ngày kể từ khi được chuyển tới Thượng viện. (Kyodo)
Hạ viện Nhật Bản ngày 28/2 thông qua ngân sách kỷ lục 114,38 nghìn tỷ Yen (840 tỷ USD) cho tài khóa 2023. (Nguồn: Reuters) |
* Theo kết quả khảo sát của công ty Teikoku Databank, xu hướng tăng giá hàng hóa tại Nhật Bản sẽ tiếp tục diễn ra trong tháng 3 và tháng 4/2023, gây ảnh hưởng lớn đến chi tiêu của các hộ gia đình tại nước này.
Trong tháng 3/2023, số lượng mặt hàng tăng giá, bao gồm sản phẩm nâng giá lần 2 hoặc giữ nguyên giá song giảm khối lượng, là 3.442 mặt hàng, trong đó tập trung chủ yếu ở các sản phẩm bánh kẹo và thực phẩm chế biến sẵn.
Trong tháng 4/2023, số lượng sản phẩm dự kiến tăng giá lên đến 4.892 mặt hàng, trong đó, tập trung chủ yếu ở các chế phẩm từ sữa và xúc xích.
Như vậy, trong năm 2023, tổng số lượng mặt hàng đã tăng giá và dự kiến tăng giá theo thống kê của Teikoku Databank đạt 15.813 sản phẩm, trong đó, nhiều nhất là thực phẩm chế biến sẵn (8.022 mặt hàng), gia vị (3.100 mặt hàng), đồ uống và rượu (2.497 mặt hàng), bánh kẹo (1.172 mặt hàng). (TTXVN)
* Lần đầu tiên kể từ khi gia nhập Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) năm 1996, kinh tế Hàn Quốc tăng trưởng thấp dưới mức trung bình của các nước thành viên trong hai năm liên tiếp.
Đặc biệt, triển vọng năm nay cũng không mấy sáng sủa nên được đánh giá đã rơi vào tình trạng quốc gia tăng trưởng trung bình trong OECD.
Theo số liệu do Ngân hàng Hàn Quốc và OECD công bố ngày 1/3, GDP thực tế của Hàn Quốc trong quý IV/2022 giảm 0,4% so với quý trước, rơi vào tăng trưởng âm lần đầu tiên trong 10 quý kể từ quý II/2020.
Tỷ lệ tăng trưởng theo quý trong quý IV/2022 của Hàn Quốc thấp thứ 5 trong số 29 nước đã công bố đến nay, sau Ba Lan (-2,4%), Litva (Lít-va, -1,7%), Áo (-0,7%), Thụy Điển (-0,6%).
Nếu tính cả Đức và Hungary (-0,4%), Czech (-0,3%), Phần Lan (-0,2%) và Italy (-0,1%), thì Hàn Quốc nằm trong top 10 quốc gia ghi nhận mức tăng trưởng âm. Tổng cộng có 19 nước thành viên OECD đã ghi nhận mức tăng trưởng âm trong quý IV/2022. (TTXVN)
Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
* Ngày 28/2, Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto cho rằng, hệ sinh thái xe điện (EV) của nước này cần cạnh tranh với hệ sinh thái EV của Thái Lan.
Theo ông Airlangga, ưu đãi dành cho xe 2 bánh chạy điện đã được ấn định ở mức 7 triệu Rrupiah (459,3 USD). Khoản ưu đãi này sẽ được cung cấp cho xe máy mới cũng như xe máy được chuyển đổi từ xe chạy nhiên liệu thông thường.
Hiện ưu đãi dành cho các loại EV khác vẫn đang được chính phủ Indonesia tính toán, trong khi mức ưu đãi dành cho ô tô điện của Thái Lan vào khoảng 80 triệu Rupiah mỗi chiếc. (TTXVN)
* Bộ Công nghiệp và thương mại quốc tế Malaysia MITI đã chấp thuận đơn đăng ký nhập khẩu xe điện của Tesla vào quốc gia Đông Nam Á này. Theo đó, hãng sản xuất xe điện hàng đầu thế giới sẽ thành lập trụ sở chính, mạng lưới sạc pin xe cùng các trung tâm trải nghiệm và dịch vụ tại Malaysia.
Trong tuyên bố ngày 1/3, MITI cho hay, sự hiện diện của Tesla tại Malaysia dự kiến sẽ tạo ra cơ hội việc làm có kỹ năng và được trả lương cao hơn cho người lao động, đồng thời tăng cường sự tham gia của các công ty địa phương vào hệ sinh thái của hãng xe điện cả trong nước và trên phạm vi toàn cầu. (TTXVN)
* Nhà cung cấp dịch vụ vận tải đường bộ DAMRI thuộc sở hữu của nhà nước Indonesia đã nối lại tuyến xe buýt đến Brunei từ ngày 1/3, sau một thời gian tạm dừng do các hạn chế chống dịch Covid-19.
Việc nối lại tuyến xe buýt này giúp người dân di chuyển giữa các quốc gia bằng đường bộ nhờ hệ thống vận tải xuyên biên giới ALBN DAMRI.
Tuyến buýt này kết nối thành phố Pontianak, tỉnh Tây Kalimantan của Indonesia với thủ đô Bandar Seri Begawan của Brunei. Đội xe chạy trên tuyến này được trang bị Wi-Fi, điều hòa nhiệt độ, thiết bị an toàn, chỗ để hành lý, chỗ cắm sạc, hệ thống nghe nhìn, camera quan sát, nhà vệ sinh và hệ thống định vị GPS.
Từ ngày 1/3, du khách có thể đặt mua vé qua ứng dụng DAMRI và phải mang theo hộ chiếu trong quá trình di chuyển. Vé một chiều trên tuyến xe buýt liên vận này được bán ở mức 1,1 triệu Rupiah (72 USD) hoặc 100 đô la Brunei. (TTXVN)
* Một báo cáo do công ty tư vấn năng lượng Mặt trời SunWiz công bố ngày 1/3 cho thấy, năng lượng Mặt trời sẽ sớm thay thế than đá, trở thành nguồn sản xuất điện được sử dụng nhiều nhất tại Australia.
Theo báo cáo, tổng công suất phát điện của các hệ thống năng lượng Mặt trời quy mô nhỏ, được lắp đặt trên mái nhà các hộ gia đình và kinh doanh, đã vượt mức 20.000 Megawatt (MW) hay 20 Gigawatt (GW).
Báo cáo dự báo, sau khi "gã khổng lồ" năng lượng AGL đóng cửa nhà máy điện than Liddell, với công suất 2.000 MW, vào tháng 4/2023 tới, năng lượng Mặt trời sản sinh từ các hệ thống lắp đặt trên mái nhà sẽ lần đầu trở thành nguồn điện năng lớn nhất của Australia. Hiện nay, Australia có hơn 3,4 triệu hệ thống năng lượng Mặt trời lắp đặt trên các mái nhà, với 300.000 hệ thống được lắp đặt mỗi năm. (AFP)