Nợ công của Nga ở mức an toàn, chiếm 17% GDP. (Nguồn: Bloomberg) |
Kinh tế thế giới
Cảnh báo dư cung khí đốt toàn cầu
Giá khí đốt tự nhiên đã lao dốc do tình trạng dư cung sau mùa Đông ấm hơn dự kiến. Thời kỳ hoàng kim gần đây của khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), với giá cả và lợi nhuận tăng cao, đã thúc đẩy làn sóng đầu tư vào lĩnh vực này.
Trong một báo cáo gần đây, ngân hàng Morgan Stanley cho biết, việc xây dựng công suất LNG lên tới hơn 150 triệu tấn mỗi năm đánh dấu làn sóng mở rộng kỷ lục. Đối với một thị trường đang có công suất hơn 400 triệu tấn/năm, con số trên thể hiện sự tăng trưởng nguồn cung đáng kể.
Các chiến lược gia hàng hóa của Morgan Stanley dự đoán tình trạng dư cung trên thị trường khí đốt sẽ đạt mức cao nhất trong nhiều thập niên trong những năm tới. Giá khí đốt tự nhiên hiện ở mức 1,83 USD/MMBtu (MMBtu là 1 triệu đơn vị nhiệt Anh), giảm khoảng 22% từ đầu năm đến nay.
Mỹ, quốc gia tiêu thụ LNG lớn nhất thế giới, vừa báo cáo mùa Đông ấm nhất trong lịch sử. Trong khi châu Âu ghi nhận nhiệt độ mùa Đông ấm thứ hai trong lịch sử. Tương tự, nhiệt độ trung bình của Nhật Bản trong mùa Đông cũng cao hơn 1,27 độ C so với bình thường và là mùa Đông ấm thứ hai được ghi nhận.
Hồi tháng 2 vừa qua, giá khí đốt tự nhiên giao ngay ở mức 1,72 USD/MMBtu, mức thấp kỷ lục. Mức giá thấp hơn có thể tạo tạo thuận lợi cho một số nước.
Kinh tế Mỹ
* Hoạt động sản xuất của Mỹ trong tháng 3/2024 đã tăng lần đầu tiên sau một năm rưỡi trong bối cảnh sản xuất phục hồi mạnh mẽ và số lượng đơn đặt hàng mới tăng lên. Tuy nhiên, việc làm tại các nhà máy vẫn giảm do hoạt động sa thải quy mô lớn và giá đầu vào tăng cao.
Cuộc khảo sát của Viện Quản lý nguồn cung (ISM) ngày 1/4 cho thấy hoạt động sản xuất, vốn bị ảnh hưởng do lãi suất cao, đang trên đà phục hồi, dù vẫn còn rủi ro bởi giá nguyên liệu thô tăng. Chủ tịch Ủy ban khảo sát kinh doanh sản xuất của ISM, ông Timothy Fiore, cho biết “nhu cầu vẫn đang ở giai đoạn đầu phục hồi, cùng với những dấu hiệu rõ ràng về tình trạng cải thiện”.
Kinh tế Trung Quốc
* Theo báo cáo của một nhóm các học giả từ năm quốc gia là Mỹ, Nga, Canada, Ấn Độ và Trung Quốc được công bố tại một hội thảo quốc tế vừa qua, GDP của Trung Quốc ước tính vượt Mỹ.
Báo cáo cho rằng, Trung Quốc nhiều khả năng sẽ vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2035, nếu duy trì tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm ở mức khoảng 5% trong 5 năm tới và ít nhất là 4% cho đến năm 2035. Triển vọng tăng trưởng hứa hẹn của quốc gia châu Á sẽ thúc đẩy kinh tế toàn cầu.
* Trung Quốc tỏ ra quan ngại về động thái thắt chặt các quy định của Mỹ đối với các mặt hàng bán dẫn xuất khẩu, cho rằng các quy định này đã tạo ra nhiều trở ngại hơn đối với hoạt động thương mại và gây bất ổn hơn cho ngành chip.
Chính phủ của Tổng thống Mỹ Joe Biden tuần trước đã sửa đổi các quy định nhằm hạn chế Bắc Kinh tiếp cận các sản phẩm chip trí tuệ nhân tạo (AI) và các công cụ sản xuất chip của Washington.
Một người phát ngôn của Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết: "Mỹ đã mở rộng khái niệm an ninh quốc gia, thiếu cân nhắc trong việc sửa đổi các quy định và thắt chặt các biện pháp kiểm soát. Điều đó không chỉ gây ra nhiều trở ngại hơn và tạo gánh nặng phải tuân thủ các quy định nặng nề hơn cho các công ty Trung Quốc và Mỹ - vốn muốn hợp tác bình thường với nhau về kinh tế và thương mại, mà còn gây ra sự bất ổn lớn cho ngành bán dẫn toàn cầu”.
Kinh tế châu Âu
* Báo cáo mới nhất do Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố ngày 3/4 cho thấy, lạm phát tại Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong tháng 3/2024 đã giảm sâu hơn dự báo.
Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng tại Eurozone trong tháng 3 tăng 2,4%, thấp hơn mức tăng 2,6% trong tháng 2/2024. Con số này cũng không vượt các dự báo của thị trường về mức tăng 2,5-2,6%.
Loại bỏ giá năng lượng, thực phẩm, rượu và thuốc lá dễ biến động, lạm phát cốt lõi của Eurozone cũng giảm sâu hơn dự kiến trong tháng 3, từ mức 3,1% trong tháng 2 xuống 2,9%.
Lạm phát đang tiến gần hơn đến mục tiêu 2% của ECB. Điều này sẽ khiến kịch bản ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất vào tháng 6 trở nên khả thi hơn.
* Cơ quan Thống kê liên bang Đức (Destatis) cho biết, lạm phát tại nước này đã giảm xuống mức thấp nhất trong 3 năm qua.
Theo Destatis, trong tháng 3/2024, lạm phát tại nền kinh tế đầu tàu châu Âu tiếp tục giảm, xuống 2,2%, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2021. Lạm phát lõi ở mức 3,3%. Trước đó, trong tháng 1 và tháng 2/2024, lạm phát lần lượt ở mức 2,9% và 2,5%.
Chuyên gia kinh tế Timo Wollmershäuser của Viện nghiên cứu kinh tế Ifo tại thành phố Munich (München) nhận định, lạm phát tại Đức đang tiếp tục giảm và có khả năng giảm xuống dưới mức 2% trong mùa Hè tới.
* Trả lời câu hỏi của các nghị sĩ Duma quốc gia (Hạ viện) ngày 3/4, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin cho biết, nợ công của nước này ở mức an toàn, chiếm 17% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), thấp hơn nhiều so với các nước phương Tây.
Ông Mishustin cũng lưu ý rằng, chi phí để trả nợ quốc gia của Nga đã tăng lên, nhưng mức tăng này chỉ do chi phí đi vay tăng. Lợi tức của trái phiếu liên bang kỳ hạn 10 năm đã tăng gần gấp đôi kể từ năm 2021 và tỷ suất nợ tăng 1% dẫn đến chi phí trả cho khoảng 150 tỷ Ruble (1,62 tỷ USD) mỗi năm tăng lên.
* Số lượng tỷ phú Nga trong danh sách mới nhất của Forbes đã đạt kỷ lục lịch sử là 125 người, tăng thêm 15 người so với 2023.
Lần đầu tiên, người giàu nhất nước Nga trong danh sách là ông Vagit Alekperov, đồng sở hữu công ty Lukoil với tài sản ước tính khoảng 28,6 tỷ USD, so với 20,5 tỷ USD một năm trước đó.
Tổng tài sản của tất cả các tỷ phú Nga trong danh sách đã tăng 14% trong năm, ở mức 576,8 tỷ USD, giảm so với mức đỉnh điểm năm 2021 là 606,2 tỷ USD.
* Ngoại trưởng Estonia Margus Tsahkna ngày 3/4 cho biết, nước này đã đề xuất với tất cả các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về việc cung cấp mỗi năm 0,25% GDP để hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Tuyên bố trên được Ngoại trưởng Tsahkna đưa ra trước thềm Hội nghị ngoại trưởng NATO nhằm thảo luận về cách thức hỗ trợ quân sự lâu dài cho Ukraine, bao gồm cả đề xuất quỹ 100 tỷ Euro (107 tỷ USD) trong 5 năm và một kế hoạch được coi là cách thức viện trợ dành cho Kiev.
Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc
* Sản lượng kinh tế Nhật Bản lần đầu tiên phục hồi hết năng lực sau khoảng 4 năm trong quý từ tháng 10-12/2023, một dấu hiệu tích cực có thể cho phép Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) tăng lãi suất một lần nữa.
Theo dự kiến của BoJ, khoảng cách sản lượng kinh tế của Nhật Bản, thước đo sự khác biệt giữa sản lượng thực tế và tiềm năng của một nền kinh tế, đứng ở mức +0,02% trong quý cuối cùng của năm ngoái, sau mức -0,37% trong quý III/2023 và là mức tích cực đầu tiên trong 15 quý.
* Sáu nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đã ghi nhận doanh số bán ô tô mới tại Mỹ trong quý đầu tiên tăng tới 15% so với cùng kỳ năm ngoái lên khoảng 1,43 triệu chiếc, do nhu cầu mạnh mẽ về xe hybrid (xe lai, chạy được bằng cả xăng lẫn điện) trong bối cảnh nhu cầu xe chạy hoàn toàn bằng điện chậm lại.
Kết quả trên cũng đánh dấu quý thứ tư liên tiếp ô tô tại đất nước Mặt trời mọc có mức tăng trưởng doanh số ở mức hai con số tại nền kinh tế số 1 thế giới.
* Trong cuộc họp chính phủ ngày 2/4, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cho biết, nước này sẽ “bơm” quỹ bình ổn khẩn cấp vô thời hạn và không giới hạn về số lượng để ổn định giá nông sản và chăn nuôi cho đến khi giá tiêu dùng vốn đang tăng cao, được kiểm soát.
Quyết định trên được đưa ra 8 ngày trước khi Hàn Quốc bầu cử Quốc hội vào ngày 10/4 tới, làm dấy lên suy đoán rằng giá thực phẩm, hàng hóa và các nhu yếu phẩm khác tăng cao có thể làm tổn hại đến tín nhiệm của người dân đối với chính quyền và đảng Sức mạnh nhân dân cầm quyền.
* Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc (KAMA), tổng kim ngạch xuất khẩu xe của 5 công ty sản xuất ô tô trong nước, bao gồm Hyundai Motor Co. và Kia Corp, đạt 10,4 tỷ USD trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 2/2024.
Con số này thể hiện mức tăng trưởng 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Về số lượng, tổng số lượng xuất khẩu xe của Hàn Quốc đạt 421.668 chiếc, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
* Thái Lan dự kiến sẽ bắt đầu thực thi luật mới, trong đó đề ra các biện pháp nhằm giảm lượng khí thải carbon dioxide (CO2), trong nỗ lực giúp các khu vực nhà nước và doanh nghiệp đối phó tốt hơn với biến đổi khí hậu.
Theo đó, Thái Lan đã thành lập Cục Biến đổi khí hậu và Môi trường và khởi xướng các biện pháp liên quan đến biến đổi khí hậu để nhấn mạnh cam kết trong việc cắt giảm lượng khí thải CO2.
Luật mới bao gồm nhiều cơ chế khác nhau để đạt được các mục tiêu giảm thiểu biến đổi khí hậu thông qua các công cụ kinh tế như thương mại tín dụng carbon, thuế carbon, hệ thống mua bán khí thải trong nước cũng như những biện pháp tuân thủ bắt buộc đối với các nhà hoạt động kinh doanh. Luật cũng nhằm tăng cường khả năng của đất nước trong việc giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo điều kiện cho quá trình chuyển đổi sang một nền kinh tế bền vững hơn.
* Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Indonesia Agus Gumiwang Kartasasmita mới đây cho biết, nước này có thể giảm tới 30% giá xe điện (EV) trong nước.
Phát biểu trước báo giới, ông Kartasasmita bày tỏ tin tưởng rằng, giá ô tô điện sẽ giảm 20-30% khi Indonesia có thể chủ động nguồn cung thông qua các chính sách thúc đẩy tự sản xuất pin xe điện.
* Ngành du lịch Malaysia tự tin rằng, mục tiêu thu hút hơn 5 triệu lượt khách du lịch đến từ Trung Quốc có thể đạt được trong năm 2024 nhờ vào tần suất các chuyến bay từ quốc gia Đông Bắc Á đến đất nước Đông Nam Á.
Năm 2023, Malaysia đã đón tổng cộng 1,47 triệu khách du lịch từ Trung Quốc. Giới chức Malaysia rất lạc quan về việc tiếp cận hơn 5 triệu lượt khách du lịch từ Trung Quốc vì tần suất chuyến bay hiện tại là hơn 247 chuyến mỗi tuần và xét về công suất chỗ ngồi, có gần 4,9 triệu chỗ trống từ Trung Quốc đến Kuala Lumpur.
Các hãng hàng không từ Trung Quốc cũng tỏ ra quan tâm đến việc thiết lập đường bay thẳng tới các thành phố lớn ở Malaysia như Penang, Johor Bahru, Kuching.
| Phụ thuộc vào Nga và Trung Quốc nhiều hơn phần còn lại của EU, kinh tế Đức hắt hơi, Eurozone lập tức cảm lạnh Cho đến vài năm trước, nền kinh tế Đức đã được hỗ trợ nhờ nguồn cung cấp năng lượng giá rẻ của Nga và gia ... |
| Kinh tế thế giới nổi bật (15-21/3): Nga chi đậm phát triển 12 'siêu' dự án, Mỹ vui nhờ giá khí đốt, Ba Lan kêu gọi EU cấm nông sản Belarus Nga chi 130 tỷ USD để phát triển 12 “siêu” dự án, Mỹ được thúc đẩy nhờ giá khí đốt, Ba Lan kêu gọi EU ... |
| Kinh tế thế giới nổi bật (22-28/3): EU nỗ lực thoát dầu khí Nga, chứng khoán Mỹ cao kỷ lục, Trung Quốc dần phục hồi bất chấp ‘cơn gió ngược’ Châu Âu tiếp tục hành trình giảm phụ thuộc vào dầu khí của Nga, chứng khoán Mỹ đạt mức cao kỷ lục, Trung Quốc ghi ... |
| Giá tiêu hôm nay 4/4/2024, diện tích và sản lượng hồ tiêu Việt Nam đang giảm, vị trí số 1 thế giới bị lung lay Giá tiêu hôm nay 4/4/2024 tại thị trường trong nước giảm ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 92.500 – 94.000 đồng/kg. |
| Bất động sản mới nhất: Đã đến lúc mua nhà, địa ốc công nghiệp trỗi dậy, thị trường TPHCM khởi sắc, thông báo đăng ký nhà ở xã hội ở Hà Nội Đã tới thời điểm để xuống tiền đầu tư, thiếu nguồn cung đất cho khu vực công nghiệp, quy định cụ thể điều kiện hưởng ... |