Nhỏ Bình thường Lớn

Kinh tế thế giới nổi bật (26/8-1/9): Nga nêu lý do Dòng chảy phương Bắc 1 dừng bơm, Đức gặp khó nếu áp trần giá khí đốt, hàng không Trung Quốc lỗ nặng

Thị trường toàn cầu bị ảnh hưởng bởi “làn sóng” lạm phát, Nga nói lệnh trừng phạt khiến Gazprom không thể cấp khí đốt cho châu Âu, quan ngại Fed đang khiến nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, sản lượng công nghiệp Trung Quốc giảm… là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.
Khí đốt: Mỹ bất ngờ thừa nhận tầm quan trọng của Dòng chảy phương Bắc 1. (Nguồn: Getty Images)
Nga cho rằng, chính các lệnh trừng phạt của phương Tây là nguyên nhân dẫn đến việc Gazprom tạm ngừng vận chuyển khí đốt qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1. (Nguồn: Getty Images)

Kinh tế thế giới

Cảnh báo lạm phát tác động đến thị trường toàn cầu

Theo New York Times, tại cuộc thảo luận do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tổ chức tại Wyoming, các quan chức Ngân hàng Trung ương tham dự đã đưa ra cảnh báo rằng lạm phát đang tác động đến thị trường toàn cầu.

Thị trường chứng khoán trên toàn thế giới ngày 29/8 tiếp tục đà giảm của tuần trước khi các quan chức Fed khẳng định quyết tâm kìm chế lạm phát.

Trong một phát biểu vào cuối tuần trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết, Fed sẽ tiếp tục tăng lãi suất và cảnh báo rằng chiến dịch hạ nhiệt nền kinh tế Mỹ sẽ phải đánh đổi bằng giảm tăng trưởng và người lao động cũng phải chịu thiệt thòi.

Chỉ số S&P 500 giảm gần 0,5% trong nửa đầu hôm nay, tiếp theo đà giảm cuối tuần trước và là mức giảm tồi tệ nhất trong ngày kể từ giữa tháng 6. Lãi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn hai năm đạt mức cao nhất từ tháng 11/2007 với kỳ vọng sẽ có đợt tăng lãi suất lớn nữa của Fed.

Trong ngày 29/8, giá đồng USD cũng tăng nhưng vẫn ở mức ổn định trong rổ tiền tệ của các đối tác thương mại chính. Thị trường chứng khoán tại châu Á và châu Âu suy giảm với chỉ số tiêu chuẩn ở Nhật Bản và Hàn Quốc mất hơn 2%. Chỉ số Stoxx 600 của châu Âu mất 0,8%.

Các Ngân hàng Trung ương tham dự cuộc thảo luận của Fed tại Wyoming cũng đồng quan điểm với Chủ tịch Fed Jerome Powell về việc phải kìm chế lạm phát, dù có phải hy sinh tăng trưởng.

Ông Rhee Chang Yong, Thống đốc Ngân hàng trung ương Hàn Quốc nói Ngân hàng sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho đến khi lạm phát được kiểm soát và có thể sẽ phải tiếp tục song hành chính sách với Fed để hỗ trợ giá trị đồng Won của Hàn Quốc. Hiện tại, giá đồng Won của Hàn Quốc đã giảm hơn 10% so với đồng USD trong năm nay.

Bà Isabel Schnabel, thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng Trung ương châu Âu, cho rằng các nhà hoạch định chính sách không nên dừng lại khi có những dấu hiệu đầu tiên giảm lạm phát mà phải quyết tâm đưa lạm phát nhanh chóng trở về mức mục tiêu. (New York Times)

Kinh tế Mỹ

* Ngày 30/8, Chủ tịch chi nhánh New York của Fed John Williams cho biết, Ngân hàng trung ương cam kết đưa lạm phát đang tăng nhanh ở Mỹ trở lại mức 2%, song sẽ mất "vài năm" để đạt mục tiêu này. Trong năm nay, Fed đã 4 lần tăng lãi suất nhằm kiềm chế giá cả tăng cao.

Ông Williams khẳng định lãi suất cho vay sẽ buộc phải duy trì ở mức cao trong một thời gian để đưa nhu cầu cân bằng trở lại với nguồn cung.

Tỷ lệ lạm phát của Mỹ trong tháng Bảy dù đã giảm song vẫn ở mức cao là 8,5%. (TTXVN)

Tin liên quan
Xung đột Nga-Ukraine: Xu hướng mới trong sử dụng năng lượng Xung đột Nga-Ukraine: Xu hướng mới trong sử dụng năng lượng

* Thượng nghị sỹ của đảng Dân chủ Elizabeth Warren trong phát biểu cuối tuần qua đã bày tỏ quan ngại Fed đang khiến nền kinh tế rơi vào suy thoái và việc lãi suất tăng sẽ khiến hàng triệu người mất việc làm.

Chủ tịch Fed, Jerome Powell, cuối tuần qua cảnh báo người Mỹ có thể trải qua một giai đoạn khó khăn khi tăng trưởng kinh tế chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp tăng do Fed tăng mạnh lãi suất để kiểm soát lạm phát.

Bà Warren cho rằng tác động không mong muốn đó có nghĩa người lao động sẽ mất việc làm, các doanh nghiệp nhỏ đóng cửa, do lãi suất tăng.

Theo bà, lạm phát cao một phần do các vấn đề của chuỗi cung ứng, đại dịch cũng như xung đột Nga-Ukraine. Việc tăng lãi suất sẽ không trực tiếp giải quyết những vấn đề này. (Reuters)

Kinh tế Trung Quốc

* Hoạt động sản xuất của Trung Quốc trong tháng 8/2022 đã giảm tháng thứ hai liên tiếp do các hạn chế nghiêm ngặt của chính sách "Không Covid" và hạn hán ảnh hưởng đến tăng trưởng.

Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI), thước đo chính về hoạt động sản xuất ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này, đạt 49,4 trong tháng 8/2022, tăng so với mức 49,0 của tháng 7/2022, nhưng vẫn dưới mốc 50 (ranh giới giữa tăng trưởng và sụt giảm).

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc ban đầu đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm vào khoảng 5,5%, nhưng với mức tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 0,4% trong quý II/2022, các nhà phân tích tin rằng khó có thể đạt được mục tiêu đó. (AFP)

* Ba hãng hàng không lớn nhất Trung Quốc ngày 30/8 báo cáo lỗ tổng cộng 28,4 tỷ NDT (4,12 tỷ USD) trong quý II/2022, cao hơn mức lỗ trong quý I, vượt xa mức lỗ 16,7 tỷ NDT của cùng kỳ năm ngoái, do các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhằm kiểm soát dịch Covid-19.

China Eastern Airlines lỗ ròng 10,9 tỷ NDT trong quý II, sau khi lỗ 7,8 tỷ NDT trong quý I. Đây là mức lỗ cao nhất trong ba quý, chủ yếu do các lệnh phong tỏa tại Thượng Hải, nơi hãng đặt trụ sở.

Hãng hàng không Air China Ltd báo cáo lỗ 10,5 tỷ NDT trong quý II, sau khi lỗ 8,9 tỷ NDT trong quý I. Hãng hàng không China Southern Airlines báo cáo lỗ 7 tỷ NDT trong quý II, sau khi lỗ 4,5 tỷ NDT trong quý I. (Reuters)

Kinh tế châu Âu

* Bộ trưởng Kinh tế liên bang Đức Robert Habeck ngày 30/8 thừa nhận những khó khăn trong việc áp đặt giá trần đối với khí đốt ở châu Âu, song cho biết Berlin và các đối tác sẽ tìm một cách tiếp cận tối ưu cho cơ chế định giá năng lượng ở cấp độ châu lục.

Bộ trưởng Habeck nói: "Sẽ có đáng kể những vấn đề cần giải quyết khi áp mức trần một cách cứng rắn và cứng nhắc. Tuy nhiên cũng có khả năng tác động đến giá khí đốt thông qua hành vi mua hàng một cách thông minh và có cấu trúc".

Quan chức Đức không cho biết thêm thông tin chi tiết, chỉ nói rằng vấn đề này sẽ được thảo luận tại Hội nghị Hội đồng Bộ trưởng năng lượng Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 9/9 tới. (TTXVN)

* Số liệu của Cơ quan Thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat) công bố ngày 31/8 cho thấy, lạm phát tại Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 8/2022 ghi nhận mức cao kỷ lục mới.

Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng tại Eurozone trong tháng 8/2022 tăng 9,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đó, chỉ số này trong tháng 7/2022 đã tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước và là mức tăng cao nhất kể từ khi Eurostat thực hiện thống kê về lạm phát.

Giới chuyên gia kinh tế dự đoán lạm phát tại Eurozone sẽ tiếp tục xu hướng tăng trong những tháng tới, thậm chí có thể lên tới mức 2 con số, trong bối cảnh giá khí đốt tự nhiên tăng trở lại. (TTXVN)

* Ngày 31/8, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ, Nga luôn tuân thủ các cam kết cung cấp khí đốt, nhưng không thể thực hiện được các cam kết này do các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây nhắm vào Nga.

Bình luận về quyết định của tập đoàn khí đốt Gazprom tạm ngừng vận chuyển khí đốt qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1, ông Peskov nói, chính các lệnh trừng phạt của phương Tây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Ông khẳng định, với tư cách là nhà cung cấp, Nga và Gazprom đã và vẫn thực hiện các nghĩa vụ theo hợp đồng. Nhưng bây giờ họ không thể thực hiện nghĩa vụ của mình vì những hạn chế và lệnh trừng phạt mà EU, Anh và Canada đã áp đặt. (TASS)

* Chính phủ Nga ngày 30/8 đã cho phép một công ty thương mại của Nhật Bản đầu tư vào dự án năng lượng dầu khí Sakhalin 2. Đây là một bước tiến đối với Nhật Bản trong việc đảm bảo nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) ổn định.

Theo đó, Nga đã thông qua kế hoạch để công ty Nhật Bản Mitsui & Co. nắm 12,5% cổ phần trong công ty điều hành dự án do Nga mới thành lập vào đầu tháng Tám. Lượng cổ phần do Mitsui nắm giữ trong công ty mới sẽ khớp với số cổ phần của Mitsui tại nhà điều hành cũ của cùng dự án.

Mitsubishi Corp., một doanh nghiệp lớn khác của Nhật Bản nắm giữ 10% cổ phần trong công ty trước đây - cũng cho biết họ có ý định giữ cổ phần trong công ty mới. (TASS)

Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc

* Trong phiên giao dịch sáng 1/9, đồng Yen của Nhật Bản đã giảm xuống mức thấp kỷ lục mới trong 24 năm qua so với đồng USD của Mỹ.

Mở cửa phiên giao dịch vào lúc 9h trên thị trường Tokyo, tỷ giá mua - bán giữa hai đồng tiền được niêm yết ở mức 139,33 - 139,34 Yen đổi 1 USD, tăng mạnh so với mức đóng cửa của phiên giao dịch trước là 138,58 - 138,61 Yen đổi 1 USD.

Không chỉ mất giá so với đồng USD, đồng bản tệ của Nhật còn giảm giá so với đồng Euro. Tỷ giá mua - bán giữa hai đồng tiền này được niêm yết ở mức 139,85 - 139,87 Yen đổi 1 Euro, tăng mạnh so với mức giá đóng cửa của phiên giao dịch trước là 138,62 - 138,66 Yen đổi 1 Ruro.

Phản ứng trước sự mất giá của đồng Yen, các chỉ số chứng khoán trên thị trường Tokyo đều giảm nhẹ. (TTXVN)

Nhật Bản lo lắng, đồng yen xuống dốc, kinh tế mong manh. (Nguồn: CNBC)
Trong phiên giao dịch sáng 1/9, đồng Yen của Nhật Bản đã giảm xuống mức thấp kỷ lục mới trong 24 năm qua so với đồng USD của Mỹ. (Nguồn: CNBC)

* Bộ Kinh tế, Công nghiệp và Thương mại Nhật Bản ngày 31/8 công bố số liệu cho thấy, sản lượng công nghiệp tháng 7/2022 của nước này đã tăng 1% so với tháng trước đó và là tháng tăng thứ hai liên tiếp. Theo đó, sản lượng công nghiệp sau khi được điều chỉnh ghi nhận ở mức 97,1 so với mức cơ sở 100 của năm 2015. (Kyodo)

* Số liệu của Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) công bố ngày 1/9 cho thấy, nền kinh tế nước này tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn trong quý II/2022.

Cụ thể, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc trong quý II/2022 tăng 0,7% so với quý I/2022. Tốc độ tăng trưởng theo quý nhanh hơn được cho là nhờ chi tiêu tiêu dùng tăng mạnh khi các hạn chế liên quan đến đại dịch Covid-19 được nới lỏng. (TTXVN)

Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

* Australia đang tìm kiếm cơ hội mở rộng nguồn cung năng lượng sạch cho Nhật Bản, nhằm thay thế sự thiếu hụt do các lệnh hạn chế nhập khẩu từ Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của “xứ chuột túi”.

Ngày 30/8, Bộ trưởng Thương mại Don Farrell đã có cuộc gặp mặt với đại sứ Nhật Bản tại Australia Shingo Yamagami để chuẩn bị cho chuyến thăm Tokyo vào tháng 10/2022, nhằm thảo luận kỹ hơn về các cơ hội hợp tác thương mại với chính phủ của Thủ tướng Kishida Fumio.

Ông Farrell nêu rõ, Nhật Bản không những là một trong những thị trường tiềm năng cho ngành công nghiệp năng lượng sạch của Australia, mà còn là đối tác hàng đầu để các doanh nghiệp Australia lựa chọn hợp tác trong quá trình chuyển đổi năng lượng trên toàn khu vực. (TTXVN)

* Chính phủ Thái Lan ngày 30/8 cho biết, nước này đặt mục tiêu thu 400 tỷ Baht (tương đương 11 tỷ USD) từ du lịch trong nửa cuối năm nay.

Trong giai đoạn tháng 1-8/2022, ngành du lịch Thái Lan đã bật tăng trở lại, đón hơn 4 triệu lượt khách du lịch quốc tế, chủ yếu đến từ Malaysia, Ấn Độ và Singapore, tạo ra nguồn thu 176 tỷ Baht (4,93 tỷ USD). Thái Lan đang hướng đến mục tiêu thu hút 10 triệu lượt khách du lịch trong năm nay. (TTXVN)

* Singapore và Indonesia khẳng định sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác để cải thiện kết nối giữa hai quốc gia, khi các hạn chế đi lại do đại dịch Covid-19 được giảm bớt và các hoạt động kinh tế của cả hai bên được nối lại.

Cam kết trên được đưa ra sau cuộc gặp giữa Bộ trưởng Công Thương Singapore Gan Kim Yong và Bộ trưởng Điều phối kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto tại Hội nghị cấp Bộ trưởng của 6 Nhóm Công tác kinh tế song phương Singapore-Indonesia lần thứ 12, tổ chức ngày 30/8 tại Singapore.

Đây là cuộc họp thường niên giữa hai nước nhằm thảo luận về các sáng kiến kinh tế trong 6 lĩnh vực gồm: Hợp tác tại các đảo Batam, Bintan, Karimun và các đặc khu kinh tế khác, đầu tư, nhân lực, giao thông, lĩnh vực kinh doanh nông nghiệp và du lịch. (TTXVN)

Dòng vốn FDI dịch chuyển

Dòng vốn FDI dịch chuyển

Giai đoạn 2020-2022 đang chứng kiến sự biến động mạnh của dòng vốn FDI toàn cầu, trước tác động của dịch bệnh và các diễn ...

Tin thế giới 31/8: Nga nêu chuyện New START, EU 'chốt' về thị thực cho công dân Nga, Moscow nói Đức tìm cách cắt đứt quan hệ năng lượng song phương

Tin thế giới 31/8: Nga nêu chuyện New START, EU 'chốt' về thị thực cho công dân Nga, Moscow nói Đức tìm cách cắt đứt quan hệ năng lượng song phương

Nga nói về khả năng gia hạn New START, EU đưa ra quyết định cuối cùng về thị thực cho công dân Nga, Moscow nói ...

Dòng chảy phương Bắc 1 bảo trì, Đức tự tin tuyên bố không có bất kỳ biến động nào về nguồn cung khí đốt

Dòng chảy phương Bắc 1 bảo trì, Đức tự tin tuyên bố không có bất kỳ biến động nào về nguồn cung khí đốt

Ngày 28/8, Bộ trưởng Kinh tế liên bang Đức Robert Habeck chia sẻ với Tạp chí Tấm gương (Spiegel) rằng, tốc độ tích trữ khí ...

Kinh tế thế giới nổi bật (19-25/8): Đường ống dẫn dầu qua Nga tới châu Âu ‘trở bệnh’, đồng Ruble hoạt động tốt nhất thế giới, tín hiệu vui Mỹ-Trung

Kinh tế thế giới nổi bật (19-25/8): Đường ống dẫn dầu qua Nga tới châu Âu ‘trở bệnh’, đồng Ruble hoạt động tốt nhất thế giới, tín hiệu vui Mỹ-Trung

Toàn cầu đối mặt nguy cơ suy thoái do lạm phát, khai trương dịch vụ vận tải đường không Trung Quốc-Mỹ, hệ thống đường ống ...

'Bão' lạm phát đẩy kinh tế toàn cầu tiệm cận suy thoái

'Bão' lạm phát đẩy kinh tế toàn cầu tiệm cận suy thoái

Các cuộc khảo sát gần đây cho thấy, nền kinh tế toàn cầu đang ngày càng có nguy cơ rơi vào suy thoái, khi người ...

Tin cũ hơn

Thúc đẩy năng lượng tái tạo: Câu chuyện truyền cảm hứng từ Trung Quốc Thúc đẩy năng lượng tái tạo: Câu chuyện truyền cảm hứng từ Trung Quốc
Bất chấp lệnh trừng phạt từ Mỹ và sự bá quyền của đồng USD, đây là cách Nga-Trung Quốc, BRICS lựa chọn đối đầu Bất chấp lệnh trừng phạt từ Mỹ và sự bá quyền của đồng USD, đây là cách Nga-Trung Quốc, BRICS lựa chọn đối đầu
Một nước Đông Nam Á lo không đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế vì ông Trump Một nước Đông Nam Á lo không đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế vì ông Trump
Kinh tế thế giới nổi bật: Khí đốt Nga qua Ukraine vào châu Âu ổn định, Mỹ đối mặt cú sốc tiêu cực, Trung Quốc-EU đàm phán lợi ích cốt lõi Kinh tế thế giới nổi bật: Khí đốt Nga qua Ukraine vào châu Âu ổn định, Mỹ đối mặt cú sốc tiêu cực, Trung Quốc-EU đàm phán lợi ích cốt lõi
Nga tung đòn lên uranium - điểm yếu của Mỹ, Washington vẫn phải 'cậy nhờ' nhiên liệu chiến lược từ Moscow Nga tung đòn lên uranium - điểm yếu của Mỹ, Washington vẫn phải 'cậy nhờ' nhiên liệu chiến lược từ Moscow
Giá vàng hôm nay 21/11/2024: Giá vàng 'lấp lánh', nhà đầu tư tăng mua vì xung đột Nga-Ukraine nóng lên, USD thoái lui Giá vàng hôm nay 21/11/2024: Giá vàng 'lấp lánh', nhà đầu tư tăng mua vì xung đột Nga-Ukraine nóng lên, USD thoái lui
Sở hữu 'con bài mặc cả' với ông Trump, Đức tự tin chặn đứng dòng chảy LNG từ Nga, mở cửa đón hàng Mỹ Sở hữu 'con bài mặc cả' với ông Trump, Đức tự tin chặn đứng dòng chảy LNG từ Nga, mở cửa đón hàng Mỹ
Thông tin liên quan đến ông Trump kéo Bitcoin tăng 'chóng mặt', có nên cuốn theo cơn sốt tiền điện tử? Thông tin liên quan đến ông Trump kéo Bitcoin tăng 'chóng mặt', có nên cuốn theo cơn sốt tiền điện tử?
Khí đốt Nga sắp được chuyển thẳng đến các hộ gia đình Trung Quốc Khí đốt Nga sắp được chuyển thẳng đến các hộ gia đình Trung Quốc
Giá vàng hôm nay 20/11/2024: Giá vàng 'nóng' trở lại, tăng tiền triệu, 'tay to' sắp bước vào và khuấy động thị trường Giá vàng hôm nay 20/11/2024: Giá vàng 'nóng' trở lại, tăng tiền triệu, 'tay to' sắp bước vào và khuấy động thị trường
Cổ phiếu Boeing tăng 2,6% bất chấp thông báo sa thải quy mô lớn Cổ phiếu Boeing tăng 2,6% bất chấp thông báo sa thải quy mô lớn
G20 ra quyết định lịch sử, mang lại chiến thắng cho Tổng thống Brazil, giới siêu giàu bị gọi tên G20 ra quyết định lịch sử, mang lại chiến thắng cho Tổng thống Brazil, giới siêu giàu bị gọi tên