Kinh tế thế giới
Bơm xăng cho phương tiện giao thông tại Arlington, Virginia, Mỹ, ngày 12/4. (Nguồn: THX) |
Nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ thấp hơn trong năm 2022
Ngày 13/4, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhận định nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong năm nay sẽ thấp hơn so với dự báo đưa ra trước đó do các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt để phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô nhiều nhất thế giới.
IEA dự báo nhu cầu dầu mỏ trong năm 2022 trung bình ở mức 99,4 triệu thùng/ngày, thấp hơn 260.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó, song vẫn cao hơn 1,9 triệu thùng/ngày so với năm ngoái.
Theo IEA, nguồn cung dầu mỏ từ Nga dự kiến tiếp tục giảm thêm 1,5 triệu thùng/ngày trong tháng Tư do xung đột tại Ukraine. Tuy nhiên, việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) tăng sản lượng, trong khi Mỹ và một số thành viên khác của IEA xả kho dự trữ, sẽ giúp ngăn sản lượng dầu giảm mạnh.
Trước đó, các nước giàu đã nhất trí giải phóng thêm 120 triệu thùng dầu từ kho dự trữ khẩn cấp, trong đó một nửa là từ Mỹ, nhằm bình ổn giá dầu tăng mạnh sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại miền Đông Ukraine. (TTXVN)
Tăng trưởng thương mại toàn cầu sẽ "giảm tốc"
Ngày 11/4, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cảnh báo xung đột giữa Nga và Ukraine có thể làm giảm 50% mức tăng trưởng theo dự báo thương mại toàn cầu trong năm nay và kéo lùi tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới.
Trong phân tích đầu tiên về tác động của căng thẳng Nga-Ukraine được Ban Thư ký WTO đưa ra trước khi công bố dự báo thương mại thế giới toàn cầu, tổ chức này nhận định cuộc xung đột đã "giáng một đòn mạnh" vào nền kinh tế toàn cầu.
Dựa trên mô hình mô phỏng kinh tế toàn cầu, WTO dự báo căng thẳng Nga-Ukraine có thể khiến tăng trưởng GDP giảm 0,7-1,3 điểm phần trăm, xuống còn 3,1-3,75% trong năm 2022; tăng trưởng thương mại toàn cầu năm nay có thể giảm gần 50% của mức dự báo 4,7% hồi tháng 10 năm ngoái xuống còn khoảng 2,4-3%.
Ban Thư ký WTO cũng cho biết xung đột đã đẩy giá lương thực và năng lượng lên cao, đồng thời làm giảm khả năng xuất khẩu hàng hóa của Nga và Ukraine.
Về dài hạn, WTO cảnh báo cuộc xung đột Nga-Ukraine thậm chí có thể châm ngòi cho việc phân rã nền kinh tế toàn cầu thành các khối riêng biệt.
WTO cảnh báo rằng thiệt hại đối với thu nhập từ sự phát triển theo chiều hướng như vậy "sẽ rất nghiêm trọng, đặc biệt là đối với các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển".
Ở cấp độ toàn cầu, xu hướng này có thể làm giảm khoảng 5% GDP trong dài hạn thông qua việc hạn chế cạnh tranh và kìm hãm sự đổi mới, dẫn tới việc GDP có thể sụt giảm nghiêm trọng hơn. (TTXVN)
Kinh tế Mỹ
* Bộ Lao động Mỹ ngày 12/4 công bố số liệu cho thấy lạm phát tại nước này đã tiếp tục tăng trong tháng 3/2022, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 8,5% trong 12 tháng qua, mức tăng cao nhất kể từ tháng 12/1981 tại Mỹ.
So với tháng 2/2022, CPI đã tăng 1,2%, phù hợp với dự báo trước đó của các nhà phân tích mặc dù CPI "lõi" chỉ tăng 0,3% trong tháng 3. Với số liệu trên, đây là tháng thứ 6 liên tiếp, CPI hàng năm tại Mỹ ở mức trên 6%. CPI của tháng trước đó là 7,9%.
Số liệu trên được xem là báo cáo đầu tiên cho thấy sự tác động của cuộc xung đột tại Ukraine đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới. (AFP)
* Ngày 13/4, ngân hàng lớn nhất của Mỹ tính trên giá trị tài sản, JPMorgan Chase, đã báo cáo lợi nhuận quý I/2022 giảm 42% so với cùng kỳ năm trước xuống 8,3 tỷ USD, trong khi doanh thu giảm 5% xuống 30,7 tỷ USD.
Kết quả trên diễn ra giữa bối cảnh ngân hàng này đã dành 902 triệu USD cho các khoản nợ xấu, do những rủi ro xuất phát từ xung đột Nga-Ukraine và đà tăng của lạm phát. (AFP, Reuters)
Kinh tế Trung Quốc
* Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, trong tháng 3/2022, nhập khẩu của nước này đã giảm 0,1% so với một năm trước, đánh dấu mức giảm lần đầu tiên kể từ tháng 8/2020, giai đoạn đầu của đại dịch. Đây là hệ quả của các lệnh phong tỏa xã hội nghiêm ngặt liên quan đến đại dịch Covid-19.
Con số này thấp hơn nhiều so với dự báo từ cuộc khảo sát của Bloomberg và trái ngược hoàn toàn so với mức tăng trưởng 15,5% trong hai tháng đầu năm nay.
Tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc cũng chậm lại trong tháng 3/2022, chỉ đạt mức 14,7%, so với mức tăng trưởng 16,3% trong hai tháng đầu năm. (AFP)
* Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) ngày 11/4 cho biết, Chỉ số giá sản xuất (PPI) của nước này trong tháng Ba tăng 8,3% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn dự kiến. Nguyên nhân là cuộc khủng hoảng Ukraine đẩy giá dầu tăng và đại dịch Covid-19 bùng phát làm căng thẳng nguồn cung cấp thực phẩm và chi phí tiêu dùng.
Cũng theo NBS, CPI của Trung Quốc trong tháng Ba cũng tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước. (AFP)
Kinh tế châu Âu
* Lạm phát kỳ vọng trung bình 5 năm tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) ở mức trên 2,4% vào ngày 13/4, mức cao kỷ lục trong 10 năm.
Theo Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), mức lạm phát trung bình ước tính cho 5 năm tính từ ngày được báo cáo đã tăng kể từ năm 2012 và vượt mức mục tiêu 2% mà ECB đặt ra. Số liệu này tăng từ mức khoảng 2,2% trước khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine và khoảng 2% vào đầu năm. (Reuters)
Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga cho biết, ngày 10/4, tập đoàn này vẫn cung cấp khí đốt của Nga cho châu Âu trung chuyển qua Ukraine như bình thường. (Nguồn: Reuters) |
* Liên minh châu Âu (EU) ngày 7/4 đã thông qua lệnh cấm nhập khẩu than đá của Nga, cũng như cấm các tàu, thuyền của Nga cập bến các cảng của liên minh này.
Pháp, nước giữ chức Chủ tịch luân phiên của Hội đồng EU, cho biết biện pháp này thuộc vòng trừng phạt thứ 5 của EU nhằm vào Nga sau chiến dich quân sự của nước này tại Ukraine. Đây là lần đầu tiên các biện pháp trừng phạt của EU nhằm vào lĩnh vực năng lượng của Nga. (TTXVN)
* Tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga cho biết, ngày 10/4, tập đoàn này vẫn cung cấp khí đốt của Nga cho châu Âu trung chuyển qua Ukraine như bình thường, với 79,6 triệu m3. Tuy nhiên, khối lượng khí đốt này ít hơn mức đặt ra trong các đơn đặt hàng dài hạn trước đó (khoảng 109,5 triệu m3 khí đốt mỗi ngày).
Trước đó, ngày 9/4, Gazprom đã cung cấp 78,3 triệu m3 khí đốt theo yêu cầu của người tiêu dùng châu Âu thông qua đường ống dẫn khí trên lãnh thổ Ukraine. (Reuters)
* Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 13/4 cho biết, nước này có thể dễ dàng chuyển hướng xuất khẩu các nguồn năng lượng khổng lồ của mình từ phương Tây sang các nước khác, trong khi tiếp tục gia tăng tiêu thụ dầu mỏ, khí đốt và than đá tại thị trường nội địa.
Tổng thống Putin thừa nhận tình hình hiện nay đã gây ra những khó khăn nhất định cho nước Nga, song khẳng định nước này có mọi nguồn lực và khả năng để nhanh chóng tìm ra giải pháp thay thế. Trong dài hạn, nước Nga còn tăng cường hơn nữa khả năng tự cường trước những yếu tố bên ngoài. (TTXVN)
* Báo cáo chung vừa được công bố này 13/4 của 5 viện kinh tế hàng đầu nước Đức nhận định rằng, nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ đối mặt với một cuộc suy thoái mạnh nếu nguồn cung khí đốt từ Nga đột ngột bị chặn. Trong khi đó, chính phủ Đức cũng thừa nhận, xung đột Nga-Ukraine đã gây ra "rủi ro đáng kể" cho nền kinh tế nước này.
Theo báo cáo, việc nguồn cung năng lượng của Nga bị dừng đột ngột sẽ khiến mức tăng trưởng kinh tế Đức giảm xuống còn 1,9% trong năm nay và dẫn đến khả năng suy giảm 2,2% vào năm 2023. (TTXVN)
* Chủ tịch Ủy ban Kiểm toán Liên bang Nga, cựu Bộ trưởng Tài chính Alexei Kudrin ngày 12/4 dự báo kinh tế nước này đang trên đà giảm hơn 10% trong năm 2022. Nếu thành sự thật, đây sẽ là mức suy giảm mạnh nhất của kinh tế Nga kể từ năm 1994 tới nay.
Trong khi đó, một nguồn tin thân cận với chính phủ Nga cho hay, Bộ Kinh tế dự báo GDP của nước này sẽ giảm 10-15% trong năm nay. (TTXVN)
* Cơ quan báo chí của chính phủ Nga ngày 10/4 cho hay, Quỹ dự phòng của chính phủ sẽ tăng lên 273,4 tỷ Ruble (3,41 tỷ USD) nhằm hướng tới việc đảm bảo sự ổn định của nền kinh tế trước các lệnh trừng phạt từ bên ngoài.
Quỹ dự phòng được thành lập để hỗ trợ cho các khoản chi phí phát sinh và không được quy định trong luật ngân sách liên bang cho năm tài chính tương ứng. (TTXVN)
* Theo trung tâm phân tích tại Trường Kinh tế Kiev của Ukraine, thiệt hại kinh tế trực tiếp của nước này do hệ thống cơ sở hạ tầng bị phá hủy kể từ khi bắt đầu chiến dịch đặc biệt của Nga đã lên tới 80,4 tỷ USD. So với tuần trước, con số thiệt hại đã tăng thêm 12,2 tỷ USD.
Tổng thiệt hại đối với nền kinh tế Ukraine - bao gồm sụt giảm GDP, rút các khoản đầu tư, cắt giảm lao động và chuyển hướng chi phí - dao động từ 564-600 tỷ USD.
Trước đó, ngày 10/4, theo báo cáo của Ngân hàng thế giới, kinh tế Ukraine trong năm 2022 sẽ giảm 45,1%, giảm sâu hơn so với mức dự báo từ 10-35% mà Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra hồi tháng trước. (AFP)
Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc
* Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) ngày 12/4 công bố số liệu cho thấy, giá bán buôn của nước này đã tăng 7,3% trong 12 tháng đến tháng 3/2022 so với một năm trước.
Đây là mức tăng nhanh nhất từng được ghi nhận tại Nhật Bản, do giá dầu thô và giá hàng hóa tăng mạnh trong bối cảnh kinh tế phục hồi từ đại dịch Covid-19 và căng thẳng Nga-Ukraine.
Tính riêng trong tháng Ba, giá bán buôn đã tăng 9,5%, mức tăng cao thứ hai kể từ khi các số liệu so sánh bắt đầu được thu thập vào năm 1981, sau mức 9,7% ghi nhận trong tháng Hai. Giá bán buôn tại Nhật Bản đã tăng trong 13 tháng liên tiếp, theo số liệu của BoJ. (Kyodo)
* Chính phủ Nhật Bản đã yêu cầu các công ty điện lực gia tăng dự trữ khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và chia sẻ các nguồn năng lượng.
Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản đã chỉ đạo các công ty điện lực đảm bảo rằng họ có đủ nguồn năng lượng dự trữ trong 3 tuần, đồng thời kêu gọi các công ty khí đốt và điện lực bán khí đốt dự phòng cho nhau. Các quan chức của Bộ cũng đang thảo luận về các biện pháp sử dụng LNG với các đại diện trong ngành. (Reuters)
* Theo số liệu được công bố ngày 12/4 của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Hàn Quốc đã cung cấp 2,86 tỷ USD vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) trong năm 2021, tăng 26,9% so với năm trước đó. Đây là mức tăng cao nhất kể từ khi nước này tham gia vào Ủy ban hỗ trợ phát triển (DAC).
Hàn Quốc đứng thứ 15 thế giới về số vốn ODA cung cấp trong năm 2021, tăng một bậc so với năm trước đó. (Yonhap)
* Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki ngày 12/4 cho biết, nền kinh tế này sẽ tăng trưởng với tốc độ chậm hơn dự kiến trước đó, trong khi lạm phát tăng cao hơn giữa bối cảnh bất ổn kinh tế ngày một nhiều do cuộc khủng hoảng Ukraine gây ra.
Theo ông Hong Nam-ki, sẽ rất khó để nền kinh tế Hàn Quốc đạt được mục tiêu tăng trưởng do chính phủ đề ra trong năm nay. (Yonhap)
Thủ tướng Australia Scott Morrison. (Nguồn: Reuters) |
Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
* Thủ tướng Australia Scott Morrison ngày 12/4 đã đặt vấn đề việc làm trở thành trọng tâm trong chiến dịch tranh cử sắp tới. Theo đó, ông cam kết tạo ra 1,3 triệu việc làm trong 5 năm tới.
Bộ trưởng Ngân khố Australia Josh Frydenberg cũng nhấn mạnh, người dân sẽ được chứng kiến số việc làm tăng lên. (AFP)
* Ngày 13/4, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's tuyên bố giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm của Brazil ở mức Ba2 (thấp hơn hai bậc so với mức đầu tư), với triển vọng ổn định.
Moody's duy trì xếp hạng tín nhiệm của Brazil là do chính phủ nước này đã áp dụng những thay đổi cơ cấu trong chính sách tài khóa và tiền tệ trong những năm gần đây, qua đó giúp cải thiện hiệu quả hoạt động tài khóa và giảm thiểu tác động của việc tăng lãi suất cơ bản. (TTXVN)
* Bộ Giao thông Vận tải Indonesia vừa cho phép mở lại tuyến phà biển kết nối cảng quốc tế Karimun thuộc tỉnh Quần đảo Riau với bến phà Stulang Laut của Malaysia, sau hai năm bị gián đoạn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Đề xuất nối lại tuyến phà biển nói trên đã được đệ trình vào tháng 2/2022, sau khi chính phủ cho phép khôi phục các tuyến phà biển kết nối các đảo Bintan và Batam của tỉnh Quần đảo Riau với Malaysia và Singapore. (TTXVN)
* Ngân hàng Standard Chartered cho biết, cuộc khảo sát mới nhất của ngân hàng với tiêu đề “Kinh doanh không biên giới: Hành lang Trung Đông-ASEAN” cho thấy, các công ty Trung Đông đang có tăng trưởng kinh doanh trong khu vực này và 78% trong số đó coi Malaysia là điểm đến hàng đầu.
Các lĩnh vực tăng trưởng chính của Malaysia thu hút các công ty Trung Đông là lọc-hóa dầu, năng lượng tái tạo, bán lẻ và hàng hóa tiêu dùng. (TTXVN)