Năm 2023, đứng đầu trong thương mại với Nga là Trung Quốc với giá trị trao đổi hàng hóa 240,1 tỷ USD. (Nguồn: RIA) |
Kinh tế thế giới
IMF: Tốc độ tăng trưởng toàn cầu tiếp tục sụt giảm hơn nữa
Ngày 10/4, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chỉ ở mức 2,8% vào năm 2030, nếu các nước không tiến hành những cải cách lớn để thúc đẩy năng suất và các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI).
Trong Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới (WEO), dự kiến công bố vào ngày 16/4 tới, IMF chỉ ra rằng, tốc độ tăng trưởng toàn cầu tiếp tục sụt giảm hơn nữa, sau khi có xu hướng chậm lại kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009.
Cách đây 1 năm, IMF dự báo tăng trưởng trung hạn của kinh tế thế giới sẽ dao động ở mức 3%. Dự báo mới của tổ chức này đã phản ánh những điều chỉnh giảm đối với tăng trưởng trung hạn ở tất cả các nhóm thu nhập và khu vực, đặc biệt là tại các nền kinh tế thị trường mới nổi.
Viễn cảnh tăng trưởng ở mức thấp kéo dài cùng với lãi suất ở mức cao sẽ cản trở nỗ lực của chính phủ các nước trong việc chống lại xu hướng đi xuống của nền kinh tế và đầu tư vào các sáng kiến phúc lợi xã hội hoặc môi trường. Theo IMF, tất cả những yếu tố này cùng với những yếu tố bất lợi khác từ sự phân mảnh về địa kinh tế cùng chính sách công nghiệp và thương mại đơn phương sẽ khiến kinh tế toàn cầu khó khăn hơn.
IMF kêu gọi các quốc gia có hành động khẩn cấp để ngăn chặn nguy cơ kinh tế toàn cầu suy yếu, đồng thời cảnh báo viễn cảnh này ảnh hưởng đến triển vọng về mức sống và nỗ lực giảm đói nghèo toàn cầu.
Theo dự báo của IMF, tăng trưởng nguồn cung lao động toàn cầu sẽ chỉ đạt 0,3% vào năm 2030, chưa bằng 1/3 mức trung bình trong thập kỷ trước đại dịch Covid-19. Báo cáo của IMF còn nhận định rằng việc khai thác tiềm năng của AI để thúc đẩy năng suất lao động có thể giúp tăng trưởng kinh tế toàn cầu tăng thêm 0,8 điểm phần trăm tùy thuộc vào việc áp dụng và tác động của AI đối với lực lượng lao động.
Kinh tế Mỹ
* Giá tiêu dùng tại Mỹ tăng cao hơn dự kiến trong tháng 3/2024, chủ yếu do giá xăng dầu và chi phí nhà ở tăng. Điều này đang làm dấy lên hoài nghi về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 6 tới.
Cụ thể, báo cáo mới nhất của Bộ Lao động Mỹ cho hay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 3 vừa qua tăng 0,4%, sau mức tăng tương tự hồi tháng 2/2024. Tính trong 12 tháng qua, CPI của Mỹ trong tháng 3 tăng 3,5%, cách khá xa so với mục tiêu lạm phát mà Fed đặt ra là 2%.
* Các doanh nghiệp Mỹ đã tạo thêm 303.000 việc làm trong tháng 3. Số liệu cho thấy tăng trưởng việc làm của nền kinh tế số 1 thế giới đã đạt mức cao nhất trong gần một năm, vượt xa dự báo của giới chuyên gia. Điều này làm tăng khả năng Fed sẽ trì hoãn kế hoạch cắt giảm lãi suất. Ngoài ra, Fed cũng có thể cân nhắc giảm lãi suất ít hơn trong năm nay so với dự đoán.
Kinh tế Trung Quốc
* Theo công ty tư vấn vận tải Veson Nautical, số lượng đơn đặt tàu chở hàng từ các nhà sản xuất ô tô và hãng dịch vụ vận chuyển Trung Quốc đã chạm mức kỷ lục, nhờ sự bùng nổ của hoạt động xuất khẩu xe điện của thị trường lớn nhất châu Á ra thế giới. Đây cũng là tiền đề hỗ trợ nước này hiện thực hóa mục tiêu xây dựng đội tàu thương mại lớn thứ tư thế giới vào năm 2028.
Dữ liệu từ Veson Nautical cho thấy, Trung Quốc đang sở hữu đội tàu chở hàng lớn thứ tám thế giới, với 33 chiếc tàu chuyên dụng để chở ô tô.
Tin liên quan |
Không còn khí đốt Nga, Đức và Pháp hết thời, thế cờ được lật ngược, đã tới lúc châu Âu ‘nương tựa’ vào những quốc gia này |
* Theo Chỉ số kỳ lân toàn cầu Hurun 2024 được công bố ngày 9/4, trong năm 2023, tại Trung Quốc đã có thêm 56 doanh nghiệp "kỳ lân". Điều này đồng nghĩa trong năm qua, mỗi tuần Trung Quốc có thêm hơn một doanh nghiệp "kỳ lân".
Chỉ số Kỳ lân toàn cầu 2024 là bảng xếp hạng các công ty khởi nghiệp trên thế giới được thành lập sau năm 2000 có giá trị ít nhất 1 tỷ USD. Trên toàn thế giới hiện có tổng cộng 1.453 doanh nghiệp "kỳ lân" với tổng giá trị trên thị trường là 4.600 tỷ USD.
Chỉ tính riêng tại Trung Quốc đã có 340 doanh nghiệp "kỳ lân", đứng thứ 2 trên toàn cầu sau Mỹ, quốc gia có 703 doanh nghiệp loại này. Các doanh nghiệp "kỳ lân" của Trung Quốc chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), bán dẫn và năng lượng mới.
Kinh tế châu Âu
* Lạm phát tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) tăng chậm hơn dự kiến, củng cố triển vọng cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào tháng 6.
Báo cáo về lạm phát cũng bổ sung bằng chứng cho thấy các nhà hoạch định chính sách đang hướng tới việc đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2%, cho phép họ sớm dỡ bỏ một số hạn chế cần thiết.
* Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đang tìm cách thu hút các nước đang phát triển tham gia vào quan hệ đối tác nhằm điều chỉnh các biện pháp cung cấp nguyên liệu thô quan trọng.
Tại cuộc họp Hội đồng Thương mại và công nghệ EU-Mỹ (TTC) diễn ra hôm 5/4 tại Bỉ, hai bên đã ra mắt Diễn đàn đối tác an ninh khoáng sản (MSP) với sự tham dự của 24 quốc gia.
Theo Phó Chủ tịch EC Dombrovskis, EU và Mỹ đưa ra một đề nghị mới và có khả năng tốt hơn cho các nước đang phát triển nhằm tạo ra nhiều giá trị gia tăng hơn cho các quốc gia này.
EU đang cố gắng đạt được sự độc lập (về nguồn cung nguyên liệu thô quan trọng) của riêng mình, một phần thông qua quan hệ đối tác trực tiếp với các quốc gia như Na Uy. Hơn nữa, khối sẽ sớm ký kết quan hệ đối tác về nguyên liệu thô quan trọng với Australia và sắp ký kết quan hệ đối tác sâu hơn với ít nhất ba quốc gia khác.
* Theo kết quả năm 2023, các nước phương Tây đã không còn giữ những vị trí đầu tiên trong số các đối tác thương mại của Liên bang Nga. Ba vị trí hàng đầu thuộc về Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo số liệu của Cơ quan Hải quan liên bang, tổng kim ngạch trao đổi hàng hóa của Nga năm 2023 đạt 710,1 tỷ USD. Trong đó, 51% thuộc về các nước châu Á, châu Âu (23%), vùng Cận Đông (11%), các quốc gia lân cận (8%), châu Mỹ (4%) và châu Phi (3%).
Đứng đầu trong thương mại với Nga là Trung Quốc với giá trị trao đổi hàng hóa 240,1 tỷ USD. Ấn Độ từ vị trí thứ 5 vươn lên thứ 2 với 64,9 tỷ USD (tăng 1,8 lần), trong đó xuất khẩu dầu từ Nga sang Ấn Độ tăng gấp đôi. Thổ Nhĩ Kỳ đứng thứ ba với 56,5 tỷ USD. Cùng với Belarus và Kazakhstan, 5 nước này chiếm 60% tổng kim ngạch hàng hóa của xứ sở bạch dương trong năm 2023.
* Bỉ - nước hiện giữ chức Chủ tịch luân phiên EU cho biết, ngày 8/4 các quốc gia EU và Nghị viện châu Âu (EP) đã nhất trí về những hạn chế cứng rắn hơn đối với một số mặt hàng nông sản nhập khẩu từ Ukraine.
Thỏa thuận đặt mức trần đối với lượng nhập khẩu gia cầm, trứng, đường, ngô, ngũ cốc và mật ong từ Ukraine, dựa trên mức trung bình từ giữa năm 2021 đến cuối năm 2023.
Pháp và Ba Lan ban đầu tranh luận về hạn chế đối với lúa mì. Song thỏa thuận trên không đặt ra giới hạn nào cho mặt hàng này.
Một ủy ban của EP sẽ họp thảo luận về vấn đề này trong ngày 9/4 trước khi đưa ra quyết định phê duyệt chính thức.
Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc
* Số lượng công ty niêm yết trên thị trường cao cấp Prime của Sở giao dịch chứng khoán Tokyo (TSE) đã giảm 20% kể từ thời điểm tiến hành cải tổ hai năm trước, do các tiêu chuẩn cao hơn được áp dụng với các blue-chip của Nhật Bản.
Tính tới cuối tháng 3/2024, có tổng cộng 1.650 công ty được niêm yết trên thị trường Prime, mức thấp nhất đối với nhóm hàng đầu của TSE trong 12 năm.
* Ủy ban Thương mại công bằng Hàn Quốc (KFTC) đã khởi xướng một cuộc điều tra về lĩnh vực AI trong nước. Cụ thể, KFTC sẽ xem xét kỹ lưỡng các ứng dụng AI chi phối thị trường như ChatGPT và Gemini để xác định xem liệu tình trạng độc quyền và gây tổn hại cho người tiêu dùng có xảy ra hay không.
Đặc biệt, KFTC dự định hướng sự chú ý của mình tới các công ty AI nước ngoài đang tích cực tham gia vào thị trường nội địa. OpenAI, nổi tiếng với việc phát triển ChatGPT, giữ một vị trí nổi bật trong thị trường AI toàn cầu. Theo sát phía sau là Gemini của Google.
* Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI) - một cơ quan tư vấn chính sách quốc gia, hôm 7/4 cho biết rằng, mặc dù chi tiêu tiêu dùng và đầu tư tư nhân vẫn còn yếu, song xuất khẩu của nước này đã tăng trưởng nhanh chóng, nhờ sự phục hồi mạnh mẽ trong lĩnh vực bán dẫn.
Theo báo cáo đánh giá kinh tế hàng tháng của KDI cho biết, nền kinh tế Hàn Quốc, vốn đang trải qua thời kỳ suy thoái vừa phải, được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng nhanh trong xuất khẩu, đặc biệt là từ lĩnh vực công nghệ thông tin.
Trong tháng 3, xuất khẩu đã tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái nhờ doanh số bán chip tăng mạnh, đánh dấu mức tăng hàng tháng thứ sáu liên tiếp. Sản lượng công nghiệp tăng tháng thứ tư liên tiếp khi tăng 1,3% so với tháng trước nhờ sản lượng bán dẫn tăng. So với cùng kỳ năm trước, sản lượng khai thác và sản xuất đã tăng 4,8% trong tháng 2 do sản lượng chất bán dẫn tăng 65,3% so với cùng kỳ năm trước.
Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
* Người đứng đầu Cơ quan Lương thực quốc gia Indonesia (Bapanas) Arief Prasetyo Adi ngày 4/4 cho biết, chương trình hỗ trợ gạo cho người dân đang tiến triển tích cực, góp phần kiểm soát giá cả.
Hết quý I/2024, chính phủ Indonesia đã phân phối 641.000 tấn gạo theo chương trình hỗ trợ gạo năm 2024. Ông Adi cho hay, mục tiêu của chương trình trên là hỗ trợ trung bình 10 kg gạo mỗi người cho khoảng 22 triệu người dân đang gặp khó khăn trong cuộc sống.
Chương trình hỗ trợ trước đó đã được triển khai vào năm 2023 theo hai giai đoạn, được tiếp tục trong quý I/2024 và có thể tiếp tục trong quý II/2024 nếu ngân sách nhà nước vẫn đủ khả năng hỗ trợ.
* Theo Tiến sĩ Mohd Harridon Mohamed Suffian, chuyên gia công nghệ hàng không vũ trụ thuộc Viện Hàng không Kuala Lumpur, Malaysia cần chuẩn bị cho việc thu thuế carbon các hãng hàng không có hiệu lực ngay sau khi Ủy ban Hàng không Malaysia (MAVCOM) đưa ra đánh giá cần thiết.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Malaysia Anthony Loke gần đây cho biết thuế carbon có thể được áp dụng sau khi MAVCOM thực hiện các sửa đổi cần thiết đối với Quy định MAVCOM (Quy tắc ứng xử) năm 2018.
Nhà kinh tế Mohd Harridon cho biết thuế carbon được coi là chiến lược tốt để giảm lượng khí thải carbon tổng thể của Malaysia.
* Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan đang kỳ vọng giá gạo thế giới sẽ tăng trong quý II năm nay do ảnh hưởng của hiện tượng khí hậu El Niño và lệnh hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ.
Xuất khẩu gạo của Thái Lan đạt 2,5 triệu tấn trong quý I/2024, do các nhà xuất khẩu cam kết giao một số lượng lớn, đặc biệt là gạo trắng, sang các thị trường lớn ở Đông Nam Á như Indonesia, Philippines và Malaysia, cũng như châu Phi và Trung Đông.
Tính đến ngày 27/3/2024, giá gạo trắng Thái Lan được báo ở mức 601 USD/tấn, trong khi giá gạo của Việt Nam và Pakistan lần lượt ở mức 582-586 USD/tấn và 605-609 USD/tấn. Giá gạo đồ của Thái Lan là 606 USD/tấn, trong khi giá gạo đồ từ Ấn Độ và Pakistan lần lượt nằm trong khoảng 551-555 USD/tấn và 618-622 USD/tấn.
* Theo một báo cáo do Bộ Nội vụ Singapore công bố ngày 10/4, trong năm 2023, cơ quan chức năng nước này đã ghi nhận 9.783 vụ lừa đảo qua thương mại điện tử, tăng gấp đôi so với con số 4.762 vụ của năm 2022. Gần 50% vụ lừa đảo này xảy ra trên mạng xã hội Facebook, với số vụ tăng tới 4.550 vụ so với 1.138 vụ của năm 2022.
Báo cáo đánh giá trên được thực hiện dựa trên 4 tiêu chí gồm xác thực người dùng, an toàn giao dịch, khả năng có sẵn của các kênh khắc phục thiệt hại do lừa đảo và hiệu quả của các biện pháp chống lừa đảo trên các trang web mua sắm. Facebook được xếp hạng ở mức thấp nhất, trong khi các trang mua sắm trực tuyến như Amazon, Lazada, Qoo10 và Shopee được đánh giá cao nhất.
| Kinh tế thế giới nổi bật (29/3-4/4): Nợ công của Nga thấp hơn phương Tây, thành viên NATO đề xuất hỗ trợ Ukraine, Trung Quốc khả năng vượt Mỹ Giá khí đốt thấp kỷ lục, Nga vẫn vững mạnh, Estonia đề xuất các đồng minh NATO trích 0,25% GDP hỗ trợ quân sự cho ... |
| Tin vắn kinh tế: Iran-Thổ Nhĩ Kỳ gia hạn hợp đồng khí đốt, Australia cảnh báo tình trạng lừa đảo hoá đơn, nhân viên lái tàu Anh đình công Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin vắn kinh tế thế giới nổi bật mới nhất. |
| Giá tiêu hôm nay 10/4/2024, thị trường biến động, giá trị nội tại của nông sản Việt đã sang trang mới Giá tiêu hôm nay 10/4/2024 tại thị trường trong nước bất ngờ giảm ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 91.500 – ... |
| Giá tiêu hôm nay 11/4/2024, lực bán tăng cuối vụ; quý I/2024, giá tiêu Việt xuất khẩu tăng hơn 35% so với cùng kỳ Giá tiêu hôm nay 11/4/2024 tại thị trường trong nước nối dài đà giảm ở một số địa phương trọng điểm, giao dịch từ 90.500 ... |
| Bất động sản mới nhất: Đất nền ‘đảo chiều’, thị trường liệu có ‘bong bóng’? Chung cư Hà Nội tăng 9%/năm, siết chặt hoạt động môi giới “Băng” đất nền đã tan, thị trường đón dòng tiền lớn, giá chung cư Hà Nội tăng vùn vụt, đề xuất siết chặt hoạt động ... |