Mặc dù Nga đã cắt nguồn cung khi đốt cho Ba Lan và Bulgaria, nhưng hiện EU vẫn chưa ban hành lệnh trừng phạt nào với mặt hàng này của Moscow. (Nguồn: Reuters) |
Kinh tế thế giới
Tình trạng tắc nghẽn vận tải container toàn cầu có thể sẽ nghiêm trọng hơn
Ngày 4/5, tập đoàn vận tải Maersk cảnh báo, sự tắc nghẽn vận tải container toàn cầu có thể sẽ nghiêm trọng hơn vào cuối năm nay do các biện pháp đóng cửa mới để phòng chống đại dịch Covid-19 ở Trung Quốc.
Maersk, được coi là thước đo thương mại toàn cầu, cho biết, nhu cầu tiêu dùng tăng vọt, tình trạng vận chuyển hàng hóa tắc nghẽn ở các cảng lớn do đại dịch Covid-19 và gần đây là việc đóng cửa không phận do cuộc khủng hoảng Ukraine, đã khiến các chuyến hàng container chậm lại và giá cước vận tải tăng vọt.
Theo báo cáo thu nhập quý I/2022 của Maersk, những khó khăn tiếp theo do đại dịch Covid-19 đang lan rộng ở Trung Quốc khiến nước này phải đóng cửa và mặc dù tác động trong quý I/2022 là hạn chế, nhưng nó có thể làm trầm trọng thêm môi trường tắc nghẽn trong các quý tiếp theo khi tình hình này phát triển.
Công ty có trụ sở tại Copenhagen này cho biết, kết quả hoạt động trong quý đầu tiên lạc quan nhưng dự báo nhu cầu container toàn cầu sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm nay từ âm 1% đến 1%, so với kỳ vọng tăng trưởng 2-4% trước đó. (Channelnewsasia)
Kinh tế Mỹ
* Ngày 4/5, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng phạm vi lãi suất cơ bản gấp hai lần quy mô của một đợt tăng lãi suất thông thường, khi ngân hàng trung ương "chạy nước rút" để vượt qua vấn đề lạm phát gia tăng tại Mỹ.
Theo đó, Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) đã tăng lãi suất thêm 0,5 điểm phần trăm lên phạm vi mục tiêu 0,75% đến 1%. Fed đã không tăng lãi suất quá 0,25 điểm phần trăm trong một cuộc họp FOMC kể từ tháng 5/2000. (Reuters)
* Các quan chức Mỹ cho biết, thuế quan của nước này áp đặt đối với hàng trăm tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ hết hạn vào tháng 7/2022, nhưng có thể được gia hạn nếu các ngành công nghiệp của Mỹ yêu cầu.
Giới chức thương mại Mỹ đang chính thức tiếp cận với công chúng để tham khảo các ý kiến về việc có nên gia hạn thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc hay không, bao gồm cả việc gửi thư cho 600 công ty bày tỏ sự ủng hộ đối với các biện pháp này. (AFP)
Kinh tế Trung Quốc
* Lệnh phong tỏa để phòng dịch Covid-19 đối với thành phố Thượng Hải là một đòn giáng mạnh đối với chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn đã chao đảo do đại dịch Covid-19 và căng thẳng Nga-Ukraine.
Cảng Thượng Hải là cảng container bận rộn nhất thế giới. Nhưng giờ đây, với những quy định kiểm dịch mới, cảng Thượng Hải đang bị quá tải và phải đối mặt với lượng tàu và lượng hàng ùn tắc chưa từng có, gây ra sự chậm trễ và hỗn loạn đáng kể trong công tác giao hàng trên toàn thế giới.
Chuyên gia về chuỗi cung ứng, ông David Leaney, cảnh báo rằng việc cảng Thượng Hải chịu sức ép quá lớn về lưu lượng hàng hóa sẽ có thể gây ra sự chậm trễ trong tiến độ giao hàng suốt cả phần còn lại của năm 2022.
* Theo Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS), chỉ số Nhà quản trị mua hàng đối với lĩnh vực sản xuất của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giảm từ 49,5 (điểm) của tháng 3/2022 xuống còn 47,4 (điểm) trong tháng 4/2022, thấp hơn mốc 50 điểm - phân định giữa tăng trưởng và suy giảm.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, các giá trị nền tảng dài hạn của Trung Quốc không thay đổi, và những nỗ lực của chính quyền trong thời gian vừa qua nhằm thông suốt hoạt động vận tải và chuỗi cung ứng, cùng các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất sẽ củng cố ổn định thị trường và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. (THX)
Kinh tế châu Âu
* Tại phiên họp bất thường Bộ trưởng Năng lượng Liên minh châu Âu (EU) hôm 2/5 ở Brussels, được triệu tập sau khi Nga đột ngột dừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria vào tuần trước, các quan chức đã xem xét tình hình chuẩn bị của EU cho các khoản cắt giảm tiềm năng mới của Nga và về bối cảnh thị trường khí đốt vốn đã khó khăn.
Cho đến nay, Đức đã hỗ trợ Ba Lan và Hy Lạp giúp nước láng giềng Bulgaria về khí đốt, nhưng EU phải tiếp tục tính đến các biện pháp hệ thống hơn để giảm sự phụ thuộc vào khí đốt Nga. Do đó, EU đã xem xét việc lưu trữ để chuẩn bị cho mùa Đông sắp tới.
Các Bộ trưởng đang tính đến một nền tảng mua hàng theo nhóm ở cấp độ châu Âu, để có được mức giá có lợi. Các quốc gia EU cũng muốn đa dạng hóa nguồn cung của châu Âu.
Ngoài ra, EU cũng bàn tới các biện pháp trừng phạt mới chống lại Nga. Gói biện pháp thứ 6 sẽ được đưa ra trong tuần này. (TTXVN)
* Ngày 2/5, Ủy viên phụ trách vấn đề năng lượng của EU Kadri Simson cho biết, Ủy ban châu Âu (EC) không có thông tin về việc bất kỳ công ty châu Âu nào mua khí đốt của Nga bằng đồng Ruble, sau khi Moscow yêu cầu các khách hàng nước ngoài tuân thủ cơ chế chuyển việc thanh toán từ đồng Euro và đồng USD sang đồng nội tệ Nga.
Hồi tuần trước, Bloomberg cho biết, ít nhất 10 doanh nghiệp châu Âu mua khí đốt tự nhiên của Nga đã mở tài khoản ở ngân hàng Gazprombank để thanh toán bằng đồng Ruble.
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho rằng, các nước EU nhập khẩu khí đốt của Nga mà thanh toán bằng đồng Ruble có khả năng vi phạm các lệnh trừng phạt nhằm vào Moscow hiện nay. (AP)
* Ngày 1/5, Bộ trưởng Công nghiệp và thương mại Czech Josef Sikela cho biết: "Các cơ sở dự trữ khí đốt của nước này đã được lấp đầy 30%, mức cao nhất trong lịch sử so với cùng kỳ các năm trước.
Đến cuối tháng 5 này, các kho chứa khí đốt dự kiến đầy 50%. Nhiệm vụ là lấp đầy lên đến 80%, trước khi bắt đầu mùa Đông tiếp theo, tức là khoảng 2,8 tỷ m3 khí đốt".
Hôm 29/4, Thủ tướng Czech Petr Fiala cho biết nước này sẽ không thanh toán khí đốt của Nga bằng đồng Ruble, vì điều này sẽ vi phạm các lệnh trừng phạt. (TTXVN)
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen khẳng định, EU sẽ loại bỏ các loại năng lượng từ Nga với lộ trình 6 tháng đối với dầu thô và các sản phẩm tinh chế vào cuối năm nay. (Nguồn: Reuters) |
* Chủ tịch EC Ursula von der Leyen ngày 4/5 cho biết, EU sẽ áp đặt lệnh cấm dần dầu mỏ của Nga khi khối này công bố các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào “xứ Bạch dương” do vấn đề Ukraine.
Bà Von der Leyen khẳng định, EU sẽ loại bỏ các loại năng lượng từ Nga với lộ trình 6 tháng đối với dầu thô và các sản phẩm tinh chế vào cuối năm. (TTXVN)
* Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock ngày 1/5 tuyên bố, Berlin sẵn sàng ủng hộ lệnh cấm vận từng bước của toàn EU đối với dầu mỏ nhập khẩu từ Nga.
Tuyên bố được đưa ra sau khi Bộ trưởng Kinh tế và Khí hậu Robert Habeck cho biết, ông hy vọng Đức có thể hoàn toàn độc lập với dầu nhập khẩu của Nga vào cuối mùa Hè.
Trong một tuyên bố, ông Habeck cho rằng Đức, hiện nền kinh tế lớn nhất châu Âu đã giảm tỷ trọng nhập khẩu năng lượng của Nga xuống 12% đối với dầu, 8% đối với than và 35% đối với khí đốt tự nhiên. (Reuters)
* Ngày 4/5, EC đề xuất loại ngân hàng lớn nhất của Nga là Sberbank và hai ngân hàng khác khỏi hệ thống nhắn tin và giao dịch quốc tế SWIFT. Đây là một “đòn giáng” mới với hệ thống tài chính của Nga sau chiến dịch của nước này ở Ukraine.
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho biết, biện pháp trừng phạt này sẽ củng cố sự cô lập hoàn toàn lĩnh vực tài chính của Nga với hệ thống toàn cầu.
Ngoài ra, hai ngân hàng khác cũng nằm trong đề xuất trừng phạt của EC là Credit Bank of Moscow và Russian Agricultural Bank.
Tuy nhiên, EC lại không đề xuất lệnh cấm hoàn toàn đối với hoạt động giao dịch hay đóng băng tài sản. Cơ quan này cũng chưa đề xuất các biện pháp trừng phạt đối với Gazprombank, vốn là ngân hàng đóng vai trò quan trọng trong việc thanh toán khí đốt.
Hiện EU chưa ban hành lệnh trừng phạt nào với khí đốt của Nga. (Reuters)
* Trong phiên ngày 4/5, đồng Ruble của Nga đã tăng lên mức giá cao nhất trong hai năm qua so với đồng USD và Euro, trong bối cảnh EU đề xuất gói trừng phạt bổ sung đối với Nga liên quan đến xung đột tại Ukraine.
Đến 14h21 theo giờ việt Nam, đồng Ruble đã tăng giá 0,7% so với USD, được giao dịch với tỷ giá 1 USD đổi được 70,49 Ruble, sau khi đã đạt tới con số 68,6250 trong phiên giao dịch sớm, mức cao nhất kể từ tháng 6/2020.
So với đồng Euro, giá đồng Ruble đã tăng 1,2%, được giao dịch ở mức 1 Euro đổi được 73,84 Ruble, đầu phiên cao điểm đạt 1 Euro đổi 72 Ruble, mức cao nhất kể từ tháng 2/2020. (AFP)
* Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Vyacheslav Volodin ngày 1/5 cho rằng, nước này cần đáp trả tương xứng với quyết định đóng băng tài sản Nga từ một số "quốc gia không thân thiện".
Trước đó, hôm 28/4, Nhà Trắng đề xuất sử dụng tài sản của các tài phiệt Nga, hiện bị phương Tây phong tỏa, để bù đắp cho các thiệt hại vật chất của Ukraine do chiến dịch quân sự của Nga gây ra. (TTXVN)
Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc
* Theo kết quả khảo sát do Trung tâm nghiên cứu Teikoku Databank tiến hành từ 15-25/4 với sự tham gia của 9.061 công ty Nhật Bản, 50,4% số doanh nghiệp được hỏi cho biết gặp "khó khăn trong khâu mua đủ khối lượng nguyên vật liệu cần thiết", còn 66,3% gặp "tác động tiêu cực do tăng giá", cụ thể là tăng giá nhiên liệu, trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine.
Theo dự báo mới nhất của các phương tiện truyền thông Nhật Bản, từ tháng 1-7 năm nay, giá hơn 6.000 mặt hàng tại Nhật Bản đã tăng hoặc sẽ tăng 11-15%, cụ thể liên quan đến lệnh trừng phạt-cấm vận đối với Nga trong bối cảnh các sự kiện ở Ukraine. (TTXVN)
* Chính phủ Nhật Bản vừa quyết định điều chỉnh chương trình trợ giá nhiên liệu khẩn cấp để giảm bớt tác động của việc giá dầu thô tăng đối với người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Theo đó, từ ngày 28/4, các nhà nhập khẩu và phân phối xăng dầu trong nước sẽ nhận được trợ cấp khi giá xăng trung bình trên toàn quốc vượt mức 168 Yen (khoảng 1,3 USD) mỗi lít. Như vậy, so với mức giá tối thiểu để được nhận trợ cấp trước đây là 172 Yen/lít, mức giá mới thấp hơn 4 Yen. (Kyodo)
* Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch cùng Cơ quan du lịch Hàn Quốc (KTO) mới đây công bố kết quả khảo sát cho thấy rất nhiều người nước ngoài đang chờ cơ hội để du lịch Hàn Quốc hậu đại dịch Covid-19. Theo đó, cứ 10 người dân ở 21 nước được khảo sát thì có 4 người cho biết có ý định du lịch Hàn Quốc trong vòng ba năm tới, tỷ lệ này đặc biệt cao ở giới trẻ. (TTXVN)
* Cơ quan Thống kê Hàn Quốc ngày 3/5 cho biết, giá tiêu dùng ở nước này trong tháng 4/2022 tăng với tỷ lệ cao nhất trong hơn 13 năm qua, giữa bối cảnh chi phí năng lượng tăng cao do cuộc xung đột Nga- Ukraine và nhu cầu phục hồi sau đại dịch.
Theo đó, giá tiêu dùng trong tháng Tư tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước, sau khi tăng 4,1% trong tháng Ba. Đây là tỷ lệ tăng cao nhất kể từ tháng 10/2008, khi nền kinh tế lớn thứ tư châu Á bị ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009.
Giá tiêu dùng ở Hàn Quốc trong tháng Tư tăng cao hơn so với mục tiêu lạm phát trung hạn 2% của Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK), và là tháng tăng thứ 13 liên tiếp. (Yonhap)
Kể từ ngày 1/5, du khách đã tiêm phòng đầy đủ vaccine ngừa Covid-19 đến Thái Lan sẽ không cần kết quả xét nghiệm âm tính hay phải cách ly ngắn ngày. (Nguồn: Bangkok Post) |
Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
* Đồng đô la Australia (AUD) ngày 3/5 đã bất ngờ tăng giá trở lại, sau khi chạm mức đáy 1 AUD đổi 0,70 xu Mỹ của ba tháng, trong bối cảnh Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) nâng lãi suất lên 0,35% từ mức thấp kỷ lục 0,1% trước đó. (TTXVN)
* Ngày 2/5, Ngân hàng trung ương Brazil cho biết, nền kinh tế nước này trong tháng 2/2022 đã lấy lại đà tăng trưởng nhưng với tốc độ chậm hơn dự kiến.
Chỉ số Hoạt động Kinh tế của Ngân hàng trung ương (IBC-Br) cho thấy trong tháng 2/2022, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Brazil đã tăng 0,34% so với tháng trước, thấp hơn mức dự báo 0,5% do các chuyên gia kinh tế đưa ra trước đó. (TTXVN)
* Tổng vốn đầu tư thực hiện của Indonesia đã đạt 282.400 tỷ Rupiah (19,49 tỷ USD) trong quý I/2022, tăng 28,5% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức cao nhất trong 10 năm qua.
Theo Bộ Đầu tư Indonesia, số vốn đầu tư giải ngân nói trên cũng tăng 16,9% so với mức 241.600 tỷ Rupiah (16,68 tỷ USD) trong quý IV/2021. Kết quả này cho thấy chính phủ đã có những nỗ lực đúng đắn trong việc xây dựng các chính sách đầu tư, qua đó khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào Indonesia. (TTXVN)
* Theo chuyên trang về du lịch travelpulse.com, kể từ ngày 1/5, du khách đã tiêm phòng đầy đủ vaccine ngừa Covid-19 đến Thái Lan sẽ không cần kết quả xét nghiệm âm tính hay phải cách ly ngắn ngày như trước nữa.
Bên cạnh đó, mức phạm vi bảo hiểm y tế cũng được giảm một nửa từ 20.000 USD xuống 10.000 USD. Tất cả những gì du khách cần làm là cung cấp xác nhận tiêm chủng và xác nhận bảo hiểm khi đăng ký trực tuyến trên hệ thống đăng ký nhập cảnh Thailand Pass. (TTXVN)