📞

Kinh tế thế giới nổi bật (4-10/3): Hệ lụy từ các lệnh cấm nhập dầu của Nga; đồng Ruble thấp kỷ lục

Hải An 13:50 | 10/03/2022
Liên quan chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow ở Ukraine, Mỹ, Anh và nhiều nước châu Âu đồng loạt cấm nhập khẩu dầu từ Nga, EU tung nhiều biện pháp trừng phạt, đồng Ruble tiếp tục lao dốc… là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.

Kinh tế thế giới

Khả năng Mỹ cấm nhập khẩu dầu của Nga đã khiến giá dầu Brent tăng lên tới gần 140 USD/thùng, mức cao nhất kể từ năm 2008. Một lệnh cấm như vậy là chưa từng có, khiến giá dầu vốn đã rất cao sẽ cao hơn và sức ép lạm phát càng gia tăng. (Nguồn: CNN)

Giá dầu và lương thực tăng có thể khiến nền kinh tế toàn cầu đình trệ

Việc giá dầu và lương thực tăng mạnh bắt đầu từ trước khi Nga triển khai chiến dịch đặc biệt liên quan tới Ukraine có thể khiến nền kinh tế toàn cầu đình trệ như những năm 1970, với tăng trưởng chậm lại và lạm phát gia tăng.

Sự đình trệ sẽ bắt đầu với việc giá hàng hóa sản xuất và dịch vụ tăng mạnh theo giá vật liệu thô và năng lượng. Sự đình trệ này sẽ tiếp tục khi các nhà sản xuất tăng giá bán.

Tuy nhiên, mọi chuyện không dừng lại ở đó. Không thể mua hàng với mức giá cao, người tiêu dùng sẽ hạn chế chi tiêu, từ đó khiến nền kinh tế tăng trưởng chậm lại.

Sự đình trệ của kinh tế toàn cầu vào những năm 1970, khi nổ ra cuộc chiến ở Trung Đông, là ví dụ điển hình. Giai đoạn đình trệ này bắt đầu khi giá dầu tăng mạnh do Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cấm vận Mỹ và các đồng minh châu Âu của Israel.

Chỉ trong vài tháng, giá dầu thô tăng hơn ba lần, từ 3 USD lên 11 USD/thùng, từ đó gây ra làn sóng tăng giá trên toàn cầu, tiếp theo là tăng trưởng kinh tế chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp tăng.

Tình hình hiện nay khá giống với thời kỳ đó. Người phụ trách đầu tư của Bailard, Eric Leve, cho rằng kinh tế toàn cầu, và đặc biệt là châu Âu, có nguy cơ đình trệ như những năm 1970, khi giá hàng hóa tăng do các biện pháp trừng phạt và các biện pháp đáp trả. Điều này có thể khiến giá cả tăng, làm xấu thêm các vấn đề của chuỗi cung ứng và làm chậm tăng trưởng kinh tế.

Nhà phân tích Johan Palmberg của Hội đồng Vàng Thế giới cũng cùng chung nhận định về khả năng đình trệ, đặc biệt là với châu Âu, khi khu vực này tăng trưởng với tốc độ chậm và phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt nhập khẩu.

Ông cho rằng nguy cơ đình trệ đang gia tăng và châu Âu đang cảm nhận rõ nhất, khi giá hàng hóa tăng mạnh và điều kiện kinh tế cũng như tài chính yếu hơn. Trong khi đó, số liệu cho thấy kinh tế Mỹ vẫn vững.

Tuy nhiên, điều gây lo ngại là đường cong lợi suất trái phiếu của Mỹ đi ngang, trong khi đây thường là dấu hiệu về sự giảm sút của nền kinh tế.

Ông Palmberg cảnh báo các nhà đầu tư chứng khoán khi giá cổ phiếu chịu tác động mạnh nhất, trong khi vàng tăng giá do đây là tài sản dự phòng trước lạm phát. (Bloomberg)

Mỹ cấm nhập khẩu dầu của Nga có thể tác động đến kinh tế toàn cầu

Khả năng Mỹ cấm nhập khẩu dầu của Nga đã khiến giá dầu Brent tăng lên tới gần 140 USD/thùng, mức cao nhất kể từ năm 2008. Một lệnh cấm như vậy là chưa từng có, khiến giá dầu vốn đã rất cao sẽ cao hơn và sức ép lạm phát càng gia tăng.

Nga là nước đứng đầu thế giới về tổng lượng xuất khẩu dầu thô và khí đốt, với khoảng 7 triệu thùng/ngày, chiếm 7% nguồn cung toàn cầu.

JP Morgan dự báo giá dầu có thể chạm mức kỷ lục 185 USD/thùng vào cuối năm 2022 nếu sự gián đoạn xuất khẩu của Nga kéo dài.

Trong khi đó, nhà phân tích Giovanni Staunovo của UBS cho rằng, căng thẳng giữa Nga và Ukraine kéo dài gây ra những gián đoạn nguồn cung hàng hóa có thể khiến giá dầu Brent vượt mức 150 USD/thùng.

Với giá khí đốt đã chạm mức cao kỷ lục, chi phí năng lượng tăng mạnh được cho là sẽ đẩy lạm phát lên trên 7% ở cả Mỹ và châu Âu trong những tháng tới và làm giảm sức mua của người tiêu dùng.

Lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga cũng sẽ làm chậm hơn đà phục hồi của kinh tế toàn cầu.

Theo các tính toán sơ bộ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), căng thẳng Nga-Ukraine sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế ở Eurozone trong năm nay 0,3-0,4 điểm phần trăm trong kịch bản cơ sở và 1 điểm phần trăm nếu xảy ra một cú sốc nghiêm trọng.

Còn tại Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ước tính nếu giá dầu tăng 10 USD mỗi thùng, tăng trưởng kinh tế sẽ giảm 0,1 điểm phần trăm.

Với Nga, JPMorgan cho rằng những tác động có thể sẽ lớn và ngay lập tức, khi nền kinh tế giảm 12,5% từ mức đỉnh.

Với Fed, tác động đến lạm phát là quá lớn và Chủ tịch Fed, Jerome Powell, cho rằng lãi suất cần được nâng lên trong tháng này.

Với ECB, sức ép phải có hành động chính sách không khẩn cấp như vậy, với tình hình thị trường việc làm và lạm phát hiện nay. (Reuters)

Kinh tế Mỹ

* Nhà kinh tế đoạt giải Nobel Joseph Stiglitz và cựu quan chức Fed Lawrence Lindsey cùng cho rằng chính phủ Mỹ cần hỗ trợ tiền mặt cho người tiêu dùng khi lạm phát và giá năng lượng tăng vọt. Theo hai ông, một động thái như vậy là cần thiết đối với nền kinh tế.

Ông Stiglitz ủng hộ việc hoàn thuế một lần cho những người lao động có thu nhập trung bình và thấp. Trong khi đó, ông Lindsey, muốn chính phủ thực hiện một đợt hỗ trợ mới cho người dân như trong giai đoạn dịch, khi số tiền tiết kiệm của họ sẽ cạn vào cuối năm nay. Ông đề xuất số tiền hỗ trợ có thể là 1.000 USD. (Bloomberg)

* Ngày 7/3, một phái đoàn cấp cao của chính phủ Mỹ đã có chuyến công du tới Caracas để thảo luận với quan chức Venezuela về quan hệ song phương, trong đó có các vấn đề liên quan tới cung cấp năng lượng trong bối cảnh Washington đang tìm cách giảm phụ thuộc vào nguồn dầu mỏ nhập khẩu từ Nga.

Đây là lần đầu tiên Mỹ và Venezuela tổ chức một cuộc gặp cấp cao công khai kể từ sau khi hai bên cắt đứt quan hệ ngoại giao hồi đầu năm 2019. Chuyến thăm của Mỹ tới Venezuela là nhằm tìm kiếm phương án thay thế nguồn dầu mỏ nhập khẩu từ Nga. (TTXVN)

* Ngày 7/3, các quan chức của OPEC đã gặp các nhà điều hành một số công ty dầu đá phiến Mỹ tại một hội nghị về năng lượng hàng đầu ở Mỹ trong bối cảnh giá năng lượng đang tăng cao do lo ngại về nguồn cung. (Reuters)

* Ngày 8/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden chính thức công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ và các nguồn năng lượng khác của Nga. Trước đó, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cảnh báo, giá dầu có thể tăng lên mức hơn 300 USD/thùng nếu Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cấm nhập khẩu dầu từ Nga.

Kinh tế Trung Quốc

* Tổng cục Hải quan Trung Quốc ngày 7/3 cho biết, xuất khẩu hàng hóa của nước này trong tháng 1 và tháng 2 đã tăng tổng cộng 16,3% nhờ nhu cầu toàn cầu gia tăng và thương mại với Nga tăng mạnh giữa bối cảnh căng thẳng tại Ukraine tiếp tục leo thang.

Cũng trong giai đoạn này, nhập khẩu của Trung Quốc tăng 15,5% lên 428,75 tỷ USD, thặng dư thương mại 115,95 tỷ USD. Bắc Kinh hôm 5/3 đã đặt mục tiêu GDP tăng trưởng 5,5% trong năm nay. (AFP)

* Ngày 9/3, Trung Quốc tỏ rõ ý định tiếp tục mua dầu thô và khí đốt tự nhiên từ Nga, một ngày sau khi Mỹ quyết định cấm nhập khẩu dầu và năng lượng khác của Nga do chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow ở Ukraine.

Hiện Trung Quốc là nhà nhập khẩu năng lượng lớn nhất của Nga. (Kyodo)

Kinh tế châu Âu

* Tổng thư ký Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) Mohammad Barkindo mới đây cảnh báo rằng thế giới không thể thay thế lượng dầu xuất khẩu của Nga, đồng thời kêu gọi phi chính trị hóa năng lượng.

Tại hội nghị năng lượng thường niên CERAWeek lần thứ 40 diễn ra ở Houston (Mỹ) ngày 7/3, ông Barkindo nhận định, vấn đề cấp thiết giờ đây là khả năng bù đắp sự thiếu hụt hiện tại của thế giới.

Lưu ý rằng Nga đang xuất khẩu 7-8 triệu thùng dầu mỗi ngày, ông Barkindo cho biết, Moscow không thể duy trì lượng xuất khẩu dầu như vậy với các lệnh trừng phạt tài chính. (THX)

* Theo hãng thông tấn Czech (ČTK), các Thủ tướng của nhóm Visegrad nhất trí với người đồng cấp Anh Boris Johnson về sự cần thiết phải giảm sự phụ thuộc năng lượng vào Nga và hành động chung ứng phó với chiến dịch đặc biệt của Nga liên quan tới Ukraine. Nhóm Visegrad (V4) gồm Czech, Slovakia, Ba Lan, Hungary.

Phát biểu với báo chí sau cuộc họp ngày 8/3 tại London, Thủ tướng Czech Petr Fiala cho biết, các nhà lãnh đạo nhất trí quan điểm xem xét cần thiết thêm các biện pháp trừng phạt Nga, tăng cường hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực an ninh mạng. (TTXVN)

Quan chức OPEC mới đây cảnh báo rằng thế giới không thể thay thế lượng dầu xuất khẩu của Nga. (Nguồn :Reuters)

* Chính phủ Anh ngày 8/3 thông báo nước này sẽ chấm dứt nhập khẩu dầu mỏ và các sản phẩm chế biến từ dầu mỏ của Nga vào cuối năm nay. Tuy nhiên, Anh chưa cấm nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ Nga, vốn chiếm khoảng 4% nguồn cung ở Anh. (AFP)

* Cũng trong ngày 8/3, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố kế hoạch cắt giảm 2/3 lượng khí đốt mà EU nhập khẩu từ Nga trong năm nay và chấm dứt sự phụ thuộc vào nguồn cung nhiên liệu của Nga “trước năm 2030”.

Theo EC, mục tiêu trên sẽ được thực hiện bằng cách chuyển sang các nguồn cung cấp thay thế và mở rộng nguồn năng lượng sạch nhanh hơn so với kế hoạch. Biện pháp này phần lớn sẽ do chính phủ các quốc gia thành viên EU chịu trách nhiệm thực hiện. Hiện Nga cung cấp khoảng 40% nhu cầu khí đốt của EU. (Reuters)

* Giám đốc điều hành công ty dịch vụ tài chính Sovereign Wealth Management Gary Korolev ngày 9/3 cho rằng, các nước châu Âu không thể áp đặt lệnh cấm hoàn toàn dầu và các sản phẩm năng lượng khác của Nga. Tuy nhiên, trong trường hợp thực hiện, biện pháp này sẽ chỉ kéo dài trong thời gian ngắn do một động thái như vậy có thể gây tổn hại cho nền kinh tế các nước này.

Ông Korolev cũng lưu ý việc Nga cung cấp 27% nhu cầu dầu của EU trong năm 2019 và việc bù vào khoảng trống này trong trường hợp thực hiện lệnh cấm sẽ rất khó khăn và tốn kém. (TTXVN)

* Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock ngày 8/3 nói, lý do khiến Đức quyết định không cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Nga là bởi biện pháp trừng phạt này (nếu được triển khai) có thể khiến một số hoạt động kinh tế của Đức gặp khó khăn.

Bà Baerbock nói: “Nếu chúng ta dừng ngay việc nhập khẩu dầu mỏ từ Nga, thì ngày mai chúng ta sẽ không thể di chuyển trong nước Đức được nữa”. (TTXVN)

* Ngày 9/3, hãng tin AFP (Pháp) dẫn các nguồn tin ngoại giao cho biết, EU nhất trí bổ sung một số quan chức và những người có ảnh hưởng tại Nga vào danh sách trừng phạt, siết chặt các quy định về chuyển tiền điện tử và nhắm tới lĩnh vực hàng hải của nước này.

EU cũng nhất trí đưa ba ngân hàng Belarus ra khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT. Khối này cũng bổ sung danh sách các công nghệ bị cấm xuất khẩu tới Nga.

Về phần mình, Nga gọi các biện pháp trừng phạt của phương Tây là thiếu thân thiện và phản ứng mạnh mẽ trước những quyết định này. (TTXVN)

* Trong phiên giao dịch ngày 9/3 tại Moscow và trên thế giới, đồng Ruble của Nga tiếp tục rơi xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD và đồng Euro.

Cụ thể, trên thị trường hối đoái Moscow, giá đồng Ruble đã giảm hơn 10% so với mức chốt phiên giao dịch ngày 4/3, ở mức 117,2 Ruble đổi 1 USD. So với đồng Euro, đồng Ruble mất hơn 1% giá trị, xuống còn 120,3 Ruble đổi 1 Euro.

Thị trường tài chính Nga đã rơi vào tình trạng khủng hoảng do các biện pháp trừng phạt kinh tế mà các phương Tây áp đặt với nước này. (TTXVN)

* Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch ngày 8/3 đã một lần nữa hạ bậc xếp hạng nợ chính phủ của Nga xuống mức "có rủi ro cao", từ "B" xuống "C", cho hay quyết định này phản ánh nguy cơ vỡ nợ “sắp xảy ra”.

Trong một thông báo, Fitch cho hay mức xếp hạng “C” phản ảnh nguy cơ vỡ nợ sắp xảy ra và tình hình đang diễn ra hiện nay cho thấy sự sẵn sàng trong việc trả nợ chính phủ của Nga đang giảm xuống. (AFP)

Trong phiên giao dịch ngày 9/3 tại Moscow và trên thế giới, đồng Ruble của Nga tiếp tục rơi xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD và đồng Euro. (Nguồn: Crypto insider)

Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc

* Cố vấn kinh tế Etsuro Honda của cựu Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo cho biết, Nhật Bản cần bổ sung khoản chi tiêu mới khoảng 10 nghìn tỷ Yen (87 tỷ USD) để củng cố nền kinh tế đang gặp khó khăn do cuộc khủng hoảng Ukraine gây ra.

Ông Honda cho rằng nên bổ sung số tiền này vào ngân sách càng sớm càng tốt. (Japan Times)

* Ngày 9/3, Văn phòng Nội các Nhật Bản đã công bố số liệu chính thức về tình hình kinh tế trong quý IV/2021, theo đó trong kỳ báo cáo, GDP thực tế của nước này chỉ tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước đó, thấp hơn 0,8 điểm phần trăm so với con số ước tính ban đầu mà cơ quan này đã công bố hôm 15/2.

Kết quả là tính chung cả năm 2021, GDP thực tế của Nhật Bản chỉ tăng 1,6%, giảm 0,1 điểm phần trăm so với ước tính ban đầu. (TTXVN)

* Hàn Quốc ngày 7/3 đã thắt chặt các biện pháp trừng phạt tài chính đối với Nga, với quyết định cấm tất cả các giao dịch với Ngân hàng Trung ương Nga.

Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã quyết định sẽ đóng bằng bất cứ tài sản nào mà Ngân hàng trung ương Nga đang nắm giữ bằng đồng Won, và ngừng mọi giao dịch với ngân hàng này, sau các động thái tương tự từ Mỹ và EU. (Reuters)

Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

* Viện Địa lý và Thống kê Mexico (INEGI) ngày 9/3 thông báo, tỷ lệ lạm phát ở nước này tiếp tục “phi mã” khi lên đến 7,28% vào tháng 2 vừa qua và là mức cao nhất trong vòng 22 năm qua.

Tỷ lệ lạm phát tăng mạnh do chịu áp lực bởi sự tăng giá của nhiều mặt hàng lương thực cơ bản, nông sản và nhiên liệu khi ghi nhận mức tăng bình quân 9,34%; trong khi giá dịch vụ và hàng hóa tăng từ 4,62%-8,34%. (TTXVN)

* Ngày 8/3, Chủ tịch Cơ quan Dịch vụ Tài chính Indonesia (OJK) Wimboh Santoso cho biết, người dân nước này sẽ được hưởng lãi suất tín dụng thấp hơn khi mua ô tô điện hoặc xe máy điện.

Chính sách nói trên được áp dụng nhằm hỗ trợ chương trình phân loại xanh và kế hoạch trung hòa carbon vào năm 2060. Đây cũng là một trong những nỗ lực của chính phủ trong chương trình Phục hồi Kinh tế quốc gia (PEN). (TTXVN)

* Giá trị xuất khẩu của Thái Lan đã tăng hơn 200% trong tháng thứ hai kể từ khi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực, với tổng kim ngạch xuất khẩu RCEP đạt hơn 1,16 tỷ Baht (khoảng 35 triệu USD).

Giá trị trên được ước tính từ các đơn đăng ký của các nhà xuất khẩu đang tìm cách thực hiện các quyền của họ theo hiệp định RCEP. (TTXVN)

* Theo Cơ quan Phát triển Đầu tư Malaysia (MIDA), trong năm 2021, nền kinh tế Đông Nam Á này đã ghi nhận số vốn đầu tư được phê duyệt đạt mức kỷ lục trị giá 306,5 tỷ Ringgit (73,23 tỷ USD), trong đó đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và các dự án trong lĩnh vực sản xuất cùng điện, điện tử đóng vai trò là các động lực chính. (TTXVN)