Năng lượng tái tạo đang trở thành một xu hướng chủ đạo và không thể đảo ngược trong ngành năng lượng toàn cầu. (Nguồn: AFP) |
Xung đột Nga-Ukraine đã để lại hệ quả nghiêm trọng toàn cầu và thị trường năng lượng không phải là ngoại lệ. Nguồn cung khí đốt tự nhiên sang châu Âu bị cắt giảm khi Nga và phương Tây liên tục “ăn miếng trả miếng”, khiến giá nhiên liệu toàn cầu tăng cao.
Đơn cử như tại châu Âu, giá dầu đã tăng 60%, trong khi giá khí đốt tự nhiên “phi mã” tới 400% trong năm nay. Thực trạng này đã tạo ra nhiều biến động, kéo theo đó là thời kỳ bất ổn kéo dài, đe dọa tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Đáng ngại hơn, giá cả tăng cao còn có thể loại nhiều nước đang phát triển khỏi thị trường năng lượng, vốn đã gặp khó khi giá sinh hoạt tăng cao do đại dịch Covid-19. Thách thức trong tiếp cận nguồn cung năng lượng do sự cạnh tranh từ nhiều nước phát triển sẽ khiến tình hình trầm trọng hơn. Theo đó, các nước này sẽ cần chi nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu năng lượng tối thiểu cho nhóm dân cư dễ bị tổn thương.
Trước tình hình đó, Ủy ban châu Âu đã đàm phán và đưa ra các biện pháp ứng phó để đảm bảo nguồn cung năng lượng cho khu vực. Tháng 3/2022, Liên minh châu Âu (EU) thông báo đạt thỏa thuận cung cấp ít nhất 15 tỷ m3 khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ trong năm nay. Các quốc gia riêng lẻ như Đức và Italy, vốn phụ thuộc vào khí đốt của Nga, cũng tổ chức đàm phán riêng với các nhà cung cấp tiềm năng như Qatar và Algeria. Song ngay cả khi đó, khoảng cách giữa cung và cầu sẽ vẫn còn đáng kể.
Ngoài ra, chính sách năng lượng ngắn hạn có thể sẽ khiến các nước đang phát triển đối mặt với một tương lai sử dụng năng lượng phát thải cao và gây tốn kém. Đã đến lúc những quốc gia này giảm dần sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và đầu tư cho năng lượng sạch, dễ tiếp cận, giá rẻ, bền vững và đáng tin cậy hơn.
Tái tạo là tương lai
Đầu tiên, đó là tăng cường sản xuất và sử dụng năng lượng tái tạo. Hiện có 80% dân số toàn cầu, tức sáu tỷ người đang sống ở các nước nhập khẩu ròng nhiên liệu hóa thạch. Điều này khiến họ dễ bị ảnh hưởng bởi những cú sốc và khủng hoảng địa chính trị toàn cầu.
Trong khi đó, ở nhiều nước, các nguồn năng lượng tái tạo sẵn có từ Mặt trời, gió, nước, chất thải và nhiệt từ Trái đất, với tiềm năng lớn và không gây ô nhiễm lại chưa được đầu tư sản xuất, phát triển đúng mức. Tuy nhiên, nguồn cung nhiên liệu hóa thạch bất ổn hiện nay có thể khiến các nước tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo, đặc biệt là các nước châu Âu vốn phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ, khí đốt từ Nga.
Năng lượng tái tạo cũng là lựa chọn với chi phí phải chăng ở nhiều nơi trên thế giới, khi giá công nghệ năng lượng tái tạo đang giảm nhanh chóng. Cụ thể, chi phí điện năng từ năng lượng Mặt trời đã giảm 85% giai đoạn 2010-2020, trong khi chi phí năng lượng gió trên đất liền và ngoài khơi lần lượt giảm 56% và 48%.
Quan trọng hơn, năng lượng tái tạo giúp tăng tính tự chủ và cho phép các nước đa dạng hóa nền kinh tế, giảm thiểu tác động từ biến động giá cả của nhiên liệu hóa thạch, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và xóa đói giảm nghèo.
Lựa chọn cũ mà mới
Hướng đi thứ hai được một số nước tiếp tục cân nhắc là năng lượng hạt nhân. Đây là nguồn năng lượng với tiềm năng lớn, có thể đóng góp đáng kể vào kho năng lượng bền vững toàn cầu và không thải ra khí nhà kính, song lại gây ra những lo ngại như xảy ra tai nạn và thiếu kho chứa chất thải hạt nhân, chất phóng xạ.
Do vậy, năng lượng hạt nhân có thể sẽ xuất hiện nhiều hơn khi các nước cải tiến được công nghệ xây dựng, vận hành và đảm bảo an toàn cho các lò phản ứng, cũng như cách xử lý chất thải hạt nhân, từ đó đảm bảo độ an toàn, tăng hiệu suất kinh tế.
Trong bối cảnh đó, xung đột Nga-Ukraine có thể được coi như cuộc thử nghiệm năng lượng hạt nhân, bởi Ukraine có 15 lò phản ứng hạt nhân đang được theo dõi bởi Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA). Người lo lắng về hạt nhân sẽ thấy nguy cơ từ nguồn năng lượng này ngày một lớn. Ở chiều ngược lại, những ai coi hạt nhân là một phần của chiến lược tổng thể để giảm phát thải và tăng cường tự chủ năng lượng sẽ thấy châu Âu cần xây dựng và mở cửa thêm nhà máy điện hạt nhân.
Hiện Đức được cho là đã cân nhắc tiếp tục vận hành các nhà máy điện hạt nhân còn lại, dù đã từng dự định chấm dứt sử dụng năng lượng hạt nhân vào cuối năm. Ngày 31/7/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đức Christian Lindner đã kêu gọi thúc đẩy tiếp tục vận hành các nhà máy điện hạt nhân nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng khí đốt, bất chấp phản đối từ đảng Xanh trong liên minh cầm quyền.
Trong khi đó, Pháp đang hợp tác với một số nước khác trong EU như Romania, Hungary và Hà Lan tăng cường sản xuất điện từ năng lượng hạt nhân. Các lò phản ứng module nhỏ mới, được xây dựng nhanh hơn và rẻ hơn so với các nhà máy điện hạt nhân truyền thống cũng đang thu hút sự quan tâm ở Romania, Ba Lan và Anh.
Như vậy, trong thời gian tới, năng lượng hạt nhân cũng là một lựa chọn khả thi để các nước đảm bảo nguồn cung năng lượng bền vững, đáp ứng nhu cầu người dân.
Sử dụng năng lượng thông minh
Cuối cùng, với các công nghệ mới, các nước có thể tập trung hơn vào tiết kiệm, sử dụng năng lượng hiệu quả mà không làm giảm đi những lợi ích mà nó mang lại.
Ví dụ, trí tuệ nhân tạo (AI) có thể góp phần giám sát hoạt động tiêu hao, phân tích thời gian thực sử dụng năng lượng, từ đó lập tức cảnh báo khi năng lượng bị lãng phí hoặc tự động giảm mức tiêu thụ phù hợp với nhu cầu sử dụng.
Trong khi đó, blockchain có thể giúp tạo ra bản ghi chính xác về các giao dịch năng lượng. Với sự gia tăng của các lưới vi mô và các nguồn năng lượng tái tạo được phân phối, chẳng hạn như các tấm pin mặt trời trên mái nhà, các công ty có thể tự giao dịch các nguồn năng lượng dư thừa. Khi đó, các tiện ích có thể trở nên hiệu quả khi giúp cách cân bằng cung và cầu trong thời gian thực, thu hút các nhà sản xuất phát triển và xây dựng dữ liệu blockchain.
Trong thập kỷ tới, hệ thống sưởi bằng điện cũng sẽ hiệu quả hơn từ các lưới điện thân thiện với môi trường, thay vì sử dụng dầu nóng và khí gas hóa lỏng. Các doanh nghiệp cũng sẽ tập trung sản xuất các thiết bị mới tiết kiệm năng lượng hơn, thay thế các hệ thống cũ để đạt hiệu quả sử dụng tốt hơn.
Trước tình hình đó, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng sẽ là nhiệm vụ hàng đầu để các nước giảm tác động tiêu cực từ biến động giá cả, đảm bảo tính lâu dài, bền vững cho nguồn cung năng lượng cho người dân.
| Thành công trên 'mặt trận' năng lượng, Nga có thể ung dung đến bao giờ? Sáu tháng sau khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Nga sa lầy vào một chiến dịch tiêu hao, tuy nhiên, ... |
| Năng lượng tái tạo - biến tiềm năng thành sức mạnh, xu hướng tất yếu cho cuộc sống xanh Chính phủ, các cơ quan chức năng và doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực khắc phục khó khăn nhằm phát triển năng lượng tái ... |
| Khủng hoảng năng lượng châu Âu: Đức và Tây Ban Nha xích lại gần nhau vì khí đốt, doanh nghiệp Trung Quốc hưởng lợi Ngày 26/8, Văn phòng Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho biết ông sẽ hội đàm với Thủ tướng Olaf Scholz tại Đức vào ... |
| Giải bài toán năng lượng, Pháp hướng tới khai thác khí metan Nhật báo Le Figaro cho rằng, trong khi cuộc xung đột ở Ukraine tạo ra một cuộc khủng hoảng năng lượng trầm trọng ở châu ... |
| Xu hướng thúc đẩy năng lượng tái tạo trên thế giới Việc nhiều quốc gia trên thế giới đang tích cực chuyển dịch sang năng lượng tái tạo khiến bản đồ năng lượng toàn cầu bị ... |