UNCTAD đánh giá, Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Mexico, Nga và Mỹ là những nền kinh tế có sức bền tốt trong năm 2023. (Nguồn: businesslive.com.za) |
Kinh tế thế giới
Kinh tế toàn cầu đang ở "ngã ba đường"
Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng 2,4% trong năm 2023, giảm so với mức 3% của năm 2022 và ít có dấu hiệu hồi phục trong năm 2024.
Trong Báo cáo Thương mại và Phát triển 2023, UNCTAD cảnh báo kinh tế toàn cầu trì trệ, tăng trưởng bắt đầu chậm lại ở hầu hết các khu vực từ năm 2022 và chỉ có một số ít các quốc gia có thể đi ngược xu hướng này. Theo báo cáo, kinh tế toàn cầu đang ở "ngã ba đường" với các hướng tăng trưởng khác nhau, bất bình đẳng gia tăng, thị trường ngày càng thu hẹp và gánh nặng nợ công chồng chất phủ bóng lên triển vọng kinh tế.
Trên toàn cầu, quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 không đồng nhất. Trong khi một số nền kinh tế như Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Mexico, Nga và Mỹ có sức bền tốt trong năm 2023 thì các nền kinh tế khác lại phải đương đầu với những thách thức nghiêm trọng.
Trong bối cảnh tăng trưởng chậm lại và thiếu phối hợp chính sách, sự khác biệt này làm gia tăng quan ngại về con đường tiến về phía trước của nền kinh tế toàn cầu.
Báo cáo cho rằng cần có các cải cách cấu trúc tài chính toàn cầu, các chính sách thực tế hơn để kiềm chế lạm phát, giải quyết tình trạng bất bình đẳng và nợ công cũng như các biện pháp tăng cường giám sát các thị trường quan trọng. UNCTAD cũng hối thúc đảm bảo các thị trường minh bạch và được quản lý tốt để hệ thống thương mại toàn cầu công bằng hơn.
Báo cáo cũng chỉ ra trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), chỉ có Brazil, Trung Quốc, Nhật Bản, Mexico và Nga dự kiến sẽ có sự cải thiện về tăng trưởng kinh tế trong năm 2023. Đáng chú ý, dù gặp nhiều khó khăn và thách thức, kinh tế Nga được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) lần lượt là 2,2% và 2% cho năm 2023 và 2024. (TTXVN)
Kinh tế Mỹ
* Theo số liệu của chính phủ Mỹ công bố ngày 29/9, số liệu lạm phát chủ chốt được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) lấy làm căn cứ cho quyết định về lãi suất đã tăng trở lại trong tháng 8/2023, do giá năng lượng tăng.
Bộ Thương mại Mỹ công bố số liệu cho thấy, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) trong tháng 8/2023 tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi tăng 3,4% trong tháng 7/2023. So với tháng 7/2023, chỉ số PCE tăng 0,4%, đúng như dự báo trung bình của các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Briefing.com. (AFP)
* Tại Mỹ, lạm phát giảm, việc làm tăng và người tiêu dùng tiếp tục chi tiêu trong mùa Hè. Tuy nhiên, Bloomberg Economics cảnh báo nguy cơ suy thoái của kinh tế Mỹ có thể sớm xảy ra.
Với cuộc đình công của người lao động ngành công nghiệp ô tô tiếp diễn, việc thanh toán nợ sinh viên được nối lại và nguy cơ đóng cửa chính phủ vẫn hiện hữu, Bloomberg nhận định ít nhất tăng trưởng GDP sẽ giảm 1 điểm phần trăm trong quý IV/2023. (Bloomberg)
Kinh tế Trung Quốc
* Kinh tế Trung Quốc đón nhận thêm những thông tin tích cực khi báo cáo mới nhất do Cơ quan Thống kê quốc gia (NBS) công bố ngày 30/9 cho thấy, hoạt động tại các nhà máy nước này đã tăng lần đầu tiên trong 6 tháng.
Theo NBS, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của lĩnh vực chế tạo đã tăng từ 49,7 điểm trong tháng 8 lên 50,2 điểm trong tháng 9, vượt ngưỡng 50 điểm phân biệt giữa sự thu hẹp và tăng trưởng của hoạt động sản xuất.
Trong khi đó, chỉ số PMI phi chế tạo cũng tăng lên 51,7 so với mức 51,0 của tháng Tám. Chỉ số PMI tổng hợp đã tăng từ mức 51,3 lên 52,0 trong tháng 9. (Reuters)
* Ngày 4/10, Trung Quốc đã bày tỏ sự không hài lòng trước yêu cầu của Liên minh châu Âu (EU) về việc tham gia các cuộc tham vấn trong thời gian “rất ngắn” về cuộc điều tra của khối đối với trợ cấp cho xe điện.
Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng, cuộc điều tra thiếu bằng chứng đầy đủ và không tuân thủ các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Trước đó, EU chính thức khởi động cuộc điều tra đi kèm với một thông báo trên trang thông tin chính thức của khối, trong đó cho hay Trung Quốc đã được mời tham vấn, mặc dù không đưa ra khung thời gian. (TTXVN)
Kinh tế châu Âu
* Theo số liệu sơ bộ do Cơ quan Thống kê EU (Eurostat) mới công bố ngày 29/9, lạm phát tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) trong tháng 9/2023 giảm xuống mức thấp nhất trong gần hai năm, cho thấy chính sách tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang phát huy tác dụng kiểm soát giá cả, dù tác động đến tăng trưởng kinh tế.
Giá tiêu dùng tại Eurozone tăng 4,3% trong tháng 9/2023, mức tăng thấp nhất kể từ tháng 10/2021, so với mức tăng 5,2% của tháng trước. Nếu không bao gồm giá thực phẩm, năng lượng, rượu và thuốc lá, lạm phát tại khu vực này giảm từ 5,3% xuống 4,5%, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 8/2020. (Reuters)
* Giá nhà ở EU ghi nhận mức giảm hằng năm đầu tiên trong gần một thập niên, mặc dù đã phục hồi nhẹ trong 3 tháng tính đến tháng 6/2023. Thị trường bất động sản nhà ở tại EU hồi phục trong quý II/2023 khi giá nhà tăng 0,3% bất chấp lãi suất tăng, lạm phát cao và tăng trưởng kinh tế suy yếu.
Tuy nhiên, giá nhà tại EU đã giảm trong 2 quý trước đó, do lãi suất thế chấp tăng cao và chi phí sinh hoạt tăng đã cản trở nhiều người châu Âu mua nhà. Điều này khiến giá nhà ở EU giảm 1,1% so với cùng kỳ năm trước và giảm 1,7% ở Eurozon - mức giảm hàng năm đầu tiên kể từ năm 2014. (FT)
* Hà Lan ngày 1/10 đã chấm dứt việc khai thác khí đốt tự nhiên từ mỏ Groningen, mỏ khí đốt lớn nhất châu Âu, được khai thác từ năm 1963. Việc khai thác mỏ này trong 60 năm qua là nguyên nhân gây ra động đất tại địa phương trong nhiều thập niên và có nguy cơ kéo dài.
Tuy nhiên, các nhà chức trách đang duy trì hoạt động của 11 đơn vị khai thác cuối cùng thêm một năm nữa trong trường hợp mùa Đông "rất khắc nghiệt" và căng thẳng địa chính trị kéo dài, trước khi đóng cửa hoàn toàn. (TTXVN)
* Theo công ty dữ liệu Kpler SAS, xuất khẩu dầu của Nga sang Ấn Độ trong tháng 9/2023 đã tăng 15% so với mức thấp nhất 7 tháng được ghi nhận trong tháng 8/2023 do nguồn cung dồi dào và giá giảm.
Lượng dầu nhập khẩu của Ấn Độ từ Nga lên tới 1,78 triệu thùng/ngày vào tháng trước. Ấn Độ chủ yếu mua dầu Urals của Nga, được giao với mức chiết khấu khoảng 4 USD/thùng so với dầu Brent, khiến nó trở nên hấp dẫn hơn so với nguồn cung dầu kỳ hạn từ Trung Đông. (Bloomberg)
* Bộ trưởng Chính sách nông nghiệp Ukraine Mykola Solskyi ngày 2/10 đã thảo luận trực tuyến với người đồng cấp Bulgaria Kyryl Vatev về các vấn đề kỹ thuật trong việc xuất khẩu nông sản Ukraine sang Bulgaria.
Theo đó, Bulgaria đang xem xét chấp nhận kế hoạch hành động của Ukraine, đã được đệ trình lên Ủy ban châu Âu (EC), liên quan đến việc cung cấp nông sản. Hai bên đã thống nhất các chi tiết kỹ thuật của thủ tục xuất khẩu sang Bulgaria và sẽ thảo luận về kết quả của hoạt động này tại cuộc họp tiếp theo vào cuối tháng 10 này. (TTXVN)
* Ngày 2/10, Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Alparslan Bayraktar cho biết, nước này sẽ vận hành lại đường ống dẫn dầu thô từ Iraq, vốn đã tạm ngừng hoạt động khoảng 6 tháng qua. Dự kiến, đường ống sẽ cung cấp khoảng 500.000 thùng dầu cho thị trường dầu mỏ toàn cầu. (TTXVN)
* Theo kết quả cuộc khảo sát PMI HCOB do cơ quan xếp hạng tín dụng Mỹ S&P Global thực hiện vừa qua, lĩnh vực sản xuất của Đức tiếp tục sụt giảm trong quý III/2023, ghi nhận sự sụt giảm mạnh nhất kể từ tháng 5/2020. Sự bi quan của các nhà sản xuất hàng hóa trong quý III/2023 ngày càng sâu sắc dẫn đến việc làm bị cắt giảm, trong khi nhu cầu yếu khiến chi phí đầu vào và đầu ra thấp hơn. (THX)
Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc
* Mới đây, Bộ Công nghiệp Nhật Bản cho hay, chính phủ nước này sẽ cung cấp khoản trợ cấp bổ sung lên tới 192 tỷ Yen (1,3 tỷ USD) cho nhà máy đặt tại tỉnh Hiroshima của công ty sản xuất chip Mỹ Micron Technology.
Động thái này, cùng với khoản viện trợ lên tới 46,5 tỷ Yen được công bố trước đó, góp phần vào nỗ lực của Nhật Bản nhằm đảm bảo nguồn cung cấp chip ổn định vào thời điểm căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng đe dọa đến an ninh kinh tế của nước này. (Kyodo)
* Phát biểu tại Diễn đàn hợp tác công-tư nhằm mở rộng đầu tư trong nước được tổ chức tại Văn phòng Thủ tướng ngày 4/10, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio nhấn mạnh, chính phủ sẽ tạo một cuộc cách mạng để tăng cường thu hút đầu tư với mục tiêu đạt 115.000 tỷ Yen (770 tỷ USD) vào năm 2027.
Người đứng đầu chính phủ Nhật Bản cho biết, trong “Tuần lễ Nhật Bản” (25/9-6/10), sẽ có hàng nghìn nhà đầu tư trên khắp thế giới đến với đất nước Mặt trời mọc cho thấy cộng đồng quốc tế ngày càng quan tâm đến xu hướng phát triển của quốc gia này. (TTXVN)
* Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc ngày 4/10 cho biết, các cam kết đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Hàn Quốc trong giai đoạn từ tháng 1-9 năm nay đã tăng 11,3% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức cao nhất từ trước đến nay, trước sự gia tăng đầu tư vào các lĩnh vực chip, pin và các lĩnh vực công nghệ cao khác.
Hàn Quốc đã nhận được các cam kết FDI trị giá 23,95 tỷ USD trong giai đoạn từ tháng 1-9/2023, so với mức 21,52 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái. Số vốn đầu tư mà nước này thực sự nhận được cũng tăng 20,2% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức cao kỷ lục 13,92 tỷ USD. (Yonhap)
* Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng tài chính Hàn Quốc Choo Kyung-ho ngày 5/10 cho biết, chính phủ nước này sẵn sàng thực hiện các biện pháp cần thiết khi thị trường tài chính có sự biến động gia tăng, xuất phát từ sự gia tăng lợi suất trái phiếu ở Mỹ.
Tuyên bố của ông Choo được đưa ra sau khi thị trường chứng khoán Hàn Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong 6 tháng trong phiên giao dịch ngày 4/10 do các nhà đầu tư lo ngại về khả năng Mỹ tiếp tục kéo dài chính sách thắt chặt tiền tệ. Cũng trong ngày 4/10, đồng won của Hàn Quốc đã sụt giảm so với đồng USD Mỹ, chạm mức thấp nhất trong 11 tháng qua. (TTXVN)
ASEAN và Canada đặt mục tiêu kết thúc đàm phán hiệp định thương mại tự do ASEAN-Canada (ACAFTA) vào năm 2025. (Nguồn: TTĐN) |
Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
* Một nghiên cứu của Nikkei Asia cho thấy, giá trị thị trường của các công ty công nghệ và các nhà cung cấp thiết bị điện tử ở khu vực Đông Nam Á đã tăng lên kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, trong khi các doanh nghiệp trụ cột của khu vực này lại sa sút.
Theo đó, khoảng 3.700 công ty phi tài chính niêm yết trên các sàn giao dịch Đông Nam Á có tổng vốn hóa thị trường vào khoảng 1.630 tỷ USD tính đến cuối tháng 7/2023, tăng 12% so với cuối tháng 12/2019 và tăng 27% so với cuối năm 2013.
Những doanh nghiệp này tập trung ở 6 nền kinh tế chính gồm Thái Lan, Indonesia, Philippines, Singapore, Malaysia và Việt Nam. (TTXVN)
* ASEAN và Canada đặt mục tiêu kết thúc đàm phán hiệp định thương mại tự do ASEAN-Canada (ACAFTA) vào năm 2025 và hồi tuần trước đã đạt được bước tiến mới tới gần mục tiêu này. ACAFTA sẽ trở thành FTA đầu tiên của ASEAN với châu Mỹ.
ASEAN và Canada đã khởi động các cuộc đàm phán ACAFTA vào năm 2021. ASEAN là đối tác thương mại hàng hóa lớn thứ tư của Canada vào năm 2021. Thương mại hàng hóa song phương đã đạt 40,7 tỷ USD vào năm 2022. (TTXVN)
* Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos ngày 4/10 đã dỡ bỏ mức trần giá gạo. Động thái này diễn ra chỉ một vài tuần sau khi chính phủ nước này đưa ra các giải pháp kiểm soát giá gạo để hỗ trợ cho các hộ nghèo.
Tổng thống Marcos, đồng thời là Bộ trưởng Nông nghiệp, nhấn mạnh đây là "thời điểm thích hợp" để dỡ bỏ giá trần vì chính phủ đang có đủ gạo phát cho người dân.
Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng Nông nghiệp và An ninh lương thực Malaysia Mohamad Sabu cho biết, bộ này sẽ thực hiện 4 biện pháp can thiệp quyết liệt nhằm giảm bớt lo ngại của người dân trước tình trạng giá gạo nhập khẩu và nhu cầu gạo trong nước tăng cao. (TTXVN)