📞

Kinh tế thế giới nổi bật (6-12/1): Nga không làm ăn với thương nhân tuân thủ giá trần dầu, Đức đủ khí đốt, Mỹ thoát suy thoái

Hải An 13:29 | 12/01/2023
Giá dầu thô sẽ tiếp tục giảm, lạm phát Mỹ hạ nhiệt, Đức dự trữ đủ khí đốt cho mùa Đông, Nga không hợp tác với thương nhân tuân thủ hạn chế giá dầu... là những tin kinh tế thế giới nổi bật tuần qua.
Bộ Năng lượng Liên bang Nga không loại trừ khả năng áp dụng các biện pháp bổ sung để hạn chế việc giảm giá dầu của nước này. Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Kinh tế thế giới

Dự trữ dầu toàn cầu sẽ tăng trong hai năm tới

Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) ngày 10/1 dự báo dự trữ dầu toàn cầu sẽ tăng trong hai năm tới với sản lượng dầu toàn cầu nhiều hơn mức tiêu thụ. Trong báo cáo Triển vọng năng lượng ngắn hạn (STEO) tháng 1, EIA cho biết giá dầu thô sẽ tiếp tục giảm.

Báo cáo dự báo lượng nhiên liệu lỏng toàn cầu sẽ đạt mức trung bình 102,8 triệu thùng/ngày vào năm 2024, tăng từ 100 triệu thùng/ngày vào năm 2022, do sản lượng ngoài Tổ chức các xước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tăng trưởng mạnh.

Tuy nhiên, báo cáo lưu ý về sự thiếu chắc chắn nguồn cung dầu của Nga, đặc biệt là vào đầu năm 2023. STEO dự kiến mức tiêu thụ nhiên liệu lỏng trên toàn cầu sẽ tăng từ mức trung bình 99,4 triệu thùng/ngày trong năm 2022 lên 102,2 triệu thùng/ngày trong năm 2024.

EIA cho biết, những lo ngại liên tục về điều kiện kinh tế toàn cầu cũng như nới lỏng chính sách kiểm soát dịch Covid-19 tại Trung Quốc đã làm tăng sự thiếu chắc chắn về kết quả dự báo nhu cầu.

Đối với giá dầu thô, giá dầu Brent được dự báo sẽ ở mức trung bình 83 USD/thùng trong năm 2023, giảm 18% so với năm 2022 và tiếp tục giảm xuống 78 USD/thùng vào năm 2024 do tồn kho dầu toàn cầu tăng lên, gây áp lực giảm đối với giá dầu thô.

Báo cáo dự báo giá xăng bán lẻ trung bình tại Mỹ khoảng 3,3 USD/gallon (1 gallon = 3,78 lít) trong năm 2023 và 3,1 USD/gallon trong năm 2024. Trong khi đó, giá dầu diesel bán lẻ trung bình sẽ ở mức 4,2 USD/gallon trong năm 2023, giảm 16% so với năm 2022 và tiếp tục giảm xuống 3,7 USD/gallon trong năm 2024.

EIA dự báo giá khí tự nhiên giao ngay tại Henry Hub trung bình dưới 5 USD/MMBtu trong năm 2023, giảm gần 25% so với năm ngoái, do tiêu dùng trong nước giảm và xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) không tăng mạnh.

EIA cũng dự báo rằng tỷ lệ sản xuất điện từ than của Mỹ sẽ giảm từ 20% vào năm 2022 xuống còn 18% vào năm 2023 và 17% vào năm 2024. Để bù đắp, tỷ lệ đóng góp của sản xuất điện từ gió và Mặt trời sẽ tăng từ 16% năm 2023 lên 18% vào năm 2024. (THX)

Kinh tế Mỹ

* Theo Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Michelle Bowman, tỷ lệ thất nghiệp vẫn thấp dù lãi suất tăng và lạm phát giảm là dấu hiệu cho thấy giá tiêu dùng có thể hạ nhiệt mà nền kinh tế không suy thoái mạnh.

Fed đã nhiều lần tăng lãi suất trong năm ngoái nhằm kiểm soát lạm phát ở mức cao kỷ lục nhiều thập kỷ, thông qua việc làm giảm tốc nền kinh tế lớn nhất thế giới nhưng không gây ra suy thoái.

Trong tuần trước, Bộ Lao động Mỹ công bố số liệu cho thấy số việc làm mới vẫn cao trong tháng 12/2022, trong khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 3,5%. Trong khi đó, Fed đã tăng lãi suất từ gần 0% lên 4,25-4,5%. (AFP)

* Trong tuần này, các ngân hàng khổng lồ của Mỹ dự kiến sẽ báo cáo lợi nhuận quý IV/2022 thấp hơn khi họ đang chuẩn bị quỹ dự phòng để ứng phó với nguy cơ suy thoái kinh tế.

Bốn "gã khổng lồ" trong ngành ngân hàng Mỹ gồm JPMorgan Chase & Co, Bank of America Corp, Citigroup Inc và Wells Fargo & Co sẽ báo cáo doanh thu vào ngày 13/1. Cùng với Morgan Stanley và Goldman Sachs, 6 ngân hàng lớn nhất nước Mỹ này dự kiến xây dựng quỹ dự phòng trị giá 5,7 tỷ USD để chuẩn bị cho các khoản vay khó đòi, cao hơn gấp đôi so với 2,37 tỷ USD được dành ra một năm trước.

Theo Refinitiv, sáu ngân hàng trên dự kiến sẽ báo cáo lợi nhuận ròng trong quý IV giảm trung bình 17% so với một năm trước. (Reuters)

Kinh tế Trung Quốc

* Giám đốc điều hành Torsten Muller-Otvos của Rolls-Royce cho biết, Trung Quốc dự kiến sẽ vượt Mỹ trở thành thị trường lớn nhất thế giới của nhà sản xuất ô tô hạng sang từ Anh.

Với nhận định số liệu bán xe năm 2022 là "một kỷ lục tuyệt vời", ông Muller-Otvos cho rằng, doanh nghiệp này đang có vị thế tốt và đã đạt được kết quả tuyệt vời về cơ bản ở tất cả các thị trường trên toàn thế giới. Tuy vậy, ông Muller-Otvos lạc quan một cách thận trọng khi nhìn vào triển vọng kinh doanh của năm 2023 và xa hơn nữa.

Nhà sản xuất ô tô hạng sang này sẽ mở ba đại lý mới ở Trung Quốc và sẽ mở văn phòng riêng thứ hai bên ngoài Vương quốc Anh tại Trung Quốc trong năm 2023.

Năm 2022, Rolls-Royce Motor Cars đã bán được 6.021 xe hạng sang cho các khách hàng ở khoảng 50 quốc gia và đạt doanh số cao kỷ lục trong lịch sử hoạt động 118 năm của doanh nghiệp này. Trong đó, 35% doanh số bán xe được thực hiện ở Mỹ, 25% ở Trung Quốc (khoảng 1.500 xe), 20% ở châu Âu và 10% ở Trung Đông. (THX)

* Điện thoại thông minh (smartphone) Trung Quốc đang thống trị thị trường Indonesia với việc hai nhãn hiệu Oppo và Vivo dẫn đầu về thị phần trong 4 năm qua, thậm chí đánh bại gã khổng lồ Samsung của Hàn Quốc.

Tập đoàn dữ liệu quốc tế (IDC) Indonesia mới đây tiết lộ, thị phần của Oppo, Vivo, Xiaomi và Realme lên tới 69,5%, tương đương với khoảng 19,6 triệu chiếc trong tổng số 28,2 triệu smartphone được tiêu thụ tại quốc gia Đông Nam Á này tính đến hết quý III/2022.

Số liệu của IDC Indonesia cho thấy các thương hiệu Trung Quốc nói trên luôn lọt vào top 5 trong suốt những năm qua mặc dù doanh số smartphone đang có xu hướng chậm lại. (TTXVN)

Kinh tế châu Âu

* Theo báo cáo mới của Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và không khí sạch (CREA) có trụ sở tại Helsinki (Phần Lan), Nga đang thiệt hại ước tính 160 triệu Euro/ngày do tác động kết hợp của lệnh cấm vận dầu mỏ sâu rộng của Liên minh châu Âu (EU) và biện pháp áp đặt giá trần của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7).

Báo cáo công bố ngày 11/1 này lưu ý mức thiệt hại kinh tế của Nga - nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới - có thể lên tới 280 triệu Euro/ngày sau ngày 5/2, thời hạn EU buộc 27 nước thành viên phải loại bỏ dần tất cả hoạt động nhập khẩu sản phẩm dầu mỏ tinh chế bằng đường biển.

Nga hiện thu 640 triệu Euro/ngày – giảm so với mức 1 tỷ Euro/ngày hồi tháng 3/2022 - từ việc bán tất cả các nhiên liệu hóa thạch, được cho là chiếm khoảng 40% ngân sách liên bang của nước này. (Euronews)

* Bộ Năng lượng Liên bang Nga không loại trừ khả năng áp dụng các biện pháp bổ sung để hạn chế việc giảm giá dầu của nước này ở mức giới hạn trên cơ sở giá thị trường. Bộ này cho biết sẽ giám sát giá dầu và quy mô giảm giá.

Thông tin chi tiết về quy trình giám sát giá và chiết khấu sẽ được công bố trong thời gian tới. Cũng theo bộ trên, Nga sẽ không hợp tác với các thương nhân tuân thủ các hạn chế về giá dầu dưới mọi hình thức. (TTXVN)

* Ngày 11/1, Thủ tướng Kazakhstan Alikhan Smailov cho hay, chính quyền nước này vẫn chưa nhận được đề nghị chính thức xây dựng một “Liên minh khí đốt ba bên” với Nga và Uzbekistan.

Ông Smailov nói Kazakhstan sẽ xem xét nếu nhận được đề nghị về việc thành lập “Liên minh khí đốt ba bên”. Tuy nhiên, hiện các cuộc đàm phán song phương đang diễn ra về hợp tác trong lĩnh vực bảo đảm khí đốt với Liên bang Nga.

Theo ông Smailov, chính quyền Kazakhstan đang chờ vòng đàm phán tiếp theo với Gazprom trong thời gian tới, và mối quan hệ này sẽ được xây dựng trên cơ sở “thương mại và cùng có lợi”. (TTXVN)

* Chủ tịch Cơ quan Mạng lưới liên bang Đức (Bundesnetzagentur) Klaus Müller ngày 7/1 cho biết, lượng tích trữ khí đốt của Đức hiện được lấp đầy trên 90% và Đức không còn phải lo ngại tình trạng thiếu khí đốt trong mùa Đông này. Tuy nhiên, Đức vẫn kêu gọi người dân tiết kiệm, chuẩn bị cho mùa Đông tới.

Trước đó, quốc gia Tây Âu đặt mục tiêu lấp đầy 40% các bể chứa vào đầu tháng Hai và với những số liệu như hiện nay, mục tiêu này thực tế không khó đạt được. (AFP)

* Giá dầu châu Á giảm vào chiều 11/1 do dự trữ dầu thô và nhiên liệu của Mỹ tăng bất ngờ, trong khi triển vọng bất ổn kinh tế làm dấy lên lo ngại về nhu cầu.

Phiên này, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 54 xu Mỹ (tương đương 0,72%) xuống 74,58 USD/thùng lúc 14h (giờ Việt Nam). Giá dầu thô Brent kỳ hạn cũng giảm 50 xu Mỹ (0,62%) xuống 79,60 USD/ounce.

Các nguồn tin trích dẫn số liệu từ Viện Dầu khí Mỹ (API) cho biết, các kho dự trữ dầu thô của nước này đã tăng 14,9 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 6/1. Đồng thời, lượng dự trữ sản phẩm chưng cất, bao gồm dầu sưởi và nhiên liệu máy bay, tăng khoảng 1,1 triệu thùng. (Reuters)

* Trong báo cáo hàng tháng công bố ngày 9/1, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nhận định, Khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone) sẽ chứng kiến lương tăng rất mạnh trong tháng tới để bắt kịp với lạm phát.

Trong tháng 12/2022, lạm phát tại Eurozone đã giảm xuống dưới 10%, sau 18 tháng tăng liên tục. Tuy nhiên, báo cáo giải thích rằng, lương thực tế giảm đáng kể so với năm 2019, thời điểm trước đại dịch, do lạm phát làm giảm sức mua, với tăng trưởng lương hàng năm của quý II/2022 ở Eurozone là 5,2%. (AFP)

Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc

* Nhà điều hành chuỗi cửa hàng thời trang Uniqlo, Fast Retailing Co., ngày 11/1 cho biết sẽ tăng mức lương hàng năm cho người lao động tại Nhật Bản tới 40% vào tháng 3/2023.

Mức lương tháng khởi điểm của người mới tốt nghiệp đại học sẽ được nâng lên 300.000 Yen (2.300 USD) từ mức 255.000 Yen hiện nay, tương đương với mức tăng lương cả năm khoảng 18%.

Mức lương tháng của các quản lý mới của cửa hàng sẽ là 390.000 Yen, tăng 100.000 Yen và mức tăng hằng năm là 36%.

Mức lương hàng năm của các lao động khác cũng sẽ tăng đến 40%. (Kyodo)

* Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc (MOTIE) ngày 11/1 cho biết, chính phủ sẽ thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do (FTA) với hơn 10 quốc gia và xúc tiến thương mại với hơn 20 quốc gia trong năm 2023, nhằm thúc đẩy đà tăng trưởng kinh tế và đa dạng hóa danh mục thương mại của nước này.

Một quan chức của MOTIE cho biết, chính phủ sẽ tìm kiếm một thỏa thuận dưới hình thức Hiệp định Đối tác Kinh tế (EPA) thay vì tìm kiếm các FTA truyền thống. Mục tiêu là thiết lập một mạng lưới thương mại cùng có lợi với các quốc gia đối tác ngoài việc mở cửa thị trường đơn thuần. (Yonhap)

* Cà phê đang ngày càng được ưa chuộng ở Hàn Quốc và số liệu thống kê mới công bố cho thấy lượng nhập khẩu cà phê của Hàn Quốc từ tháng 1-11/2022 đã tăng hơn 45% so với cùng kỳ năm 2021.

Theo số liệu từ Cơ quan Hải quan Hàn Quốc, giá trị nhập khẩu cà phê của nước này đạt 1,19 tỷ USD trong 11 tháng của năm 2022, tăng 45,1% so với cùng kỳ năm trước đó. Đây là lần đầu tiên kim ngạch nhập khẩu cà phê hằng năm của Hàn Quốc vượt 1 tỷ USD, tăng 16,7 lần so với thời điểm 20 năm trước. (TTXVN)

Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi

* Trong tháng 11/2022, lạm phát của Australia đã tăng trở lại mức đỉnh của tháng 9/2022, chủ yếu do giá thực phẩm, du lịch và nhà ở tăng mạnh.

Số liệu do Cơ quan Thống kê Australia (ABS) công bố ngày 11/1 cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hằng năm, tính đến tháng 11/2022, đã tăng 7,3%, cao hơn 0,4% so với tháng trước đó. (TTXVN)

Thái Lan thông qua ngân sách 3,35 nghìn tỷ Baht (hơn 100 tỷ USD) cho năm tài chính 2024. (Nguồn: Bangkok Post)

* Người phát ngôn chính phủ Thái Lan Anucha Burapachaisri cho biết, nội các nước nước này hôm 10/1 đã thông qua ngân sách 3,35 nghìn tỷ Baht (hơn 100 tỷ USD) cho năm tài chính 2024.

Theo ông Anucha, ngân sách cho tài khóa 2024 tăng 5,18%, tương đương 165 tỷ Baht (gần 5 tỷ USD) so với năm 2023. Chính phủ Thái Lan cũng ấn định mức chi tiêu là 3,18 nghìn tỷ Baht (95 tỷ USD), với mức thâm hụt ngân sách là 695 tỷ baht (20,8 tỷ USD).

Gói ngân sách 3,35 nghìn tỷ Baht sẽ bao gồm chi phí cố định trị giá 2,508 nghìn tỷ Baht (75 tỷ USD), tăng 4,43% so với năm tài chính trước đó và chiếm 74% tổng ngân sách. Bên cạnh đó, các quỹ bổ sung cho kho bạc quốc gia là 33,7 tỷ baht (khoảng 1 tỷ USD), chiếm 1,01% toàn bộ ngân sách. (TTXVN)

* Trong bài phát biểu trước các thành viên ngoại giao đoàn ở Jakarta vào ngày 11/1, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi khẳng định, nước này cần tiếp tục tăng cường ngoại giao kinh tế trong bối cảnh toàn cầu đầy thách thức như hiện nay.

Theo bà Retno, trong suốt nhiệm kỳ Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vào năm 2022, Indonesia đã ký kết khoảng 140 dự án hợp tác song phương với tổng giá trị lên tới hơn 1,1 triệu tỷ Rupiah (71 tỷ USD). (TTXVN)

* Ngày 9/1, Indonesia và Malaysia - những nhà sản xuất dầu cọ lớn nhất thế giới - đã nhất trí hợp tác để chống lại “sự phân biệt đối xử” đối với mặt hàng này sau cuộc hội đàm giữa các nhà lãnh đạo hai nước.

Thông tin trên đã được Tổng thống Indonesia Joko Widodo công bố tại buổi họp báo chung với Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim - người đang có chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi đắc cử vào tháng 11/2022.

Tổng thống Widodo cho biết hai nước láng giềng này sẽ “chống phân biệt đối xử với dầu cọ” và “tăng cường hợp tác thông qua Hội đồng các nước sản xuất dầu cọ” để giải quyết các mối quan ngại.

Trước đó, EU đã công bố kế hoạch loại bỏ dần nhiên liệu làm từ dầu cọ vào năm 2030, vốn được cho là liên quan đến nạn phá rừng. (TTXVN)

(tổng hợp)