📞

Kinh tế thế giới nổi bật (31/3-6/4): Mỹ-EU nỗ lực thoát năng lượng Nga, Dòng chảy phương Bắc đón tin vui, 'châu Âu không được tách rời Trung Quốc'

Hải An 13:29 | 06/04/2023
Toàn cầu đối mặt nguy cơ giảm tăng trưởng vì “thương chiến” Mỹ-Trung và xung đột Nga-Ukraine, Lithuania cấm người Nga mua bất động sản, Mỹ-EU tìm cách giảm phụ thuộc vào năng lượng Nga, OPEC+ cắt giảm sản lượng dầu… là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.

Kinh tế thế giới

Dự trữ dầu thô của Mỹ giảm 3,7 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 31/3, xuống còn 470 triệu thùng. Trong ảnh: Các bể chứa tại kho dầu ở Cushing, Oklahoma, Mỹ. (Nguồn: Reuters)

Một thế giới bị phân mảnh có thể sẽ trở thành một thế giới nghèo hơn

Ngày 5/4, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, sự phân mảnh địa chính trị ngày càng tăng trên khắp thế giới, trong đó “thương chiến” Mỹ-Trung Quốc và xung đột Nga-Ukraine có thể làm giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu 2%.

Nghiên cứu của IMF cho thấy, tình trạng leo thang căng thẳng địa chính trị đang thúc đẩy việc phân bổ lại vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ các quốc gia gần gũi về mặt địa lý sang những quốc gia gần gũi về mặt địa chính trị, như Mỹ và châu Âu.

Theo IMF, việc tái phân bổ vốn FDI này có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho các nền kinh tế thị trường mới nổi, vì các nền kinh tế này phụ thuộc nhiều hơn vào dòng vốn đầu tư từ nước ngoài. Các quan chức của IMF lưu ý, một thế giới bị phân mảnh có thể sẽ trở thành một thế giới nghèo hơn.

Trước đó, IMF cảnh báo tình trạng hỗn loạn ngân hàng gần đây ở Mỹ và châu Âu có thể lan sang các tổ chức phi ngân hàng quan trọng như quỹ hưu trí, làm phức tạp thêm cuộc chiến chống lạm phát cao của các ngân hàng trung ương.

Để giải quyết vấn đề một cách chính xác, IMF cho rằng, các nhà hoạch định chính sách phải sử dụng nhiều công cụ, bao gồm ban hành giám sát và quy định chặt chẽ hơn đối với lĩnh vực này, đồng thời yêu cầu các công ty chia sẻ thêm dữ liệu về những rủi ro mà họ đang gặp phải.

Gần đây thị trường tài chính toàn cầu bị chấn động bởi sự sụp đổ của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) và đối thủ UBS tiếp quản ngân hàng Thụy Sỹ Credit Suisse, dẫn đến quan ngại về khủng hoảng ngân hàng sẽ lây lan. (AFP)

Kinh tế Mỹ

* Theo dữ liệu của Bộ Thương mại Mỹ công bố ngày 5/4, thâm hụt thương mại của Mỹ gia tăng trong tháng 2/2023, đánh dấu gia tăng tháng thứ ba liên tiếp do giá trị xuất khẩu giảm nhiều hơn nhập khẩu. Khoảng cách giữa thương mại hàng hóa và dịch vụ đã tăng 2,7% lên 70,5 tỷ USD, mức lớn nhất trong 4 tháng.

Các số liệu không được điều chỉnh theo lạm phát. Giá trị nhập khẩu giảm 1,5%, trong khi xuất khẩu giảm 2,7%, đều phản ánh thương mại hàng hóa giảm. Trên cơ sở điều chỉnh theo lạm phát, thâm hụt thương mại hàng hóa đã tăng lên 104,6 tỷ USD, cũng là mức cao nhất trong 4 tháng. (TTXVN)

* Ngày 5/4, Cơ quan Năng lượng Mỹ (EIA) đcông bố các số liệu cho thấy dự trữ dầu thô của nước này đã giảm mạnh hơn dự kiến vào tuần trước do nhu cầu lọc dầu và xuất khẩu tăng mạnh.

Theo EIA, dự trữ dầu thô của Mỹ đã giảm 3,7 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 31/3, xuống còn 470 triệu thùng, giảm nhiều hơn so với mức dự báo được các nhà phân tích đưa ra trước đó là 2,3 triệu thùng. Dự trữ xăng và các sản phẩm chưng cất cũng giảm mạnh, cho thấy nhu cầu tăng chỉ vài ngày sau khi các nước OPEC+ tuyên bố cắt giảm sản lượng dầu thêm khoảng 1,16 triệu thùng mỗi ngày.

Trong khi đó, xuất khẩu dầu thô của Mỹ tăng lên 5,2 triệu thùng/ngày, mức cao thứ hai được ghi nhận. Nhập khẩu dầu thô cũng tăng 1,16 triệu thùng/ngày. (Reuters)

Kinh tế Trung Quốc

* Theo số liệu từ các công ty môi giới bất động sản Australia và Singapore, việc Trung Quốc dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát biên giới liên quan đến dịch Covid-19 đang thúc đẩy dòng tiền mặt chảy tới các nước khác trong khu vực.

Nhu cầu của người Trung Quốc đang góp phần đẩy giá bất động sản tại Singapore lên, sinh viên Trung Quốc đang mua các căn hộ tại Sydney và Melbourne, và các công ty môi giới cho biết mối quan tâm đến bất động sản tại Thái Lan của người Trung Quốc cũng đang gia tăng.

Ông Ian Chen, nhà sáng lập và là Giám đốc điều hành Jalin Realty, công ty có hoạt động tại Trung Quốc, Australia, Malaysia và Singapore, cho rằng đó không phải một làn sóng lớn, nhưng rõ ràng có mối quan tâm, đặc biệt là từ những sinh viên sẽ quay lại Australia. (Reuters)

* Tờ SCMP số ra ngày 4/4 đưa tin, Trung Quốc đang sử dụng lợi thế thương mại để thúc đẩy việc thanh toán bằng đồng Nhân dân tệ (NDT) trong các giao dịch song phương nhằm thách thức sự thống trị của đồng USD trong hệ thống tiền tệ quốc tế.

Trước đó, tại Diễn đàn doanh nghiệp Brazil-Trung Quốc ở Bắc Kinh, Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Quách Đình Đình cho biết, hai nước đã ký kết thỏa thuận thương mại bằng đồng NDT và có kế hoạch mở rộng hợp tác trong lĩnh vực thực phẩm và khoáng sản.

Việc thúc đẩy thanh toán bằng NDT trong thương mại và đầu tư thay vì sử dụng USD làm đồng tiền trung gian là một trong nhiều cách mà Bắc Kinh dự định sử dụng để giảm sự phụ thuộc vào tài sản bằng đồng USD và ngăn chặn khả năng Washington “bóp nghẹt” Trung Quốc về tài chính. (CNBC)

Kinh tế châu Âu

* Ngày 4/4, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, Washington và Liên minh châu Âu (EU) đang tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc của châu Âu vào năng lượng Nga.

Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp Đại diện cấp cao EU về chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell ở thủ đô Brussels của Bỉ, ông Blinken nhấn mạnh: “Việc vũ khí hóa năng lượng của Nga đang cho thấy tính cấp bách của nhiệm vụ đó và là cơ hội để đẩy nhanh tiến độ của chúng ta (trong tiến trình chuyển đổi năng lượng sạch toàn cầu)… Chúng tôi sẽ tập trung vào việc làm thế nào để có thể tiếp tục giảm thiểu sự phụ thuộc của châu Âu vào năng lượng Nga cũng như thúc đẩy sản xuất năng lượng sạch của khu vực châu Âu-Đại Tây Dương”. (Reuters)

* Ngày 4/4, Quốc hội Litva quyết định cấm công dân Nga mua bất động sản ở quốc gia vùng Baltic này, viện dẫn rủi ro đối với an ninh quốc gia.

Lệnh cấm này, có hiệu lực cho đến năm 2024, sẽ không áp dụng đối với những công dân Nga được cấp quyền cư trú tại Litva. Ngoài ra, Quốc hội Litva cũng tạm dừng cấp thị thực mới cho công dân Nga và đồng minh Belarus. (Reuters)

* Điện Kremlin ngày 3/4 tuyên bố, việc hỗ trợ giá dầu và các sản phẩm dầu nằm trong lợi ích của ngành năng lượng thế giới. Tuyên bố này được đưa ra một ngày sau khi Nga thông báo sẽ gia hạn việc cắt giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày cho đến cuối năm nay. Nga thuộc nhóm các nước sản xuất OPEC+ đã công bố cắt giảm tổng cộng khoảng 1,16 triệu thùng/ngày.

Trả lời họp báo, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định, điều quan trọng là phải duy trì giá ở một mức nhất định vì ngành dầu khí đòi hỏi nhiều đầu tư và vì trong tương lai gần, không thể đáp ứng nhu cầu của tất cả các nước từ các nguồn tái tạo. (TASS)

* Theo số liệu thống kê do Cơ quan quản lý thị trường năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ (EPDK) công bố ngày 1/4, Nga vẫn là nhà xuất khẩu dầu thô hàng đầu sang Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng 1 năm nay

Cụ thể, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhập khẩu 1,18 triệu tấn dầu thô và các sản phẩm hóa dầu từ Nga, tiếp theo là Iraq và Kazakhstan với lần lượt 917.656 tấn và 683.740 tấn.

Trong khi đó, tổng lượng dầu thô nhập khẩu vào Thổ Nhĩ Kỳ trong tháng 1/2023 so với cùng kỳ năm ngoái đã giảm 3,64% xuống 3,45 triệu tấn. Nga có truyền thống là nhà cung cấp dầu thô và hóa dầu hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ. (Reuters)

* Bất chấp lập trường của Berlin đối với Moscow và quyết định cắt đứt quan hệ về năng lượng với Nga, các công ty bảo hiểm của Đức đã nối lại bảo hiểm cho tuyến đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc.

Reuters dẫn các nguồn thạo tin tiết lộ, chính phủ Đức không phản đối động thái trên. Bảo hiểm sẽ chi trả cho những thiệt hại gây ra đối với đường ống dẫn khí đốt, cũng như các vấn đề liên quan đến tình trạng chấm dứt hoạt động.

Một trong những lợi ích chính của bảo hiểm là tạo điều kiện thuận lợi cho công việc sửa chữa cần thiết để tiếp tục cung cấp khí đốt cho châu Âu. (Reuters)

* Ngày 5/4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng, châu Âu không được tách rời Trung Quốc mặc dù quan hệ thương mại của châu Âu với Bắc Kinh có rủi ro và không cân bằng.

Phát biểu khi bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tới Bắc Kinh, ông Macron nói: “Chúng ta phải giảm thiểu rủi ro cho các ngành công nghiệp của mình bằng cách nào đó… nhưng chúng ta không được tách rời và xa cách nhau”. (Reuters)

Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc

* Theo khảo sát hằng quý Tankan của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ), các nhà chế tạo lớn nhất nước này ít lạc quan hơn về các điều kiện kinh doanh, khi lòng tin giảm xuống mức thấp nhất trong hơn hai năm, do giá nguyên liệu thô tăng và triển vọng kinh tế toàn cầu chậm lại.

Trong số các nhà chế tạo lớn, chỉ số niềm tin kinh doanh giảm xuống mức +1, từ mức +7 của 3 tháng trước. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 12/2020, đánh dấu quý giảm thứ năm và cũng là mức dưới dự báo của thị trường là +4.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp phi chế tạo lạc quan hơn, với chỉ số niềm tin tăng từ 19 lên 20. Con số này dương có nghĩa số doanh nghiệp lạc quan nhiều hơn số doanh nghiệp bi quan. (Kyodo)

Dự trữ ngoại hối của Hàn Quốc đạt 426,07 tỷ USD tính đến cuối tháng 3/2023, tăng 780 triệu USD so với tháng trước đó. (Nguồn: Getty)

* Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) cho biết, dự trữ ngoại hối của nước này đã tăng trong tháng 3/2023 do đồng USD giảm làm tăng giá trị chuyển đổi của các khoản được BoK nắm giữ bằng các loại tiền tệ khác.

Theo đó, dự trữ ngoại hối của Hàn Quốc đạt 426,07 tỷ USD tính đến cuối tháng 3/2023, tăng 780 triệu USD so với tháng trước đó. Giá trị tiền gửi của BoK ở mức 24,14 tỷ USD trong tháng 3/2023, giảm 2,61 tỷ USD so với tháng trước đó. BoK cho biết Hàn Quốc được xếp hạng là nước có dự trữ ngoại hối lớn thứ 9 thế giới tính đến cuối tháng 2/2023. (Yonhap)

* Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vẫn duy trì dự báo tăng trưởng 1,5% trong năm 2023 của kinh tế Hàn Quốc do kinh tế toàn cầu liên tục bất ổn.

Ước tính mới nhất của ADB không thay đổi so với triển vọng được đưa ra vào tháng 12/2022, khi hạ dự báo tăng trưởng của nền kinh tế thứ tư châu Á này 0,8 điểm phần trăm trong năm 2023. Con số này thấp hơn mức dự báo tăng trưởng 1,6% mà BoK và Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đưa ra. (Yonhap)

Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

* Ngày 5/4, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi cho biết, Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 42 tại Labuan Bajo vào tháng 5/2023 sẽ thông qua một số thỏa thuận, trong đó có thỏa thuận phát triển hệ sinh thái xe điện (EV) khu vực.

Theo bà Retno, tại cuộc họp của Nhóm đặc trách cấp cao về hội nhập kinh tế ASEAN (HLTF-EI), các nước ASEAN đã nhất trí phát triển hệ sinh thái EV trong khu vực và điều này sẽ được phê chuẩn tại Hội nghị cấp cao ASEAN sắp tới. (TTXVN)

* Ngày 31/3, phát biểu tại lễ khai mạc nhiệm kỳ Chủ tịch năng lượng ASEAN 2023 ở Jakarta, Bộ trưởng Năng lượng Indonesia Arifin Tasrif khẳng định, ASEAN cần các công nghệ carbon thấp có thể tiếp cận và tài trợ lãi suất thấp từ nhiều nguồn để đạt được mục tiêu trung hòa carbon.

Dẫn một báo cáo của IRENA, ông Arifin cho biết, ASEAN sẽ cần 29.400 tỷ USD đến năm 2050 để sản xuất 100% năng lượng tái tạo. Đó là lý do ASEAN cần tài trợ từ các nền kinh tế phát triển và các tổ chức tài chính toàn cầu như Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) và Cộng đồng phát thải ròng bằng không châu Á. (TTXVN)

* Ngày 5/4, Bộ Thương mại Thái Lan cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) toàn phần của nước này trong tháng 3/2023 tăng 2,83% so với cùng kỳ năm ngoái, tốc độ tăng chậm nhất trong 15 tháng qua do giá năng lượng và lương thực giảm.

Mức tăng này thấp hơn so với mức dự báo 3,30% được đưa ra trong một cuộc thăm dò của hãng tin Reuters trước đó. Trong khi đó, chỉ số CPI cơ bản trong tháng 3/2023 tăng 1,75% so với cùng kỳ năm ngoái, và thấp hơn mức tăng dự báo là 1,82%. (TTXVN)

* Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á tháng 4/2023 của ADB dự báo nền kinh tế Malaysia sẽ tăng trưởng 4,7% trong năm 2023 và 4,9% vào năm 2024.

Theo ADB, hiệu quả kinh tế của Malaysia vào năm 2023 sẽ phụ thuộc vào môi trường bên ngoài. Các yếu tố này bao gồm sự lan tỏa từ việc mở cửa trở lại của Trung Quốc, hỗ trợ chính sách của chính phủ và sự phát triển trong ngành công nghiệp điện tử. Trong khi đó, suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát dai dẳng và việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất sẽ làm giảm triển vọng trong năm 2023.

Trong dự báo ít triển vọng hơn, S&P Global Ratings ngày 5/4 nhận định tăng trưởng kinh tế của Malaysia sẽ giảm xuống 3,2% trong năm 2023, sau mức tăng trưởng mạnh 8,7% vào năm 2022. (TTXVN)

(tổng hợp)