Mỹ nhất trí cung cấp 15 tỷ m3 khí đốt tự nhiên hóa lỏng cho EU, góp phần hỗ trợ khu vực này khi dừng nhập khẩu năng lượng của Nga. Trong ảnh: Cơ sở khai thác dầu khí của Tập đoàn Gazprom, Nga. (Nguồn: TASS) |
Kinh tế thế giới
9 quốc gia tham gia Liên minh điện gió ngoài khơi toàn cầu
Ngày 8/11, 9 quốc gia (gồm Anh, Đức, Mỹ, Nhật Bản, Bỉ, Colombia, Ireland, Na Uy và Hà Lan) đã tham gia một liên minh quốc tế tại Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) để khuyến khích phát triển năng lượng gió ngoài khơi.
Liên minh gió ngoài khơi toàn cầu (GOWA) được thành lập bởi Cơ quan năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA), Đan Mạch và Hội đồng năng lượng gió toàn cầu nhằm để "xóa bỏ rào cản" đối với năng lượng. Trong một tuyên bố, GOWA cho biết có thể triển khai điện gió ngoài khơi với quy mô lớn, trong khung thời gian ngắn và chi phí cạnh tranh.
IRENA và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo rằng công suất gió ngoài khơi sẽ cần vượt quá 2.000GW vào năm 2050, so với chỉ hơn 60GW hiện nay để giúp ngăn nhiệt độ Trái đất tăng hơn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Do đó, GOWA đặt mục tiêu đạt tổng công suất lắp đặt ít nhất 380GW vào cuối thập niên này.
Đặc phái viên về vấn đề khí hậu của Đức Jennifer Lee Morgan cho biết, liên minh đã lên kế hoạch để tăng sản lượng điện giá thêm đáng kể. (AFP)
Kinh tế Mỹ
* Theo Bloomberg, tình trạng của nền kinh tế Mỹ sẽ là yếu tố quyết định kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ vào ngày 8/11.
Các cuộc thăm dò cho thấy những kỳ vọng và lo ngại về nền kinh tế lớn hơn nhiều mối quan tâm khác của công chúng trong thời điểm hiện nay, từ quyền phá thai cho đến vấn đề nhập cư. Lạm phát, cùng với nền kinh tế nói chung, thường xuyên đứng đầu danh sách các ưu tiên của cử tri, ở mức cao nhất trong một thế hệ. (Bloomberg)
* Chi nhánh Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tại St. Louis đã báo cáo trong tuần này, cho biết, xác suất Mỹ rơi vào suy thoái vào tháng 9/2022 là gần 0%, bất chấp những lo ngại được báo cáo rộng rãi về một cuộc suy thoái trong tháng đó và các cuộc thăm dò dư luận cho thấy nhiều người Mỹ nghĩ rằng một cuộc suy thoái đã xảy ra.
Phó Giáo sư kinh tế tại Đại học Arkansas Jeremy Horpedahl cho biết trong một cuộc phỏng vấn: “Cho đến nay vào năm 2022, không ghi nhận sự sụt giảm nào về việc làm hoặc sản xuất công nghiệp cho thấy Mỹ đang ở trong một cuộc suy thoái".
Cũng theo ông Horpedahl, trong suốt năm 2022, chưa có tháng nào mà mô hình trên cho thấy nền kinh tế Mỹ đang ở trong một cuộc suy thoái. (TTXVN)
Kinh tế Trung Quốc
* Giá sản xuất tại Trung Quốc lần đầu tiên giảm trong gần hai năm vào tháng 10/2022, khi giá hàng hóa toàn cầu giảm đã tác động tới nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Theo Cục Thống kê Quốc gia (NBS), chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc trong tháng 10/2022 đã giảm 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đẩy chỉ số này vào vùng âm lần đầu tiên kể từ tháng 12/2020. Con số này trái ngược so với mức tăng 0,9% của tháng 9.
Cũng trong tháng 10, chỉ số giá tiêu dùng của Trung Quốc tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm nhẹ so với mức cao nhất trong hai năm của tháng 9 là 2,8%. Người tiêu dùng nước này phần lớn không bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng giá lương thực và năng lượng trên toàn cầu sau cuộc xung đột Nga-Ukraine. (AFP)
* Giới siêu giàu Trung Quốc đã ghi nhận tổng giá trị khối tài sản của họ giảm sâu nhất trong hai thập niên giữa bối cảnh nền kinh tế chịu ảnh hưởng từ xung đột Nga-Ukraine, các biện pháp chống dịch Covid-19 và thị trường chứng khoán lao dốc.
Theo bảng xếp hạng những người giàu nhất Trung Quốc The Hurun Rich list, chỉ có 1.305 người đạt tiêu chuẩn sở hữu khối giá trị tài sản ròng tối thiểu là 5 tỷ NDT (692 triệu USD) trong năm nay, giảm 11% so với năm 2021. Tổng tài sản của giới siêu giàu Trung Quốc cũng giảm 18% xuống còn 3.500 tỷ USD.
Số người sở hữu khối tài sản từ 10 tỷ USD trở lên cũng giảm từ 85 người xuống còn 56 người. Số người được coi là tỷ phú cũng giảm 239 người xuống 946 người. (Reuters)
Kinh tế châu Âu
* Phó Chủ tịch điều hành Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis hôm 8/11 cho biết, nền kinh tế Liên minh châu Âu (EU) đã đến một bước ngoặt quan trọng khi những động lực thúc đẩy tăng trưởng đã "biến mất một phần đáng kể".
Theo ông Dombrovskis, tăng trưởng kinh tế trong nửa đầu năm nay đã tỏ ra mạnh mẽ đến mức đáng ngạc nhiên. Nhưng triển vọng tăng trưởng kinh tế EU hiện có vẻ yếu hơn đáng kể so với dự báo công bố hồi mùa Hè của Ủy ban, trong khi lạm phát sẽ duy trì quanh mức cao trong thời gian dài hơn dự kiến. (THX)
* Giá khí đốt bán buôn tại châu Âu đã giảm từ mức kỷ lục được ghi nhận sau khi xung đột Nga-Ukraine diễn ra, nhưng hóa đơn năng lượng vẫn rất cao, dù các chính phủ đã hỗ trợ người tiêu dùng.
Tại Anh và EU, tác động của việc hóa đơn khí đốt và điện tăng vọt đã được hạn chế một phần nhờ các biện pháp hỗ trợ của chính phủ. Tuy nhiên, người tiêu dùng vẫn đối mặt với các hóa đơn cao bất thường, dù mùa Đông ở Bắc Bán cầu còn chưa tới.
Nhà phân tích tại tập đoàn tài chính Marex, Georgi Slavov, cho rằng hóa đơn năng lượng sẽ giảm, nhưng có độ trễ bởi các nhà cung cấp mua năng lượng từ thị trường bán buôn để bán cho người sử dụng cuối cùng.
Điều này có nghĩa mức giá khí đốt sẽ vẫn đắt đỏ như trong 3-6 tháng qua. Trừ phi tình hình lại xấu đi từ nay đến tháng 1/2023, giá tiêu dùng sẽ bắt đầu giảm trong quý I/2023. (AFP)
* Tờ The Telegraph đưa tin, Thủ tướng Vương quốc Anh Rishi Sunak đã sẵn sàng cho việc công bố thỏa thuận lớn về khí đốt với Mỹ sau Hội nghị COP27.
Theo thỏa thuận dự kiến sẽ hoàn tất trong 1-2 tuần tới, Mỹ sẽ cung cấp khoảng 10 tỷ m3 khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho Anh. Đầu tuần này, Mỹ nhất trí cung cấp 15 tỷ m3 LNG cho EU, góp phần hỗ trợ khu vực này khi dừng nhập khẩu năng lượng của Nga. (Reuters)
* Theo các nguồn tin, nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và Australia đã nhất trí áp mức giá cố định khi hoàn tất việc áp trần giá đối với dầu mỏ của Nga, thay vì thả nổi.
Mức giá ban đầu chưa được ấn định nhưng sẽ được đưa ra trong những tuần tới. Các đối tác trong liên minh đã nhất trí đánh giá định kỳ về mức giá này và điều chỉnh nếu cần.
* Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis) cho biết, sản xuất công nghiệp của nước này tăng đáng ngạc nhiên trong tháng 9/2022 bất chấp những lo ngại nền kinh tế đang trượt dốc trong bối cảnh chi phí năng lượng tăng cao.
Theo Destatis, sản xuất công nghiệp trong tháng 9/2022 tăng 0,6% so với tháng trước. Các số liệu điều chỉnh cho thấy sản lượng trong tháng 8/2022 đã giảm 1,2% so với tháng trước đó, nhiều hơn so với báo cáo trước đó.
Tuy nhiên, các nhà phân tích và quan chức vẫn bi quan về triển vọng của nền kinh tế Đức, khi cường quốc châu Âu này bị “kiệt quệ” bởi chi phí năng lượng tăng cao. Bộ Kinh tế Đức cho biết, lòng tin của các công ty vẫn còn rất thấp và nhu cầu đang sụt giảm đáng kể. (AFP)
Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc
* Ngày 8/11, chính phủ Nhật Bản đã thông qua dự thảo ngân sách bổ sung thứ hai trong tài khóa 2022 có tổng trị giá 29.090 tỷ Yen (khoảng 198 tỷ USD) để tài trợ cho gói kích thích kinh tế có tổng trị giá lên tới 71.600 tỷ Yen.
Trong gói kích thích kinh tế đó, tổng chi tiêu công, bao gồm đầu tư công và cho vay cũng như các khoản chi của các chính quyền địa phương, lên tới 39.000 tỷ Yen, trong đó có 29.090 tỷ Yen thuộc dự thảo ngân sách bổ sung thứ hai này. Phần còn lại là các khoản chi của khu vực tư nhân. (TTXVN)
* Bộ Tài chính Nhật Bản ngày 9/11 công bố báo cáo cho thấy, thặng dư tài khoản vãng lai của nước này trong 6 tháng đầu năm tài khóa 2022-2023, bắt đầu từ tháng 4/2022, đã giảm hơn 50% so với một năm trước đó, ở mức 4.850 tỷ Yen (33,29 tỷ USD).
Sự sụt giảm này là do chi phí nhập khẩu tăng vọt do đồng Yen liên tục suy yếu. Điều này đã góp phần khiến Nhật Bản thâm hụt thương mại khá lớn trong thời gian trên. (THX)
Cảng Pusan ở Busan, Hàn Quốc. (Nguồn: Reuters) |
* Cơ quan Thống kê Hàn Quốc ngày 9/11 công bố số liệu chính thức cho hay, tăng trưởng việc làm của nước này trong tháng 10/2022 tiếp tục chậm lại trong tháng thứ năm liên tiếp giữa bối cảnh bất ổn kinh tế gia tăng như lãi suất tăng.
Theo cơ quan này, số lao động có việc làm đạt 28.418.000 triệu người trong tháng 10/2022, tăng 677.000 người so với với cùng kỳ năm ngoái.
Số lao động có việc làm vẫn tiếp tục tăng trong 20 tháng kể từ tháng 3/2021, song mức tăng đã chậm lại từ 935.000 người trong tháng 5/2022 xuống 841.000 người trong tháng Sáu, 826.000 người trong tháng 7/2022, 807.000 người trong tháng Tám và 707.000 người trong tháng Chín. (THX)
Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
* Ngày 9/11, chính phủ Brazil thông báo, nước này dự kiến thu hoạch kỷ lục 288,1 triệu tấn ngũ cốc vào năm 2023, cao hơn 9,6% so với năm 2022 (262,8 triệu tấn).
Theo tính toán của Viện Địa lý và thống kê Brazil (IBGE), sản lượng ngũ cốc, đậu và hạt có dầu của quốc gia Nam Mỹ này trong vụ thu hoạch 2023 sẽ nhiều hơn 25,3 triệu tấn so với năm nay.
Nếu dự báo này trở thành hiện thực, quốc gia sản xuất và xuất khẩu lương thực lớn nhất thế giới này sẽ ghi nhận 2 năm thu hoạch kỷ lục liên tiếp (2022 và 2023) và khắc phục được những thiệt hại phải gánh chịu trong năm 2021 do điều kiện thời tiết bất lợi. (TTXVN)
* Nguồn tin của Bộ Thương mại Thái Lan cho biết, trong thời gian từ tháng 1-9/2022, nước này đã xuất khẩu được 5,41 triệu tấn gạo, tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt doanh thu 95,232 tỷ Baht ( 2,54 tỷ USD), tăng 36%.
Trong giai đoạn từ tháng 1-9/2022, Iraq đã trở thành thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Thái Lan với giá trị đơn hàng vận chuyển tăng tới 511%, đạt 15,405 tỷ baht.
Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái Lan dự báo nước này sẽ xuất khẩu 7 đến 8 triệu tấn gạo trong năm nay do giá đồng Baht yếu thúc đẩy cạnh tranh của Thái Lan so với Ấn Độ và Việt Nam. (TTXVN)
* Theo báo cáo nền kinh tế số Đông Nam Á (e-Conomy SEA 2022) do Google, Temasek và Bain & Company vừa công bố, Indonesia vẫn là địa điểm hấp dẫn các khoản đầu tư công nghệ.
Ngày 8/11, phát biểu tại một hội thảo trực tuyến, ông Fock Wai Hoong, Phó Giám đốc phụ trách công nghệ, người tiêu dùng và Đông Nam Á thuộc Temasek, đánh giá, nền kinh tế kỹ thuật số của Indonesia sẽ tiếp tục thu hút đầu tư nhờ các yếu tố cơ bản mạnh mẽ như cơ sở người dùng lớn, tích cực và hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ năng động.
Cũng theo ông Fock, năm 2022, Singapore và Indonesia sẽ là hai điểm đến đầu tư hàng đầu ở Đông Nam Á. Indonesia đã thu hút được 25% tổng giá trị tài trợ tư nhân trong khu vực và về lâu dài quốc gia này vẫn sẽ hấp dẫn với các nhà đầu tư cùng với Việt Nam và Philippines. (TTXVN)