Trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine, các nhà lãnh đạo EU đã đạt được thỏa thuận ngừng mua tới 90% lượng dầu mỏ của Moscow từ nay đến cuối năm. (Nguồn: Bloomberg) |
Kinh tế thế giới
IIF hạ dự báo kinh tế toàn cầu năm 2022
Dựa trên cơ sở đánh giá tác động của cuộc xung đột ở Ukraine, tình hình dịch Covid-19 ở Trung Quốc và chính sách thắt chặt tiền tệ của Mỹ, Viện Tài chính quốc tế (IIF) có trụ sở tại Washington D.C (Mỹ) đã giảm một nửa mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022.
Trong dự báo công bố ngày 25/5, IIF đã hạ mức dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu từ 4,6% xuống còn 2,3%. Viện trên cũng cắt giảm mức dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc xuống còn 3,5% so với mức dự báo 5,1% đưa ra trước đó.
Đối với nhóm G3, gồm Mỹ, Nhật Bản và Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), tổ chức này đưa ra mức dự báo tăng trưởng 1,9%. Khu vực Mỹ Latinh được cho là sẽ tăng trưởng nhanh hơn, ở mức 2%, và khu vực Trung Đông-Bắc Phi được dự báo sẽ phục hồi.
Các chuyên gia của IIF cho biết, rủi ro suy thoái đã gia tăng trong khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự báo đi ngang. Làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron ở Trung Quốc đã tác động đáng kể đến triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu và sự luân chuyển dòng vốn.
IIF đồng thời cảnh báo nguy cơ mất an ninh lương thực toàn cầu, trong bối cảnh Nga và Ấn Độ cấm xuất khẩu nông sản và hoạt động sản xuất nông nghiệp tại Ukraine bị gián đoạn. Trung Đông và châu Phi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, trong khi các quốc gia châu Á ít bị ảnh hưởng hơn do chế độ ăn chủ yếu là gạo, loại mặt hàng vẫn đang giữ giá tương đối thấp. (AP)
Nguy cơ Nga vỡ nợ sẽ tác động rất nhỏ đến kinh tế Mỹ và toàn cầu
Tại một cuộc họp báo ngày 26/5, người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nhận định, nguy cơ Nga vỡ nợ sẽ có tác động rất nhỏ đến kinh tế Mỹ và toàn cầu, khi Mỹ quyết định không gia hạn miễn trừ để cho phép Nga thanh toán cho các chủ nợ tại Mỹ.
Bà Jean-Pierre cho rằng, điều này là do Nga đã bị cô lập về tài chính. Bộ Tài chính Mỹ sẽ tiếp tục giám sát và đối thoại với cộng đồng tài chính toàn cầu.
Nga tiến gần hơn đến nguy cơ của một cuộc vỡ nợ chưa từng có, khi Mỹ ngày 25/5 từ chối gia hạn cơ chế miễn trừ cho phép thanh toán cho người sở hữu trái phiếu, nhằm gia tăng sức ép lên Nga liên quan đến xung đột tại Ukraine.
Các biện pháp mà phương Tây áp đặt lên Nga sau khi nước này triển khai chiến dịch đặc biệt tại Ukraine vào ngày 24/2 và các biện pháp đáp trả của Nga đã khiến các giao dịch qua biên giới gặp khó khăn, nhưng Nga đã nỗ lực để tiếp tục thanh toán nợ. (Reuters)
Kinh tế Mỹ
* Ngày 31/5, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cảnh báo, sự thiếu hụt nghiêm trọng chất bán dẫn trên toàn cầu có thể sẽ tồn tại ít nhất trong năm tới và có thể lâu hơn.
Bà Raimondo đã triệu tập hàng chục Giám đốc điều hành (CEO), bao gồm cả lãnh đạo của các nhà sản xuất chip, trong thời gian thăm Hàn Quốc để thảo luận về sự thiếu hụt chất bán dẫn trên toàn cầu và tất cả đều đồng ý rằng phải tới cuối năm 2023, có thể là đầu năm 2024 thì tình hình này mới có thể suy giảm. (AFP)
* Theo hãng tin Sputnik ngày 28/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo tạm ngừng áp thuế ở mức 25% dành cho thép và các sản phẩm từ thép nhập khẩu từ Ukraine trong vòng 1 năm.
Ông cho biết, Ukraine chiếm chưa tới 1% thép nhập khẩu vào Mỹ trong năm 2021, đồng thời dự báo sản lượng thép của Ukraine cũng như kim ngạch xuất khẩu thép của quốc gia Đông Âu này vào Mỹ sẽ còn tiếp tục giảm do tác động của cuộc khủng hoảng hiện nay. (Reuters)
* Ngày 31/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc họp với Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell tại Nhà Trắng để thảo luận về vấn đề lạm phát và những nỗ lực của Nhà Trắng nhằm giải quyết tình trạng giá cả tăng cao trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ.
Ông nhấn mạnh, mặc dù Fed “chú trọng cao độ” vấn đề lạm phát, nhưng ông không có ý định xâm phạm tính độc lập truyền thống của ngân hàng trung ương này. (TTXVN)
Kinh tế Trung Quốc
* Quốc vụ viện Trung Quốc ngày 31/5 đã công bố một gói 33 biện pháp bao trùm các lĩnh vực tài chính, đầu tư và sản xuất để vực dậy nền kinh tế nước này sau thời gian thực hiện lệnh phong tỏa gắt gao nhằm chặn đứng đà lây lan của dịch Covid-19 tại hàng chục tỉnh, thành trên cả nước gần đây.
Ngoài ra, Quốc vụ viện Trung Quốc cũng tuyên bố giảm hơn nữa chi phí đi vay và tăng cường hỗ trợ tài chính cho cơ sở hạ tầng và các dự án lớn. (TTXVN)
* Sản lượng điện của Trung Quốc từ các nguồn năng lượng tái tạo sẽ đạt 3,3 nghìn tỷ kWh vào năm 2025 trong bối cảnh nước này nỗ lực đạt được các mục tiêu đạt đỉnh về khí thải carbon và trung hòa carbon, theo kế hoạch cho giai đoạn 2021-2025 được công bố ngày 1/6.
Kế hoạch do 9 cơ quan chính phủ cùng công bố cho thấy, sản xuất điện thông qua các nguồn năng lượng tái tạo từ năm 2021 đến năm 2025 sẽ chiếm hơn một nửa tổng lượng điện tiêu thụ trong giai đoạn 5 năm.
Đến năm 2025, mức tiêu thụ năng lượng tái tạo sẽ tương đương với việc tiết kiệm 1 tỷ tấn than tiêu chuẩn. Theo kế hoạch, hơn một nửa tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp trong giai đoạn 5 năm sẽ đến từ các nguồn năng lượng sạch. (THX)
Kinh tế châu Âu
* Tại Thượng đỉnh bất thường của Liên minh châu Âu (EU) ngày 30-31/5, các nhà lãnh đạo châu Âu đã đạt được thỏa thuận ngừng mua tới 90% lượng dầu mỏ của Nga từ nay đến cuối năm, một nội dung quan trọng trong gói trừng phạt thứ sáu do chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine. (Reuters)
* Các nhà lãnh đạo EU ngày 31/5 đã bác bỏ triển vọng áp dụng lệnh cấm khí đốt của Nga trong vòng trừng phạt tiếp theo, sau khi các nước đã nhất trí cấm phần lớn lượng dầu nhập khẩu từ Nga.
Việc cắt đứt mối liên hệ giữa các nền kinh tế lớn như Đức với nguồn cung khí đốt của Nga là một vấn đề khó hơn rất nhiều so với cấm vận dầu mỏ.
Thủ tướng Estonia Kaja Kallas cho rằng khí đốt sẽ khó nằm trong vòng trừng phạt thứ bảy. Thủ tướng Áo Karl Nehammer cũng cảnh báo việc bù đắp dầu dễ dàng hơn nhiều, song khí đốt là vấn đề hoàn toàn khác. Do đó, lệnh cấm vận khí đốt sẽ không nằm trong gói trừng phạt tiếp theo.
Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cũng lưu ý, đối với khí đốt, vấn đề phức tạp hơn nhiều. (AFP)
* Theo hãng tin Bloomberg, châu Á đã lần đầu tiên vượt qua châu Âu để trở thành khách hàng mua dầu mỏ lớn nhất của Nga. Một lượng dầu mỏ kỷ lục của Nga đang nằm trên các tàu chở dầu, với số lượng chưa từng có sẽ được chuyển đến Ấn Độ và Trung Quốc.
Các chuyên gia ước tính Ấn Độ và Trung Quốc đã mua hàng triệu thùng dầu thô từ Nga với giá ưu đãi. Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov ngày 27/5 cho biết, thu nhập từ dầu mỏ và khí đốt của nước này dự tính tăng thêm 1.000 tỷ Ruble (khoảng 14,4 tỷ USD) trong năm nay. (AFP)
* Ngày 29/5, Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga cho biết, lượng khí đốt mà tập đoàn này vận chuyển tới châu Âu thông qua Ukraine qua cửa khẩu Sudzha hiện ở mức 44,1 triệu m3, tăng so với mức 43,96 triệu m3 vào 28/5. Tuy nhiên, đề nghị của Gazprom về việc cung cấp khí đốt qua một cửa khẩu chính khác là Sokhranovka đã bị phía Ukraine từ chối. (TTXVN)
Một trạm nén khí đốt gần Uzhhorod, Ukraine. (Nguồn: Reuters) |
* Dự trữ khí đốt ở Liên minh châu Âu (EU) đã được lấp đầy tới 41% công suất cho mùa Đông tới, tức là nhiều hơn 5% so với cùng thời điểm năm ngoái.
Đây là tuyên bố của Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tại cuộc họp báo hôm 31/5 sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh bất thường của EU diễn ra trong 2 ngày ở thủ đô Brussels, với nội dung chính là thảo luận về vấn đề năng lượng trong bối cảnh xung đột ở Ukraine.
Nỗ lực lấp đầy kho khí đốt của EU diễn ra bất chấp việc Nga đã quyết định cắt giảm nguồn cung đối với năm quốc gia thành viên EU gồm Phần Lan, Bulgaria, Ba Lan, Hà Lan và Đan Mạch. (Reuters)
* Truyền thông Đức ngày 28/5 đưa tin, trong cuộc điện đàm cùng ngày với Thủ tướng nước này Olaf Scholz, Tổng thống Nga Vladimir Putin cam kết sẽ tạo điều kiện cho việc xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine nếu phương Tây dỡ bỏ các lệnh trừng phạt chống Moscow.
Tổng thống Nga nói thêm, phân bón và các mặt hàng xuất khẩu khác của Nga cũng sẽ giúp giảm bớt căng thẳng trên thị trường lương thực toàn cầu. (TTXVN)
* Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 31/5 cho rằng, việc giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu ngày càng trầm trọng hiện nay phụ thuộc vào phương Tây và Ukraine.
Theo ông, các nước phương Tây cần "cân nhắc nghiêm túc giữa việc nêu ra các vấn đề an ninh lương thực với việc tiến hành các biện pháp cụ thể để giải quyết vấn đề".
Nga và Ukraine chiếm khoảng 30% nguồn cung lúa mì toàn cầu. (Reuters)
* Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho biết, tỷ lệ lạm phát tại Eurozone đã tăng lên mức cao kỷ lục trong tháng Năm, khi xung đột tại Ukraine làm giá năng lượng, thực phẩm tăng mạnh và đè nặng lên tăng trưởng nền kinh tế.
Lạm phát tại 19 quốc gia thành viên Eurozone tăng lên 8,1% trong tháng Năm so với mức 7,4% trong tháng Tư. (AFP)
Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc
* Khảo sát của hãng nghiên cứu tín dụng Teikoku Databank Ltd. cho thấy, trên 10.000 mặt hàng thực phẩm tại Nhật Bản sẽ có giá tăng trung bình 13% trong năm nay, do chi phí nguyên liệu tăng và đồng Yen xuống giá nhanh.
Theo đó, 105 công ty sản xuất thực phẩm lớn đã tăng giá bán với 6.285 sản phẩm tính đến tháng Sáu và có kế hoạch tăng giá đối với 4.504 sản phẩm từ tháng Bảy. (Kyodo)
* Theo khảo sát của hãng tin Reuters, nền kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trưởng chậm hơn dự đoán trước đó trong quý này, bất chấp những kỳ vọng về một khả năng phục hồi mạnh mẽ trong hoạt động tiêu dùng.
Cụ thể, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đang có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi sự giảm tốc tăng trưởng tại Trung Quốc và sự gia tăng mạnh trong giá nguyên liệu thô trên toàn cầu. Cả hai vấn đề này có thể gây tổn thương lĩnh vực chế tạo chủ chốt của Nhật Bản.
Tuy nhiên, khoảng 70% các chuyên gia tham gia khảo sát cho rằng dù chậm hơn nhưng tăng trưởng của Nhật Bản vẫn đủ mạnh để nền kinh tế nước này phục hồi về các mức trước đại dịch Covid-19 (cuối năm 2019) trong quý này. (Reuters)
* Dữ liệu từ Cơ quan Thống kê Hàn Quốc ngày 31/5 cho hay, sản lượng công nghiệp, hoạt động tiêu dùng và đầu tư của Hàn Quốc cùng giảm lần đầu tiên trong hơn hai năm vào tháng 4/2022. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy đà phục hồi kinh tế của “xứ sở kim chi” vẫn còn mong manh.
Cụ thể, sản lượng công nghiệp của nước này trong tháng 4/2022 giảm 0,7% so với tháng trước đó, đi ngược với mức tăng 1,6% trong tháng Ba. Doanh số bán lẻ trong tháng Tư giảm 0,2%, sau khi giảm 0,7%; đầu tư vào cơ sở vật chất trong tháng 4/2022 giảm 7,5%, so với mức giảm tương ứng 2,2% của tháng Ba. (Yonhap)
Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
* Nền kinh tế Australia đã tăng trưởng 0,8% trong quý I/2022, đạt 3,3% tăng trưởng hàng năm, cao hơn so với kỳ vọng, do lo ngại về những khó khăn xuất hiện bởi tình trạng lũ lụt trên diện rộng và dịch Covid-19 vẫn tiếp tục lan rộng.
Số liệu do Cơ quan Thống kê Australia (ABS) công bố ngày 1/6 cho thấy, quý đầu năm 2022 nền kinh tế "xứ chuột túi" đã tăng trưởng cao hơn 0,1% so với quý trước và cao hơn 0,3% so với một năm trước đó. (TTXVN)
* Kasikornbank - ngân hàng lớn thứ hai về giá trị tài sản của Thái Lan - cho biết sẽ mua phần lớn cổ phần của Bank Maspion của Indonesia trong một thỏa thuận trị giá 220 triệu USD.
Khoản đầu tư này sẽ mang lại cho Kasikornbank 67,5% tổng số cổ phần của Bank Maspion - chi nhánh ngân hàng được niêm yết trên sàn chứng khoán của tập đoàn Maspion Group của Indonesia. (TTXVN)
* Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cho biết, chi tiêu cho cơ sở hạ tầng của nước này sẽ đạt 367.700 - 417.700 tỷ Rupiah (25,15 - 28,57 tỷ USD) trong năm 2023, cao hơn so với năm 2020 và 2021.
Gói ngân sách khổng lồ nói trên cũng sẽ được chi cho dự án xây dựng thành phố thủ đô mới (IKN) ở tỉnh Đông Kalimantan, song chưa rõ con số chính xác. (TTXVN)
* Theo Cục Thống kê Malaysia (DOSM), giá xăng dầu và thực phẩm tăng là nguyên nhân chính khiến tỷ lệ lạm phát tại quốc gia Đông Nam Á này năm 2021 ở mức 2,5%.
Có tới 184 mặt hàng thực phẩm trong tổng số 552 mặt hàng trong rổ Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ghi nhận có sự tăng giá. Giá hàng hóa cũng cao hơn khi so sánh với mức tăng 0,7% vào năm 2019, thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát. (TTXVN)