Khí đốt Nga chảy qua đường ống Yamal-Europe gần Nesvizh, cách thủ đô Minsk của Belarus khoảng 130 km về phía Tây Nam. (Nguồn: AP) |
Kinh tế thế giới
Morgan Stanley: Kinh tế toàn cầu chỉ tăng trưởng 2,9% trong năm 2022
Ngân hàng Morgan Stanley dự đoán tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2022 sẽ ở mức 2,9%, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 6,2% trong năm 2021.
Các chuyên gia kinh tế của ngân hàng này cho rằng, tăng trưởng có khả năng giảm tốc như vậy là do chính sách kích thích tài khóa yếu đi, chính sách tiền tệ thắt chặt, sự kéo dài của dịch Covid-19, những gián đoạn trong chuỗi cung ứng và gần đây nhất là tác động từ xung đột Nga-Ukraine.
Giá dầu và hàng hóa đang tăng vọt sau khi Nga chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây vì chiến dịch quân sự đặc biệt của nước này tại Ukraine, từ đó làm gia tăng áp lực lạm phát trên toàn cầu và khiến chính phủ và ngân hàng trung ương các nước đánh giá lại các chính sách tiền tệ của mình.
Trong khi đó, các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt của Trung Quốc đã khiến hoạt động sản xuất bị đình trệ và làm giảm nhu cầu trong nước, qua đó ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. Đà tăng trưởng xuất khẩu của nước này chậm lại, xuống mức thấp nhất trong gần hai năm qua.
Tin liên quan |
Giá vàng hôm nay 12/5, Giá vàng bất ngờ đảo chiều, vẫn ‘lấp lánh’ với vai trò trú ẩn lý tưởng, đừng thất vọng khi rót tiền, chóng mặt với SJC |
Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tại Ukraine chưa có dấu hiệu dừng lại và nỗ lực kiềm chế lạm phát của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu có thể kìm hãm tăng trưởng, các chuyên gia của Morgan Stanley dự đoán khả năng tăng trưởng kinh tế gia tăng là rất nhỏ.
Morgan Stanley nhận định việc tăng trưởng giảm tốc sẽ diễn ra trên diện rộng và chỉ có hai nền kinh tế lớn mà ngân hàng này cho là sẽ không giảm tốc đáng kể là Nhật Bản và Ấn Độ. (Reuters)
IMF nêu lợi ích của hiện đại hóa hệ thống thanh toán
Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva ngày 10/5 kêu gọi hiện đại hóa hệ thống thanh toán quốc tế toàn cầu thông qua các nền tảng kỹ thuật số, cho rằng điều này sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ nền kinh tế toàn cầu bị phân tán.
Phát biểu tại một hội thảo ở Thụy Sỹ, bà Georgieva cảnh báo, hệ thống thanh toán quốc tế cho phép luân chuyển vốn giữa các quốc gia đang phải đối mặt với những thách thức lớn, bao gồm chi phí giao dịch quá cao.
Tổng giám đốc IMF đề cập việc chuyển kiều hối của người nhập cư gửi về nước cho gia đình phải chịu mức phí trung bình khoảng 6,3%. Điều đó có nghĩa là khoảng 45 tỷ USD mỗi năm sẽ vào tay các bên trung gian thay vì đến trực tiếp người nhận là hàng triệu hộ gia đình có thu nhập thấp.
Một vấn đề khác là sự thiếu thống nhất giữa các quốc gia trong thanh toán quốc tế. Bà Georgieva cho rằng, cuộc xung đột tại Ukraine tạo ra một cú sốc đối với nền kinh tế toàn cầu và làm tăng nguy cơ xảy ra “chiến tranh lạnh mới”.
Tác động của cuộc xung đột đã gây “phân rẽ” giữa các nền kinh tế, khiến cuộc họp thường kỳ 6 tháng của IMF ngày 21/4 vừa qua kết thúc mà không đưa ra được tuyên bố chung.
Điều đó đặt ra yêu cầu cần phải hiện đại hóa hệ thống thanh toán quốc tế bằng việc sử dụng các nền tảng kỹ thuật số. Thông qua các nền tảng này, việc chuyển tiền giữa các quốc gia sẽ dễ dàng hơn, nhanh hơn, an toàn tối đa với mức phí tối thiểu. (AP)
Kinh tế Mỹ
* Bộ Lao động Mỹ ngày 11/5 công bố tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế lớn nhất thế giới tháng Tư vừa qua tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời là tháng thứ hai liên tục trong năm nay lạm phát vượt 8%.
Như vậy, lạm phát tháng Ba (8,5%) và tháng Tư của Mỹ năm nay đều tăng tới mức kỷ lục trong hơn 40 năm qua, tính từ tháng 12/1981. (Reuters)
* Ngày 10/5, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông cùng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang nỗ lực giải quyết tình trạng lạm phát tăng cao ở nước này, nhấn mạnh đây là "ưu tiên hàng đầu" trong các vấn đề trong nước đối với chính phủ.
Tổng thống Biden bày tỏ chia sẻ với những khó khăn của người dân Mỹ trong bối cảnh giá hàng tiêu dùng tăng hơn 8% so với năm ngoái, nhấn mạnh chính sách giải phóng kho dự trữ dầu chiến lược và gây sức ép với các công ty có lợi nhuận cao nhằm giảm giá hàng hóa. (TTXVN)
Kinh tế Trung Quốc
* Số liệu thống kê chính thức cho thấy lạm phát tiêu dùng tại Trung Quốc đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong gần nửa năm, trước đà tăng chi phí kiểm soát dịch Covid-19 và giá hàng hóa cao.
Trong tháng Tư, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung QUốc đã tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái và cũng cao hơn tháng trước.
Sau 4 tháng giảm liên tiếp, giá lương thực nói chung đã tăng lần đầu tiên trong tháng Tư. Trong khi đó, Chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng 8%, cao hơn dự kiến, khi giá các mặt hàng như dầu thô và kim loại màu vẫn ở mức cao. (AFP)
* Trong tháng Tư, tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong gần hai năm, ở mức 3,9%, khi sự gia tăng trở lại các ca mắc Covid-19 dẫn đến tình trạng đóng cửa các nhà máy, hạn chế đi lại và tắc nghẽn tại các cảng chính.
Theo Bloomberg, con số trên cao hơn dự đoán của các nhà phân tích về mức tăng trưởng 2,7%, nhưng là mức thấp nhất kể từ tháng 6/2020.
Gần đây, Fitch Ratings đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 của Trung Quốc từ 4,8% xuống 4,3%, thấp hơn nhiều mức mục tiêu chính thức mà chính phủ nước này đặt ra là 5,5%. (Yonhap)
Kinh tế châu Âu
* Lượng khí đốt của Nga trung chuyển qua Ukraine tới châu Âu đã giảm xuống trong ngày 11/5, sau khi công ty điều hành hệ thống truyền tải khí đốt của Ukraine GTSOU tuyên bố sẽ tạm ngừng quá trình vận chuyển hàng qua trạm Sochranovka.
Phía Ukraine viện dẫn nguyên nhân cho quyết định nói trên là những phức tạp vì xung đột ở nước này. Trong khi đó, tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga cho rằng không có lý do thực sự nào để Ukraine tuyên bố “bất khả kháng” trong việc vận chuyển khí đốt của Nga qua trạm Sochranovka. (AFP)
* Ngày 10/5, Bộ trưởng Kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản Koichi Hagiuda nhận định, nước này và các quốc gia châu Âu thuộc Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) sẽ khó cấm nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga trừ khi tìm được nhà cung cấp thay thế.
Ông cảnh báo nếu tất cả các nước G7 cùng lúc cấm nhập khẩu LNG của Nga mà không đảm bảo có nguồn cung thay thế, nền kinh tế thế giới, bao gồm cả lĩnh vực năng lượng, sẽ rơi vào tình trạng “hỗn loạn”. (TTXVN)
* Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen ngày 9/5 tuyên bố bà đã đạt được tiến triển trong đàm phán với Thủ tướng Hungary Viktor Orban về khả năng áp đặt lệnh cấm vận trong toàn Liên minh châu Âu (EU) đối với nhiên liệu hóa thạch của Nga.
Bà Von der Leyen cho biết sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến với các quốc gia khác trong khu vực nhằm tăng cường hợp tác khu vực về cơ sở hạ tầng dầu mỏ.
EU dự định áp đặt gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Nga, trong đó có kế hoạch loại bỏ dần dầu thô nhập khẩu từ Nga trong vòng 6 tháng và các sản phẩm dầu tinh luyện vào cuối năm nay. (AFP)
* Bộ Kinh tế Đức đang âm thầm chuẩn bị cho kịch bản nguồn cung khí đốt từ Nga có thể đột ngột bị cắt bất cứ lúc nào. Tính đến trước thời điểm Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine, Đức vẫn phụ thuộc vào khoảng 55% nguồn cung khí đốt từ Nga.
Đức tuyên bố muốn tự “dứt bỏ” nguồn cung từ Nga, song dự báo vẫn phải phụ thuộc phần lớn vào lượng khí đốt nhập khẩu của Moscow ít nhất đến giữa năm 2024. Hiện vẫn chưa rõ liệu Nga có dừng đột ngột nguồn cung hay không. (TTXVN)
EU dự định áp đặt gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Nga, trong đó có kế hoạch loại bỏ dần dầu thô nhập khẩu từ Nga trong vòng 6 tháng và các sản phẩm dầu tinh luyện vào cuối năm nay. (Nguồn: Reuters) |
* Ngày 9/5, trên Cổng thông tin pháp lý chính thức của Nga đăng tải sắc lệnh của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc thành lập một nhóm công tác liên bộ để xây dựng các cơ chế mới trong lĩnh vực điều tiết tiền tệ và thanh toán quốc tế.
Thành phần của Nhóm công tác này cũng đã được phê duyệt, do Trợ lý của Tổng thống Nga Maxim Oreshkin đứng đầu.
Nhóm công tác sẽ là cơ quan điều phối đảm bảo sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan và tổ chức Liên bang, khu vực và các cơ quan, tổ chức khác trong việc thực hiện chính sách của nhà nước về quy định tiền tệ và thanh toán quốc tế. (TTXVN)
* Đại sứ Trung Quốc tại Nga Zhang Hanhui ngày 5/5 cho biết, các ngân hàng trung ương của Trung Quốc và Nga sẽ thảo luận về việc sử dụng và thúc đẩy các hệ thống thanh toán quốc gia của hai nước.
Theo đó, Trung Quốc sẽ sử dụng một ngân hàng thanh toán bù trừ cho các giao dịch bằng đồng Nhân dân tệ trên lãnh thổ Nga để đảm bảo sự phát triển thương mại bền vững của hai nước, mà Nga dự báo sẽ đạt mức 200 tỷ USD vào năm 2024. (TTXVN)
Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc
* Ngày 12/5, Nhật Bản đã áp dụng thêm một số biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Nga trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Theo đó, các tổ chức hay cá nhân muốn mua từ 10% trở lên cổ phần trong một công ty Nga hoặc cung cấp các khoản vay mới cho các doanh nghiệp Nga với kỳ hạn trên 1 năm đều phải xin phép chính phủ.
Nhật Bản cấm các tổ chức, cá nhân thanh toán tiền cho các doanh nghiệp và tổ chức khác của Nga. Chính phủ Nhật Bản cũng quyết định phong tỏa tài sản của Sberbank - tổ chức tài chính lớn nhất của Nga - và Alfa Bank - ngân hàng tư nhân lớn nhất ở Nga. (TTXVN)
* Theo một khảo sát của Reuters, kinh tế Nhật Bản ước giảm trong ba tháng đầu năm 2022, khi đại dịch vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến tiêu dùng và xuất khẩu. GDP của Nhật Bản trong quý I/2022 có thể giảm 1,8% so với cùng kỳ năm 2021. (Reuters)
* Cơ quan Dịch vụ giám sát tài chính Hàn Quốc (FSS) ngày 11/5 cho biết, trong quý I/2022, các ngân hàng ở Hàn Quốc đã đạt lợi nhuận ròng cao hơn so với cùng kỳ năm trước do chi phí cho vay tăng đã làm tăng thu nhập lãi của họ.
Theo FSS, tổng thu nhập ròng của các ngân hàng đã đạt 5,6 nghìn tỷ Won (4,4 tỷ USD) trong giai đoạn từ tháng 1-3/2022, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước. (Yonhap)
* Cơ quan Thống kê Hàn Quốc ngày 10/5 cho biết nguồn cung nội địa của các nhà sản xuất nước này trong quý I/2022 tăng quý thứ năm liên tiếp, giữa bối cảnh nền kinh tế phục hồi.
Chỉ số cung ứng sản xuất trong nước của Hàn Quốc trong giai đoạn tháng 1-3/2022 tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước lên 107,4 (điểm). (Yonhap)
Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
* Ngân hàng Dự trữ Australia dự báo lương thực tế của người lao động nước này sẽ giảm cho đến khi lạm phát toàn cầu do cuộc xung đột ở Ukraine hạ nhiệt và các gián đoạn trong chuỗi cung ứng do tác động của đại dịch Covid-19 được giải quyết trong năm 2023.
RBA dự đoán lạm phát tại Australia sẽ đạt đỉnh 5,9% vào năm 2022, gần gấp đôi dự báo của tháng 2/2022 là 3,25%, và cao hơn so với mức 5,1% theo dự báo gần đây nhất. (TTXVN)
* Xuất khẩu lương thực của Thái Lan dự kiến sẽ tăng 5% trong năm 2022 sau khi tăng trưởng mạnh mẽ 26% trong quý đầu tiên, do xung đột Nga-Ukraine và gia tăng lo ngại về tình trạng thiếu lương thực ở nhiều nước.
Xuất khẩu lương thực của Thái Lan đạt 324 tỷ Baht (khoảng 9,35 tỷ USD) trong quý đầu tiên của năm nay. Trong số đó, các sản phẩm thực phẩm công nghiệp đạt 187 tỷ Baht, tăng 40,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi các sản phẩm thực phẩm nông nghiệp chiếm 138 tỷ Baht, tăng 10%. (TTXVN)
* Bộ trưởng Hàng hóa Malaysia Zuraida Kamaruddin cho biết, nước này đang tận dụng lợi thế từ lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ của Indonesia bằng cách cắt giảm một nửa thuế xuất khẩu dầu cọ.
Theo ước tính từ Hiệp hội chiết xuất dung môi của Ấn Độ (SEA), sự kết hợp giữa thuế xuất khẩu thấp hơn và lệnh cấm của Indonesia có nghĩa là tỷ trọng xuất khẩu dầu cọ của Indonesia sang Ấn Độ sẽ giảm xuống 35% trong niên vụ hiện tại (kết thúc vào ngày 31/10/2022), từ mức hơn 75% của một thập niên trước.
Malaysia là nước hưởng lợi lớn nhất từ các chính sách khó lường của Indonesia. Hiện tại, vì Indonesia không có mặt trên thị trường, Malaysia đang bán nhiều dầu cọ hơn và với mức giá cao gần kỷ lục. (Reuters)
* Jeju Air Co., hãng hàng không giá rẻ lớn nhất Hàn Quốc, ngày 9/5 cho biết sẽ nối lại đường bay Busan-Singapore vào tháng tới khi các chính sách hạn chế do dịch Covid-19 được nới lỏng và giải phóng nhu cầu bị dồn nén.
Theo đó, sẽ có hai chuyến bay mỗi tuần trên đường bay đến Singapore từ ngày 24/6 sau khi hãng tạm dừng đường bay này cách đây 28 tháng do đại dịch Covid-19. (Yonhap)
| Giá vàng hôm nay 12/5, Giá vàng bất ngờ đảo chiều, vẫn ‘lấp lánh’ với vai trò trú ẩn lý tưởng, đừng thất vọng khi rót tiền, chóng mặt với SJC Giá vàng hôm nay 12/5 bất ngờ quay đầu tăng. Giá vàng đang vật lộn để giữ trong vùng tích cực. Vàng bị mắc kẹt ... |
| EU cấm vận dầu, kinh tế Nga lao đao, chiến dịch ‘xoay trục’ sang phương Đông của Moscow hứa hẹn gì? Lệnh cấm vận dầu mỏ là một trong những biện pháp trừng phạt mạnh mẽ nhất của phương Tây đối với Nga liên quan tới ... |