📞

Kinh tế thế giới nổi bật (25-31/3): Tuyên bố mới nhất của Nga về yêu cầu trả tiền khí đốt bằng đồng Ruble, Moscow đòi đảm bảo lợi ích, Mỹ đón tin vui

Hải An 13:50 | 31/03/2022
Nga vẫn muốn cung cấp khí đốt cho châu Âu, kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh, cơ hội cho doanh nghiệp Trung Quốc từ khủng hoảng Ukraine, ứng dụng gọi xe công nghệ vẫn thua taxi truyền thống… là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.

Kinh tế thế giới

Grab là một trong những ứng dụng gọi xe lớn trên thế giới. (Nguồn: TTXVN)

OPEC nhấn mạnh vai trò quan trọng của dầu khí trong cơ cấu tiêu thụ năng lượng thế giới

Tổng thư ký Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) Mohamed Barkindo cho rằng, dầu mỏ và khí đốt sẽ chiếm hơn 50% tổng khối lượng năng lượng toàn cầu vào năm 2045 và sẽ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng ngay cả khi thế giới hướng tới các nguồn năng lượng sạch hơn.

Phát biểu tại Diễn đàn Năng lượng toàn cầu được tổ chức ngày 28/3 ở Dubai, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), ông Barkindo đánh giá vai trò của dầu khí sẽ vẫn được đảm bảo trong tương lai gần.

Ông Barkindo nêu rõ: "Điều cần thiết vào thời điểm hiện nay là xem lại cách chúng ta thăm dò, sản xuất, tinh chế, phân phối và tiêu thụ hydrocacbon, cũng như điều chỉnh các hoạt động này cho phù hợp với thực tế hiện tại, đặc biệt là về tính bền vững".

Theo Tổng thư ký OPEC, nhu cầu năng lượng sẽ tăng lên khi dân số thế giới tăng 20% vào năm 2045 và việc tiếp cận năng lượng phải được thực hiện "nghiêm túc" trong khi theo đuổi các mục tiêu liên quan đến chuyển đổi năng lượng. (TTXVN)

Các ứng dụng gọi xe trên thế giới lỗ lớn

Trong khi thế giới thử nghiệm các dịch vụ gọi xe với Uber Technologies, Lyft, Grab, Didi Global và Ola, Nhật Bản lại dè dặt, chỉ đến gần đây mới cho phép Uber hoạt động thông qua các công ty taxi. Các ứng dụng gọi xe này lỗ lớn cho thấy quyết định của Nhật Bản có thể là đúng đắn.

Uber và Lyft của Mỹ lỗ tương ứng 24,5 tỷ USD và 8 tỷ USD vào cuối quý III/2021, trong khi Grab của Singapore lỗ 13 tỷ USD và Didi của Trung Quốc lỗ 21 tỷ USD.

Ola của Ấn Độ lỗ 6,9 tỷ USD trong ba năm từ tháng 3/2018 đến tháng 3/2021. Số liệu đáng tin cậy nhất tại Mỹ cho thấy ứng dụng gọi xe đang trở nên quá nhiều.

Tuy nhiên, các hãng taxi lại có lợi nhuận, dù các con số khả quan nhất là về các công ty đã niêm yết cổ phiếu. Hokko Daiwa Taxi của Nhật Bản đạt lợi nhuận tương ứng 506 triệu Yen (1,2 triệu USD) và 360 triệu Yen trong tài khóa 2018 và 2019.

Tại Singapore, hãng taxi lớn nhất nước này là ComfortDelGro đạt lợi nhuận 89 triệu USD trong ba quý I, II, III của năm ngoái, trong khi ứng dụng gọi xe hàng đầu tại đây là Grab lỗ 1,4 tỷ USD.

Kết quả kinh doanh của các ứng dụng gọi xe thua kém các hãng taxi truyền thống phản ánh những khác biệt căn bản trong hoạt động giữa hai loại hình này. Đó là các hãng taxi truyền thống dễ dàng đón khách hơn các ứng dụng gọi xe.

Trong 10 năm qua, các doanh nghiệp khởi nghiệp đã thiết lập các ứng dụng gọi xe giống nhau trên khắp thế giới. Một số doanh nghiệp mở hai ứng dụng gọi xe trong cùng một thành phố. Sự dư thừa tiếp diễn và tình trạng thua lỗ tiếp tục gia tăng. (Nikkei Asia)

Kinh tế Mỹ

* Báo cáo cập nhật của chính phủ Mỹ ngày 30/3 cho hay, nền kinh tế nước này đã tăng trưởng mạnh mẽ trong quý IV/2021, nhưng đà tăng trưởng này đã chậm lại đáng kể giữa bối cảnh số ca nhiễm mới Covid-19 gia tăng đột biến vào đầu năm nay, chuỗi cung ứng tiếp tục gián đoạn và lạm phát leo dốc.

Trong báo cáo điều chỉnh lần thứ ba của Bộ Thương mại Mỹ về tăng trưởng kinh tế quý IV/2021, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý IV/2021 đạt mức 6,9%, giảm nhẹ so với dữ liệu ước tính được đưa ra hồi tháng 2 vừa qua là 7%.

Trong cả năm 2021, nền kinh tế Mỹ ghi nhận mức tăng trưởng 5,7%, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1984. (Reuters)

* Theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận mới được công bố ngày 29/3, lạm phát là vấn đề mà cử tri Mỹ lo lắng nhất khi chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới ngay cả trong bối cảnh có nhiều quan ngại về cuộc xung đột ở Ukraine và đại dịch Covid-19.

Kết quả khảo sát mới do Harvard CAPS/Harris Poll thực hiện cho thấy, 32% cử tri tham gia thăm dò cho biết lạm phát là vấn đề quan trọng nhất mà nước Mỹ phải đối mặt; 27% cho rằng vấn đề hàng đầu là nền kinh tế và việc làm; 21% coi trọng vấn đề nhập cư.

Đáng chú ý, 76% người được hỏi cho biết đã bị ảnh hưởng ít nhiều bởi vấn đề lạm phát; trong khi 46% dự đoán lạm phát sẽ tiếp tục ở mức cao; còn 35% lo ngại lạm phát sẽ còn tăng cao hơn nữa.

Lạm phát đã gia tăng tại Mỹ, chạm mức cao nhất trong 40 năm với mức tăng vọt 7,9% vào đầu tháng 3. (TTXVN)

Kinh tế Trung Quốc

* Tờ SCMP số ra ngày 29/3 có bài viết nhận định sự ra đi của nhiều thương hiệu phương Tây là cơ hội tốt cho các công ty tư nhân nhỏ của Trung Quốc tìm kiếm cơ hội lấp đầy khoảng trống tại thị trường Nga.

Zhuang Bo, nhà kinh tế và chuyên gia về Trung Quốc tại công ty đầu tư Loomis, Sayles&Company, cho biết các công ty nhỏ và tư nhân với các phương thức thanh toán và hậu cần linh hoạt hơn có thể nắm bắt cơ hội một cách hiệu quả.

Ông lưu ý: "Các công ty Trung Quốc trong một số lĩnh vực sẽ đặc biệt hưởng lợi từ việc EU và Mỹ rút khỏi thị trường Nga, như phụ tùng ô tô, thực phẩm, vật tư y tế và cơ sở hạ tầng". (TTXVN)

* Ngày 29/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết Bắc Kinh phản đối dự luật của Mỹ nhằm tăng cường cạnh tranh với Trung Quốc trong lĩnh vực kinh tế và an ninh, đồng thời khẳng định quyết tâm bảo vệ lợi ích của nước này.

Theo đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc, "với tư cách là nền kinh tế lớn nhất thế giới, Mỹ nên duy trì sự ổn định của chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu, bao gồm cả ngành công nghiệp bán dẫn". (TTXVN)

Kinh tế châu Âu

* Hãng tin TASS dẫn lời Chủ tịch Thượng viện Nga Valentina Matviyenko ngày 29/3 cho biết, Nga đã sẵn sàng cho khả năng Liên minh châu Âu (EU) ngừng mua năng lượng của nước này.

Cùng ngày, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định các công ty nước ngoài cần nắm được rằng các lệnh trừng phạt kinh tế nhằm vào Nga đã thay đổi tình hình. Điều này đồng nghĩa rằng họ cần mua và thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng Ruble.

Người phát ngôn cũng tái khẳng định rằng Nga sẽ không xuất khẩu khí đốt miễn phí và Moscow đang tìm kiếm các biện pháp nhằm giúp việc thanh toán khí đốt trở nên đơn giản, rõ ràng và thực tế. (TASS)

* Ngày 30/3, Thứ trưởng Nga Ryabkov cho biết, nước này có ý định tiếp tục cung cấp năng lượng cho châu Âu nhưng các lợi ích của Moscow cần phải được cân nhắc.

Theo ông, Nga luôn là nhà cung cấp năng lượng uy tín cho mọi khách hàng và quyết định yêu cầu các quốc gia "không thân thiện" mua khí đốt của nước này phải thanh toán bằng đồng Ruble là để bảo vệ lợi ích của Moscow. Các quốc gia châu Âu quyết định từ chối dùng đồng Ruble để thanh toán khí đốt sẽ "phải tìm một giải pháp sáng tạo cho vấn đề này".

Trước đó, cùng ngày, Điện Kremlin tuyên bố, Nga chưa bắt buộc các bên phải mua khí đốt nước này bằng đồng Ruble ngay lập tức từ ngày 31/3 mà sẽ chuyển đổi dần. (RT)

* Nhà kinh tế Mikhail Khazin cho rằng nếu không có khí đốt của Nga, nền kinh tế của EU sẽ rơi vào tình cảnh khó khăn.

Ông Khazin nói: "Rắc rối là các nhà máy sản xuất phân bón của châu Âu đã bắt đầu đóng cửa, điều này có nghĩa là sẽ có một vụ thu hoạch với sản lượng ít hơn và giá nông sản cũng tăng. Và sau đó nhiều doanh nghiệp cần khí đốt cho sản xuất sẽ bắt đầu từ chối (vì giá cao).

Hơn nữa, các công ty sẽ bắt đầu cố gắng sản xuất điện không phải từ khí đốt, vốn đang trở nên rất đắt đỏ, mà chuyển sang dùng than chẳng hạn. Đức sẽ phải khởi động lại các nhà máy điện hạt nhân. Theo đó, toàn bộ chương trình nghị sự xanh sẽ 'vứt xuống cống". (TTXVN)

Một trạm nén khí thuộc đường ống khí đốt Yamal-Europe gần Nesvizh, Belarus. (Nguồn: Reuters)

* Theo chính phủ Đức, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 30/3 nói với Thủ tướng Đức Olaf Scholz rằng châu Âu có thể tiếp tục thanh toán tiền mua khí đốt của Nga bằng đồng Euro thay vì đồng Ruble như thông báo trước đây.

Châu Âu có thể chuyển khoản tiền khí đốt bằng đồng Euro như thông lệ cho Ngân hàng Gazprom và ngân hàng này sẽ chuyển đổi sang đồng Ruble. Tổng thống Putin nói: "Không có gì thay đổi với các đối tác hợp đồng ở châu Âu" khi hệ thống thanh toán mới của Nga dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/4. (TTXVN)

* Ngày 29/3, chính phủ Ba Lan đã công bố một dự luật bao gồm lệnh cấm nhập khẩu than từ Nga. Đây là lệnh trừng phạt năng lượng đầu tiên của một nước châu Âu nhằm vào Moscow.

Phát biểu với báo giới, người phát ngôn chính phủ Ba Lan Piotr Müller cho biết, chính phủ đã đưa các điều khoản vào dự luật ngăn chặn nhập khẩu than từ Nga ở cấp quốc gia. Dự luật sẽ được gửi tới Quốc hội, liên quan đến việc đóng băng tài sản của các công ty và cá nhân ủng hộ Nga. (Reuters)

Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc

* Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc chi 1.000 tỷ Yen (khoảng 8,1 tỷ USD) cho gói kích thích kinh tế mới nhằm giảm thiểu các tác động của việc giá năng lượng, thực phẩm và hàng hóa tăng đột biến trong thời gian qua.

Gói kích thích kinh tế này chủ yếu được sử dụng để hỗ trợ cho các lĩnh vực phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu và ngũ cốc như vận tải và chăn nuôi. (Kyodo)

* Ngày 29/3, trong một tuyên bố, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản cho biết nước này sẽ cấm xuất khẩu hàng xa xỉ sang Nga từ ngày 5/4. Các mặt hàng bị cấm xuất khẩu sang Nga bao gồm ô tô hạng sang, xe máy, rượu, mỹ phẩm, đồ thời trang và các tác phẩm nghệ thuật.

Động thái trên nhằm gia tăng sức ép lên những người đang hỗ trợ tài chính cho Nga. Mỹ và các nước thành viên EU đã thực thi các biện pháp tương tự. (Kyodo)

* Cơ quan Thống kê Hàn Quốc cho biết nông dân trồng lúa đã đạt lợi nhuận ròng lớn nhất trong 20 năm trong năm 2021 phần lớn nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi.

Thu nhập ròng của người dân trồng lúa đạt khoảng 502.000 Won (414,2 USD)/1.000 m2 diện tích đất trồng lúa trong năm 2021, tăng 13,4% so với năm trước. Đây là mức lợi nhuận ròng cao nhất đạt được từ việc trồng lúa kể từ mức 511.600 Won hồi năm 2001. (Yonhap)

* Số liệu được công bố ngày 30/3 của Cơ quan giám sát tài chính Hàn Quốc (FSS) cho thấy các ngân hàng tại nước này đang tiếp tục giảm số lượng chi nhánh trực tiếp của mình trong năm 2021, trong nỗ lực nhằm cắt giảm chi phí trước xu hướng người dân sử dụng các dịch vụ ngân hàng di động (mobile banking) ngày càng phổ biến.

Theo số liệu của FSS, số chi nhánh trực tiếp của các ngân hàng trong nước chỉ còn 6.904 cơ sở tính đến cuối năm 2021, giảm 311 cơ sở so với cùng kỳ năm trước đó. Mức giảm này cao hơn các mức giảm 57 chi nhánh và 304 chi nhánh được ghi nhận lần lượt trong các năm 2019 và 2020. (Yonhap)

Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

* Theo báo cáo công bố ngày 29/3 của Cơ quan Quản lý Thị trường Năng lượng Australia (AEMO), khu vực Đông Nam nước này có thể phải đối mặt nguy cơ thiếu khí đốt trong thời gian tới, sớm nhất là vào năm sau.

Theo đó, Victoria - bang phụ thuộc nhiều nhất vào khí đốt để sưởi ấm cho các hộ gia đình - cùng các bang khác là Tasmania, New South Wales và Vùng thủ đô Australia (ACT) có thể chịu tác động của tình trạng thiếu khí đốt vào mùa Đông sang năm. (TTXVN)

* Trung tâm Tình báo Kinh tế (EIC) thuộc Ngân hàng Thương mại Siam (SCB), cho rằng nền kinh tế Thái Lan đã rơi vào tình trạng lạm phát đình trệ do sự phục hồi mong manh và giá cả tăng mạnh.

EIC đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 của Thái Lan từ mức 3,2% xuống 2,7%. Việc sửa đổi được cho là do xung đột Nga-Ukraine khiến giá năng lượng và hàng hóa tăng vọt.

Tỷ lệ lạm phát toàn phần trung bình hằng năm của Thái Lan dự kiến sẽ tăng lên mức cao nhất trong 14 năm là 4,9% trong năm nay, tăng đáng kể so với dự báo trước đó là 1,6%. (TTXVN)

* Công ty dầu khí nhà nước Pertamina của Indonesia đang xem xét mua dầu thô của Nga, vốn có giá rẻ hơn giá thế giới, trong bối cảnh Indonesia đang muốn tiết kiệm ngân sách nhà nước từ giá năng lượng quốc tế tăng vọt.

Ngày 28/3, Chủ tịch – Tổng giám đốc Pertamina, Nicke Widyawati, cho biết công ty này đang tham vấn với Bộ Ngoại giao và Ngân hàng trung ương Indonesia về kế hoạch nói trên và đã tiếp cận một số đối tác Nga để mua dầu thô chạy thử nghiệm tại các nhà máy lọc dầu của Pertamina. (TTXVN)

* Chuẩn bị cho việc mở cửa biên giới trở lại vào ngày mai (1/4), các điểm làm thủ tục nhập cảnh tại Malaysia sẽ hoạt động trở lại bình thường như thời gian trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát nhằm thu hút luồng khách quốc tế và lực lượng lao động nhập cư trở lại quốc gia Đông Nam Á này.

Theo đó, các quầy làm thủ tục nhập cảnh tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur và các cửa khẩu nhập cảnh khác sẽ hoạt động 24 giờ kể từ ngày 1/4. (TTXVN)